Trần thuật theo các sự kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong văn xuôi tô hoài sau năm 1986 (Trang 80 - 85)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.Trần thuật theo các sự kiện

Sự kiện bao giờ cũng là những tình huống để bộc lộ tính cách tâm trạng của nhân vật. Nó làm nên mạch truyện, môi trường sống của nhân vật. Nghệ thuật trần thuật theo các sự kiện trong các tác phẩm tự truyện của Tô Hoài diễn ra sinh động và hấp dẫn vì có sự nối tiếp, chồng chéo chằng chịt lẫn nhau khiến người đọc cùng lúc có thể được chứng kiến được nhiều sự kiện quan trọng.

Đầu tiên phải kể đến các sự kiện lịch sử và bao giờ cũng gắn liền với không gian lịch sử. Trong tác phẩm Cát bụi chân ai không gian được nhà văn nhắc đến nhiều lần đó là không gian cái dốc ngã sáu Hàng Kèn, không gian của những sự kiện lịch sử, không gian dành cho sự hồi tưởng của tác giả: “Những năm trước 60, ở cái dốc ngã sáu Hàng Kèn ban đêm thanh vắng lắm. Những cây sấu, cây sữa cũng chưa như mấy năm sau phải một trận bom Mỹ đánh sập hai ngôi nhà và mấy gốc cổ thụ”[33, tr. 8]. Tuy chỉlà dòng hồi tưởng ngắn gọn song bạn đọc thấy rõ sự đối lập trong cùng một không gian nhưng ở những khoảng thời gian khác nhau. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ đất nước ta lại đối đầu với đế quốc Mỹ và “Cái dốc ngã sáu Hàng Kèn” đó không còn bình yên như trước nữa. Một trận bom đã làm sập nhiều ngôi nhà cùng với mấy gốc cây cổ thụ. Nhà văn không thống kê cụ thể, song dòng hồi ức của ông đã đưa người đọc trở về với không gian của các sự kiện lịch sử.

Theo dòng hồi tưởng, tác giả đã đưa bạn đọc trở về chứng kiến sự kiện những năm tháng chống thực dân Pháp: “Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và ôi theo tiểu đoàn 54 Trung đoàn thủ đô tiến quân vào mở chiến dịch tiêu diệt

75

một chuỗi cứ điểm hành lang bờ sông Thao án ngữ Tây Bắc, các đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng” [33, tr.18]. Được đi thực tế với các chiến sĩ, được chứng kiến những chiến thuật trong từng chiến dịch, nhà văn đã cảm nhận hết được sự khó khăn gian khổ của cuộc chiến đấu trường kỳ của nhân dân ta, đất nước ta.

Trong tác phẩm của mình, Tô Hoài đã nhiều lần nhắc tới không gian của cánh rừng Thượng Yên “trong một làng dân tộc Dao đỏ giữa một cánh rừng rậm bờ sông Lô trên bến Bình Ca” [33, tr. 42] trong thời kỳ khó khăn, khắc nghiệt nhất. Đó là căn cứ địa cách mạng “chưa bao giờ cơ quan rúc vào một nơi hóc hiểm đến thế. Nguyễn Tuân ngại nơi này nhất. Đến Thượng Yên, trong cánh rừng ẩm ướt Nguyễn Tuân mới thực sự bị những cơn sốt rét hành hạ” [33, tr. 42]. Những nhà văn như Nguyễn Tuân đã cùng nếm mật nằm gai và ăn sương nằm gió với những người lính nên họ càng hiểu hơn sự gian khổ của cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược. Khi trực tiếp đến với những nơi nguy hiểm thì các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng lại càng có thêm tư liệu đáng quí để viết và dựng lại những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Tái hiện những năm tháng bom đạn nhà văn không chỉ miêu tả không gian của cánh rừng Thượng Yên mà ông còn đưa người đọc đến với một không gian đặc biệt mà ở đó “các cửahàng, phiếu thịt chỉ bán mỡ - mà họa hoằn mới có. Người đổ ra đường, suốt ngày nháo nhác sắp hàng, xếp hàng mua từ mớ rau đay. Bom đánh trên đầu, dưới đất thì kéo dài hàng như thế này, biết sẽ ra sao” [33, tr.264]. Bomđạncủa giặc thì rơi ở trên đầu song dưới mặt đất xếp hàng dài người mua bán, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Từ sự kiện người đổ ra đường nháo nhác chúng ta có thể hình dung ra được sự khốc liệt của chiến tranh lúc bấy giờ vì bao trùm lên không gian lúc đấy tràn ngập bom đạn và thuốc súng. Nhà văn đã chắt lọc những sự kiện lịch sử xã hội có ý nghĩa để góp phần quan trọng phản ánh bức tranh hiện thực cuộc sống một thời kỳ đầy biến động.

76

Cùng với việc trần thuật theo sự kiện lịch sử còn có không gian sự kiện đời tư đó là: không gian gia đình, không gian cá nhân, những thay đổi ảnh hưởng tới cuộc sống tâm lý của nhân vật. Một lần nữa chúng ta lại có dịp tái ngộ với họ thông qua không gian hiện thực gắn với sự kiện đời tư. Khi kháng chiến diễn ra thì gia đình các văn nghệ sĩ phải tản cư tới những nơi an toàn: “KHÁNG CHIẾN, Nguyên Hồng và Kim Lân đưa gia đình tản cư lên ấp Cầu Đen trên Nhã Nam. Các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, cả nhà bác Ngô Tất Tố cũng lên quây quần trên cái đồi thấp bấy giờ còn hoang vắng. Những vùng ở Xuân Áng (Phú Thọ) hay Quần Tín (Thanh Hóa) cũng tụ hội lại những làng văn nghệ sĩ kháng chiến. Nghe kể họa sĩ Trần Văn Cẩn được xã cấp cả ruộng, anh đi cày rất thạo” [33, tr. 52]. Sự kiện tản cư thời kháng chiến là chuyện không còn lạ của người dân nhằm tránh sự càn quét của giặc. Vì vậy gia đình các văn nghệ sĩ đều phải tạm thời rời xa nơi sinh hoạt quen thuộc của mình để đến với những vùng còn hoang vắng để sinh sống và nơi đó dần trở thành những làng văn nghệ sĩ kháng chiến.

Trong sáng tác của Tô Hoài thì không gian sự kiện luôn gắn liền với mỗi cá nhân, do đó ông không bao giờ quên Nguyễn Tuân - người bạn vong niên. Mỗi lần Nguyễn Tuân xuất hiện là một lần làm người đọc ngạc nhiên, khi còn trẻ ông hiện lên là một con người ham đi: “Chuyến tàu hỏa từ Pnôm Pênh rađến Poipet vừa chập tối. Bấy giờ vào mùa thu 1930 (…). Cuối hàng ghế có hai người trẻ tuổi (…). Chuyến tàu hỏa ấy rầm rập suốt đêm xuống Vọng Các. Họ không chợp mắt được. Hãy còn hồi hộp vì may mắn và tự khen đã khôn ngoan, khéo léo che mắt được mật thám. May mắn, đã bình yên ra khỏi xứ Cao Miên. Đến nửa buổi, tàu vào thành phố Vọng Các...” [33, tr. 147- 148 - 153]. Trong dòng hồi tưởng của mình, Tô Hoài xây dựng nên hình ảnh một chàng thanh niên Nguyễn Tuân “mặt non choẹt, chưa chắc đã được hai mươi tuổi” [33, tr. 148]. Nhà văn thường lựa chọn những sự kiện đặc biệt nhằm bộc lộ những nét cá tính của Nguyễn Tuân. Cá tính ấy tạo nên cái “tôi” mang màu sắc của chủ nghĩa xê dịch và thể hiện được

77

tính cách của một con người ham đi. Khi trở về quê hương Nguyễn Tuân rơi vào vòng luẩn quẩn, chán chường, bế tắc, nhưng hơn bao giờ hết người đọc vẫn thấy được một nhân cách trung thực chưa hẳn đã khép kín trước cuộc đời.

Trong Cát bụi chân ai những bức thư Nguyễn Tuân gửi cho Tô Hoài trong chuyến đi mấy tỉnh ở Tây Bắc đã để lại cho độc giả ấn tượng khó phai với những ký ức về cảnh sắc thiên nhiên vùng sơn cước, đặc biệt là không gian gắn với các sự kiện cá nhân của Nguyễn Tuân: “Thư trước viết từSimacai một ngàyphiên chợ có nắng. Thư này viết sau ba ngày đi bộ liền 70km, dưới mưa, hôm trước mưa lũ to tắc suối phải vòng lên bản Mèo tránh lũ. Hôm trước mưa, hôm sau mưa, hôm sau nữa lại mưa nữa (…). Người mình vẫn đang hâm hấp sốt, mấy hôm đi trong mưa vẫn sốt tiếp. Cao mang đi hết, phải nhờ địa phương tiếp cao cho mới rút đường được như vậy. Mệt, khổ, nhưng hình ảnh lượm về giao thông bưu điện cũng không đến nỗi nghèo lắm. Đường dây Lào Cai như thế là căn bản tôi như tóm được đây rồi” [33, tr. 235 - 236]. Mặc dù luôn bị căn bệnh hành hạ “bộ xương đã buốt sẵn vì tê thấp mùa này, lên đây càng buốt tợn” [33, tr. 234] nhưng Nguyễn Tuân vẫn thích đi để được khám phá, tìm tòi. Tất cả những gì mà nhà văn ghi chép lại được đều trở thành chất liệu cho các sáng tác của ông sau này.

Mỗi sự kiện gắn với Nguyễn Tuân đều cho ta thấy một Nguyễn Tuân đầy đủ các sắc thái tâm trạng, cảm xúc trong một không gian đặc biệt. Tô Hoài đã trung thực khi nhận xét: “Nguyễn Tuân trầm mặc, nghiêm mặt và một vẻ ta đây (…). Nguyễn Tuân lý lẽ và cứng cỏi” [33, tr. 307 - 308]. Tô Hoài đã đặt Nguyên Tuân vào không gian như vậy để ông có thể bộc lộ những quan điểm rõ ràng của một người ở bên này chiến tuyến đối với kẻ xâm lược. Với sự kiện đặc biệt này Tô Hoài xây dựng chân dung Nguyễn Tuân hoàn chỉnh không chỉ là con người bình thường mà còn là con người “cũng đương chính trị” [33, tr. 308]. Một con người đã từng say sưa với các chuyến đi nhưng đã từ chối không đi Pari vì ông không còn đủ sức để có thể đi được nữa do căn bệnh thấp khớp hành hạ và hai cái

78

chân đã rỗng cả ống nên gây khó khăn cho sự đi lại của ông. Con người không ai tránh được quy luật của cuộc sống, có lẽ sự ra đi của con người tài hoa và ngông nghênh ấy đã được báo trước, người đọc có thể cảm nhận được nỗi buồn thấm thía của nhà văn trước sự ra đi về cõi vĩnh hằng của bạn mình. Một sự kiện nữa mà nhà văn không thể không nhắc đến đó là sự kiện Nguyễn Bính mất con. Hình ảnh thất thểu đi tìm con của Nguyễn Bính khiến người đọc cảm nhận được nỗi buồn của người bố mất con và thấy được sự cảm thông sẻ chia của Tô Hoài trước nỗi đau của bạn.

Trong các tác phẩm của Tô Hoài thì không gian cụ thể luôn gắn liền với các sự kiện có liên quan đến từng con người. Theo dòng hồi tưởng của Tô Hoài, các sự kiện bao giờ cũng thấm đượm cảm xúc chân thành của tác giả. Nhà văn là người có trí nhớ tuyệt vời nên những câu chuyện hoài niệm của ông cứ tuôn ra ào ạt không dứt. Những sự kiện ấy đều gắn liền với những kỷ niệm của chính tác giả. Điều đó được thể hiện qua việc nhà văn sử dụng phép đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, giữa quá khứ gần và quá khứ xa. Nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm tự truyện của Tô Hoài thường được gắn với những dòng ý thức dòng tâm tưởng, được ông sắp xếp không theo trật tự mà thường lan man, ông nhớ đến đâu thì kể đến đó. Hồi ức ấy được thể hiện rõ trong những năm tháng đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, trong việc tích cực đấu tranh phê bình và tự phê bình. Khi đó chính nhà văn cũng hoang mang không hiểu sẽ kiểm soát hành động của bản thân như thế nào trong tình hình đất nước lúc bấy giờ. Cho nên Tô Hoài hành động thật khôn ngoan theo kiểu: “Nước trong thìrửa mặt, nước đục thì giặtgiày” [32, tr. 57]. Nhờ cách sống này mà trong khi có những nghệ sĩ điêu đứng vì Nhânvăn còn Tô Hoài vẫn bình yên trong những năm tháng đầy giông bão đó. Sau khi xảy ra sự việc Nhân Văn, Tô Hoài “đáp tàu xuống Thái Bình” [34, tr. 28], “tự nguyện hay không, tôi thấy tôi phải đi mới giải quyết được bế tắc cho mình” [34, tr. 28] để khám phá cuộc sống và con người làm tư liệu cho các tác phẩm của mình.

79

Đi và được đi đó là niềm vui, hạnh phúc của người cầm bút nhưng cũng có lúc nhà văn dừng lại để suy ngẫm cuộc sống xung quanh mình. Khi tham gia công tác ở khu phố, ông mới cảm nhận được hết những điều phức tạp và rắc rối trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các công việc từ nhỏ nhất ông đều tham gia không bao giờ né tránh: “Trưởng ban đại biểu khối phố cũngnhư trưởng thôn ở xóm - một hình thức tự quản, nhưng công việc thì lại chẳng khác chủ tịch xã. Có lịch giao ban với tiểu khu, không được có con dấu nhưng cứ ký chứng nhận, xác minh, giới thiệu đủ thứ: đăng ký kết hôn; xin miễn phí cho người nghèo nằm nhà thương; mua bán nhà; đưa giấy gọi nghĩa vụ quân sự; mở lớp xóa nạn mù chữ, lớp chống tái mù; phụ trách vệ sinh, đánh bả chuột, phun thuốc muỗi; lập danh sách rồi lĩnh và phát tem phiếu lương thực cuối năm. Ôi chao, một đống việc phải mó tay vào. Có hôm đương họp, người chạy vào báo: phố bên kia cho người lấy phân trộm, xe thồ cứt thối khắp xóm. Thế là lại phải chạy sang”[34, tr. 193]. Tuy vất vả nhưng công việc đem lại cho ông nhiều niềm vui và hiểu hơn cuộc sống sinh hoạt của người dân thị thành vào những năm khó khăn, những năm tháng kháng chiến. Các sự kiện trong sáng tác của Tô Hoài được hồi tưởng, tái hiện với thái độ khách quan cùng với lối kể tỉ mỉ nhưng vô cùng tự nhiên làm cho người đọc cảm nhận được nhiệt huyết của tác giả.

Như vậy trong tự truyện của Tô Hoài việc trần thuật theo các sự kiện mang một ý nghĩa đặc biệt, nó giúp cho người đọc thấy được các nhân vật ở mọi phương diện đặc biệt là ở phương diện cuộc sống đời thường. Những biểu hiện bên ngoài trong mỗi sự kiện của tác phẩm chủ yếu là làm nổi bật tính cách, tâm tư, tư tưởng, hành động của nhân vật đó nhằm đem đến cho người đọc hiểu rõ hơn những giai đoạn cách mạng cam go và cuộc sống sinh hoạt của các nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong văn xuôi tô hoài sau năm 1986 (Trang 80 - 85)