5. Kết cấu luận văn
3.4.2. Hạn chế và nguyên nhân
Quy mô bảo lãnh còn hạn chế: Trong những năm vừa qua mặc dù doanh số bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu cũng như số dư bảo lãnh thuế đều tăng nhanh qua các năm song dư bảo lãnh đến cuối năm 2014 mới đạt 179.588 triệu đồng, chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của BIDV Quảng Ninh. Đến 31/12/2014, BIDV Quảng Ninh có quy mô tổng tài sản đứng thứ 2, thị phần huy động vốn chiếm 18,2%, thị phần tín dụng chiếm 12,5% song thị phần bảo lãnh của chi nhánh chỉ chiếm 5,2% thị phần bảo lãnh của các Ngân hàng trên địa bàn.
Doanh số thu phí bảo lãnh trong những năm qua có sự tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu thu phí dịch vụ dòng của chi nhánh.
Năm 2014 thu phí bảo lãnh đạt 7.350 triệu đồng (bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu 2.676 triệu đồng) là dòng sản phẩm dịch vụ lớn thứ 2 song mức độ còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm tỷ trọng 16% trong tổng số thu dịch vụ dòng, chi nhánh vẫn dựa chủ yếu vào dịch vụ thanh toán truyền thống đang có dấu hiệu chững lại những năm gần đây.
Quy trình bảo lãnh: Quy trình bảo lãnh được xây dựng tương đối chi tiết, rõ ràng, phân tách rõ trách nhiệm của 3 khâu đề xuất, thẩm định và tác nghiệp, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên quy trình quy định 1 khoản cấp bảo lãnh phải tuần tự qua 3 khâu độc lập, tách biệt nhau, việc đề xuất và phê duyệt qua nhiều cấp, việc phối hợp giữa các bộ phận thiếu chặt chẽ nên thời gian từ lúc tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng đến khi tác nghiệp xong thường kéo dài, tốn khá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của khách hàng nên phần nào đã hạn chế năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng mới chỉ có xây dựng quy trình bảo lãnh chung cho tất cả các loại hình bảo lãnh mà chưa đưa ra được quy trình chi tiết cho loại hình bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu nên gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện.
Về sản phẩm: Mặc dù hiện tại danh mục sản phẩm bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu ngân hàng đưa ra tương đối đầy đủ và toàn diện nhưng hồ sơ giao dịch, thủ tục, điều kiện bảo đảm tiền vay còn rườm rà, phức tạp mang nặng yêu cầu quản lý nội bộ, quản lý rủi ro của ngân hàng hơn là hướng tới khách hàng.
Công tác thẩm định: BIDV Quảng Ninh chưa thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động bảo lãnh tại chi nhánh, công tác tiếp thị khách hàng, lập báo cáo đề xuất được giao chung cho cán bộ quan hệ khách hàng nên không có sự chuyên sâu. Bản thân đội ngũ cán bộ quan hệ khách hàng tại chi nhánh hầu hết là cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác, việc phân công công việc chưa thực hiện theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của khách hàng nên khả năng tư vấn cho khách hàng còn hạn chế. Nguồn thông tin phục vụ cho công tác thẩm định còn hạn chế, cán bộ chưa chủ động, tích cực tìm kiếm, thu
thập thêm thông tin từ bên ngoài mà chủ yếu thẩm định dựa trên các thông tin mà khách hàng cung cấp nên chất lượng trong công tác thẩm định chưa cao.
Chính sách khách hàng: BIDV Quảng Ninh chưa thực hiện phân khúc khách hàng mục tiêu dựa trên tiêu chí lợi nhuận mà khách hàng mang lại cho ngân hàng và triển vọng nhu cầu bảo lãnh trong trung và dài hạn để phân nhóm và xây dựng chính sách khách hàng phù hợp trên cơ sở tổng hòa lợi ích mà khách hàng mang lại. Điều này hạn chế rất nhiều khả năng cạnh tranh, thu hút khách hàng so với các ngân hàng khác trên địa bàn.
Về nền khách hàng: Về mặt lý thuyết, trụ sở của Chi nhánh đặt tại địa bàn thành phố Hạ Long, trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Quảng Ninh giúp cho việc tiếp cận nhóm khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ dễ dàng và thuận lợi. Tuy được đầu tư một khu công nghiệp đồng bộ kết hợp với hệ thống cảng biển được đầu tư hiện đại (khu công nghiệp Cái Lân và cảng Cái Lân) nhưng do dịch vụ Logistic tại tỉnh Quảng Ninh kém cạnh tranh so với các tỉnh thành lân cận như Hải Phòng và Hà Nội dẫn đến việc thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu kém. Chính vì thế mà nền khách hàng xuất nhập khẩu tại thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung là rất mỏng, khó khăn cho các Ngân hàng thương mại đối với phát triển thị trường này.
Chương 4
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC BẢO LÃNH THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH QUẢNG NINH
Trên cơ sở thực trạng công tác bảo lãnh tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Quảng Ninh, kết hợp với quá trình tìm hiểu, nắm bắt được mục tiêu kinh doanh trong giai đoạn 2015 - 2017 của Chi nhánh, tác giả đưa ra một số các giải pháp để hoàn thiện công tác bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu tại Chi nhánh như sau: