Nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ mobile banking tại ngân hàng TMCP công thương việt nam chi nhánh chương dương​ (Trang 40 - 45)

1.4.2.1. Môi trường pháp lý

Môi trường pháp lý là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Các ngân hàng chỉ có thể áp dụng dịch vụ Mobile Banking khi tính pháp lý của nó được thừa nhận (biểu hiện cụ thể bằng sự thừa nhận pháp lý giá trị của các giao dịch điện tử, các thanh toán điện tử, chứng từ điện tử…) và có các cơ quan xác thực (chứng nhận chữ ký điện tử, hay chấp nhận chữ ký điện tử). Môi trường pháp lý ổn định sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ mới vì nó sẽ được bảo đảm các hoạt động của mình chính bằng hệ thống pháp luật của quốc gia mình.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã cho ra đời những sản phẩm dịch vụ mới giúp gia tăng hiệu suất cá nhân của người dùng với chi phí thấp. Từ năm 2008, khi Steve Jobs, người sáng lập Apple, cho phép các nhà phát triển phần mềm bên ngoài xây dựng các ứng dụng cho iPhones, các sản phẩm điện thoại thông minh bắt đầu phát triển và nở rộ trên nhiều lĩnh vực. Dịch vụ Mobile Banking ra đời mang lại sự phục vụ về giao dịch ngân hàng tiện lợi hơn với chi phí thấp hơn. Hệ quả của việc này là hệ thống pháp lý không theo kịp những biến đổi lớn này. Sự ra đời của dịch vụ Mobile Banking thay đổi mạnh mẽ phương thức giao dịch ngân hàng của người tiêu dùng. Tự động hóa thay thế cho nhân công lao động. Công nghệ chia sẻ cơ sở dữ liệu cũng làm giảm bớt nhiều hoạt động của ngân hàng như lưu trữ tài khoản của khách hàng, thanh toán xuyên biên giới, thanh toán bù trừ thương mại... Sự tiến bộ về công nghệ vô cùng nhanh chóng như trên phần lớn không được tính đến một cách hợp lý trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Dưới một góc nhìn khác, nền tảng pháp lý cũng ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển của khoa học công nghệ. Trong tình huống này, chính phủ cần xây dựng những bộ luật chặt chẽ vừa phù hợp với sự

phát triển nhanh chóng của công nghệ, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt về quyền dữ liệu và bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng.

1.4.2.2. Sự phát triển của Công nghệ thông tin

Mobile Banking xuất hiện do sự phát triển của công nghệ thông tin. Vì vậy, để có thể thực hiện cung cấp dịch vụ Mobile Banking có hiệu quả đến với khách hàng, các NHTM cần có hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin có đủ năng lực:

- Tính tiên tiến về thiết bị và công nghệ:

Ngân hàng cần có mạng lưới công nghệ nội bộ liên kết rộng rãi, phù hợp cho việc chuyển đổi hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ cho phát triển dịch vụ Mobile Banking. Cùng lúc đó, việc đầu tư vào hệ thống an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng trở thành nhu cầu cấp thiết của ngân hàng. Trái ngược với các cuộc cách mạng trước, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển ngày càng nhanh chứ không đều đặn về tốc độ. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ này, ngân hàng cần bắt kịp sự thay đổi của công nghệ thông tin, hấp thu những tiến bộ về công nghệ để phát triển dịch vụ Mobile Banking phù hợp với xu thế hiện tại.

- Tính phổ cập về kinh tế:

Do tính chất đặc biệt quan trọng của công nghệ thông tin trong sự phát triển của Mobile Banking, các ngân hàng muốn phát triển dịch vụ Mobile Banking cần phải có nguồn vốn quan trọng ban đầu để đầu tư và hoàn thiện hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin của ngân hàng mình. Thực tiễn tại Việt Nam cũng cho thấy, sự phát triển của mạng viễn thông cũng như chất lượng, sự hoạt động ổn định của mạng viễn thông, mức độ trang bị máy tính trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân,... ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Mobile Banking.

1.4.2.3. Sự cạnh tranh đến từ Fintech

Một hệ quả của sự phát triển của công nghệ thông tin đó là Fintech (financial technology). Công nghệ tài chính (fintech) là công nghệ mới và đổi mới nhằm cạnh tranh với các phương pháp tài chính truyền thống trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Việc sử dụng điện thoại thông minh cho dịch vụ Mobile Banking, dịch vụ

đầu tưvà tiền mã hóa là những ví dụ về công nghệ nhằm làm cho các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận hơn với công chúng. Các công ty Fintech bao gồm cả công ty mới thành lập và các công ty tài chính và công nghệ cố gắng thay thế hoặc tăng cường việc sử dụng các dịch vụ tài chính do các Ngân hàng Thương mại hiện có cung cấp.

Năm 2009, Satoshi Nakamoto thiết lập mạng lưới Bitcoin và Blockchain đầu tiên. Từ đó, đồng tiền ảo, có “đặc tính nặc danh của tiền giấy và có độ bảo mật cao cần thiết cho hoạt động mạng điện tử xuyên suốt những bước tiến trong công nghệ mật mã hóa khóa công khai” (David Chaum, 1994), chiếm lĩnh hoạt động trong nhiều thị trường tiền tệ quốc tế và thay thế cho tiền giấy trong nhiều trường hợp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động tài chính của ngành ngân hàng trên thế giới.

Một mặt khác, nhiều thương hiệu ví điện tử xuất hiện trợ giúp việc thanh toán của người tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn. Tại Việt Nam, những thương hiệu ví điện tử nổi tiếng có ví Momo, tài khoản Moca,... và nhiều ứng dụng kinh doanh khác cũng bao hàm ví điện tử như Grab, Now, Vin ID,... Điều này cũng gây ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động của ngành ngân hàng, đặc biệt trong việc phát triển dịch vụ Mobile Banking.

1.4.2.4. Các nhân tố liên quan đến khách hàng

Đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng khá lớn đến việc chấp nhận và tạo điều kiện phát triển cho các ý tưởng mới cũng như các sản phẩm mới. Bởi sự hạn chế về trình độ sẽ hạn chế khả năng tiếp thu cái mới, đặc biệt đối với sản phẩm dịch vụ công nghệ Mobile Banking hiện nay.

Dựa trên nền tảng của sự phát triển, các thành viên trong xã hội có thể chia thành 5 nhóm phân loại bao gồm: người có sáng kiến, người tiến hành đổi mới sớm, số đông đổi mới sớm, số đông đổi mới chậm và những người lạc hậu. Những nhóm thành viên này thông qua trình độ khác nhau sẽ có những phản ứng khác nhau, chấp nhận hay không chấp nhận đối với dịch vụ mới. Tuổi tác, thu nhập, nền tảng học vấn, thói quen sử dụng tiền mặt và không quen với giao dịch ngân hàng (như thực tiễn tại Việt Nam) được biết đến như những nhân tố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự phát triển của công nghệ. Theo điều tra nhân khẩu học, những người đổi mới có xu

hướng học vấn cao hơn, mức độ nhận thức và thông minh cũng cao hơn, mang tính tác động đến người khác nhiều hơn và có thái độ chấp nhận đối mặt với rủi ro, năng động trong xã hội, họ chủ yếu thuộc về giới trẻ. Do đó thời gian qua, trong cạnh tranh phát triển dịch vụ Mobile Banking, nhiều NHTM ở Việt Nam đã tập trung vào giới trẻ.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Trên thế giới, dịch vụ Ngân hàng điện tử xuất hiện khá sớm vào năm 1990, và đến những năm 2000, dịch vụ Mobile Banking xuất hiện và phát triển một cách nhanh chóng. Với tư cách là một dịch vụ ngân hàng mới, có rất nhiều nghiên cứu đã phân tích sâu về Mobile Banking trên nhiều mặt. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của dịch vụ Mobile Banking, cũng như chưa có sự phân tích đi sâu vào hoạt động của một ngân hàng cụ thể. Vì vậy, tác giả xây dựng luận văn này với mục tiêu nghiên cứu về phát triển dịch vụ Mobile Banking trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Chương Dương.

Trong Chương 1, tác giả thể hiện cơ sở lý luận tổng quát về dịch vụ Mobile Banking, phân tích lịch sử hình thành và phát triển của dịch vụ Mobile Banking từ những năm 50 của thế kỷ XX cho đến nay, nêu rõ con đường phát triển từ dịch vụ Ngân hàng Điện tử, Internet Banking cho tới dịch vụ Mobile Banking. Chương này nêu ra đặc điểm của dịch vụ Mobile Banking, các sản phẩm dịch vụ mà Mobile banking cung cấp cho khách hàng, những công nghệ được áp dụng trong dịch vụ Mobile Banking, từ đó, đưa ra những yêu cầu cần thiết về tính an toàn, bảo mật, tiện ích đối với dịch vụ này.

Từ những lý luận nêu trên, tác giả đưa ra quan điểm về phát triển dịch vụ Mobile Banking tại Ngân hàng Thương mại. Tại đây đưa ra những tiêu chí đánh giá sự phát triển dịch vụ Mobile Banking theo hai chiều hướng: tiêu chí theo chiều rộng với những đánh giá mang tính định lượng về tăng trưởng quy mô thị trường, số lượng khách hàng, sản phẩm dịch vụ... ; và tiêu chí theo chiều sâu mang tính định tính về sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ Mobile Banking. Qua đó, đưa ra những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của dịch vụ Mobile Banking tại hệ thống NHTM. Những nhân tố này được chia ra làm nhóm nhân tố chủ quan của ngân hàng như nhân lực, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, và nhóm nhân tố khách quan từ môi trường xã hội bao gồm môi trường pháp lí, sự phát triển của công nghệ thông tin, cạnh tranh đến từ Fintech cùng với các nhân tố đến từ bản thân khách hàng khác.

CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ mobile banking tại ngân hàng TMCP công thương việt nam chi nhánh chương dương​ (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)