5. Kết cấu luận văn
3.2.4. Soạn thảo quyết định cấp bảo lãnh
Căn cứ nội dung phê duyệt cấp tín dụng của cấp có thẩm quyền, cán bộ quan hệ khách hàng tiến hành:
- Trường hợp từ chối cấp tín dụng: Cán bộ quan hệ khách hàng soạn thảo văn bản từ chối cấp tín dụng, trình cấp có thẩm quyền ký và gửi cho khách hàng.
- Trường hợp đồng ý cấp bảo lãnh: Cán bộ quan hệ khách hàng thực hiện thương thảo với khách hàng về các điều kiện cấp bảo lãnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ vào khả năng, yêu cầu của Khách hàng, cán bộ quan hệ khác hàng tư vấn cho khách hàng lựa chọn phương thức, loại hình phát hành bảo lãnh, cụ thể như sau:
Phương thức phát hành bảo lãnh
Trong những năm vừa qua Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Quảng Ninh không chỉ tăng trưởng ổn định về quy mô bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu, tăng trưởng số lượng khách hàng Doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà ngày càng đa dạng hóa các phương thức phát hành bảo lãnh thuế cho Người nộp thuế. Từ chỗ chỉ tập trung vào bảo lãnh riêng, đến nay Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Quảng Ninh có thể tư vấn và cung cấp cho khách hàng sử dụng bảo lãnh chung. Bảo lãnh chung gồm có bảo lãnh chung trừ lùi có khôi phục và bảo lãnh chung trừ lùi không khôi phục.
Thông thường, những khách hàng Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có quy mô vừa và nhỏ, doanh số phát sinh không lớn (dưới mức 30 tỷ/tháng) thì cán bộ quan hệ khách hàng doanh nghiệp tư vấn cho khách hàng sử dụng bảo lãnh riêng cho từng tờ khai. Ưu điểm của bảo lãnh riêng giúp cho Khách hàng cũng như cán bộ Ngân hàng dễ theo dõi cũng như dễ dàng đối chiếu với quyết định thanh khoản tờ khai của cơ quan Hải quan (có quyết định sau khi nộp thuế/được hoàn thuế) qua đó tất toán bảo lãnh một cách thuận lợi mà không cần phụ thuộc vào Bảng trừ lùi tờ khai của cơ quan Hải quan. Nhược điểm của loại hình phát hành theo bảo lãnh riêng là thời gian xử lý tác nghiệp lâu hơn bởi phải phát hành từng thư bảo lãnh tương ứng với từng tờ khai, trường hợp Khách hàng có nhu cầu phát hành khoảng 10 tờ khai thì thời gian sẽ tương ứng với 10 món, mất thời gian cho khách hàng.
Đối với Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có quy mô lớn, lượng hàng hoá nhiều, doanh số thuế xuất nhập khẩu phải nộp trên mức 30 tỷ đồng/tháng thì cán bộ quan hệ khách hàng doanh nghiệp sẽ tư vấn cho khách hàng sử dụng bảo lãnh chung cho các tờ khai. Ưu điểm là thời gian xử lý tác nghiệp nhanh, chỉ phải phát hành 1 lần thư bảo lãnh mà được sử dụng cho nhiều tờ khai Hải quan, qua đó tiết kiệm được thời gian cho khách hàng trong việc thông quan hàng hóa cũng như rút ngắn được thời gian tác nghiệp của cán bộ Ngân hàng,
giúp tối ưu hoá năng suất lao động. Nhược điểm của loại hình này: Việc theo dõi tờ khai được bảo lãnh của cán bộ Ngân hàng sẽ gặp khó khăn do bị động, phụ thuộc vào Bảng trừ lùi của tờ khai Hải quan do cơ quan Hải quan và khách hàng cung cấp, đồng thời khó khăn trong việc đối chiếu tờ khai được bảo lãnh với Khách hàng. Loại hình này có nhược điểm nữa là khả năng kiểm soát rủi ro kém hơn vì Ngân hàng chỉ thực hiện được việc kiểm tra sau, không kiểm tra trước khi doanh nghiệp mở tờ khai, dẫn đến nhiều hàng hóa kèm theo tờ khai là hàng cấm nhập khẩu, gây ra rủi ro về mặt pháp lý cho Doanh nghiệp cũng như liên đới đến Ngân hàng.
Đối với Doanh nghiệp có nhiều loại mặt hàng có giá trị tính thuế cao và thấp đan xen lẫn nhau thì cán bộ quan hệ khách hàng cũng tư vấn cho khách hàng sử dụng cả hai hình thức là bảo lãnh chung cũng như bảo lãnh riêng. Việc sử dụng này sẽ tạo ra sự chủ động rất lớn cho khách hàng.
Loại hình phát hành bảo lãnh
Từ đầu năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành vào cuộc quyết liệu để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Doanh nghiệp, người dân, qua đó thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Mục tiêu này đã được hai ngành Tài chính kết hợp với ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ, quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực, qua đó chuyển từ hình thức nộp thuế trực tiếp sang nộp thuế điện tử, truyền tờ khai Hải quan từ trực tiếp in ấn tờ khai để nộp lên cơ quan Hải quan sang hình thức mở và truyền tờ khai Hải quan điện tử. Qua đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, thời gian nộp thuế của Doanh nghiệp.
BIDV là một trong 3 Ngân hàng đầu tiên ký kết hợp tác với Tổng cục Hải quan cũng như Tổng cục Thuế để triển khai sử dụng bảo lãnh điện tử cũng như nộp thuế điện tử. Do đó, bên cạnh việc phát hành bảo lãnh truyền thống theo phương thức bằng in ấn thư bảo lãnh giấy thì Chi nhánh BIDV Quảng Ninh cũng rất tích cực tư vấn khách hàng sử dụng phương thức cấp bảo lãnh bằng điện tử: truyền và nhận thư bảo lãnh qua cổng thông tin của Tổng cục Hải
quan và Tổng cục Thuế. Phương thức này áp dụng cho Doanh nghiệp được trang bị tin học hiện đại, am hiểu về công nghệ thông tin. Khi sử dụng phương thức này sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian tác nghiệp của cán bộ Ngân hàng và Khách hàng, cũng như không còn khoảng cách về địa lý giữa cơ quan Hải quan và Người nộp thuế, tạo thuận lợi cho việc thông quan tờ khai Hải quan nhanh chóng.