Kiến nghị với Chính phủ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân tại trung tâm thông tin tín dụng quốc gia việt nam​ (Trang 104 - 106)

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chỉ nêu quyền của khách hàng vay thể nhân trong việc tiếp cận thông tin của CIC, chưa có văn bản nào

ràng buộc hoạt động đăng ký tín dụng, khai thác TTTD phải thông qua CIC; hệ thống văn bản quy định hoạt động cho vay cũng không đề cập vai trò của CIC trong việc tiếp nhận các thông tin đăng ký nhu cầu vay cũng như cung cấp điểm số tín dụng phục vụ nhu cầu tiếp cận tín dụng của khách hàng vay thể nhân. Tuy nhiên, hoạt động đăng ký tín dụng và cung cấp TTTD cho khách hàng vay thể nhân là cần thiết để thúc đẩy tính minh bạch, khách quan trong hoạt động tín dụng, đồng thời tạo điều kiện để khách hàng vay thể nhân dễ dàng hơn trong trong tiếp cận tín dụng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật với sự tham gia của các đơn vị của NHNN để thống nhất, hướng dẫn các TCTD triển khai thực hiện việc đánh giá, tiếp nhận đơn xin vay của khách hàng dựa trên điểm số tín dụng trên Báo cáo TTTD của khách hàng vay thể nhân và hồ sơ đăng ký tín dụng khách hàng vay thể nhân lưu trữ tại CIC.

Thực tế hiện nay, nạn tín dụng đen đang hoành hành khắp nơi. Người dân khát vốn sẵn sàng tiếp cận dịch vụ này rồi sau đó nhận lại hậu quả nặng nề đó là chịu mức lãi suất quá cao, phương thức trả nợ vô cùng khắt khe, thậm chí cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn khi bị đe dọa nếu chậm trả nợ…

Nếu như với chi phí lãi vay, thời gian vay phù hợp, được TCTD đánh giá, tiếp nhận đơn xin vay của khách hàng dựa trên điểm số tín dụng trên Báo cáo TTTD của khách hàng vay thể nhân và hồ sơ đăng ký tín dụng khách hàng vay thể nhân lưu trữ tại CIC thì chắc chắn người dân sẽ tiếp cận tín dụng một cách công bằng, nhanh chóng, thuận tiện. Khi các TCTD sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng, tín dụng đen chắc chắn sẽ bị đẩy lùi.

Trong kinh tế thị trường, bất cứ một hoạt động nào cũng chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có một hành lang pháp lý hữu hiệu. Vì vậy để phát triển hệ thống TTTD ngân hàng Việt Nam nói chung và hoạt động cung cấp TTTD cho khách hàng vay thể nhân nói riêng thì vấn đề quan trọng là phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Đây vừa là yêu cầu vừa là điều kiện cần phải có.

Việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý chính là yêu cầu căn bản của việc xây dựng một môi trường chia sẻ thông tin công bằng và hiệu quả. Có 4 nội dung cơ bản mà khuôn khổ pháp lý cần phải đề cập đó là: ai là người có thể chia sẻ thông tin; nội dung các thông tin có thể được chia sẻ; các quy định về tiếp cận và công bố thông tin; các quyền của người vay được cập nhật và phản đối các dữ liệu được lưu giữ về họ.

Thông thường chính phủ các nước giao việc xây dựng khuôn khổ pháp lý này cho NHTW, với 5 nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) xây dựng quy định cho phép thành lập các trung tâm TTTD bao gồm cả công và tư nhân; (2) xây dựng bộ quy tắc khung để quản lý hoạt động TTTD; (3) cấp phép hoạt động chuyên ngành cho các công ty TTTD; (4) giám sát hoạt động ngành TTTD; (5) tuyên truyền khuyến khích việc sử dụng TTTD tới các TCTD, các cơ quan của chính phủ và chính khách hàng vay.

Vì vậy Việt Nam nên sớm ban hành quy định trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân tại trung tâm thông tin tín dụng quốc gia việt nam​ (Trang 104 - 106)