Nâng cao chất lượng thẩm định bảo lãnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh quảng ninh​ (Trang 94 - 96)

5. Kết cấu luận văn

4.2.3. Nâng cao chất lượng thẩm định bảo lãnh

Thẩm định khách hàng trước khi phát hành bảo lãnh là khâu rất quan trọng trong quy trình bảo lãnh. Có thẩm định tốt mới ngăn ngừa được rủi ro phải trả thay khách hàng khi khách hàng không có khả năng trả nợ ngân hàng hoặc trả không đủ. Công tác thẩm định cần tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt sau:

Tư cách pháp nhân: Điều này là cần thiết đối với khách hàng mới. Ngân hàng cần yêu cầu khách hàng của mình nộp đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ như điều lệ công ty, giấy bổ nhiệm chủ tịch HĐQT, kế toán trưởng, giấy ủy quyền,… xem xét một cách kỹ lưỡng về tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ.

Hồ sơ pháp lý: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với Doanh nghiệp hoạt động theo loại hình tạm nhập tái xuất cần chú ý kiểm tra thời gian doanh nghiệp được thành lập đã đủ 2 năm chưa? Có số tiền đặt cọc, ký quỹ đầy đủ chưa? Có kho bãi hoặc hợp đồng thuê kho bãi trên 3 năm chưa? Đã được Bộ Công thương cấp mã số kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất chưa (đối với hàng hoá đã qua sử dụng, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt và hàng hoá là thực phẩm đông lạnh). Ngoài ra cần kiểm tra thông tin Doanh nghiệp có đang nợ thuế từ Cơ quan Hải quan, Cơ quan Thuế.

Tư cách đạo đức, uy tín: đây là những yếu tố vô cùng quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến rủi ro trong hoạt động bảo lãnh vì nó quyết định đến mong muốn thực hiện hợp đồng cũng như mong muốn trả nợ của khách hàng trong trường hợp ngân hàng trả thay. Ngân hàng có thể đánh giá thông qua: cách ứng xử, quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp, quan hệ với các đối tác trong kinh doanh, quan hệ với cộng đồng, các tổ chức xã hội…

Khả năng điều hành của chủ doanh nghiệp: Cán bộ tín dụng cần phải đánh giá kỹ khả năng điều hành lãnh đạo của doanh nghiệp thông qua năng lực tổ chức, năng lực chuyên môn và uy tín của họ. Có thể thu thập thông tin qua các nhân viên, qua bạn hàng hoặc tiếp xúc trực tiếp đồng thời kết hợp với kinh nghiệm đã có, các cán bộ tín dụng sẽ đưa ra đánh giá chính xác nhất.

Năng lực tài chính của khách hàng: Việc đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng sẽ giúp ngân hàng đánh giá được thực trạng tài chính và các dự báo về tài chính trong tương lai của khách hàng, từ đó biết được khả năng hoàn trả của khách hàng.

Năng lực tài chính được xem xét thông qua các báo cáo tài chính: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các dự báo tài chính. Từ đó, Ngân hàng sẽ tính toán và đánh giá các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp ( ví dụ: khả năng thanh toán, vòng quay hàng tồn kho, vòng quay vốn lưu động, hiệu quả sử dụng TSCĐ,…) và các chỉ tiêu liên quan đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp ( ví dụ: tỷ suất lợi nhuận doanh thu, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu ROE, tỷ suất lợi nhuận tổng tài sản ROA, ...)

Phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư của doanh nghiệp: Khi thẩm định, cán bộ thẩm định cần xem xét các khía cạnh sau: Mục tiêu của dự án, phương án là gì, nó có phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp không? Xem xét tình hình, kết quả và hiệu quả của dự án trên góc độ hạch toán kinh tế của bản thân doanh nghiệp. Ngân hàng nên kiểm tra các yếu tố khác của

dự án như: phương án tiêu thụ sản phẩm, thời gian hoàn vốn, sự hợp lý của quy mô nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn... Ngoài ra, ngân hàng cần xem xét các yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến dự án như: nhu cầu thị trường về sản phẩm dịch vụ, đối thủ cạnh tranh …

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh quảng ninh​ (Trang 94 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)