Sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ kể, tả, bình luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong văn xuôi tô hoài sau năm 1986 (Trang 89 - 92)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ kể, tả, bình luận

Văn chương của Tô Hoài luôn có sức hấp dẫn và thu hút độc giả bởi lối văn trần thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời kể, lời tả mang phong cách riêng không lẫn với một ai. Tô Hoài kể về từng thói quen, từng sở thích, thậm chí là từng kỷ niệm về mỗi người bạn của mình. Nhà văn cứ nhẩn nha đi hết chuyện này sang chuyện khác, từ chuyện người này sang chuyện người khác tưởng như không cần mạch và không cần hệ thống. Đang nói về Nguyên Hồng, người phụ trách tuần báo văn của Hội nhà văn thì ông lại xen kẽ nói về chuyện tuần báo

Trăm Hoa của Nguyễn Bính. Đang nói chuyện về cái thú đói đi của Nguyễn Tuân thì ông lại rẽ sang kể về Vù Mí Kẻ - người bạn dân tộc Mông và Két là chiến sĩ trinh sát, trung đội trưởng hi sinh trong chiến dịch sông Thao mùa hạ năm 1949. Thời gian hồi tưởng của tác giả diễn ra rất nhanh, thế nhưng khi vấp phải một điều gì đó hay một câu nói, một từ nào đó thì câu chuyện lại đảo chiều. Chẳng hạn như chuyện mà nhà văn nói về con tàu Chantily, đang kể về con tàu đưa Nguyễn Tuân, Lương Đức Thiệp ra Hải Phòng để thực hiện giấc mơ đổi đời thì tự nhiên chỉ cần mấy câu nhắc đến tàu Chantilly thế là lại nhớ Chantilly. Kể người và kể về những kỉ niệm, thậm chí là chuyện của chính mình đã đem lại sức hút riêng trong văn Tô Hoài.

Ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài luôn đi vào lòng người bởi nhà văn đã khéo léo trong việc dùng nghệ thuật miêu tả để kể chuyện. Cho dù là cảnh làng quê hay thành thị, thời chiến hay thời bình, ở Việt Nam hay sang nước bạn Tô

84

Hoài đều khéo léo thu vào tầm mắt mình những sự việc, những câu chuyện dù là nhỏ nhất. Ông luôn khắc sâu trong kí ức người đọc những kỉ niệm khó phai những nơi mà ông đã từng gắn bó máu thịt với con người, cảnh vật trong những ngày đi thực tế. Hiện ra trước mắt người đọc là cảnh làng quê Thái Bình: “Đứng trên đê trông xuống mênh mông - cả tỉnh Thái Bình đều bốn phía chân trời, không nhấp nhô gò đống, không một chấm núi. Chỉ rợn lên những cánh đồng, những con đê, những bờ tre. Con sông Diêm lừ đừ phẳng lặng. Cái chợ họp hôm họp mai chốc lát đầu bến cũng gọi là chợ phố” [34, tr. 30]. Chỉ bằng vài nét chấm phá mà cả vựa lúa Thái Bình đã trải dài trước mắt người đọc như một thước phim quay chậm nó gợi ra một cuộc sống bình yên, thanh bình của người dân nơi đây. Đó còn là cảnh nước Nga xa xôi với “Sibêri cuối thu, tuyết xuống tơi tả. Những vòm cối sắt nâng tàu thay bánh ở Dabaican…Đến Matxcơva, tuyết bắt đầu đóng băng như những miếng kính, người lội trong bùn trắng, khách sạn Ucraina trông xuống sông Matxcơva những buổi sáng từng tảng băng mỏng đọng trên mặt nước” [34, tr. 334].Nước Nga với nét đẹp văn hóa đã đi vào những trang văn đầy quyến rũ làm say đắm lòng người. Người đọc nhận thấy tình cảm của tác giả gửi gắm trực tiếp trên từng trang viết và trong từng con chữ cho nên những kỉ niệm mà nhà văn gắn bó với đất nước ấy, con người ấy đã trở nên da diết, sâu lắng hơn bao giờ hết. Cũng chỉ bằng vài nét chấm phá song Bắc Kinh (Trung Quốc) đã hiện ra cụ thể trước mắt chúng ta: “Bắc Kinh cổ kính và Bắc Kinh hiện đại lồ lộ sức sống, vừa uy nghiêm, vừa trẻ trung. Những bức tường nào không chi chít báo chữ to thì lộ ra hàng gạch vồ nghìn năm chân phương...Những cây hoa hòe cổ thụ, Vũ Xương toàn cây thông, Hán Châu những hàng dương liễu, Bắc Kinh thành phố cây hòe và những cây bồ liễu cành quang đãng đương ủ mầm sắp sang xuân” [34, tr. 461- 462]. Nhờ biệt tài miêu tả của Tô Hoài mà một Bắc Kinh xa xôi song lại vô cùng gần gũi trong tâm tưởng của người Việt

Bằng con mắt nhạy bén của mình, Tô Hoài luôn nhìn thấy những điều mà người khác có thể bỏ qua, để rồi ông tạo nên nét riêng độc đáo cho từng chân dung

85

nhân vật của mình. Một Nguyễn Tuân kiểu ngông khác người, khác đời đến cách ăn mặc cũng chẳng giống ai. Một Nguyên Hồng với bộ râu lởm chởm cứng quều ở tuổi năm mươi hai, với hai con mắt “lung liếng” như “tống tình”. Qua cách miêu tả này chúng ta thấy một Nguyên Hồng với bề ngoài giống ông buôn rượu, đối lập với một Nguyên Hồng mang cảm hứng giữa đường giữa chợ, chắc phải yêu phải hiểu bạn lắm Tô Hoài mới lột tả được cái thần thái của bạn mình như vậy.

Trong Hội Tây (Chuyện cũ Hà Nội) Tô Hoài kể về những trò chơi lố bịch mà thực dân Pháp đã bày ra nhằm lôi kéo tầng lớp thanh niên nước ta để họ quên đi nghĩa vụ trách nhiệm với đất nước: leo cột mỡ, liếm chảo, đập nồi, bịt mắt bắt dê, chạy bao...Vui nhất là trò diễu binh. Trò này được tác giả miêu tả như sau: “Đấy là mấy trăm người lính tập An Nam mặc giả làm đàn bà da đen nước Đa - hô - mây bên châu Phi. Để làm giả người phụ nữ Đa - hô - mây, các ông cai đã lột trần từng người lính An Nam ra, lấy cồn trộn bồ hóng trát đen nhóng nhánh khắp người, cả chân tay mặt mũi. Môi thì bôi đỏ. Hai mí mắt phết kem trắng. Mắt cứ nhấp nháy đen trắng như ánh chớp trong cơn mưa. Mớ tóc giả quăn queo buông xuống đến lưng, bụng thì độn phồng một túi mạt cưa, phủ chiếc tạp dề vải xanh, trên cái váy xòe vẽ hình một mảnh mặt trăng khuyết như cái miệng ngậm đầu ngón tay” [35, tr. 246]. Quaviệc miêu tả rất chi tiết về một tiểu đoàn trá hình diễu hành, Tô Hoài đã khiến cho người đọc không khỏi bật cười, nhưng đằng sau tiếng cười ấy là thái độ mỉa mai châm biếm của tác giả. Ông lên án gay gắt những trò vui vô bổ mà thực dân Pháp bày ra hòng dụ dỗ và hạ nhục người An Nam. Đồng thời ông cũng lên án phê phán những thanh niên An Nam không biết phân biệt đúng, sai để cho thực dân Pháp lợi dụng làm trò mua vui cho chúng.

Điểm nổi bật làm nên sức lan tỏa trong ngôn từ nghệ thuật của Tô Hoài là sự đan xen, kết hợp của nhiều loại ngôn ngữ khác nhau: từ dân dã đến trần trụi, suồng sã lại trữ tình, vừa bay bổng lãng mạn vừa hài hước dí dỏm, tinh quái, vừa mang chất cổ kính xa xưa lại vừa hết sức hiện đại. Sự đan xen của những đặc điểm

86

ngôn từ thể hiện cảm quan nghệ thuật của Tô Hoài: hướng về hiện thực đời thường, nâng hiện thực lên trong hư cấu nghệ thuật nhưng không xa rời thực tế. Ông rất tinh tường, tinh tế khi chọn những sự vật, sự việc tiêu biểu của đời sống hàng ngày, những cái bình dị nhưng có khả năng khái quát bản chất con người và cuộc sống, chứa đựng giá trị hiện thực và nhân sinh. Tô Hoài cũng rất tinh thông, điêu luyện, tài hoa khi lựa chọn, sử dụng ngôn từ thích hợp để biểu đạt những giá trị văn hóa dân tộc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn hài hòa của nhiều tính chất khiến cho hệ thống ngôn từ nghệ thuật của Tô Hoài không đơn điệu, nhàm chán mà luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn với người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong văn xuôi tô hoài sau năm 1986 (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)