Thúc Sinh Từ Hải

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kiều chú giải (tác giả lê văn hòe) nhìn từ góc độ thống kê (Trang 49 - 53)

8. Đóng góp của luận văn

2.1.2. Thúc Sinh Từ Hải

Thúc Sinh hiện lên qua lời bình của Lê Văn Hòe: là một người đàn ông nhu nhược, sợ vợ, nhưng lại cho Kiều “cái hạnh phúc làm vợ lần đầu tiên”, nên nàng chỉ mong được làm vợ bé Thúc sinh. Chính nhờ Thúc Sinh mà Kiều đã được nến trải lần đầu tiên trong đời cái hạnh phúc làm vợ, được sống lần đầu cuộc đời ấm cúng của gia đình...

“Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi” (1318)

Lê Văn Hòe có ý chê bai Thúc Sinh, ông cho rằng: chỉ vì Thúc Sinh đêm ngày giữ mực giấu quanh, khiến cho Hoạn Thư phẫn uất rồi đánh ghen...Lỗi tại Thúc Sinh chứ không phải tại Hoạn Thư. Thúc Sinh si ngốc không thấu tình đạt lý bằng người đàn bà .

Khi Thúc Sinh nói câu:

Biết bao giờ lại nối lời nước non? (1649)

Lê Văn Hòe nhận xét rằng: Nói thế chẳng biết Thúc Sinh có ngượng mồm? Sở dĩ phải “nối” là vì đã trải qua một thời gian ân ái gián đoạn giữa Kiều với Thúc Sinh. Đây lại nói bao giờ “lại nối lại nước non”. Thật là lời nói đãi-đuôi. Lúc này cách nhau có gang tấc mà chẳng tìm cách nào “nối lời nước non” được, thì khi đã “kẻ ngược người xuôi” còn “nối lời nước non” thế nào được? Lê Văn Hòe bình rằng: hẳn nàng Kiều cũng lấy làm khinh ngầm trong bụng.

Hơn thế, tác giả bỏ ngỏ một câu hỏi vui rằng: Một người đàn ông như thế mà lấy được Hoạn Thư và lấy được Kiều? Âu cũng là một sự lạ lùng hiếm có. Thúc Sinh khuyên Kiều nên trốn khỏi Quan âm các. Chàng nói ái ân của chàng với Kiều đến đây đành phải chấm dứt. Kiều bảo Thúc Sinh liệu bài mở cửa cho nàng, Thúc sinh không liệu được bài gì, chỉ biết bảo Kiều trốn đi, và

cam đành chấm dứt tình nghĩa với Kiều từ lúc này. Tất cả “chỉ vì Thúc Sinh sợ vợ mà thôi”...

“Ái ân ta có ngần này mà thôi”(1648)

Nhân vật Từ Hải được Lê Văn Hòe bình với ngòi bút “ngưỡng mộ” về khí phách anh hùng có thể vẽ nên một bức họa hùng vĩ biết bao. Khung cảnh bao la rất hợp với chí khí của nhân vật qua câu thơ:

“Thanh gươm, yên ngựa lên đàng thẳng rong”. (1825)

Giữa khoảng trời mênh mang, ra đi với một thanh gươm yên ngựa, đối với người tầm thường thì thật là đi vu vơ, và không biết có làm nên chuyện gì. Từ Hải chỉ một mình, một ngựa với một thanh gươm cũng đủ lấp chỗ trống của khoảng mênh mang trời bể. Lê Văn Hòe trích câu nói của cổ nhân: “hùng khi tắc lưỡng gian” ý nói khi hùng chứng đầy cả lòng trời đất.

Hay khi bình về dáng vẻ của người anh hùng qua câu thơ:

“Vai năm tấc rộng thân mười thước cao” (1788)

Lê Văn Hòe bình: Tác giả đưa ra những chi tiết trên là để tả cái tướng anh hùng của Từ Hải. Và người có cái tướng khác người ấy tất có những hành động khác người.

Ông so sánh với cuộc ra đi của Thúc Sinh, thấy cuộc ra đi của người anh hùng thật khác xa. Sau khi xum họp với Kiều một năm trời, Thúc Sinh về thăm nhà quê. Vậy mà nào tiệc tiễn hành, nào lời đinh ninh hò hẹn, làm như là một chuyến đi Sứ:

“Người lên ngựa kẻ chia bào”(1324)

Ta chỉ thấy quanh quẩn sự yếu mềm của nhi nữ thường tình.

Với Từ Hải, không tiệc tiễn hành, không có lời dặn dò lôi thôi. Lúc ở thì nhàn nhã phong lưu, lúc đi thì hiên ngang quả quyết, không bịn rịn, không miễn cưỡng, không khách sáo giả dối, cử chỉ rõ ra kẻ phi thường. Bức họa “Trông vời trời bể mênh mang đấy” đã khiến Lê Văn Hòe phải thốt ra lời nhận xét: “Khung cảnh bao la hợp với chí khí của nhân vật... một bức họa man mác, hùng vĩ biết bao”.

Tản Đà trong cuốn “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện” bình rằng: “Hai chữ “thẳng giong” ngẫm ra chưa được tinh tế, vì ở dưới còn có lời Kiều muốn theo. Nếu quả thật Từ đã “lên đường thẳng giong” thời nàng còn nói sao được nữa. Cho nên như chữ đó có thể gọi là vội lời”. [5, tr161]

Lê Văn Hòe cho rằng: Từ Hải rõ ra dáng điệu một kẻ cả, một kẻ anh hùng đang ngầm nuôi chí lớn...Từ Hải kín đáo dè dặt bấy nhiêu. Tác giả dường như dùng hết lời hay cho Từ Hải khi bình về đám rước dâu của Kiều và Từ, nhìn qua đám rước dâu Kiều và nghe qua hiệu trống chầu người ta thấy Từ Hải là một người vừa có tài dùng binh vừa có tài tổ chức chính sự. Thật không hổ với lòng hâm mộ của cụ Nguyễn Du.

Ở câu:

“Những phường giá áo túi cơm sá gì”(1979)

Tản Đà có ý cho những người chỉ biết mài một lưỡi gươm trong cảnh trong trần mãi mà không làm nên vương tướng gì, là những “phường giá áo túi cơm”.[5, Tr174]

Lê Văn Hòe không đồng ý với quan điểm ấy. Ông cho rằng, trước hết người đã biết mài một lưỡi gươm trong cảnh phong-trần, không phải là người chỉ biết có ăn, có mặc, tức không phải là phường giá áo túi cơm. Biết mài một lưỡi gươm tức là biết nuôi một chí nguyện. Biết nuôi một chí nguyện, tức là biết nhiều rồi, chớ không phải chỉ biết ăn no mặc ấm.

Thứ hai, mài gươm không làm nên vương tướng gì, là phường giá áo túi cơm. Nghĩa là người anh hùng là người mài gươm làm nên vương tướng. Như vậy là căn cứ vào thành bại mà luận anh hùng.

Do vậy, căn cứ vào thành bại mà luận anh hùng thì “sai vô cùng”. Anh hùng là anh hùng ở khí phách, anh hùng ở chí- nguyện, anh hùng ở chỗ hy sinh cho nghĩa vụ, hy sinh cho lý tưởng: thành hay bại là chuyện khác.

Lê Văn Hòe cho rằng: “Nếu căn cứ vào thành bại mà luận anh hùng thì Hồ Tôn Hiến anh hùng hơn Từ Hải vì Hồ đã thành công, còn Từ đã thất bại”.

Cho nên người xưa nói, không nên đem thành bại luận anh hùng!

Trong các câu mà Lê Văn Hòe phê, có một câu với một từ đã khiến ông chê trách, đó là câu: “Xét mình công ít tội nhiều” (2050), lời Kiều nói về Hồ Tôn Hiến trong tiệc hạ công (mừng công) của họ Hồ. Lê Văn Hòe bình: Nàng không nên nhận việc khuyên Từ Hải ra hàng là một cái công, dù là công nhỏ xíu. Khuyên chồng ra hàng để người ta giết chồng, như vậy là Kiều gián tiếp giết chồng. Nếu nhận đó là cái công nhỏ, thì chả hóa ra Kiều đã cố ý giết Từ Hải ư? Hiểu như thế nào đi nữa, hai tiếng “công ít” thốt ra từ miệng Thúy Kiều, cũng biểu lộ một trình độ đạo đức thấp kém. Dù sao Kiều cũng không nên nói “công”.

Tản Đà phê: “Chữ “công” trong câu này nghe không được yên nghĩa; vì sự giết Từ Hải; tự Kiều không nên nói là công” [5, tr182]. Ở Đông Pháp thời báo (Diệp Văn Kỳ - Sài Gòn) (1927), số 638, Tản Đà viết: “Như quyển truyện Kiều của ông Nguyễn Du, sự hay không còn phải nói nữa, song đến như câu: “Nghĩ mình công ít tội nhiều”, một chữ “công” đó thật quá dốt! Là sao? Như Từ Hải mà chết là do nghe lời Thúy Kiều khuyên, như Thúy Kiều mà khuyên chỉ là do cái bụng đàn bà nông nổi. Nay đặt như câu đó thời ra Kiều lập chí lấy sự giết Từ Hải làm công, thời Thúy Kiều không còn chút giá trị. Thúy Kiều đã không có giá trị thời như quyển truyện Kiều đó còn hay với ai mà cảm khái với ai!”

Lê Văn Hòe luôn dùng những từ ngữ ngợi ca Từ Hải, vị anh hùng trong lòng ông, có lẽ vì thế mà ông viết Từ Hải tuy là một nhà võ song đa tình, đa nghĩa...không đợi Kiều nói, Từ Hải đã tự nhắc tới việc đó, điều ấy chứng tỏ rằng, Từ xét tâm lý rất sành rồi. Kể cả Đại thi hào Nguyễn Du cũng dùng những chữ rất tôn kính cao cả để nói về cái chết của họ Từ:

“Khí thiêng khi đã về thân”(2031)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kiều chú giải (tác giả lê văn hòe) nhìn từ góc độ thống kê (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)