8. Đóng góp của luận văn
1.5. Giải thích nghĩa trong văn cảnh (ngữ cảnh)-context
Giải thích nghĩa trong văn cảnh, tức là ý nghĩa của từ, cụm từ trong văn mạch, trong câu thơ, đoạn thơ sao cho rõ ràng, tường tận ngữ nghĩa. Việc làm này nhắm đến độc giả phổ thông, độc giả bình dân. Văn học Việt Nam, thậm chí văn học thế giới, ít có tác phẩm nào chinh phục được tình cảm của đông đảo người đọc đến như vậy. Ngôn từ trong ''Truyện Kiều'' được dùng rộng rãi trong các sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, việc giải thích nghĩa trong văn cảnh (ngữ cảnh) đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc đưa “Truyện Kiều” đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Trong câu:
“Đừng điều nguyệt nọ hoa kia”
Lê Văn Hòe chú rằng: “nguyệt nọ hoa kia” ở đây trỏ sự trai gái ăn nằm với nhau; Thành thực, nếu không đọc bản chú của ông thì từ “nguyệt nọ hoa kia” chỉ phù hợp với tầng lớp trí thức, vì chỉ họ mới có thể hiểu ý nghĩa sâu xa của từ này.
Hay câu:
“Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai”
Trong câu xuất hiện hai chữ “ai”, nhưng không biết chữ “ai” đó ám chỉ nhân vật nào, hai người khác nhau hay cả hai chữ “ai” chỉ một người?
Lê Văn Hòe đã chú được rằng: “ai” ở trên chỉ Kiều, “ai” ở dưới chỉ Kim Trọng. Vì chữ ai trên là Kiều tự xưng. Nhưng ở đây cho đầy đủ hơn, ông giải thích lại toàn câu một lần rằng tại sao Kiều lại nói như thế, sẽ rõ ý hơn.
Hay như lúc Nguyễn Du tả “sượng sùng ý rụt rè” đi liền với “người hôm nọ”, tả dáng điệu, thái độ “người hôm nọ”. Và Lê Văn Hòe chỉ ra ở đây duy chỉ có Kiều là “sượng sùng, rụt rè”. Vậy Kiều là “Người hôm nọ”.
Xin liệt kê một số ví dụ điển hình khác:
Chú 144- “Chị em” đây là chị em nhà cô Kiều.
Chú 78- “Phượng, loan”: ý nói trai và gái. Câu này nói những người yêu Đạm Tiên ngày xưa.
Chú 104: “nàng” ở đây trỏ Kiều
Chú 118-119: Từ đằng xa mới nhìn tỏ mặt người (đây trỏ Vương Quan và chị em Kiều) “khách” (đây là Kim Trọng) đà xuống ngựa đi bộ tới nơi để chuyện trò...
Chú 144- “Khách đây” trỏ Kim Trọng, “Người” là trỏ Kiều.
Chú 256- “Bóng người thướt tha”: bóng con gái, ý nói bóng nàng Kiều Chú 376- “Hoa lê” đây trỏ nàng Kiều. Câu này ý nói: Kim Trọng nghe tiếng bước chân người, thức giấc đã thấy Kiều tới gần bên
Chú 383- “Tóc mây” đây chỉ tóc Kiều, vì chỉ có tóc đàn bà mới bóng mượt như mây
Chú 587- “Hoa dù rã cánh” = dù hoa bị rời rũ cánh (nói Kiều bán mình); Lá còn xanh cây = cây còn xanh lá, ý nói cây vẫn không bị khô héo (Vương ông được vô sự)
Chú 671- “Bèo nổi mây chìm” = bèo nổi trôi lênh đênh vô định, ý nói lênh đênh chìm nổi ở phương xa
Chú 685- “Thẹn lục”= thẹn cho màu lục, tức màu xanh, đây trả tóc xanh. Kiều cảm thấy thẹn có mái tóc đẹp, và e ngại cho má hồng vì đã lọt vào tay người nàng không yêu
Chú 700- “Một khắc một chầy:” ý nói Kiều thức khuya nên cảm thấy đêm dài
Chú 764- “Chủ” đây trỏ Vương Ông, vì Vương Ông là chủ bữa tiệc tiễn hành họ Mã