7. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Giọng điệu dí dỏm, hài hước thông minh
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường,đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm...” [20, tr. 112]. Mỗi nhà văn lại lựa chọn chomình một loại giọng điệu khác nhau để làm nên phong cách và bản sắc riêng. Ở Tô Hoài, giọng điệu nghệ thuật chủ đạo làm nên nét đặc sắc của nhà văn là giọng điệu dí dỏm, hài hước và giọng triết lý.
Trong tác phẩm mang yếu tố tự truyện của Tô Hoài, ta nhận thấy có một giọng điệu vừa dí dỏm lại vừa hài hước thông minh được bộc lộ qua những hồi ức mà Tô Hoài diễn tả từ những trang văn của mình. Chuyện về cuộc đời cũng chính là chuyện về bản thân ông, nhà văn đi hết từ chuyện này sang chuyện khác bằng giọng điệu dí dỏm và hài hước. Từng câu nói từng tiếng cười và giọng điệu của mỗi nhân vật, con người ngoài đời như thế nào thì ông để tự nhiên đi vào tác phẩm của mình như thế. Nhà văn biến những điều thiêng liêng thành những cái buồn cười khôi hài khiến người đọc thấy vui. Giọng hài hước dí dỏm chân thật đến mức hồn nhiên ấy đã từng xuất hiện nhiều trong Cỏ dại khi nhà văn hồi tưởng về ấu thơ: “Một buổi kia, ngồi trong lớp, tôi chợt nghe mình buồn buồn đi
87
đái. Ôiđích thực. Thôi chết. Có những đứa lên khoanh tay, thò đầu bên bàn thầy, thưa xin thầy cho đi giải. Tôi chỉ việc lên thưa thầy một câu, cũng sẽ được hả hê như vậy. Nhưng tôi không dám. Tôi ngồi yên, đôi chốc nheo mặt nhìn trộm thầy giáo…” [37, tr. 65]. Hay “thỉnh thoảng có thư thầy tôi gửi về. Bác phu trạm tận Hoài Đức lại vào nhà tôi đưa thư…Bóng bác đã ra ngõ,…Người như củ súng thế mà lại định chim con gái làng này” [37, tr. 68]. Lối so sánh của các cô gái đậm chất khẩu ngữ đời thường song lại ẩn trong đó cả niềm kiêu hãnh của những cô gái có trong mình quãng đời đẹp nhất của tuổi trẻ.
Sau 1986, sắc thái dí dỏm hài hước ấy lại được tác giả đưa đến nhằm một mục đích là kéo đối tượng lại gần nhằm phát hiện bản chất của nó. Trong Chuyện
cũ Hà Nội tanhận ra một cái nhìn vô cùng hóm của nhà văn khi kể lại trongtruyện
Thịt chó chui. Vào những năm Pháp thuộc ở Sài Gòn không được ăn thịt chó vì Đốc lý Pháp đặt ra luật lệ: ăn thịt chó là phạm vào phong tục xứ Nam Kì. Nhưng sự đời thật lắm oái ăm bởi càng ngăn cấm thì người ta lại càng muốn làm cho bằng được: “Đó là các cô Tạ, cô Tây, cô Hòa bạn Tô Hoài ở Vinh chuyên đi buôn lậu…Tưởng các cô buôn chui lủi thì kiêng khem nhiều. Nhưng các cô lại khoái thịt chó tợn…Kể cả cô Tây đồng bóng ngày thường cũng chén mạnh”[35,tr. 115]. Tô Hoài còn kể lại có lần các cô mang con chó vện nhỡ từ Vinh vào khi “con chó đã bị dìm nước chết, lông ướt bê bết ra cả tờ giấy dầu bọc. Có lẽ các cô mới bắt nó trẫm mình lúc sáng sớm. Như thế, không phải đập, không phải cắt tiết. Chó sặc nước không kêu được, không lộ” [35, tr. 116]. Tuylà ăn vụng trộmsong vẫn có đầy đủ gia vị và vui lắm “chúng tôi xúm xít, lặng lẽ lúi húi làm. CôHòa thì đeo cái đãy ra chợ Bến Thành mua bún, mắm tôm, chanh, ớt, các thứ rau thơm. Đến trưa bọn cô Tây, cô Tạ mới kéo đến...Mùi chanh trong Nam lạ vị, lại không có mắm tôm Bắc. Nhưng cứ chén ào ào” [35, tr. 117]. Trước nhữngthói hư, tật xấu của đời thường, Tô Hoài không gay gắt mà ngược lại ông nhẹ nhàng như đang thủ thỉ đang giãi bày để bộc lộ nỗi lòng của mình hết sức chân thực, khách quan và hài hước. Đằng sau giọng văn hài hước dí dỏm là sự mỉa mai châm biếm sâu sắc
88
Hội Tây nhà văn giới thiệu về ông cai Mấu như sau: “Nhà ông cai Mấu, ngày trước ông cai đã đi lính sang Tây. Chẳng biết ông đã đóng chức cai chưa. “Ba năm đi lính trở về. Súng trả nhà nước, ắc ê hãy còn”, ai đi lính về cũng cứ được gọi là ông cai, ông ách, bét ra cũng là ông binh, ông quyền, ông bếp. Làng nước rõ khéo đặt nịnh chức tước”[35, tr.244]. Bằng giọngvăn hóm hỉnh cùng với tiếng cười tinh nghịch có khi lại xót xa và mỉa mai tác giả đã miêu tả một cách chi tiết tỉ mỉ về cảnh vật, nếp sống về tất cả những gì đã diễn ra xung quanh mảnh đất kinh kì thời Pháp thuộc.
Với Tô Hoài, từ chuyện của mình hay chuyện của người, chuyện của bạn bè đồng nghiệp ông đều nhớ và thể hiện sức nhớ ấy qua tiếng cười tinh nghịch và hài hước. Thật cảm động khi Tô Hoài nhớ lại câu chuyện về ao ước có một chiếc xe đạp: “Xe đạp, cái xe đạp ước ao. Muốn có, nên lúc nào cũng thèm như có thật”; “Cái xe đạp đầu tiên của tôi trơ trụi có khung và bánh gọi là xe cởi truồng” [35, tr.19] để rồi khi mượn được chiếc xe, lại khốn khổ với nỗi lo không đèn, phải lên ngồi sở cẩm thâu đêm “muỗi đói đốt, gáy sần lên như gai gạo” [35, tr.19].
Tô Hoài cũng không ngần ngại phơi bày tất cả những cái tầm thường nhếch nhác, những thói hư tật xấu bên trong con người với cái nhìn tự nhiên đáng yêu. Nhà văn dẫn người đọc đến câu chuyện phòng bệnh tào tháo đuổi của Nguyên Hồng. Trong bữa tiệc mừng thọ nhà văn sáu mươi tuổi, Nguyên Hồng cứ thi thoảng lại chạy ra thang máy, chốc chốc lại bỏ đi đâu một lát. Tô Hoài đã nhìn ngay ra căn bệnh của bạn mình: “Biết rồi, chẳng đái giắt thì cũng đi trống tràng, mà hôm naykhông ai ra đến phố chỉ ở trong nhà nên hà tiện một viên thuốc rửa. Đã lâu, nghiện rượu chợ, rượu tạp với ớt, với ổi, với mướp đắng heo hút ở đồi Nhã Nam, vơ váo ăn và uống lộn xộn đã quen dạ. Đến nỗi cái ngon lành lại đâm lạ miệng, rối loạn tiêu hóa”[33, tr. 322]. Chất giọng hài hước của Tô Hoài khiến chúng tabật lên một tiếng cười sảng khoái mỗi khi nghĩ về nhà văn Nguyên Hồng. Câu chuyện mà Tô Hoài viết về Xuân Diệu khi đi diễn thuyết mới thật khôi hài,
89
ở bất kì chỗ nào nhà thơ cũng chốc chốc đổi lại vị trí lọ hoa, ông bê cái đèn từ chỗ này sang chỗ khác mà vẫn chỉ ở trên mặt bàn. Thỉnh thoảng lại quát người nghe: “Vỗ tay đi chứ. Tôi lao động thì đồng bào phải vỗ tay khuyến khích tôi lao động. Vỗ tay nào?” [33, tr. 329]. Thói quen của Xuân Diệu thật buồn cười song cũng thậtđáng yêu.
Đặc biệt khi nói về cái tật mê gái của các bạn mình, Tô Hoài cũng nói bằng một giọng điệu thật hài hước. Sao Mai vốn có máu đa tình song lại vô cùng chung thủy nếu có léng phéng với ai rồi cũng lấy người ta, còn với Nguyễn Bính thì “thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa” [33, tr. 64]. Những mối tình thoảng qua của Nguyên Hồng thì toàn là “nạ dòng, má phúng phínhbánh đúc, áo cánh chồi, nhai trầu môi cắn chỉ là ưng ý lắm”[33, tr. 323]. Nguyễn Sáng không đi thực tế được vì ông phải lòng cô bán kem mười lăm, mười bảy tuổi với triết lí tình yêu không có tuổi. Tô Hoài nói về tật xấu của bạn bè mình một cách tự nhiên không che đậy khiến chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với các nhà văn.
Khi nhà văn cùng với Nguyễn Tuân chuyển từ núi Là sang cánh rừng Thượng Yên, Nguyễn Tuân không ngừng ca cẩm: “Ối giời ơi, ông ở chợ Rã, ở Tủm Tó, ông nằm đất, ông rang bọ hung ăn, ông xơi thịt lợn không muối thối um lên, ông uống rượu men lá cũng khỏi ốm, ông còn thiết, còn nghĩ đến ai” [33,tr. 43]. Tô Hoài nhớ lại những giây phút bọn Quốc dân Đảng bị bắn trong cái chết đau thương vẫn có giọng điệu hóm hỉnh hài hước đó là tiếng kêu la thất thanh tiếng kêu “ối giời ơi”. Người đọc nhiều lúc nở nụ cười buồn khi Nguyễn Tuân - con người uyên bác đôi khi cũng tự huyễn hoặc mình về tầm cỡ của một nhà văn quốc tế, sáng tác có thư kí đánh máy riêng song cuối đời lại đau đớn bẽ bàng: “Tớ cũng tô hồng và ảo tưởng đáng chửi chẳng khác nào thằng sắm thìa dĩa để sắp sửa vứt đũa chỉ chén cơm tây. Chiếc máy chữ này, cứ nhìn đến mà sượng cả mặt. Máy chữ để cô thư kí tưởng tưởng tượng đánh máy bản thảo hão huyền…Mang giúp tôi. Đả tự khí…Đả tự khí” [33, tr. 331-332]. Nguyễn Tuân đùa hài hước nhưng khuôn mặt lại đỏ găng. Tô Hoài hiểu là qua nét mặt, lời nói
90
ấy là một vị “Vua đương ra vai đập cái nậm rượu gỗ, cả rạp cười ngặt nghẽo, nhưng người đóng vai thì bụng lép và vợ ốm nằm ở nhà...”[33, tr. 332].
Đôi khi giọng điệu dí dỏm cười ra nước mắt ấy của Tô Hoài còn chứa đựng cả nỗi xót xa khi viết về Đặng Đình Hưng. Đặng Đình Hưng đi bán rượu chui rồi “ngồi thịt luôn chai ấy với đĩa lạc luộc, quên cả đưa rượu bán, rồi bà chủ quán phải hỏi” [34, tr. 153]. Đặng Đình Hưng vốn là một cán bộ tuyên huấn oai có tiếng nhưng vì cuộc sống đã biến ông thành ra nhếch nhác như vậy. Hành động của Đặng Đình Hưng thật buồn cười nhưng người đọc lại thấy thương cảm cho anh nhiều hơn.
Trước mặt trái của cuộc sống đời thường, Tô Hoài không bao giờ đao to, búa lớn mà ông luôn nhẹ nhàng bằng giọng điệu trời phú. Tô Hoài không thể làm ngơ trước những thói quen xấu của xã hội, nhưng giọng điệu của nhà văn vẫn luôn hóm hỉnh, dí dỏm, pha chút mỉa mai châm biếm. Câu chuyện từ một chuyến tham quan ở một xã có thành tích là một minh chứng: “Đi tham quan về, tôi làm báo cáo và kế hoạch. Trên nhận xét con số chỉ tiêu còn thấp còn bảo thủ. Vừa đi tham quan nơi tiên tiến nhất, không thể xoàng thế. Tôi nâng bốn triệu lên sáu triệu tấn gần gấp ba. Ra hội nghị, nống lên nữa, thành bảy triệu” [34, tr. 54]. Viết báo cáo để chạy theo thành tích, nhà nhà, người người nâng thành tích, được tiếng tăm nhưng hoạn nạn ở đâu cứ kéo đến. Đầu tiên là méo mặt vì nạn khách tham quan. Báo chí càng nói bốc thì càng có nhiều đoàn nhiều đội đến tìm hiểu thành tích. Vì vậy nên các xã láng giềng đã phải nghĩ ra mẹo trốn thành tích bằng cách thi nhau báo cáo năng suất lao động không đạt mức thi đua. Tô Hoài muốn giúp người đọc nhìn thẳng vào sự thật để sống để làm việc có trách nhiệm hơn.
Giọng điệu dí dỏm, hài hước trong văn Tô Hoài thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn trước muôn mặt của cuộc sống đời thường. Khác với tiếng cười trào phúng mang ý nghĩa phê phán của Nguyễn Công Hoan, tiếng cười của Tô Hoài rất nhẹ nhàng, không nhằm bộc lộ thái độ mỉa mai. Bằng giọng văn hóm hỉnh cùng với tiếng cười tinh nghịch, tác giả đã miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ về cảnh
91
vật, nếp sống, về phong tục, về tất cả những gì hay, dở của các nhân vật mà ông từng được làm quen, tiếp xúc...Tiếng cười ấy toát lên từ những chuyện hết sức đời thường song vẫn mang đậm ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Con mắt tinh nhạy và tấm lòng gắn bó thiết tha với cuộc sống đời thường, khiến ngòi bút của Tô Hoài đã chuyển tải mọi chuyện vui - buồn, hay - dở trong cuộc sống sinh hoạt để cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên đáng yêu của nó.