Các bản kể tư liệu thành văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 28 - 32)

Qua khảo sát, tổng hợp, chúng tôi thấy truyện kể dân gian về Đinh Tiên Hoàng khá phong phú, chủ yếu xoay quanh về sự ra đời kì lạ, tài năng thủa thiếu thời, công dẹp loạn mười hai sứ quân thống nhất đất nước lên ngôi hoàng đế và cái chết của hai cha con Đinh Tiên Hoàng. Các truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng được lưu truyền đến ngày nay đã trở thành một phần lịch sử tâm linh, khẳng định sức sống lâu bền của các nhân vật của một thời đại lịch sử.

Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đã tìm thấy khá nhiều các bản kể thành văn được xuất bản, in ấn hoặc đăng trên các tạp chí. Sau khi thống kê, phân tích, chúng tôi đã lựa chọn, sử dụng chủ yếu các văn bản thành văn sau để nghiên cứu, xây dựng đề tài:

- Công dư tiệp ký (1755), Vũ Phương Đề, Nxb Khoa học Xã hội. - Nam Hải Dị Nhân (1930), Phan Kế Bính, Nxb Trẻ.

- Tổng tập văn học dân gian người Việt tập 4 (Nhiều tác giả), Nxb Khoa học Xã hội.

- Truyện cổ dân gian Ninh Bình (1995), Trương Đình Tưởng, Nxb Văn hóa dân tộc.

- Truyền thuyết Hoa Lư (1997), Trương Đình Tưởng, Nxb Sở Văn hóa Thông tin Ninh Bình.

- Truyền thuyết Đinh Lê (2000), Trương Đình Tưởng, Nxb Văn hóa dân tộc. Chúng tôi thống kê được 17 bản kể xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng.(Xem bảng 1, phần phụ lục1)

Đinh Tiên Hoàng là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử lẫn cả trong các câu truyện truyền thuyết dân gian của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đã thống kê và khảo sát được

các bản kể thành văn tuy về nội dung cơ bản giống nhau nhưng lại có một số chi tiết khác nhau. Cụ thể như sau:

Trong Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề viết rằng trong động Hoa Lư có một cái đầm, mẹ Đinh Tiên Hoàng thường ngày ra đó tắm giặt và bị Rái Cá hãm hiếp nên thụ thai còn trong Truyền thuyết Đinh-Lê của Trương Đình Tưởng không viết như vậy mà là: Ông Đinh Công Trứ quê ở động Hoa Lư giữ chức Thứ sử Châu Hoan về thời Dương Đình Nghệ. Một hôm quân phản loạn nổi lên cướp phá doanh thự, kho tàng, khí giới bị đốt cháy trụi. Ông cùng vợ là bà Đàm Thị, khăn gói lánh về quê quán. Trên đường về, hai vợ chồng ông rất mệt mỏi, buồn phiền. Nhưng điều phiền não hơn cả là ông bà lấy nhau đã mấy chục năm mà chưa có con . Bây giờ, cả hai ông bà đã luống tuổi, còn mong chi đường con cái. Họ thường than thân, trách phận, trách trời ăn ở không công bằng. Cả đời ông bà ăn ở hiền lành, làm điều phúc đức, mà không có con nối dõi tông đường. Ông bà đi ròng rã hai tháng trời nên rất mệt mỏi. Về đến núi Bái Lĩnh gần làng, vợ chồng ông ngồi nghỉ dưới bóng cây cổ thụ. Thấy dưới ruộng thỉnh thoảng lại có tiếng cá quẫy, bà Đàm Thị bảo chồng ngồi ngả lưng vào gốc cây cho đỡ mệt, còn mình mò lấy ít cua cá về nấu bát dấm ăn cho đỡ xót ruột. Bà Đàm Thị càng bắt càng thấy lắm cua, cá nên mải mê quá chả mấy chốc đã cách xa chỗ chồng nghỉ, vào tới chân núi cuối đồng. Trời đang nắng to bỗng một trận mưa rào ập đến. Bà Đàm Thị bèn lánh vào trong hang núi trước mặt. Trước hang là một cái đầm rất to và sâu. Bà đứng trong hang núi, chụm hai tay hứng những giọt nước long lanh ngũ sắc từ một cây nhũ đá rỏ xuống. Uống xong kì lạ thật bà buồn ngủ nhíu mắt lại. Thấy giữa hang có một tảng đá to, nhẵn lì như mọt cái sập gụ , bà ngả lưng xuống, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Cơn mưa vừa tạnh, bà Đàm Thị cũng vừa tỉnh giấc. Bà giật mình thấy một con rái cá hình nhân to lớn như một người đàn ông nằm bên cạnh, một chân vắt qua bụng bà. Hoảng sợ quá bà kêu la ầm ĩ, vùng ra khỏi con rái cá , rồi chạy một mạch về phía chồng kêu cứu. Ít lâu sau, bà Đàm Thị thấy trong lòng nôn nao, rạo rực, bà biết mình đã có thai.

Điểm khác thứ 2, trong Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề viết: xương của rái cá sau khi nghe tin dân làng đã mổ thịt rái cá bà đợi cho dân làng về hết rồi nhặt lấy

xương đem về gói ghém cẩn thận rồi để trên gác bếp và bảo với Đinh Bộ Lĩnh đây là hài cốt của cha nhưng ở trong Truyền thuyết Đinh Lê của Trương Đình Tưởng người nhặt xương rái cá mang về lại là ông Đinh Công Trứ.

Điểm khác thứ 3, trong Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề bà Đàm Thị mang thai Đinh Bộ Lĩnh đủ ngày đủ tháng (tức là giống với quy luật tự nhiên) còn trong

Truyền thuyết Đinh Lê của Trương Đình Tưởng bà Đàm Thị mang thai mười bốn tháng mới sinh Đinh Bộ Lĩnh.

Điểm khác thứ 4, theo Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề thì thầy địa lí Tàu xem thiên văn thấy có tia hồng quang như dải lụa đỏ từ đầm bốc lên bắn thẳng vào sao thiên mã nên thuê người bơi giỏi lặn xuống và treo giải thưởng rất cao vì chỗ đó rất sâu xoáy, Đinh Bộ Lĩnh nghe vậy liền nhận lời. Ông lặn xuống thấy một vật như hình con ngựa đứng dưới đáy đầm. Thầy địa lí sai Đinh Bộ Lĩnh mang nắm cỏ non xuống nhử vào mồm ngựa thấy nó há miệng ngoạm lấy cỏ...Thầy địa lí hẹn với Đinh Bộ Lĩnh mấy tháng sau sẽ quay lại. Đinh Bộ Lĩnh lúc đó còn nhỏ tuổi nhưng vốn thông minh đã hiểu ngay huyệt ở mồm ngựa nên đem gói xương ở gác bếp lấy cỏ bao bọc xung quanh rồi xuống đặt vào mồm ngựa, ngựa liền ăn hết. Nhưng trong Truyền thuyết Đinh Lê của Trương Đình Tưởng Đinh Bộ Lĩnh phát hiện dưới đáy đầm có một ngầm đá lớn như miệng một con rồng, nước xoáy tròn quanh một quả cầu lung linh bảy sắc cầu vồng bay giữa miệng rồng. Ít lâu sau có người khách lạ đến xem Đinh Bộ Lĩnh mò cá rồi hỏi Đinh Bộ Lĩnh có dám lặn xuống chỗ nước xoáy đó không? Đinh Bộ Lĩnh thật thà kể lại đúng như những điều đã thấy. Người khách lạ thí thọt Đinh Bộ Lĩnh đặt chiếc chĩnh sành vào giữa miệng rồng, xong việc sẽ thưởng cho năm mươi lạng vàng. Đinh Bộ Lĩnh lặn xuống nhưng không đặt về nhà hỏi mẹ rồi lấy xương và da cá đặt vào đó.

Điểm khác thứ 5, theo Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề Đinh Bộ Lĩnh đánh nhau với chú chạy qua đầm thì cầu bị gãy, ông bị ngã xuống đầm, chú ông chạy tới lấy giáo đâm, tự nhiên có hai con rồng vàng bay xuống che chở cho ông còn trong

Truyền thuyết Đinh Lê của Trương Đình Tưởng thì viết rằng Đinh Bộ Lĩnh thịt trâu của chú khao quân bị chú đuổi đánh chạy ra bờ sông nhớ có đứa bạn tên Rồng, nhà ở

bãi sông, bố mẹ làm nghề chở đò ngang nên gọi kêu cứu bất ngờ có con rồng vàng lớn hiện lên, hụp đầu ba lần như vái lạy, như mời chào, rồi ghé lưng sát vào bờ đón Bộ Lĩnh qua sông.

Trên đây là một số điểm khác cơ bản giữa các bản kể thành văn mà chúng tôi đã liệt kê được để thấy rõ yếu tố dị bản trong văn học dân gian nói chung cũng như về Đinh Tiên Hoàng nói riêng.

Tuy nhiên, có thể thấy các bản kể thành văn dù có khác nhau về một số chi tiết nhưng tất cả những truyện trên đều tập trung đi vào kể về cuộc đời của Đinh Tiên Hoàng với những nội dung chính sau:

- Đinh Tiên Hoàng là con của Rái Cá. Mẹ Đinh Tiên Hoàng bị một con Rái Cá trong động hãm hiếp và chỉ duy nhất mình bà biết điều này.

- Thủa nhỏ vì là con của Rái Cá nên Đinh Bộ Lĩnh rất thông minh, nhanh nhẹn và có biệt tài bơi rất giỏi chỉ có cậu mới có thể lặn xuống chỗ nước sâu và xoáy nhất dòng sông.

- Dưới sông Đại Hoàng, nơi dòng xoáy mạnh nhất có một long mạch và người khách tàu đã phát hiện ra điều này.

- Người khách Tàu đã nhờ Đinh Bộ Lĩnh đặt hài cốt của cha ông ta vào nhưng Đinh Bộ Lĩnh đã không làm như vậy, cậu đã lấy hài cốt của cha mình đặt vào.

- Sau khi đặt hài cốt của cha mình vào, Đinh Bộ Lĩnh trở nên táo tợn, trẻ con chăn trâu bò đều sợ, bảo ông lên làm tướng, bẻ hoa lau làm cờ, chặt tre làm khí giới, đi đánh nhau với trẻ làng khác.

- Đinh Bộ Lĩnh giết trâu của chú để khao quân bị chú đuổi đánh, được rồng hiện lên cứu và hình thành nên núi Cắm Gươm.

- Khi trưởng thành Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và lên ngôi hoàng đế.

- Đinh Tiên Hoàng bị tên thầy địa lí trả thù, đánh lừa để gươm vào đầu ngựa dẫn tới việc Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn bị ám sát. Đinh Tiên Hoàng ở ngôi được 11 năm.

Đinh Tiên Hoàng là một vị vua sáng nghiệp tiêu biểu nên có thể thấy thư tịch cổ về ông khá phong phú, bao gồm sử liệu và truyền thuyết dân gian đã được văn bản hóa mà Công dư tiệp kí có thể được coi là văn bản đặc sắc nhất. Tuy nhiên, hệ thống truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng còn phong phú và triển nở hơn rất nhiều với nhiều cành nhánh rậm rạp khác mà đến nay nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)