Trần thuật theo dòng hồi ức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong văn xuôi tô hoài sau năm 1986 (Trang 76 - 80)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Trần thuật theo dòng hồi ức

Để tái hiện lại thời kỳ lịch sử đã qua với những thay đổi lớn lao của đời sống xã hội cũng như con người, Tô Hoài đã xây dựng các sự kiện, nhân vật theo những hồi ức, ấn tượng sâu đậm của mình. Dòng hồi tưởng ấy có lúc đậm, lúc nhạt, có lúc rõ ràng, có lúc lại mờ ảo…Người kể lại câu chuyện của đời mình là người đi tìm gương mặt của chính mình, là người khám phá, sáng tạo ra cái “tôi”

bằng chính cái “tôi”. Tô Hoài đứng ở thời điểm hiện tại khi đã trưởng thành để nghĩ về quá khứ, ôn lại những niềm vui nỗi buồn, những được mất trong cuộc đời của mình để tìm ra những kinh nghiệm trong cuộc sống nên thời gian sẽ trôi chảy như một dòng sông. Sự hồi tưởng ấy có khi được trình bày một cách mạch lạc theo những dòng sự kiện, theo những biến cố của các nhân vật. Nhưng có lúc lại bị đứt nối, lúc nhớ, lúc quên…

Hồi tưởng là phương thức chính để xây dựng hình tượng thời gian trong tự truyện. Trong nhiều tác phẩm yếu tố hồi tưởng luôn trở đi trở lại với mật độ dày nhiều lớp nhiều tầng như: hồi tưởng của chủ thể, hồi tưởng của nhân vật chồng chéo lên nhau tạo nên một thế giới hình tượng vô cùng phong phú. Đi sâu khám phá thế giới của tự truyện Tô Hoài, ta thấy nhiều nhân vật mang trong mình một quá khứ tràn ngập những nỗi niềm day dứt xót xa. Ngã sáu Hàng Kèn là cái ngã sáu đường đời trở thành không gian dành cho sự hồi tưởng, từng người tìm về với những kỷ niệm của riêng mình: “Nguyễn Tuân chẳng thiết cái quán bát nháo của ông lão 81. Nhưng đến đây là một cơ hội để nhớ. Tách cà phê bít tất hay chén rượu có nhạt, cũng không quan tâm, chỉ bởi nó đem lại được cái cớ” [33,tr. 31]. Ở ngã sáu của sự hồi tưởng này, con người sống với những nỗi ám ảnh, day dứt về qua khứ nhiều hơn là sống với thực tại. Với những người luôn hồi cố như

71

Nguyễn Tuân, Tô Hoài dù hiện tại có đau buồn hay hạnh phúc hơn thì dĩ vãng đã qua vẫn thổn thức tận đáy tâm hồn, nơi mà không gì có thể chạm đến.

Không chỉ trần thuật theo điểm nhìn của chính mình mà nhà văn còn đặt điểm nhìn vào những nhân vật khác để đảm bảo tính khách quan cho lời kể. Mặc dù ông bị Như Phong đánh giá là láu cá, là văn chương đẽo gọt nhưng Tô Hoài không hề phủ nhận, ông còn tự nhận mình là người yếu đuối, tẻ nhạt nhưng là người biết thích nghi với thời cuộc. Tự mình nói về mình và không hề phủ nhận bất kì điều gì nên cái cười của Tô Hoài bao giờ cũng mủm mỉm, tưởng hiền lành mà lại chẳng hiền lành chút nào, càng khám phá ta lại càng thấy chất men nồng nàn của người nghệ sĩ, đó là chất men của tình người.

Từ điểm nhìn hiện tại để hướng về quá khứ, Tô Hoài đã trao quyền kể chuyện của mình cho các nhân vật: Nguyễn Tuân, Phùng Quán, ông cà phê bít tất…Nhà văn không kể về họ mà để họ tự kể bằng những suy nghĩ, những nhận xét, sự nếm trải của bản thân. Tác giả đã hồi tưởng lại chuyến phiêu lưu mạo hiểm của Nguyễn Tuân và Lương Đức Thiệp khi bị bắt, bị giam chung với tội phạm người Xiêm cả tháng. Dòng hồi tưởng của Nguyễn Tuân hướng về cảnh tượng kỳ lạ diễn ra ròng rã hàng đêm ở nhà gác trước mặt: “Chẳng biết nhà giamhay nhà thương điên, trong cửa chấn song nhốt toàn những người đàn bà. Những người đàn bà lùn tròn, trần truồng như nhộng đứng bám song sắt ngó xuống lồng giam rặt đàn ông. Không hiểu sao không ai có váy áo. Chẳng lẽ bức bối quá người ta đã cởi hết, xé hết…Có thằng dưới này chốc chốc lại gào toáng, dứt phăng quần tung lên. Trên dưới hò hét loạn xạ cơ hồ hóa dại cả” [33, tr. 154-155]. Những hình ảnh đấy cứ mãi ám ảnh Nguyễn Tuân không dứt. Tuy cách nhìn đám tù nhân ấy được hướng từ bên ngoài vào nhưng những cảm nhận của Nguyễn Tuân về họ lại xuất phát từ bên trong. Cái khủng khiếp ghê rợn của nhà tù trong những ngày bị giam cầm là kí ức buồn của Nguyễn Tuân và Lương Đức Thiệp.

72

Trao điểm nhìn vào nhân vật để nhân vật tự kể lại những hồi ức của mình, đó là sự tinh tế trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn. Tô Hoài không cần phải giới thiệu mà ông để cho nhân vật tự bộc bạch suy nghĩ của mình cho mọi người. Nguyễn Tuân tự cho mình là người “có tội” bởi ông hay nói ra miệng chứ không bao giờ giữ kín ở trong lòng. Cái bô bô của Nguyễn Tuân được gắn liền với biệt danh mà mọi người cho là con người ác khẩu, thế nhưng ông nói cho sướng miệng chứ chẳng có bụng dạ nào. Để Nguyễn Tuân tự nói ra điều đó nên cảm nhận của nhà văn về bạn mình sẽ khách quan hơn.

Trong hồi kí Cát bụi chân ai sự xuất hiện từ đầu đến cuối truyện của Nguyễn Tuân đồng nghĩa với việc Tô Hoài đã trao điểm nhìn vào nhân vật này. Dòng hồi ức của Tô Hoài về Nguyễn Tuân là những mảnh vụn được lắp ghép nhưng đôi khi lộn xộn khá thú vị và lan man toàn những câu chuyện không đầu, không cuối. Nhưng chính điều đó đã khắc sâu một Nguyễn Tuân với cái khinh bạc, cái cốt cách độc đáo nhưng cũng đời thường của con người ấy. Điểm nhìn của tác giả còn được đặt vào ông lão cà phê bít tất khi ông nói về thời trai trẻ làm bồi bàn kiêm nấu nướng cho người Tây, rồi kể về sở thích ăn uống, thói quen sinh hoạt của họ để làm phong phú hơn cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Có lúc điểm nhìn lại đặt vào nhà văn Phùng Quán để minh họa khách quan thời kì các nhà văn đi thực tế. Nhà văn nhớ đến các trang nhật kí còn đang dang dở của tên lính Ngụy chết tại đèo Nhông tháng 3 năm 1965 ghi lại những ngày cuối cùng trước lúc hi sinh và một cuốn nhật kí của anh sinh viên quân dịch ghi lại cảm xúc trong ngày tết với ước mơ được đoàn tụ với gia đình nhằm cung cấp cho người đọc cái nhìn khách quan về thời cuộc.

Hồi ức của nhân vật còn được tác giả thể hiện khác nhau không nhất quán theo bất kì trình tự nào. Đang từ những năm đầu của thập kỉ 40 khi lần đầu tiên Tô Hoài trông thấy Nguyễn Tuân ở bên kia bờ hồ, rồi Tô Hoài lại chuyển sang thời gian của những năm trước 60 ở dốc ngã sáu hàng Kèn, sau đó quay về những năm 46 của thời điểm mà Nguyễn Tuân gặp gỡ với Cao Văn Khánh, đến quãng

73

thời gian những năm 50 Nguyễn Tuân hay ăn phở ở tầng trệt nhà địa ốc ngân hàng và cho ra đời bài bút ký Phở nổi tiếng…Nhà văn nhớ đến thời điểm báo Nhân văn bị đình bản những năm 1956, sau đó lại lùi về mùa thu năm 1946 với chuyến tàu đưa Nguyễn Tuân và Lương Đức Thiệp đi Poipet cùng giấc mộng đổi đời. Điểm nhìn trần thuật của Tô Hoài theo dòng hồi ức còn diễn ra qua nhiều thời kì khác nhau, đó là thời kì nhà văn đi thực tế ở xóm Đồng (Thái Bình), thời kì học ở trường Đảng, thời kì làm trưởng ban khu phố…Chưa quá ba chương của tác phẩm Cát

bụi chân ai mà mốc thời gian dịch chuyển liên tục nên điểm nhìn vềkhông gian

cũng được dịch chuyển theo: từ Hà Nội đến Mậu A rồi sang Trung Quốc quay về Hà Giang, Tây Bắc, Thượng Yên, Poipet…rồi lại trở về Hà Nội. Không gian, thời gian được dịch chuyển liên tục càng thể hiện rõ sự minh mẫn trong trí nhớ của nhà văn Tô Hoài.

Ở mỗi thời kì góc nhìn của tác giả về nhân vật cũng khác nhau. Những năm nhà văn đi thực tế ở xóm Đồng, ông lao động như một người nông dân thực sự, được hòa mình vào với cuộc sống của quần chúng nhân dân để giúp họ sản xuất, xây dựng mô hình hợp tác xã. Suốt mấy tháng ròng nhà văn sống như một thành viên trong gia đình ông Ngải cho dù có lúc ông tự nhận mình chỉ là kẻ mồm miệng đỡ chân tay chứ “chẳng làm nổi cái thớ đút bếp” [34, tr. 72]. Dòng hồi ức của nhà văn tiếp tục hướng về thời kì khi ông làm trưởng ban khu phố, bất cứ việc gì cũng đến tay và phải đối diện với nhiều hạng người trong xã hội. Có thể thấy ở Chiều chiều điểm nhìn của tác giả gần như trùng khít với điểm nhìn của mỗi nhân vật. Chính vì vậy quan điểm, thái độ của người kể chuyện cũng chính là tư tưởng của nhân vật, tất cả đều xuất phát từ nội tâm nhân vật để cảm nhận không khí lịch sử thời đại.

Có thể thấy, dòng hồi ức đã đưa tác giả trở về quá khứ để có dịp nói ra những điều giấu kín trong lòng giống như một lời thú nhận xám hối của bản thân. Từ hiện tại hướng về quá khứ để nghiêm khắc phê phán cái ấu trĩ của thời cuộc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của biết bao con người vô tội và làm kìm hãm khả

74

năng sáng tạo của các nhà văn. Tô Hoài đã thể hiện sở trường của mình trong hồi kí nhằm khẳng định một phong cách nghệ thuật hồi kí riêng mà không bao giờ lẫn với bất cứ ai. Câu văn hồi tưởng chứa đầy những suy tư, thẫm đẫm cảm xúc của nhân vật, nhiều khi kết thúc tác phẩm trong sự bừng tỉnh của tác giả trước thực tại đầy cay đắng chua xót về cái đã có và cái đã mất của con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong văn xuôi tô hoài sau năm 1986 (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)