5. Kết cấu luận văn
1.3.1. Nhóm các nhân tố khách quan
Thứ nhất: Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế bao gồm những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tăng thu nhập, thanh toán, chi tiêu, những nhu cầu về vốn và gửi tiền của dân cư. Môi trường kinh tế có tác động mạnh mẽ đến nhu cầu và cách thức sử dụng sản phẩm tín dụng ngân hàng của khách hàng, nó chi phối đến hoạt động của ngân hàng trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng.
Sự thay đổi của các yếu tố thuộc môi trường kinh tế có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh ngân hàng nói riêng. Môi trường kinh tế vừa tạo cho ngân hàng những cơ hội trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng, vừa tạo ra những thách thức cho ngân hàng. Sự thành công hay thất bại của ngân hàng trong việc phát triển sản phẩm tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế trong nước, khu vực và toàn cầu bởi các khách hàng của ngân hàng rất đa dạng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi nền kinh tế trong nước rơi vào suy thoái, thu nhập giảm sút, lạm phát và thất nghiệp tăng cao, hoạt động của các doanh nghiệp sụt giảm thì nhu cầu cũng như chất lượng các khoản tín dụng cũng giảm sút. Trái lại, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng, các biến số kinh tế vĩ mô đều có dấu hiệu tốt, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển sẽ là cơ hội tốt để ngân hàng thực hiện những chiến lược kinh doanh của mình. Do vậy, trong hoạt động của mình ngân hàng cần nắm bắt kịp thời những biến động
của nền kinh tế để chủ động đưa ra những cách thức hoạt động cho phù hợp với sự biến động của môi trường kinh doanh.
Thứ hai: Môi trường chính trị, pháp luật
Kinh doanh ngân hàng là một trong những ngành kinh doanh chịu sự giám sát chặt chẽ của luật pháp và các cơ quan chức năng của chính phủ. Hoạt động của các ngân hàng thường được điều chỉnh rất chặt chẽ bởi các quy định pháp luật. Môi trường chính trị, môi trường pháp lý đem đến cho ngân hàng một loạt những cơ hội và cả những thách thức mới, có thể đặt các ngân hàng trước những nguy cơ cạnh tranh mới.
Một thể chế chính trị ổn định không có những biến động bất thường sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng nói chung và dịch vụ ngân hàng nói riêng phát triển. Mức độ ổn định của thể chế chính trị biểu hiện cụ thể của môi trường chính trị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Các ngân hàng cần xem xét kỹ lưỡng ảnh hưởng của yếu tố chính trị, khai thác những cơ hội kinh doanh mà môi trường chính trị đem lại, tìm ra cách để có thể vượt qua những rào cản một cách thích hợp nhất, để đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ trong kinh doanh. Sự ổn định về chính trị của một quốc gia đem lại cho người dân cũng như doanh nghiệp sự an tâm trong hoạt động kinh doanh cũng như tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội. Từ đó nẩy sinh nhu cầu sử dụng đa dạng các dịch vụ ngân hàng.
Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực rất nhạy cảm và phức tạp đó là lĩnh vực Tài chính - Tiền tệ. Các ngân hàng luôn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật. Môi trường pháp lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển dịch vụ ngân hàng, cụ thể là chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách giá cả...
Hệ thống khung pháp lý điều chỉnh hoạt động dịch vụ ngân hàng hiện nay còn tương đối phức tạp, nhiều văn bản hướng dẫn sửa đổi, văn bản pháp luật còn
rườm rà, nặng về thủ tục hành chính, can thiệp sâu vào hoạt động của các chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính trên thị trường.
Các ngân hàng phải thường xuyên nắm được những thay đổi của các quy định pháp luật để chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho phù hợp với những quy định mới. Mặt khác, các ngân hàng phải phân tích và dự báo được những xu hướng thay đổi của môi trường pháp luật như xu hướng toàn cầu hóa thị trường tài chính ngân hàng, các tổ chức tài chính thương mại quốc tế có liên quan đến hoạt động của các ngân hàng… để có thể đưa ra được những quyết định chính xác, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Thứ ba: Môi trường văn hóa xã hội
Môi trường văn hóa xã hội là một trong những vấn đề quan trọng mà các ngân hàng quan tâm trong việc phát triển hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và phát triển sản phẩm tín dụng nói riêng. Môi trường văn hóa xã hội được hình thành từ những tổ chức và những nguồn lực khác nhau có ảnh hưởng cơ bản đến giá trị của xã hội như cách nhận thức, trình độ dân trí, trình độ văn hóa, lối sống và sự hiểu biết của dân chúng về hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng đến hành vi và nhu cầu của người dân về sử dụng các sản phẩm tín dụng của ngân hàng. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng về môi trường văn hóa xã hội giúp ngân hàng chủ động trong việc xây dựng các chính sách, quy định, thủ tục trong nghiệp vụ và thiết kế mô hình tổ chức phù hợp với đặc điểm văn hóa của từng vùng, từng khu vực thị trường.
Thứ tư: Môi trường cạnh tranh
Môi trường cạnh tranh có ảnh hưởng không nhỏ tới quy mô hoạt động của ngân hàng trong đó có hoạt động cung ứng các sản phẩm tín dụng. Ngân hàng hoạt động trong môi trường sôi động, dân cư đông đúc, mức thu nhập trung bình cao, có sự có mặt của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng, trái lại khi
ngân hàng hoạt động trong một môi trường mà sự hoạt động của các doanh nghiệp trầm lặng, ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tham gia sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở những nơi nào có môi trường kinh doanh sôi động, ở đó có nhiều ngân hàng tham gia trong việc cung ứng các sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm tín dụng. Ngân hàng cần phải có những giải pháp tận dụng được những ưu điểm của thị trường, xác định những nhu cầu của thị trường và sự biến động của nó đồng thời đưa ra các biện pháp hoạt động phù hợp khẳng định lợi thế cạnh tranh của mình so với các ngân hàng khác.
Thứ năm: Sự phát triển của khoa học công nghệ ngân hàng
Việc hiện đại hóa công nghệ ngân hàng đang là vấn đề sống còn của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Công nghệ ngân hàng hiện đại sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng thuận tiện hơn, an toàn hơn. Mặt khác, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng còn giúp cho ngân hàng có điều kiện nghiên cứu phát triển những sản phẩm ngân hàng hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng các sản phẩm cung ứng cho khách hàng, thu hút khách hàng và khẳng định vị thế cạnh tranh của ngân hàng.
Khoa học công nghệ góp phần to lớn vào việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới hình thành các thế lực cạnh tranh mới. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều các ngân hàng thương mại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ hiện đại hoá ngân hàng song thực tế cho thấy trình độ công nghệ ngân hàng của các ngân hàng Việt Nam còn ở mức thấp. Do vậy về lâu dài, muốn phát triển dịch vụ thành công các ngân hàng thương mại Việt Nam cần phải chú trọng hơn nữa đến yếu tố công nghệ.