3.2. CÁC GIẢI PHÁP GIÚP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH CÀPHÊ
3.2.3. Điều chỉnh những bất cập trong quá trình vay vốn
Nhu cầu về vốn của các hộ nông dân canh tác cà phê đang ngày một nâng cao, từ việc tái canh, mở rộng diện tích cho tới đầu tư thêm vào trang thiết bị hỗ trợ sản xuất. Một số các chính sách về hỗ trợ vốn đã được phê duyệt từ cấp trung ương cho tới cấp tỉnh. Tuy nhiên, một số người dân vẫn không quá mặn mà với các gói hỗ trợ này với lý do các thủ tục hiện nay khá rườm rà, việc giải ngân thường diễn ra theo đợt và yêu cầu phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng,... Một số gói hộ trợ còn yêu cầu tài sản thế chấp, trong khi do vườn cà phê là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ
nông dân, nên thông thường họ đã thế chấp khá nhiều tài sản để vay vốn đầu tư ban đầu hoặc đất sản xuất họ chỉ đứng lên quản lý chứ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Ngoài ra, để vay được vốn trong các gói hỗ trợ này, người dân còn phải tuân theo rất nhiều các quy trình về canh tác. Đồng thời, mức vay tối đa cũng như thời hạn cho vay cũng đang khá thấp so với nhu cầu chung của các hộ nông dân (từ 80-150 triệu/ha với thời hạn trả từ 4-8 năm)
Do đó, các chính sách hỗ trợ này cần được đơn giản hóa, các hồ sơ, thủ tục, quy trình vay vốn cần được cụ thể, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Đồng thời, cần xây dựng các quy chế riêng và mang tính đặc thù khi vay vốn cho từng công đoạn. Ngoài các vấn đề về lãi suất, các chính sách này cũng nên có các mức ưu đãi như tăng lượng vốn vay phù hợp hơn với giá trị thực tế, thời hạn trả cũng cần có sự linh hoạt vì giả sử vay vốn để tái canh, thì phải mất trung bình 5 năm đầu tiên không thu được lợi nhuận. Từ đó góp phần khuyến khích các hộ nông dân sản xuất kinh doanh.