Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý đội ngũ cán bộ công chức ····

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ cán bộ công chức quận cầu giấy thành phố hà nội​ (Trang 32 - 35)

Quản lý đội ngũ cán bộ công chức chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan.

1.2.5.1. Yếu tố khách quan

- Môi trường pháp lý: Công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật, Nghị

định, Quyết định... về các nội dung của công tác quản lý như: công tác quy hoạch; công tác đào tạo, bồi dưỡng; công tác đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật cán bộ công chức... Thực tế những năm qua cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác cán bộ công chức ngày càng được hoàn thiện, chặt chẽ góp phần tạo động lực cho công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo dẫn đến việc chồng chéo trong phân cấp quản lý; các quy định và việc thực thi kỷ luật đối với cán bộ công chức chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe dẫn đến việc cán bộ công chức vẫn còn vi phạm kỷ luật; mỗi công tác lại có văn bản hướng dẫn riêng tuy nhiên chưa có tính ổn định lâu dài, thường xuyên chỉnh sửa, thay đổi gây khó khăn trong công tác quản lý...

- Môi trường kinh tế - văn hoá - xã hội: Công tác quản lý cán bộ công chức chịu ảnh hưởng khá lớn của môi trường kinh tế - văn hoá - xã hội. Kinh tế kém phát triển, chính trị không ổn định sẽ không có điều kiện để quan tâm, chăm lo đến đời sống, vật chất, tinh thần, cán bộ công chức không yên tâm công tác, đồng thời, không có điều kiện để đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ việc thực hiện công vụ của cán bộ công chức dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc không cao. Ngược lại, nếu môi trường kinh tế - văn hoá - xã hội ổn định, phát triển thì công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức sẽ được quan tâm đầu tư. Xã hội càng phát triển ý thức kỷ luật của con người nói chung, của đội ngũ cán bộ công chức nói riêng càng được nâng cao; ý thức trách nhiệm với công việc cũng được nâng lên; con người có điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; được làm việc trong môi trường tốt, có nhiều trang thiết bị hiện đại góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Kinh tế phát triển có thể trả lương cao cho cán bộ công chức, đảm bảo cho cuộc sống của họ sẽ hạn chế tình trạng cán bộ công chức tham nhũng.

- Văn hoá địa phương: Phong tục, tập quán, nếp nghĩ của địa phương ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của chủ thể và đối tượng quản lý.

1.2.5.2. Yếu tố chủ quan

Ngoài tác động của nhân tố khách quan, công tác quản lý cán bộ công chức còn chịu tác động của những nhân tố chủ quan sau đây:

- Quan điểm, mục tiêu của nhà quản lý: Trên cơ sở quan điểm mục tiêu của tổ chức đề ra mà nhà quản lý sẽ đưa ra những cách thức quản lý phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Quan điểm đúng đắn, mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị thì công tác quản lý càng dễ dàng và đạt kết quả tốt. Ngược lại, quan điểm sai lệch, mục tiêu quá cao hoặc quá thấp so với điều kiện thực tế đều dẫn ảnh hưởng tới kết quả quản lý. Mục tiêu quá cao tức là khi các điều kiện hiện có không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra, sẽ dẫn đến mất kiểm soát, việc quản lý sẽ không sát sao, bị buông lỏng; mục tiêu quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực.

- Trang thiết bị, công nghệ: Trang thiết bị công nghệ hiện đại giúp quản lý giờ giấc làm việc của đội ngũ cán bộ công chức; đánh giá, xếp loại cán bộ công chức; đánh giá chất lượng đầu vào của cán bộ công chức. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới thời gian, độ chính xác của kết quả thi tuyển cán bộ công chức; đánh giá việc thực hiện chế độ công vụ của cán bộ công chức. Bên cạnh đó, với trang thiết bị hiện đại, giúp việc thu thập và xử lý thông tin về cán bộ công chức của nhà quản lý sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, cán bộ công chức được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại sẽ giúp việc giải quyết công vụ của cán bộ công chức diễn ra nhanh chóng, chính xác, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

- Trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cán bộ công chức: Công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức là một nội dung rộng,

bao gồm nhiều khâu, liên quan đến nhiều vấn đề như: các chế độ chính sách cho cán bộ công chức; con đường thăng tiến của cán bộ công chức. Do tính chất phức tạp, đòi hỏi cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn vững vàng và hiểu biết về nhiều nội dung như: hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về đối tượng quản lý, cũng như phải nắm vững các quy chế, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức. Từ đó, có nhiều cách thức quản lý hiệu quả. Bên cạnh yêu cầu có kiến thức chuyên sâu, hiểu biết rộng, các cán bộ quản lý còn cần phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, không vụ lợi, nể nang, xuôi chiều. Chất lượng đội ngũ cán bộ là hết sức quan trọng nhưng nếu số lượng cán bộ công chức quản lý quá ít so với yêu cầu, tất yếu xảy ra hiện tượng mỗi cán bộ phải thực hiện khối lượng công việc quá tải, từ đó dẫn đến công tác quản lý sẽ bị buông lỏng.

- Chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức: chất lượng của đối tượng được quản lý có ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý.

- Trình độ càng cao, ý thức chấp hành quy định, quy chế cơ quan của đội ngũ cán bộ công chức càng tốt, ý thức, thái độ trong phục vụ nhân dân cũng được nâng lên, việc thi hành công vụ cũng được thực hiện nhanh chóng, chính xác vì thế công tác quản lý cũng thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ cán bộ công chức quận cầu giấy thành phố hà nội​ (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)