Phương pháp tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân tại trung tâm thông tin tín dụng quốc gia việt nam​ (Trang 51)

- Phương pháp tổng hợp số liệu: Toàn bộ số liệu thu thập được xử lý bởi chương trình Excel trên máy tính. Đối với những thông tin là số liệu định

lượng thì tiến hành tính toán các chỉ tiêu cần thiết như số tuyệt đối, số tương đối, số trung bình và lập thành các bảng biểu, đồ thị.

- Phương pháp biểu thị số liệu: + Phương pháp Bảng thống kê

Bảng thống kê là hình thức biểu hiện các số liệu thống kê một cách có hệ thống, lôgíc nhằm mô tả cụ thể, rõ ràng các đặc trưng về mặt lượng của các hiện tượng nghiên cứu. Bảng thống kê được sử dụng trong nghiên cứu này nhằm giúp cho việc phân tích thống kê được thuận lợi, rõ ràng. Các số liệu đã thu thập được sắp xếp khoa học trong bảng thống kê có thể giúp so sánh, đối chiếu, phân tích theo nhiều phương pháp khác nhau nhằm đánh giá bản chất hiện tượng nghiên cứu. Các loại bảng được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm cả bảng giản đơn, bảng phân tổ và bảng kết hợp.

+ Đồ thị thống kê

Đồ thị thống kê là các hình vẽ hoặc đường nét hình học dùng để miêu tả có tính chất quy ước các số liệu thống kê. Đồ thị thống kê được sử dụng trong đề tài này với sự kết hợp giữa các con số với các hình vẽ và màu sắc để trình bày một cách sinh động các đặc trưng về số lượng và xu hướng phát triển về mặt lượng của hiện tượng. Nhờ đó, đồ thị có khả năng thu hút sự chú ý của người đọc, giúp lĩnh hội được thông tin nhanh chóng và kiểm tra nhanh bằng hình ảnh độ chính xác của thông tin thống kê. Theo hình thức biểu hiện và nội dung phản ánh, hai loại đồ thị được sử dụng trong đề tài này là biểu đồ hình cột và biểu đồ tổng hợp.

- Phương pháp phân tích thông tin:

Phân tích thông tin là giai đoạn cuối cùng của quá trình nghiên cứu khoa học, có nhiệm vụ làm rõ các đặc trưng, xu hướng phát triển của hiện tượng và quá trình nghiên cứu dựa trên các thông tin thống kê đã được thu thập, xử lý và tổng hợp nhằm giải đáp các câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra. Quá

trình phân tích phải xác định cụ thể các mức độ của hiện tượng, xu hướng biến động cũng như tính chất và mức độ chặt chẽ của các mối liên hệ giữa các hiện tượng, để từ đó rút ra được những kết luận khoa học về bản chất cũng như tính quy luật của hiện tượng nghiên cứu; dự báo quá trình tiếp theo của hiện tượng trong thời gian ngắn. Trong đề tài này, các phương pháp phân tích thống kê được sử dụng bao gồm: phương pháp phân tích định tính, phân tích dãy số theo thời gian, phương pháp so sánh…

+ Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, tiếp cận so sánh, phương pháp trừu tượng hóa, phương pháp hệ thống hoá, phương pháp thống kê mô tả, phương pháp chuyên gia… kết hợp nghiên cứu tại bàn và khảo sát thực tế để làm rõ thực trạng hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân của CIC.

+ Phương pháp phân tích dãy số thời gian

Nghiên cứu này sử dụng các dãy số thời kỳ với khoảng cách giữa các thời kỳ trong dãy số là 1 năm đến 5 năm nhằm đánh giá sự biến động của các chỉ tiêu kinh tế nhằm đánh giá xu hướng biến động của các chỉ tiêu này.

Phương pháp dãy số thời gian dùng để xem xét sự biến động của chỉ tiêu như số lượng khách hàng, số lượng hồ sơ, doanh thu của hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân tại CIC.

+ Phương pháp so sánh

So sánh là việc đối chiếu các chỉ tiêu, các hiện tượng kinh tế, xã hội đã được lượng hoá có cùng một nội dung, tính chất tương tự nhau:

Biểu hiện bằng số: Số lần hay phần trăm.

Phương pháp so sánh gồm các dạng: So sánh qua các giai đoạn khác nhau; So sánh các đối tượng tương tự; So sánh các yếu tố, hiện tượng cá biệt với trung bình hoặc tiên tiến.

+ So sánh với các chỉ tiêu của năm trước nhằm xem xét mức độ, tốc độ biến động của các chỉ tiêu như số lượng bản báo cáo TTTD cung cấp…

+ So sánh xác định tỷ trọng trong tổng thể được sử dụng để xử lý dữ liệu sơ cấp thu thập được.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Chương 2 của luận văn đã trình bày chi tiết về các phương pháp được sử dụng để nghiên cứu cũng như thiết kế được mô hình nghiên cứu.

Nội dung chương 2 rất quan trọng, bởi vì việc lựa chọn phương pháp và thiết kế mô hình nghiên cứu giúp học viên xác định được cách thức thực hiện việc thu thập thông tin, phân loại, thống kê và xử lý thông tin một cách hiệu quả nhất trong quá trình hoàn thiện luận văn.

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP THÔNG TIN TÍN DỤNG CHO KHÁCH HÀNG VAY THỂ NHÂN

TẠI TRUNG TÂM THÔNG TIN TÍN DỤNG QUỐC GIA VIỆT NAM 3.1. Giới thiệu sơ lược về Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

3.1.1 Lịch sử phát triển của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Tên trung tâm: Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Tên giao dịch quốc tế: National Credit Information Center of Viet Nam (CIC) Địa chỉ trụ sở chính: 10 đường Quang Trung - Quận Hà Đông - thành phố Hà Nội.

Địa chỉ chi nhánh: 68 Nguyễn Huệ - phường Bến Nghé - quận 1 - thành phố Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: 19001082 Số fax: 02433.527801

Email: htkh@creditinfo.org.vn Website: http://cic.gov.vn

Những năm 1980, bối cảnh của đổi mới đã đặt ra cho ngành ngân hàng Việt Nam nhiều vận hội và thách thức. Nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao trong khi hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém trong quản lý, vận hành, hoạt động chia sẻ thông tin tín dụng còn nhiều hạn chế. Sự phát triển của ngành ngân hàng nếu không có sự thay đổi sẽ không thể đáp ứng được với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động TTTD đối với nền kinh tế nói chung và đối với hoạt động tín dụng ngân hàng nói riêng, đồng thời để có thông tin góp phần ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, Thống đốc NHNN VN đã chỉ đạo các Vụ liên quan nghiên cứu và triển khai thí điểm hoạt động TTTD.

Quá trình hình thành và phát triển của CIC được đánh dấu bằng một số điểm mốc chính sau:

Ngày 12/9/1992, Thống đốc quyết định thành lập Phòng thông tin phòng ngừa rủi ro thuộc Vụ Tín dụ là tiền thân của CIC sau này.

Ngày 24/7/1993 Thống đốc NHNN ký Quyết định số 140/QĐ-NH14 ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động thông tin phòng ngừa rủi ro. Đây là văn bản đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TTTD trong ngành ngân hàng. Đến thời điểm cuối năm 1993, NHNN đã xây dựng được mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin phòng ngừa rủi ro (viết tắt là TPR) từ Trung ương đến các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và hầu hết các NHTM bao gồm các NHTM quốc doanh, NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại VN.

Ngày 24/04/1995 Thống đốc NHNN ký Quyết định số 120/QĐ- NH14 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng. Kể từ đây Trung tâm Thông tin phòng ngừa rủi ro được đổi tên thành Trung tâm Thông tin tín dụng (tên giao dịch quốc tế là Credit information center), gọi tắt là CIC, trực thuộc Vụ Tín dụng. Theo Quy chế 120, quan hệ giữa CIC và NHTM là bình đẳng trên cơ sở các NHTM tự nguyện tham gia thành viên CIC. Hoạt động TTTD được tổ chức theo hệ thống dọc từ NHNN TW đến các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và các TCTD. Nghiệp vụ TTTD được mở rộng thu thập thông tin kinh tế, thương mại và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động tiền tệ, tín dụng; mở rộng quan hệ thông tin với các cơ quan ngoài ngành và các cơ quan TTTD quốc tế.

Triển khai Luật ngân hàng, có hiệu lực từ tháng 10/1998, Chính phủ đã có Nghị định 88/1998/NĐ-CP ngày 2/11/1998 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của NHNN VN, trong đó có Trung

tâm Thông tin tín dụng là đơn vị sự nghiệp. Ngày 27/2/1999 Thống đốc ký Quyết định số 68/1999/QĐ-NHNN9 thành lập Trung tâm thông tin tín dụng thuộc NHNN, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Vụ Tín dụng. Đồng thời Thống đốc đã ký Quyết định số 162/1999/QĐ- NHNN9 ngày 8/5/1999 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Thông tin tín dụng. Theo Quy chế này, trung tâm TTTD là một đơn vị sự nghiệp, có chức năng thu nhận, phân tích và dự báo TTTD trong ngành ngân hàng để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thống đốc NHNN, cung cấp và làm dịch vụ thông tin về tiền tệ, hoạt động ngân hàng cho các TCTD. Việc tham gia hệ thống TTTD của các TCTD chuyển từ tự nguyện trước đây sang hình thức bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và thông tin được cập nhật đầy đủ

Ngày 31/12/2008 Thống đốc NHNN ký Quyết định số 3289/QĐ-NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Thông tin tín dụng. Theo Quyết định này, CIC là đơn vị hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng mở tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên theo quy định của Nhà nước và của pháp luật.

Ngày 11/11/2013, Chính phủ đã có Nghị định số 156/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam, trong đó Trung tâm thông tin tín dụng được đổi tên thành Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. Nghị định có hiệu lực chính thức kể từ ngày 26/12/2013. Theo đó, ngày 26/02/2014, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký Quyết định số 324/QĐ-NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.

Đến ngày 12/5/2017, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký Quyết định số 926/QĐ-NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.

Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam(CIC) là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng thu thập, xử lý, phân tích, lưu trữ thông tin tín dụng, đăng ký tín dụng; chấm điểm, xếp hạng tín dụng pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ Việt Nam; cung ứng sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro tín dụng và phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện các dịch vụ thông tin ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, theo quy định của pháp luật.

* Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam như sau:

- Xây dựng, trình Thống đốc phê duyệt các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về phát triển Trung tâm dài hạn, năm năm, hàng năm; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được Thống đốc phê duyệt.

- Xây dựng, trình Thống đốc phê duyệt kế hoạch tài chính, kế hoạch lao động, kế hoạch tiền lương hàng năm; tổ chức thực hiện sau khi được Thống đốc phê duyệt.

- Lập, trình Thống đốc phê duyệt danh mục, tiêu chuẩn về TTTD; tổ chức thực hiện thiết kế, xây dựng, thu thập, xử lý, lưu trữ, quản lý Kho dữ liệu quốc gia về TTTD từ các TCTD, tổ chức khác theo quy định của Thống đốc và của pháp luật.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc NHNN xây dựng các văn bản về hoạt động thông tin tín dụng.

- Tổ chức thực hiện việc phân tích, chấm điểm, xếp hạng tín dụng các pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

- Phân tích, tổng hợp, cung cấp các báo cáo, cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, thông tin tín dụng kịp thời, đầy đủ, trung thực phục vụ cho việc quản lý nhà nước của NHNN, cơ quan quản lý nhà nước khác khi có nhu cầu.

- Tổ chức chia sẻ, khai thác, cung ứng các sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng kịp thời, đầy đủ, trung thực cho các TCTD và tổ chức khác theo quy định của Thống đốc và của pháp luật.

- Tổ chức thu thập đăng ký nhu cầu tín dụng và cung cấp báo cáo tín dụng, điểm tín dụng của chính khách hàng vay.

- Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ thông tin tín dụng đáp ứng nhu cầu xã hội theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực TTTD; phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng và các tổ chức liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác TTTD của Trung tâm và của ngành Ngân hàng.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng theo quy định của NHNN và của pháp luật.

- Thực hiện quản lý và sử dụng công chức, viên chức thuộc đơn vị theo quy định của pháp luật và quy định của NHNN về phân cấp, quản lý công chức, viên chức.

- Thực hiện trao đổi TTTD với các tổ chức TTTD nước ngoài theo quy định của pháp luật về các cam kết, điều ước quốc tế.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện hợp tác quốc tế; tiếp nhận, quản lý các dự án trợ giúp kỹ thuật của các tổ chức quốc tế về lĩnh vực TTTD khi được Thống đốc giao.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định của NHNN và của pháp luật.

- Quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.

3.1.2 Mô hình tổ chức của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Căn cứ Quyết định số 926/QĐ-NHNN ngày 12/5/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, CIC thực hiện việc tổ chức, sắp xếp các phòng, ban theo chức năng, nhiệm vụ, và quyền hạn theo sơ đồ sau:

Lãnh đạo CIC gồm:

- Hội đồng quản lý. Giúp việc Hội đồng quản lý có Văn phòng Hội đồng quản lý.

- Tổng Giám đốc. Giúp việc cho Tổng Giám đốc có ba Phó Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc do Thống đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Các phòng, ban có chức năng tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo trong việc quản lý, điều hành, triển khai hoạt động của CIC.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thành lập Hội đồng quản lý đang được CIC tiến hành xây dựng và trình Thống đốc phê duyệt. Khi có quyết định phê duyệt, CIC sẽ chính thức triển khai hoạt động theo mô hình cơ cấu tổ chức trên.

Hình 3.1: Cơ cấu tổ chức của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam

Nguồn: Phòng Hành chính nhân sự - CIC

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân tại trung tâm thông tin tín dụng quốc gia việt nam​ (Trang 51)