Giải thích điển tích, điển cố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kiều chú giải (tác giả lê văn hòe) nhìn từ góc độ thống kê (Trang 35 - 40)

8. Đóng góp của luận văn

1.6. Giải thích điển tích, điển cố

Trong công trình Truyện Kiều chú giải, Lê Văn Hòe nhận xét rằng các bản chú trước do phần nhiều chỉ chú các điển cố hay từ ngữ mượn của Hán văn mà bỏ qua các mặt khác. Đến lượt mình, ông muốn có một sự chú thích toàn diện. Mỗi lần chú là một lần ông bình về điển tích, điển cố đó. Lê Văn Hòe không chỉ tiếp thu những tinh hoa từ những học giả bình về Truyện Kiều trước đó, mà còn sáng tạo nên những nét bình mới, tạo cho người đọc cảm thấy một thế giới của riêng ông, chứ không thể nhầm lẫn với học giả nào khác.

Ví như từ “Đồng Tước”, trong câu thơ:“Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều”(132) , ta bắt gặp chú giải từ “Đồng tước” trong bản của Tản Đà chỉ là lý giải ở mức cô đọng nhất mà không có bình vào câu thơ, Tản Đà chú rằng: “Tào Tháo định hễ phá được Ngô thời bắt hai nàng họ Kiều là vợ Tôn Sách và vợ Chu Du, khóa giam vào ở đài Đồng tước”.[5, tr21]

Đến Lê Văn Hòe, ông chú thêm về câu thơ Đỗ Mục đời Đường để nêu rõ nguồn gốc của điển tích, điển cố, rằng: “Tên một tòa lâu đài lộng lẫy đồ xộ do Tào Tháo dựng nên đời Tam Quốc”. Thơ Đỗ Mục đời Đường có câu: “Đông phong bất dữ Chu lang tiện, Đồng tước xuân thắm tỏa nhị Kiều. Nếu gió đông không giúp cho Chu- Du (phóng hỏa phá trận Xích bích) thì hai chị em họ Kiều bị (Tào Tháo bắt đem về) khóa kín trong đài Đồng tước (ở trước Ngụy)...”.

Đến bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh (1979), “Đồng Tước” được ông chú gọn lại rằng: “Cái nhà của Tào Tháo nước Nguy đời Tam quốc làm (ở huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) định rằng hễ đánh được nước Ngô thì sẽ bắt hai mỹ nhân của Đông Ngô (Đại Kiều và Tiểu Kiều) một người vợ Tôn Sách, một người vợ Chu Du, để ở đây...”. Đào Duy Anh đã học tập được Lê Văn Hòe để thêm vào chú của mình câu thơ của Đỗ Mục đời Đường nhưng ông đã rút kinh nghiệm để giải nghĩa đầy đủ hơn về câu thơ đó so với bản của Lê Văn Hòe: “Nếu gió đông không nổi lên để cho Chu Du được tiện mà phá quân Tào Tháo ở Xích Bích thì Tào Tháo đã bắt được hai mỹ nhân của Đông Ngô mà khóc xuân ở đài Đồng Tước rồi”. Bên trên đã nêu ra phần

giải thích của Lê Văn Hòe: “Nếu gió đông không giúp cho Chu- Du (phóng hỏa phá trận Xích bích) thì hai chị em họ Kiều bị (Tào Tháo bắt đem về) khóa kín trong đài Đồng tước (ở trước Ngụy)...”.

Hay ta bắt gặp cách chú một cách tỉ mỉ, trau chuốt đến từng từ, từng chữ trong cách chú từ “Ba sinh” của Lê Văn Hòe, ông chú rằng: Dịch từ chữ tam sinh, nghĩa là ba kiếp luân chuyển kiếp này sang kiếp khác. Xuất phát từ điển sau: Đời Đường có vị sư tên là Viên Trạch một hôm cùng bạn là Lý Nguyên Thiện đi chơi. Gặp một mụ đàn bà gánh nước Viên Trạch nói: "Người đàn bà này đã có mang ba năm đợi tôi vào làm con. Nay đã gặp đây, không thể nào trốn được. Hẹn ba ngày nữa thì bạn đến, ta lấy nụ cười làm tin. Mười ba năm sau ta lại sẽ gặp nhau ở chùa Thiên Trúc tỉnh Hàng Châu, vào đêm Trung Thu trăng sáng". Chiều đó Viên Trạch mất. Người đàn bà nọ đẻ con trai. Ba hôm sau, Lý tới thăm, quả nhiên đứa bé thấy Lý thì cười, đúng như lời hẹn. Mười ba năm sau Lý đến chùa Thiên Trúc Hàng Châu, nghe thấy một trẻ trâu hát rằng:

"Tam sinh thạch thương cực tinh hồn Thưởng nguyệt phong bất yếu luân Tam qui tình nhân viễn tương phỏng

Thử thân tuy dị, tinh thưởng đồng.”

Một ví dụ khác, đó là khi Tản Đà chú thích “Lam kiều” trong 43 từ rằng: “Là cái cầu trên sông Lam, ở mạn đông nam huyện Lam điền tỉnh Thiềm tây, tục truyền chỗ đó từ xưa có tiên ở, tức là chỗ Bùi Hằng gặp Vân Anh. Đây chỉ là mượn lời nói chỗ có gái đẹp”.[5,tr30]

Ta lại nhìn sang bản chú giải của Lê Văn Hòe cùng từ “Lam kiều”, ông chú trong 146 từ: “Lam Kiều là tên một địa điểm ở huyện Lam Điền tỉnh Thiềm Tây. Đời Đường, Bùi Hàng gặp nàng Vân Kiều tặng cho một bài thơ, trong thơ có câu: Lam Kiều bản thị thần tiên quật: Lam Kiều vốn chỗ thần ở. Sau này, Bùi Hàng qua một nơi gọi là Lam Kiều (vì đó có cầu) khát nước vào hàng uống nước, thấy trong quán có người gái đẹp tên là

Vân Anh, chàng muốn lấy vợ. Vân Anh bảo chàng hễ đem được cái chày ngọc kháp vừa cái cối ngọc của nhà bà thì bà gả cho. Bùi Hàng về gặp tiên cho chày ngọc đem đến, lấy được Vân Anh. Rồi hai vợ chồng điều thành tiên. Do Điển đó, Lam Kiểu được dùng để trỏ nơi ở của đàn bà đẹp. Đây Lam Kiều trỏ chỗ nhà nàng Kiều...”. [8]

Ví như khi chú giải về tích “Đào Nguyên”, Lê Văn Hòe chú rằng: “Văn sĩ Đào Tiềm đời Tấn chép truyện rằng có một người thuyền chài chèo đò ngược theo một nguồn nước đi mãi đến một nơi trồng toàn đào, hoa đào rụng đỏ cả suối, đi quá vào trong thì tới một nơi có người ở từ đời nhà Tần cách đấy mấy trăng năm, sống riêng biệt với thiên hạ. Cảnh đời êm đẹp như cảnh tiên”[8].

Tản Đà cũng chú thích “Đào Nguyên” theo nghĩa tương tự Lê Văn Hòe: “…Xưa đời Tấn có người ngư phủ chèo thuyền đi theo một cái nguồn nước, dẫn thấy có nhiều câu đào, tới cùng, thành ra thấy một chỗ tiên cảnh. Đây ý nói người khách tiên” [5, tr26].

Hay như tích “Lá thắm”, học giả họ Lê tỉ mỉ chú từ việc chàng Vu Hựu nhặt được lá cho đến nguồn gốc bài thơ của Hàn Thủy Tần: “Đời Đường, chàng Vu Hựu bắt được một cái lá đỏ (ngờ là lá bàng) trôi từ dòng sống nhỏ chảy ở cung Vua ra. Trên lá có đề một bài thơ. Hựu cũng lấy một cái lá họa thơ thả xuống dòng sông nhỏ. Lá trôi vào cung Vua. Hàn Thủy Tần là cung cung nữ bắt được cái lá họa thơ của mình, vì lá đỏ trước là do nàng thả ra. Sau này nhờ vụ thải cung tần, Vu Hựu lấy được Hàn thị bấy giờ mới biết rằng trước kia đã xướng họa thơ trên lá với nhau. Do đó người ta mượn chữ lá thắm để trỏ việc thông tin mối lái vợ chồng.”

Dùng tích về Vua Hán Vũ Đế, Lê Văn Hòe giải thích điển “Chim xanh”

như sau: “Vua Hán Vũ Đế đang ngự chơi, bỗng có hai con chim xanh bay đến. Đông phương Sóc hầu bên tâu rằng đó là sứ giả của Tây vương Mẫu đến trước, Tây vương Mẫu sắp tới bây giờ. Quả nhiên lát sau Tây vương Mẫu tới thăm vua. Do tích đó, chữ chim xanh được mượn trỏ kẻ đưa tin”.

Xét ví dụ về cách giải thích điển “Động khóa nguồn phong” của Lê Văn Hòe, ông chú rằng: “Động khóa, đâu nói Động Thiên Thai là nơi tiên nữ ở, khi Lưu Thần Nguyễn Triệu trở lại, thì động lấp mất lối vào. Nguồn phong: nguồn bị phong tỏa, bị niêm phong không mở, đây nói Nguồn Đào túc Đào Nguyên là nơi tiên cảnh, khi người ngư phủ đời Tấn trở lại thì quên mất lối vào”.

Ta có thể thấy cách ông chú thích rất tỉ mỉ, cẩn thận. Ban đầu ông giải thích nguồn gốc của Động khóa, là nơi tiên nữ ở; Sau đó nêu về nội dung câu chuyện rằng khi Lưu Thần Nguyễn Triệu trở lại động thì đã bị lấp mất lối vào. Còn nguồn phong ông giải thích từng từ, nguồn phong là nguồn bị phong tỏa, bị niêm phong không mở; Sau đó nói rõ về điển tích Nguồn Đào túc Đào Nguyên.

Hay nói về từ “Thiên thai”, Lê Văn Hòe chú rằng: “Động Thiên thai là nơi tiên ở: Lưu Thần, Nguyễn Triệu xưa lên núi hái thuốc lạc vào động Thiên thai. Động ở trên núi cao vót nên quanh năm cửa động có mây. Đây nói rẽ mây là rẽ đám rào gai, vào nhà Kim Trọng”. Ông đã chú chi tiết từ động là nơi tiên ở, đến điển về Lưu Thần, Nguyễn Triệu và cuối cùng là điểm lại nội dung toàn câu thơ, câu ấy ý nói như thế nào.

Quay về bản của Bùi Kỉ, Trần Trọng Kim, ta không thấy từ Thiên thai được chú giải;

Đến Đào Duy Anh trong cuốn Truyện Kiều (1979), ông nói: “do điển bài tựa Cao Đường phú của Tống Ngọc, non thần tức nhân núi ấy mà nói là núi có thần. Và ông giải thích ý câu thơ, ý nói Kim Trọng đương chợp ngủ thấy Kiều đến thì mơ mạng như thấy thần nữ đến”.

Từ “Giáp non thần” lấy từ điển: “Xưa vua Sở, Tương Vương ngự chơi đất Cao Đường nằm mơ thấy người con gái đẹp đến hầu. Hỏi thì nàng nói” Thiếp ở núi Vu Sơn sớm làm mây tối làm mưa, luôn luôn ở chỗ Dương đài (tức ngọn núi phía đông) sau nhà vua sai lập miếu thờ (tức miếu Vu Sơn Thần Nữ) gọi là miếu Triên Vân.”

Lê Văn Hòe giải thích thêm rằng sau người ta dùng những chữ Vu Sơn, Vu Giáp, đỉnh Giáp non thần, mây mưa, giấc mộng Cao đường, giấc mộng Dương Đài... để trỏ việc trai gái đi lại với nhau.

Và cuối cùng, ông giải thích ý toàn câu thơ, ý câu thơ nói: Kim Trọng mơ mộng bâng khuâng những việc ân ái.

Nhìn lại chú thích chú giải điển tích, điển cố trong quyển Truyện Kiều chú giải, một mặt ta thấy công phu, tâm huyết của tác giả đã bỏ ra để giúp người đọc hiểu, thưởng thức cái hay cái đẹp của từng câu trong Truyện Kiều, một mặt ta thấy giá trị văn chương từ những lời chú giải ấy.

Tiểu kết chương 1

Như vậy, việc hệ thống các chú giải về từ, thành ngữ, cụm từ, điển tích, điển cố, ngữ pháp, nghĩa trong ngữ cảnh, Lê Văn Hòe đã tỏ rõ ông là người có tâm huyết và trân trọng tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông đã đầu tư nhiều tâm sức và trí lực để khảo cứu một tác phẩm văn học lớn. Ông cho thấy tất cả sự tinh thế, nhạy cảm thẩm mĩ, công phu, tinh thần nghiêm túc và khi biên soạn Kiều, đặc biệt là với chú giải từ ngữ…

Trong tác phẩm đồ sộ dày 724 trang khổ lớn, Lê Văn Hòe đã cố gắng giải thích nghĩa của từ, thành ngữ, cụm từ; Giải thích từ nguyên (gốc từ): Dẫn xuất xứ một ý, một cách diễn đạt từ văn học Trung Quốc (Kinh Thi, thơ Đường; Giải thích ngữ pháp của câu thơ; Giải thích điển tích, điển cố; Giải thích nghĩa trong văn cảnh (ngữ cảnh)-context. Phải nói rằng đó là một công trình lớn lao mà ông đã làm có mục đích giúp mọi người hiểu thấu truyện Kiều, thưởng thức hết cái hay của truyện Kiều, và đưa truyện Kiều ra làm công cụ học vấn giáo dục có lợi ích cho giới học đường. Việc chú giải này đòi rất nhiều công phu, tuy vậy ông đã cố gắng hoàn thành một cách đầy đủ nhất.

Cũng qua Truyện Kiều chú giải chúng ta hiểu Lê Văn Hòe hơn, thấy được ở Lê Văn Hòe một học giả uyên bác và một nhà văn đầy bản lĩnh.

CHƯƠNG 2:

HỆ THỐNG CÁC BÌNH LUẬN CỦA LÊ VĂN HÒE VỀ NHÂN VẬT VÀ VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN DU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kiều chú giải (tác giả lê văn hòe) nhìn từ góc độ thống kê (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)