5. Kết cấu luận văn
4.4.2. Kiến nghị với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Thứ nhất, đề nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho phép thành lập phòng/tổ chuyên trách về nghiệp vụ bảo lãnh tại các chi nhánh, không nên ở trong phòng quan hệ khách hàng như hiện nay để đảm bảo tính chuyên môn hóa cao hơn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.
Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh giỏi chuyên môn, có tác phong làm việc năng động và thái độ phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp, tận tình. Tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn ngắn hạn đến dài hạn, thông qua các hình thức: đào tạo tập trung, tọa đàm. Thông tin kịp thời hoạt động của các đơn vị có thành tích tốt để các chi nhánh khác học tập hoặc các sai phạm để rút kinh nghiệm; Có chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý để tránh tình trạng chảy máu chất xám. Tổ chức phát động các cuộc thi, nghiên cứu khoa học về đề tài bảo lãnh.
Thứ hai, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cần thường xuyên cải tiến, bổ sung quy trình bảo lãnh trên cơ sở đơn giản hóa các thủ tục cấp bảo lãnh đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng khi thực hiện, đồng thời đảm bảo an toàn cho ngân hàng. Nghiên cứu xây dựng quy trình bảo lãnh riêng phù hợp với từng loại bảo lãnh, từng đối tượng khách hàng và thực tế hoạt động tại các chi nhánh, vừa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống BIDV, vừa đảm bảo tính khả thi tại từng địa bàn. Trước mắt Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cần xây dựng quy trình cấp bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu và bảo lãnh cho hoạt động xây lắp.
Thứ ba, tăng cường vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện ra những sai sót, từ đó có những biện pháp xử lý đúng đắn. Một hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu
quả sẽ đem lại định hướng đúng đắn không những cho hoạt động bảo lãnh mà còn cho các hoạt động dịch vụ khác tại ngân hàng, định hướng cho các hoạt động theo mục tiêu phát triển chung của ngành.
Thứ tư, xem xét trình cơ chế riêng về hoạt động bảo lãnh đối với Chi nhánh Quảng Ninh đó là giao tăng thẩm quyền phát quyết cấp hạn mức bảo lãnh của Chi nhánh đối với khách hàng là Doanh nghiệp xuất nhập khẩu với hạn mức tối đa đến 100 tỷ đồng (hiện tại đang là 75 tỷ đồng) để rút ngắn thời gian, thủ tục bảo lãnh cho khách hàng lớn, khách hàng VIP, tạo lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng.
4.4.3. Kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh
Thứ nhất, UBND tỉnh Quảng Ninh cần tổ chức thường xuyên hơn nữa những chương trình xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây nhằm tìm kiếm cơ hội giao thương giữa Doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh giáp ranh biên giới nói riêng, qua đó góp phần thúc đẩy lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, gia tăng cơ hội cho các Ngân hàng trong địa bàn tỉnh tiếp cận, cung cấp dịch vụ bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu;
Thứ hai, UBND tỉnh Quảng Ninh cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng về lãi suất tiền gửi, không dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu các Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tạm nhập tái xuất phải nộp tiền ký quỹ tại Ngân hàng TechcomBank Chi nhánh Quảng Ninh, thay vào đó hãy để cho các Doanh nghiệp này được tự do tìm kiếm Ngân hàng giao dịch tiền gửi nhằm có lợi nhất cho Doanh nghiệp (về lãi suất, cơ chế bảo lãnh);
Thứ ba, công bố công khai các Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Ninh hoặc Sở công thương (hiện chỉ có danh sách các Doanh nghiệp mà chưa phân rõ theo ngành nghề) để
cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tiếp cận đầu tư cũng như cung cấp dịch vụ bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu.