Chế độ đãi ngộ đối với quân đội thể hiện sự phân biệt thứ bậc rõ rệt gắn với từng đối tượng cụ thể

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều nguyễn giai đoạn 1802 1884 (Trang 129 - 132)

2. Vấn đề đãi ngộ cho quân đội dưới triều Nguyễn đã được đề cập ở một số nội dung: định chế về thưởng phạt, cách tính và việc chi trả lương bổng cho

5.2.1. Chế độ đãi ngộ đối với quân đội thể hiện sự phân biệt thứ bậc rõ rệt gắn với từng đối tượng cụ thể

Mục đích cuối cùng của chế độ đãi ngộ đối với quân đội là nhằm xây dựng một đội quân mạnh, trung thành với nhà nước, ổn định tình hình nội trị và chống các thế lực ngoại xâm đem lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân. Tuy nhiên dưới thời quân chủ, bảo vệ nhà nước trước hết là bảo vệ chế độ chuyên chế của vua và hoàng tộc. Do vậy trong chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với quân đội, binh lính xuất thân hay có quan hệ và gắn lợi ích đối với vua và hoàng tộc luôn được nhà nước bảo vệ quyền lợi không phải là việc đặc biệt. Đặc điểm này được thể hiện không những trong tổ chức của quân đội mà còn thể hiện trong chế độ đối với võ quan và binh lính.

Đối với tổ chức ngạch binh, một bộ phận con cháu trong hoàng tộc được tuyển vào làm lính Thân binh (vệ Tuyển Phong). Đây là ngạch binh bảo vệ trực tiếp cho vua và hoàng tộc đồng thời đây cũng là bộ phận được hưởng quyền lợi cao nhất trong các chính sách của nhà nước, từ lương, phẩm trật đến chế độ ban thưởng khác. Ngoài ra, võ quan là người trong tôn thất khi đi đánh dẹp các cuộc nổi dậy hoặc đánh giặc ngoại xâm bị trận vong, trận thương định mức ban thưởng cũng cao hơn những võ quan khác. Điều này thể hiện mục đích của vua Nguyễn muốn duy trì và củng cố sự trung thành của bộ phận binh lính trong tôn thất đối với dòng họ của mình đồng thời cũng là một cách nhà nước duy trì sự cai trị của mình thông qua bộ phận thân tộc của dòng họ.

Bên cạnh đó, triều Nguyễn ban hành chế độ ban cấp ưu hậu đối với quân lính quê ở vùng Thanh - Nghệ nhất là đối lính quê ở Tống Sơn, quê hương của nhà Nguyễn. Chính sách này bắt nguồn từ chế độ ưu cấp của nhà Lê - Trịnh đối với quân ở Thanh Nghệ. Đây là bộ phận binh lính có công lớn cùng vua tham gia trận mạc trong nội chiến Lê – Mạc và giữ vững được vương triều, bộ phận này còn được gọi là quân Tam phủ. Ngay từ khi lập nước, dưới triều vua Gia Long, triều đình đã thực hiện nhiều chính sách ưu cấp đối với binh lính quê ở Tống Sơn.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), vua đã dụ cho bộ Binh: “Người Tống Sơn đều là chỗ thân thích quê hương, theo đức Thái tổ ta vào trấn phương Nam, lập nhiều công lao, con cháu đời đời cùng nước hưởng Phước. Nhưng vì vận nước suy sút, phải tản cư trong dân gian. Nay lấy lại đô cũ thì người ta ai cũng tìm người cũ” [89; 455] bèn cho ghi tên con cháu công thần ở Tống Sơn ở trong quân hay trong dân để lượng ghi dùng. Đồng thời vua Gia Long cho người liệt kê tổng công được 469 người công tính (họ nhà chúa) cùng con cháu các bề tôi cho tập ấm và miễn dao dịch.

và cấp thêm tiền gạo cho binh lính. Thực lục cho biết, vua thấy Tống Sơn là đất thang mộc, cội gốc ở đó nên muốn ra ân đặc biệt, hạ chiếu cho phép từ nay tô thuế dao dịch đều được miễn, đồng thời thực hiện ban cấp:“Những binh ở vệ Tín uy Thị nội mỗi năm cấp cho mỗi người 12 phương gạo, như có sai phái việc quân thì cấp cho lương tháng khác (1 quan tiền 1 phương gạo), hằng năm cứ tháng 12 thì đòi về tập hợp ở Kinh. Tại trấn thì cấp quần áo, 3 quan tiền và một tháng tiền lương (1 quan 5 tiền), đến Kinh thì chiếu theo lệ lương của binh Tả hầu Hữu hầu và Trung nhất mà cấp. Rồi hạ lệnh cho các thành dinh trấn, phàm binh các đội thuyền Bính quê ở Tống Sơn thì quan thống quản không được sai bừa làm việc vặt, để tỏ phân biệt” [89; 812].

Năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhà nước thống nhất tiền lương cho lính Thủ hộ có sự phân biệt giữa lính quê ở Thừa Thiên và lính Quảng Nam với lính quê ở Tống Sơn. Trong khi lính ở Tống Sơn được một tháng được 5 tiền, 1 phương gạo thì lính ở 2 địa phương còn lại mỗi tháng chỉ được mỗi người 1 phương gạo [95; 480].

Ngoài ra, đối với lính Thanh Nghệ - vùng đất khởi nghiệp của các chúa Nguyễn triều đình cũng có những chính sách ban cấp ưu hậu. Định lệ cấp lương năm Gia Long thứ 2 (1803) cho biết, triều đình ban cấp tiền lương tháng cho các biền binh Thanh Nghệ là lính hộ giá [89; 575]. Không chỉ được ban cấp lương, lính quê ở vùng đất này còn được triều đình ban cấp tiền may quần áo. Lính giản ở Thanh Nghệ từ năm Gia Long thứ 12 (1813) được lĩnh 3 quan vào tháng 12 hàng năm và tự đi may quần áo. Tự Đức năm thứ 14 (1861), thực hiện chế độ ban thưởng riêng cho 1487 biền binh hai tỉnh Thanh, Nghệ đến Kinh thao diễn mỗi người 1 quan tiền, 1 đĩnh bạc.

Sự ưu ái đặc biệt này lý giải tại sao trong thời gian cầm quyền của vương triều Nguyễn, các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tiếp ở Bắc kỳ, Bắc Trung kỳ và Nam kỳ nhưng không có cuộc khởi nghĩa nào nổ ra ở vùng Thanh Hóa Nghệ An và Hà Tĩnh.

Sự phân chia thứ bậc còn thể hiện ở sự ưu cấp của triều đình đối với binh lính làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ vua và Hoàng tộc. Trong định mức của chế lương bổng đối với binh lính, bộ phận thân binh và cấm binh luôn cao hơn các bộ ngạch binh khác. Như nhận định của tác giả Hoàng Lương (2017) về chính sách lương của binh lính dưới triều Minh Mệnh:“chính quyền Minh Mệnh một mặt vẫn giành sự ưu ái nhất định đối với bộ phận thân binh, cấm binh; mặt khác, yếu tố công bằng trong định lệ chi cấp giữa các ngạch quân bước đầu đầu được chú trọng” [153; 41].

Không chỉ có chính sách ưu hậu đối với bộ phận binh lính có quan hệ thân cận đối với vua mà trong chế độ lương, thưởng còn có sự phân biệt giữa quan lại cấp cao và quan lại cấp thấp. Điều này thể hiện trong việc lấy phẩm hàm làm tiêu chí định mức lương bổng cho các quan (trong đó có võ quan) của triều Nguyễn. Theo đó, những võ quan phẩm trật cao đồng nghĩa với mức lương bổng và trợ cấp cao và ngược lại. Trong định mức lương của triều Nguyễn có sự chênh lệnh rất lớn giữa các phẩm hàm, chẳng hạn dưới triều Minh Mệnh, lương tiền của của Chánh nhất phẩm 1 năm là 400 quan, Chánh tòng cửu phẩm chỉ được 18 quan (chênh lệch hơn 20 lần). Phụ cấp may quần áo của Chánh nhất phẩm là 70 quan gấp 18 lần Chánh tòng bát phẩm với 4 quan, không có chế độ ban cấp tiền quần áo cho Cửu phẩm. Không những thế, trong những ngày lễ - tết chính sách thưởng cũng có sự chênh lệnh giữa võ quan cao cấp và võ quan cấp thấp, phân biệt giữa võ quan trong và ngoài kinh thành

Dưới triều Nguyễn, bộ phận quan lại cao cấp từ Tứ phẩm trở lên là bộ phận có quan hệ mật thiết với vua và hoàng tộc. Bộ phận này hoặc là thuộc dòng dõi nhà vua hoặc giữ các trọng trách đứng đầu các cơ quan ảnh hưởng trực tiếp tới nền chính trị của vương triều. Bản chất chính sách này là để bảo vệ quyền lợi của vua và hoàng tộc. Do vậy, chính sách đãi ngộ đối với quân đội của triều Nguyễn thể hiện sự phân chia thứ bậc rõ rệt.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ chế độ đãi ngộ đối với quân đội dưới triều nguyễn giai đoạn 1802 1884 (Trang 129 - 132)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(200 trang)
w