a. Thu thập thông tin thứ cấp
Dữ liệu thứ cấp có đặc điểm là chỉ cung cấp các thông tin mô tả tình hình, chỉ rõ qui mô của hiện tượng chứ chưa thể hiện được bản chất hoặc các mối liên hệ bên trong của hiện tượng nghiên cứu. Vì dữ liệu thứ cấp, dù thu thập từ bên trong hoặc bên ngoài, nó cũng là những thông tin đã được công bố nên đôi khi còn thiếu tính cập nhật, chính xác và chưa đầy đủ.
Tuy nhiên, dữ liệu thứ cấp cũng đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu do các lý do: Các dữ liệu thứ cấp có thể giúp người quyết định đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề trong những trường hợp thực hiện những nghiên cứu mà các dữ liệu thứ cấp là phù hợp mà không cần thiết phải có các dữ liệu sơ cấp. Ví dụ như các nghiên cứu thăm dò hoặc nghiên cứu mô tả. Ngay cả khi dữ liệu thứ cấp không giúp ích cho việc ra quyết định thì nó vẫn rất quan trọng vì nó giúp xác định và hình thành các giả thiết về các giải pháp cho vấn đề. Nó là cơ sở để hoạch định việc thu thập các dữ liệu sơ cấp; cũng như được sử dụng để xác định tổng thể chọn mẫu và thực hiện chọn mẫu để thu thập dữ liệu sơ cấp.
Như vậy dữ liệu thứ cấp có vai trò quan trọng trong nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu kinh tế, không chỉ vì các dữ liệu thứ cấp có thể giúp có ngay các thông tin để giải quyết nhanh chóng vấn đề trong một số trường hợp, nó còn giúp xác định hoặc làm rõ vấn đề và hình thành các giả thiết nghiên cứu, làm cơ sở để hoạch định thu thập dữ liệu sơ cấp. Tuy nhiên khi sử dụng dữ liệu thứ cấp phải đánh giá giá trị của nó theo các tiêu chuẩn như tính cụ thể, tính chính xác, tính thời sự và mục đích thu thập của dữ liệu thứ cấp đó.
Có hai nguồn cung cấp dữ liệu thứ cấp là nguồn dữ liệu thứ cấp bên trong và nguồn dữ liệu thứ cấp bên ngoài.
Dữ liệu thứ cấp bên trong có thể là thông tin về các chỉ tiêu hoạt động của CIC, thông tin pháp lý, thông tin dư nợ, thông tin TSĐB của khách hàng vay thể nhân...
Dữ liệu thứ cấp bên ngoài là các thông tin về nghề nghiệp, thu nhập, cảnh báo trốn thuế…
Trong phạm vi nghiên cứu của tôi, dữ liệu thứ cấp lấy từ nhiều nguồn cung cấp nên tôi sắp xếp các loại dữ liệu này theo thứ tự ưu tiên nguồn cung cấp để việc nghiên cứu được dễ dàng hơn.
Dữ liệu cần có cho nghiên cứu: Các chỉ số kinh tế, số liệu về hoạt động của CIC, số liệu về hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân của CIC.
Thu thập thông tin: Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn chủ yếu sau: - Nguồn dữ liệu bên ngoài:
Sách và các tư liệu về hoạt động cung cấp TTTD của trung tâm thông tin tín dụng; của các Bộ, ngành liên quan…
- Nguồn dữ liệu bên trong:
Báo cáo kết quả hoạt động của CIC.
Báo cáo tổng kết hoạt động cung cấp TTTD cho khách hàng vay thể nhân của CIC qua các năm.
Đề án phát triển hoạt động của CIC.
Đề án Đăng ký tín dụng và cung cấp TTTD cho khách hàng vay thể nhân tại CIC.
Ưu điểm của việc sử dụng dữ liệu thứ cấp là tiết kiệm tiền bạc, thời gian. Nhược điểm trong việc sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp là:
Số liệu thứ cấp này đã được thu thập cho các nghiên cứu với các mục đích khác; khó phân loại dữ liệu; các biến số, đơn vị đo lường có thể khác nhau...Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu tôi chỉ sử dụng các chỉ tiêu đã
được công bố rộng rãi, các báo cáo chính thống của CIC. Vì thế độ mức độ chính xác của số liệu cao.
Các dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau được kiểm tra theo các tiêu thức về tính pháp lý, chính xác, tính thích hợp. Các số liệu thu thập từ thông tin thứ cấp tương đối đồng nhất, do nguồn thu thập tương đối tin cậy. Các số liệu được công khai và minh bạch từng thời kỳ. Vì thế dữ liệu thứ cấp là đảm bảo phản ánh chân thực. Dữ liệu thứ cấp phản ảnh được tính cụ thể, tính thời sự.
Dữ liệu từ thông tin thứ cấp chủ yếu được dùng để phân tích xu thế, thực trạng và đánh giá hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân của CIC.
b. Thu thập thông tin sơ cấp
Dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế nhất định, do vậy phù hợp với những dự án nghiên cứu nhất định.
Các phương pháp nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu định tính quan sát, phỏng vấn và thử nghiệm.
Các nghiên cứu định tính bao gồm phỏng vấn nhóm, phỏng vấn chuyên sâu và kỹ thuật hiện hình. Phương pháp quan sát có thể được thực hiện bằng con người hoặc thiết bị. Các phương pháp phỏng vấn bao gồm phỏng vấn cá nhân trực tiếp, phỏng vấn nhóm cố định, phỏng vấn bằng điện thoại, phỏng vấn bằng thư tín.
Trong phạm vi đề tài nghiên cứu của tôi, căn cứ vào mục đích cần của đề tài tôi đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu khảo sát bằng bảng hỏi đối với khách hàng vay thể nhân của CIC.
Thu thập và phân tích dữ liệu sơ cấp được tiến hành như sau: - Xác định đối tượng điều tra:
Đối tượng điều tra là Khách hàng vay thể nhân của CIC. Số lượng khách hàng được khảo sát là 115 khách hàng.
- Nội dung điều tra: Chất lượng hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân của CIC.
Tác giả đã tiến hành thiết kế phiếu khảo sát theo các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ. Thang đo của tác giả sử dụng là thang đo Lirket 5 mức độ.
1: Hoàn toàn không đồng ý 2: Không đồng ý lắm
3: Lưỡng lự/ trung gian 4: Đồng ý
5: Hoàn toàn đồng ý
Sau khi tiến hành điều tra thu thập dữ liệu sơ cấp và thứ cấp đề tài tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu thông qua phần mềm Excel và tính toán mức điểm trung bình, sau đó so sánh với thang đo khoảng để đánh giá chất lượng hoạt động cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân.
Bảng 2.1: Thang đo khoảng Giá trị trung
bình Ý nghĩa
1.00 - 1.80 Hoàn toàn không hài lòng 1.81 - 2.60 Không hài lòng
2.61 - 3.40 Không ý kiến/trung bình/Trung lập 3.41 - 4.20 Hài lòng
4.21 - 5.00 Hoàn toàn hài lòng
Nguồn: Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2018