Nguyên nhân của những tồn tại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản phẩm tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh tiên sơn​ (Trang 92 - 98)

5. Kết cấu luận văn

3.4.3. Nguyên nhân của những tồn tại

3.4.3.1. Nguyên nhân khách quan

Một là: Môi trường kinh tế

Hoạt động ngân hàng trong thời gian qua chịu rất nhiều tác động từ môi trường kinh tế bao gồm cả yếu tố thuận lợi và yếu tố không thuận lợi. Diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế trong nước đã có những ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng. Sự thay đổi giá nhiên liệu, giá vàng, giá điện… làm chi phí sản xuất và giá thành của các sản phẩm tăng mạnh, tác động tới hoạt động của tất cả các đối tượng khác nhau của nền kinh tế, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các khách hàng và làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng, và chất lượng các sản phẩm tín dụng của ngân hàng

Hai là: Môi trường chính trị, pháp luật

Khuôn khổ pháp chế liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với sự thay đổi của thị trường đang chuyển biến mạnh mẽ. Văn bản quy định vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng, điều chỉnh hoặc mới ban hành. Đây là những nguyên nhân khiến việc mở rộng và phát triển các loại hình sản phẩm ngân hàng chậm trễ

Công chúng, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế nói chung chưa thực sự tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm, các cơ quan hành pháp trong nhiều trường hợp cũng chưa tuân thủ đúng luật pháp. Các quy định của luật pháp về kế toán thống kê, kiểm toán chưa đủ khả năng và hiệu lực buộc doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán thống kê, kiểm toán chính xác kịp thời. Số liệu kế toán không đúng sự thật đó lại là một trong những căn cứ để Ngân hàng cho vay, vì vậy, tất yếu có những rủi ro xảy ra đối với Ngân hàng.

Những hạn chế về hệ thống pháp luật và thi hành luật pháp làm cho việc áp dụng cũng như vận hành trong hoạt động của Ngân hàng gặp những khó khăn nhất định, chưa khuyến khích được sự mở rộng hoạt động của các NHTM.

Ba là: Môi trường văn hóa - xã hội

Việt Nam với trên 87 triệu dân là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn đối với các NHTM trong cũng như ngoài nước. Song do trình độ dân trí còn chưa cao và chưa đồng đều, thói quen cất trữ và sử dụng tiền mặt vẫn là phổ biến trong các tầng lớp dân cư, điều này khiến cho các sản phẩm ngân hàng hiện đại nói chung và sản phẩm tín dụng nói riêng gặp không ít những khó khăn để tiếp cận và thâm nhập vào đời sống của công chúng. Dân chúng còn e ngại với những cái mới do chưa có nhận thức đầy đủ về các sản phẩm hiện đại.

Bốn là: Hạ tầng cơ sở chưa đầy đủ, đồng bộ

Rất nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ. Đây cũng chính là yếu tố quyết định đến chất lượng trong cung ứng sản phẩm. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều các ngân hàng thương mại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ hiện đại hoá ngân hàng song thực tế cho thấy nhận thức của khách hàng về những sản phẩm ngân hàng hiện đại còn thấp, chính điều này hạn chế rất nhiều khả năng phát triển những sản phẩm tín dụng hiện đại của ngân hàng bởi khách hàng là những người đón nhận và sử dụng sản phẩm của ngân hàng, trình độ nhận thức về công nghệ hiện đại của khách hàng quyết định rất lớn đến khả năng phát triển sản phẩm của ngân hàng. Hạ tầng cơ sở không đồng bộ dẫn tới việc khó khăn trong triển khai những sản phẩm mới, chi phí và rủi ro trong quá trình triển khai lớn. Do vậy về lâu dài, muốn phát triển sản phẩm thành công các ngân hàng thương mại Việt Nam cần phải chú trọng hơn nữa đến yếu tố công nghệ bởi khoa học công nghệ góp phần to lớn trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung và sản phẩm tín dụng nói riêng.

3.4.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Một là: Ngân hàng chưa có được chiến lược phát triển sản phẩm dài hạn

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Tiên Sơn là một đơn vị hạch toán phụ thuộc NHCT Việt Nam (Vietin Bank). Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng chủ yếu căn cứ vào chiến lược phát triển của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Ngân hàng không thể tự quyết định đưa ra các sản phẩm dịch vụ hoàn toàn mới mà không có sự chấp thuận hay cho phép của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Chính sách phát triển sản phẩm tín dụng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Tiên Sơn chủ yếu dựa trên chiến lược chung của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Đối với danh mục sản phẩm tín dụng đã được cung cấp, ngân hàng vẫn chưa xây dựng được chiến lược phát triển sản phẩm một cách dài hạn mà kế hoạch thường chỉ định hướng hàng năm dựa trên chỉ tiêu mà Ngân hàng Công thương Việt Nam giao dẫn đến việc xây dựng kế hoạch rất thụ động, kế hoạch kinh doanh thường chỉ dừng lại ở định hướng chung mà chưa có được chiến lược phát triển cụ thể đối với từng loại sản phẩm tín dụng đối với từng loại khách hàng.

Hai là: Nguồn lực về vốn và công nghệ của ngân hàng còn hạn chế

Vốn là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh và quy mô kinh doanh của ngân hàng, là cơ sở để ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh và triển khai các sản phẩm về vốn.

Ngân hàng Công thương Việt Nam được coi là một trong những ngân hàng có công nghệ hiện đại ở Việt Nam nhưng trình độ công nghệ và khả năng ứng dụng công nghệ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Tiên Sơn vẫn còn hạn chế. Số cán bộ hiểu về công nghệ thông tin và phần mềm hoạt động không nhiều, chủ yếu là thực hiện một cách máy móc

Phần mềm công nghệ mới áp dụng hình thức quản lý tập trung, xử lý dữ liệu trực tuyến trên toàn hệ thống nên tất cả các giao dịch đều được cập nhật

vào máy chủ đòi hỏi hệ thống mạng và đường truyền thông suốt. Trong thực tế, nhiều lần tình trạng treo mạng xảy ra ở các Chi nhánh và các phòng giao dịch, các điểm giao dịch do lỗi đường truyền ảnh hưởng đến quá trình cung ứng các sản phẩm nói chung và sản phẩm tín dụng nói riêng cho khách hàng.

Mặt khác là một đơn vị hạch toán phụ thuộc NHCT Việt Nam nên chi phí cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới cũng như đầu tư công nghệ lại do NHCT Việt Nam quyết định do đó đã làm hạn chế và mất đi tính chủ động, tự chủ trong việc phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm tín dụng của ngân hàng cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng và đặc điểm thị trường nơi ngân hàng hoạt động.

Ba là: Chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều

Đội ngũ cán bộ của ngân hàng được bổ sung qua các năm nhưng chất lượng của đội ngũ cán bộ còn chưa đồng đều, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Ngân hàng chưa có chính sách phát triển nguồn nhân lực rõ ràng, chưa áp dụng được các phương pháp dự báo hiệu quả nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.

Bảng 3.12: Trình độ cán bộ hàng năm tại chi nhánh

ĐVT: Cán bộ Chỉ tiêu Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Cao học 1 1 2 4 5 Đại học 45 47 49 72 73 Cao đẳng 6 6 5 4 5 Trung cấp 21 21 19 15 17 Tổng cộng 73 75 75 95 100

(Nguồn: Báo cáo tình hình cán bộ năm của Viettinbank Chi nhánh Tiên Sơn giai đoạn 2011-2015)

Đội ngũ cán bộ của ngân hàng tuy nhiều nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường. Một bộ phận cán bộ có thâm niên và kinh nghiệm công tác lại có tâm lý ngại tiếp cận với cái mới, ngại thay đổi. Đội ngũ cán bộ trẻ thì chưa đủ kinh nghiệm nhưng cũng chưa thực sự mạnh dạn trong việc tiếp cận với sự thay đổi. Số cán bộ sử dụng thành thạo ngoại ngữ, sử dụng vi tính còn hạn chế, điều này cũng gây không ít khó khăn trong việc tìm kiếm, cập nhật thông tin và triển khai những sản phẩm tín dụng. Việc cung ứng sản phẩm tín dụng ở ngân hàng đa phần mới chỉ dừng lại ở chỗ chờ khách hàng đến một cách thụ động, cung cấp những sản phẩm mình sẵn có và chỉ tập trung làm đúng quy định một cách cứng nhắc, đủ để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Bốn là: Công tác tiếp thị, Marketing còn nhiều bất cập

Công tác Marketing mới chỉ chú trọng đến các công cụ quảng cáo khuyếch trương chưa thực sự hướng về khách hàng do vậy hình ảnh của Ngân hàng còn mờ nhạt, chưa thực sự nổi trội về thương hiệu trong cung ứng sản phẩm tín dụng, sản phẩm tín dụng mà ngân hàng cung cấp mang tính chất tương đồng với sản phẩm tín dụng của các ngân hàng khác trên địa bàn. Hoạt động Marketing của ngân hàng chủ yếu thực hiện dưới hình thức gặp gỡ khách hàng và phát tờ rơi, điều này thiếu đi tính chuyên nghiệp của ngân hàng trong quảng bá sản phẩm thậm chí nhiều khách hàng cảm thấy bị làm phiền. Do vậy Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Tiên Sơn phải có sự đầu tư, tìm tòi xây dựng một kế hoạch Marketing cụ thể thì mới có thể nâng cao hiệu quả trong phát triển sản phẩm.

Kết luận chương 3

Qua phân tích và đánh giá thực trạng việc phát triển sản phẩm tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Tiên Sơn, luận văn đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu phổ thông thực hiện được những nội dung chủ yếu sau:

- Khái quát tình hình hoạt đông tại Ngân hàng TMCP công thương Tiên Sơn từ mô hình tổ chức đến kết quả hoạt động cũng như đặc điểm thị trường nơi ngân hàng hoạt động để có cái nhìn bao quát tình hình hoạt động của ngân hàng.

- Đi sâu phân tích tình hình phát triển sản phẩm tín dụng tại ngân hàng từ đó rút ra những kết quả đạt được, phát hiện những tồn tại và tìm ra nguyên nhân của những tồn tại để từ đó có cách thức đưa ra những giải pháp và kiến nghị phù hợp trong chương 4.

Chương 4

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM TÍN DỤNG TẠI

NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM CHI NHÁNH TIÊN SƠN

4.1. Định hướng phát triển sản phẩm tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Tiên Sơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản phẩm tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh tiên sơn​ (Trang 92 - 98)