1.1.2 .Các nghiên cứu ở Việt Nam
1.2. Một số khái niệm
1.2.3. Bồi dưỡng giáo viên tiểu học
Bồi dưỡng với ý nghĩa nhằm phát triển, nâng cao nghề nghiệp, quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp.
Tác giả Nguyễn Minh Đường quan niệm: "Bồi dưỡng có thể coi là quá trình cập nhật kiến thức và kỹ năng còn thiếu đã học hoặc đang lạc hậu trong cấp học, bậc học và thường được xác nhận bằng chứng chỉ".
Bồi dưỡng thực chất là quá trình cập nhật bổ sung tri thức, kỹ năng để nâng cao trình độ trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn nào đó qua hình thức bồi dưỡng nào đó. Mục đích bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để người lao động có cơ hội củng cố, mở mang hoặc nâng cao hệ thống tri thức kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nghiệp vụ sẵn có nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc đang làm (không nhằm mục đích đổi nghề).
Trong GD&ĐT theo nghĩa rộng: Bồi dưỡng được hiểu là một dạng đào tạo phi chính quy, về bản chất thì bồi dưỡng là một con đường của đào tạo và người được bồi dưỡng được hiểu là những người đang đương nhiệm trong các cơ quan, ví dụ như: Cơ quan giáo dục hay trong các nhà trường, cán bộ các xã thị trấn, khu dân cư…
Quá trình bồi dưỡng chính là quá trình tổ chức và thực hiện những tương tác qua lại giữa các thành tố cấu tr c, trong đó chủ thể chuyên môn đóng vai trò chủ đạo, nhằm làm cho đối tượng bồi dưỡng hoạt động tích cực, qua đó nâng cao năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Quá trình bồi dưỡng thể hiện quan điểm giáo dục hiện đại đó là: "Đào tạo liên tục và học tập suốt đời".
Tóm lại: Bồi dưỡng chính là quá trình bổ sung "bồi đắp" những thiếu hụt về tri thức, kỹ năng và thái độ, cập nhật cái mới trên cơ sở "nuôi dưỡng" những cái cũ còn phù hợp để mở mang có hệ thống những tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ, làm giàu
vốn hiểu biết, nâng cao hiệu quả lao động. Bồi dưỡng là sự tiếp nối quá trình đào tạo chứ không phải là khởi đầu; cũng có khi bồi dưỡng lại tạo ra tiền đề và tiêu chuẩn cho quá trình đào tạo chính quy ở bậc cao hơn về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực cụ thể.
Từ cách tiếp cận hoạt động bồi dưỡng, học viên cho rằng: Bồi dưỡng giáo viên tiểu học là những tác động có tổ chức, có kế hoạch của các chủ thể, lực lượng sư phạm tới giáo viên tiểu học, tạo cơ hội cho họ tham gia vào các hoạt động dạy học - giáo dục, nghiên cứu khoa học để cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn - nghiệp vụ, bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp, nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực sư phạm của giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Mục tiêu bồi dưỡng giáo viên tiểu học nhằm bổ sung, phát triển, hoàn thiện tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng và những phẩm chất bảo đảm cho con người đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và dạy học ở trường tiểu học.
Nội dung bồi dưỡng giáo viên tiểu học bao gồm: Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, bồi dưỡng đảm bảo về chất lượng giáo viên là nội dung chủ yếu, trọng tâm.
Phương thức bồi dưỡng giáo viên tiểu học được thực hiện bằng sự phối hợp nhiều cách thức, biện pháp khác nhau của chủ thể quản lí. Do sự phong phú về nội dung phát triển và đặc điểm giáo viên tiểu học nên các cách thức, biện pháp bồi dưỡng giáo viên tiểu học cũng rất đa dạng; bao gồm cả những tác động từ các chủ thể trực tiếp, gián tiếp và cả những tác động từ chính giáo viên.