Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý ngân sách cho nông nghiệp nông thôn
3.3.1. Yếu tố khách quan
+ Điều kiện kinh tế xã hội: NSNN là tổng hòa các mối quan hệ kinh tế xã hội, do vậy nó luôn chịu sự tác động của các yếu tố đó, cũng như các chính sách kinh tế - xã hội và cơ chế quản lý tương ứng, cụ thể:
Về kinh tế:
Việc quản lý thu, chi ngân sách luôn chịu ảnh hưởng của nhân tố về trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập của người dân trên địa bàn. Khi trình độ kinh tế phát triển và mức thu nhập bình quân của người dân tăng lên, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn ngân sách và sử dụng có hiệu quả, mà nó còn đòi hỏi các chính sách, chế độ, định mức kinh tế - tài chính, mức chi tiêu ngân sách phải thay đổi phù hợp với sự phát triển kinh tế và mức thu nhập, mức sống của người dân. Do đó, ở nước ta cũng như các nước trên thế giới, người ta luôn quan tâm chú trọng đến nhân tố này, trong quá trình quản lý hoạch định của chính sách thu chi NSNN.
Thực tế cho thấy, khi trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập bình quân trên địa bàn còn thấp cũng như ý thức về sử dụng các khoản chi chưa được đúng mức còn có tư tưởng ỷ lại Nhà nước thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chi NSNN. Khi chúng ta thực hiện tốt những vấn đề thu ngân sách trong đó có nhiều nhân tố tác động nhưng trình độ mức sống của người dân ngày càng nâng cao thì việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước có thể rất dễ dàng. Trường hợp nếu trình độ và mức sống còn thấp thì việc thu thuế cũng rất khó khăn.
Tại huyện Cô Tô, tốc độ phát triển và tăng trưởng kinh tế ngày một bền vững, trong 3 năm đạt mức 11,35%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1000 USD năm 2012 lên 1.200 USD năm 2014; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, sản lượng khai thác đạt cao, công suất tăng 9.126 CV năm 2014 bằng 371 phương tiện; sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay Cô Tô đã có 2/2 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Nhìn chung, tình hình kinh tế của huyện Cô Tô chưa cao, chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ cho huyện.
Về xã hội: Nhìn chung tình hình xã hội của huyện Cô Tô khá ổn định. Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm và đầu tư. Duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục đúng độ tuổi bậc tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, toàn huyện có 07/09 trường đạt chuẩn quốc gia, 02 trường đang hoàn thiện thủ tục đề nghị kiểm tra, công nhận đạt chuẩn
Công tác y tế được đảm bảo với 100% số xã có trạm y tế và cơ sở vật chất y tế được đảm bảo.
+ Chính sách và thể chế kinh tế
Do là một huyện đặc biệt có vị trí chiến lược của Tỉnh, nhưng đời sống người nông dân lại vô cùng khó khăn. Vì vậy, Nhà nước và Tỉnh đã có những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho người nông dân.
Theo đó, căn cứ Nghị Quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thông tư số 120/2011/TT-BTC ngày 16/08/2011 của Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định SỐ 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; thì người dân tại huyện Cô Tô không phải nộp thuế nông nghiệp.
Quản lý thu, chi ngân sách là hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài chính ngân sách. Quá trình quản lý thu, chi ngân sách thường bị chi phối bởi các nhân tố sau:
Thể chế tài chính quy định phạm vi, đối tượng thu, chi của các cấp chính quyền; quy định, chế định việc phân công, phân cấp nhiệm vụ chi, quản lý chi của các cấp chính quyền; quy định quy trình, nội dung lập, chấp hành và quyết toán ngân sách. Quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý thu, chi ngân sách, sử dụng quỹ ngân sách. Thể chế tài chính quy định, chế định những nguyên tắc, chế độ, định mức chi tiêu. Do vậy, nói đến nhân tố ảnh hưởng đến quản lý thu, chi ngân sách trước hết phải nói đến thể chế tài chính. Vì nó chính là những văn bản của Nhà nước có tính quy phạm pháp luật chi phối mọi quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý thu, chi ngân sách. Thực tế cho thấy nhân tố về thể chế tài chính có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả quản lý thu chi ngân sách trên một lãnh thổ địa bàn nhất định, do vậy đòi
hỏi phải ban hành những thể chế tài chính đúng đắn phù hợp mới tạo điều kiện cho công tác nói trên đạt được hiệu quả.
3.3.2. Yếu tố chủ quan
* Bộ máy quản lý:
Khi nói đến cơ cấu tổ chức một bộ máy quản lý thu, chi ngân sách người ta thường đề cập đến quy mô nhân sự của nó và trong sự thiết lập ấy chính là cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý thu, chi ngân sách và các mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các bộ phận trong quá trình thực hiện chức năng này. Hay nói cách khác, điều quan trọng hơn cả là phải thiết lập cụ thể rõ ràng, thông suốt các “mối quan hệ ngang” và các “mối quan hệ dọc”. Sự thiết lập ấy được biểu hiện thông qua qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp, các bộ phận trong tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý thu chi ngân sách. Quy định chức năng nhiệm vụ của bộ máy và cán bộ quản lý thu, chi theo chức năng trách nhiệm quyền hạn giữa bộ phận này với bộ phận khác, giữa cấp trên với cấp dưới trong quá trình phân công phân cấp quản lý đó. Nếu việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện không rõ ràng, cụ thể thì dễ xảy ra tình trạng hoặc thiếu trách nhiệm, hoặc lạm quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý thu, chi ngân sách. Nếu bộ máy và cán bộ năng lực trình độ thấp thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách. Do đó tổ chức bộ máy và cán bộ là nhân tố rất quan trọng trong quá trình tổ chức quản lý thu, chi ngân sách.
* Cơ sở vật chất:
Vốn là một vấn đề quan trọng trong công tác quản lý ngân sách. Đặc thù công việc là làm việc với những giá trị lớn, nên trang thiết bị hiện đại, tốc độ cao là vô cùng quan trọng đối với công tác quản lý ngân sách. Tuy nhiên, hệ thống máy móc thiết bị tại huyện đã cực kỳ lỗi thời, vô cùng chậm chạp khiến cho công việc nhập và xử lý số liệu mất rất nhiều thời gian. Các cán bộ phụ trách tài chính đã nhiều lần kiến nghị lên huyện xin chi nâng cấp, nhưng vì nguồn vốn của huyện vô cùng hạn hẹp và cần phải chi cho rất nhiều các hoạt động khác trong huyện nên cho đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất như bàn, ghế, tủ đựng tài liệu,...của huyện cơ bản đã cũ nát và không được nâng cấp nhiều năm nay. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công tác lưu trữ, bảo quản các tài liệu quan trọng về quản lý tài chính.
* Khoa học công nghệ:
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý nói chung và quản lý ngân sách nói riêng là đặc biệt quan trọng, nhất là khi công việc gắn liền với giá trị tiền rất lớn là một việc vô cùng quan trọng.
Thực tế hiện nay có rất nhiều các phần mềm máy tính có chất lượng tốt giúp quản lý ngân sách một cách hiệu quả như PX 2.0, Misa,..Tuy nhiên, do ngân sách còn nhiều hạn chế, chính vì vậy hiện tại huyện không hề có bất kỳ phần mềm đặc dụng nào hỗ trợ công tác quản lý ngân sách mà chỉ có phần mềm văn phòng cơ bản như Word, Excel,...Chính vì vậy, công tác quản lý và tính toán ngân sách rất dễ sai sót, nhầm lẫn, dẫn đến sai số và hiệu quả không cao. Vì vậy, việc trang bị phần mềm và các công nghệ khác phục vụ quản lý ngân sách là vô cùng cần thiết.
* Trình độ cán bộ quản lý ngân sách:
Theo số liệu của Phòng Tài chính- KH, hiện nay trên toàn huyện gồm 13 phòng chuyên môn quản lý nhà nước, 07 tổ chức đảng, đoàn thể, 5 đơn vị sự nghiệp, 3 xã, thị trấn thuộc huyện quản lý và thụ hưởng từ ngân sách cấp huyện; trong đó: có 30 cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý ngân sách, chia ra: cấp huyện 20 người, cấp xã 10 người (Chủ tịch UBND 3; cán bộ tài chính kế toán 7); Hầu hết cán bộ làm công tác quản lý ngân sách tại các phòng, đơn vị cấp huyện, xã thị trấn đều có trình độ Đại học. (94,7% Đại học; 5,3% trình độ Trung cấp); 13,53% cán bộ có thâm niên trong ngành từ 5 năm trở nên; 41,35% có thâm niên trong ngành từ 3 đến 5 năm; 45,12% cán bộ mới tham gia QLNS dưới 3 năm.
* Kinh nghiệm làm việc:
Đội ngũ cán bộ làm công tác QLNS cấp xã cơ bản nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm và quyền hạn của mình trong việc quản lý, điều hành ngân sách theo luật NSNN. Song trình độ chuyên môn còn hạn chế 35% cán bộ QLNS cấp xã có trình độ trung cấp; 50% có thời gian công tác trong ngành dưới 3 năm nên thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động trong công tác tham mưu cho chính
quyền địa phương nuôi dưỡng, phát triển và khai thác nguồn thu cũng như huy động đóng góp của dân.