Như hầu hết những nhân vật truyền thuyết khác, Đinh Bộ Lĩnh cũng có một xuất thân kỳ lạ không giống kẻ phàm trần. Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ chép rằng: Vua Đinh, tên Bộ Lĩnh, người làng Đại Hoàng, động Hoa Lư. Thân phụ Vua là Công Trứ,
nha tướng của Dương Đình Nghệ, cai trị Hoan Châu, mẹ là họ Đàm, nằm mộng thấy có một người to lớn tay cầm cái ấn vua đến xin làm con, bèn có mang mà sinh ra Vua...Như vậy, motif sinh nở thần kỳ đặc trưng của truyền thuyết ở đây được cụ thể hoá qua chi tiết nằm mộng thấy thần nhân đầu thai. Một mở đầu như vậy đã đủ để tạo ra sự ngạc nhiên, hấp dẫn của cốt truyện, hứa hẹn một diễn biến ly kỳ trong cuộc đời tiếp sau của nhân vật. Motif sinh nở thần kỳ ở truyền thuyết này có lúc còn được biến tấu thành những điềm triệu lạ. Như Đại Việt sử lược ghi rằng: Đinh Tiên Vương tên húy là Bộ Lĩnh, người ở động Hoa Lư. Lúc nhỏ mồ côi (cha), vương cùng với mẹ và 5 bà lão vào ở trong núi, bên cạnh ngôi đền thờ thần. Ngoài cửa có bụi sen núi. Dấu của ốc sên bò trên lá sen thành chữ Thiên tử.
Nhưng, không dừng lại ở đó, dân gian còn sáng tạo không ngừng những chi tiết mới, những lựa chọn mới cho người đọc và người nghe để mỗi người chúng ta có thể chọn cho mình một dị bản yêu thích nhất. Bản kể về sự tích sinh nở thần kỳ phổ biến nhất trong truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng mà ngày nay chúng ta được biết thuộc type truyện Đứa con Rái cá:
Tương truyền, ở động Hoa Lư có một cái đầm rất sâu. Thân mẫu của Đinh Tiên Hoàng nguyên là vợ thứ của quan Thứ Sử Đinh Công Trứ, ngày thường vẫn vào trong đầm ấy để tắm giặt. Một hôm, chẳng may bà bị con rái cá rất lớn hãm hiếp mà thụ thai. Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà sinh hạ được một người con trai. Đinh Công Trứ rất yêu quý, vì cứ tưởng là con của mình, chỉ riêng bà mới biết đó là con của rái cá.
Từ góc độ của văn học so sánh vùng Đông Á, có thể thấy, kiểu truyện này có mặt ở cả Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam với lịch sử nghiên cứu đã kéo dài hàng trăm năm. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu Triều Tiên, Nhật Bản đã nghiên cứu kiểu truyện này trên cơ sở các bản kể sưu tầm ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Đến năm 1934, Chung Kính Văn (Trung Quốc) đã cung cấp những tư liệu của Trung Quốc mà trước đó giới nghiên cứu chưa khảo sát được, từ đó tiến hành so sánh theo quan điểm “thuyết truyền bá” của thần thoại học và đi đến kết luận: nguồn chung của kiểu truyện này chính là ở Trung Quốc chứ
không phải tự phát sinh tại bản địa, càng không phải có cội nguồn chung ở Việt Nam hay Triều Tiên như các học giả nước ngoài đã kết luận trước đó.
Kiểu truyện này có cấu trúc phổ biến như sau:
- Rái cá và cô gái hợp hoan sinh ra một đứa con trai rất giỏi bơi lội
- Nhân vì có người nhờ vả, cậu bé phát hiện ra ngôi huyệt quý dưới nước sâu - Cậu bé an táng hài cốt cha vào đó
- Nhờ vậy, cậu trở thành hoàng đế.
Nhân vật chính trong kiểu truyện này của Trung Quốc là Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận hoặc đôi khi là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Cũng có khi là một bậc đế vương không rõ tên họ.
Đây cũng là một type truyện thuộc chủ đề hôn nhân người – thú rất thú vị trong cổ tích Việt Nam và thế giới mà lâu nay dường như bị giới nghiên cứu lơ là, có lẽ bởi nó không xuất hiện như một cuộc hôn nhân trọn vẹn mà là dưới hình thức cưỡng chế. Bản thân nhóm truyện về chủ đề hôn nhân người – thú cũng không phổ biến như hôn nhân giữa người và người mang lốt thú. Cuộc kết giao khác loài này do không thể có sự trút lốt sau hôn nhân nên cuối cùng không thể duy trì và thường dẫn đến cái chết hoặc sự ra đi mãi mãi của thú khỏi thế giới loài người. Chúng ta có thể thấy ở đây dấu vết của quan niệm sùng bái động vật - một hiện tượng văn hóa quan trọng và phổ biến của nhân loại thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thế giới quan vạn vật hữu linh. Trong quá trình tiếp xúc với động vật, loài người đã phát hiện ra những năng lực đặc biệt của nó, từ đó nảy sinh cảm giác sùng bái, trong trường hợp này là sùng bái Cá nói chung và Rái cá nói riêng với khả năng bơi lội, săn mồi, độ dẻo dai linh hoạt và rất có thể là khả năng sinh sản vốn dĩ được người nguyên thủy thần thánh hóa. Chính Riftin cũng đã nhận định rằng: “Từ trong những thư tịch cổ đại và những triều đại phong kiến thời kỳ đầu có thể thấy, những nhân vật thần thoại cổ đại, các vị thuỷ tổ của Trung Quốc và ở một mức độ nào đó là các dân tộc Đông Á ban đầu đều mang hình dạng thú”. Tạ Đức trong công trình gây nhiều tranh cãi Nguồn gốc người Việt - người Mường của mình cũng đã trích ý kiến của K. Taylor "Là con của Rái cá,
Đinh Bộ Lĩnh có sứ mệnh làm vua, điều phù hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam” nhằm nhấn mạnh mối liên hệ khăng khít giữa truyền thuyết về các vị vua Việt với tín ngưỡng truyền thống của người Việt: thờ vật tổ là thần nước. Ông phân tích: “Trong truyền thuyết Hồng Bàng, vị vua tổ thứ hai của người Việt là Lạc Long Quân (có thể hiểu là: Vua Rồng của người Lạc Việt) là con của thần Long Nữ hồ Động Đình, tức mang nòi Rồng (mẫu hệ). Trong truyền thuyết Rùa Vàng, An Dương Vương có vật tổ - vị thần bảo hộ là thần Rùa. Trong truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Bộ Lĩnh là con của là thần Rái Cá, cũng là vật tổ của người Đản. Trong các truyền thuyết về Lý Công Uẩn, Lý Công Uẩn có vật tổ là thần Chó (trong tâm thức Việt xưa, chó tương ứng với cầy–chồn-rái cá). Việc các ông tổ của nhà Trần mang tên các loài cá và tục xăm mình hình rồng đầu thời Trần cho thấy vua Trần có vật tổ là thần Cá. Chúng ta biết, rồng là một con vật huyền thoại, biểu tượng của nước, có hiện thân cụ thể tùy lúc tùy nơi là rắn nước/cá sấu/thuồng luồng/ rùa/ rái cá/cá v.v. Từ chỉ rồng có gốc là từ chỉ sông-nước. Do tín ngưỡng truyền thống của người Việt là thờ vật tổ thần nước, trong truyền thuyết dân gian, các vị vua của người Việt phải có dòng dõi thần nước. Nói một cách khác, ai là con của thần nước - Rồng, người đó có sứ mệnh hay thiên mệnh làm vua. Đó là một cách thống nhất vương quyền với thần quyền, một hiện tượng phổ biến xưa nay. Nếu ở phương Bắc, vua được coi là Thiên Tử (Con Trời) thì ở người Bách Việt phương Nam, vua là con Thần Nước. Đó chính là một bản sắc Việt cổ”. Chúng tôi không phủ nhận những quan điểm của Tạ Đức, song dấu ấn thấp thoáng của totem Cá trong truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng theo chúng tôi là khá mờ nhạt, chúng tôi thiên về quan điểm cho rằng, đây chỉ là một dạng dẫn thân của kiểu truyện hôn nhân khác loài mà thôi, bởi những yếu tố xã hội đã đậm dần lên, câu “chuyện thần”đầy bí ẩn đã trở thành câu “chuyện đời” ít nhiều tàn nhẫn. Cho dù quan niệm luân lý đạo đức chưa hoàn toàn chi phối tư tưởng của type truyện này, bởi Đứa con của cuộc hôn nhân khác loài mà ở đây là Đinh Bộ Lĩnh rồi đây sẽ trở thành một nhân vật kiệt xuất, một đối tượng được sùng bái thậm chí thần thánh hóa; song dù sao dấu ấn thần thoại đã nhạt dần, bởi câu chuyện cũng cho thấy kết cục bi thảm tất yếu của Rái cá (bị tiêu diệt/ ăn thịt) - biểu hiện của sự bảo vệ đến cùng đối với trật tự xã hội loài người trước sự xâm nhập từ thế
giới bên ngoài. Sự xuất hiện những nhân vật xuất chúng - kết quả của hôn nhân khác loài - tài giỏi hơn đời, phú quý hiển đạt, thậm chí trở thành bậc đế vương một đời - một kết cục có hậu đến độ viên mãn cho đứa con côi (thậm chí con hoang) bị xã hội kỳ thị một mặt mang lại niềm an ủi tự hào cho các bậc cha mẹ bất hạnh, mặt khác cũng thể hiện tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa và bước tiến bộ của văn minh xã hội.
Trong chính sử Đinh Bộ Lĩnh là con quan thứ sử Hoan Châu là Đinh Công Trứ. Thế nhưng dân gian lại có một thứ sử của riêng mình. Chính sự tôn vinh vị vua tài ba đó đã quyết định chất “sử” trong truyền thuyết. Có truyền thuyết kể rằng, người chú cố tình bịa ra câu chuyện Rái Cá để đẩy mẹ con Đinh Bộ Lĩnh ra đường nhằm mục đích chiếm tài sản khi ông Đinh Công Trứ mất. Ngược lại, trong cuốn truyện “Ngọn cờ lau lịch sử”, tác giả Nguyễn Như (viết năm 1981) lại cho rằng, sau khi cha của Đinh Bộ Lĩnh để doanh trại bị cháy, quan triều đình về hỏi tội nhưng ông đã mất, quan triều đình liền phán, nếu sau này bà Đàm Thị sinh con trai đến khi đủ 18 tuổi sẽ phải chịu tội thay cha, chú của Đinh Bộ Lĩnh rất lo sợ về điều này nên đã bịa ra câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh là con của Rái Cá để cho cháu thoát tội. Sở dĩ dân gian phủ sự huyền bí khác thường cho nguồn gốc ra đời của Đinh Bộ Lĩnh bởi dân gian quan niệm ông dũng lược hơn người nên muốn tạo ra sự khác lạ khác người như thế. Ông phải thuộc về một thế giới khác – thế giới tâm linh. Motif sinh nở thần kỳ trong truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng chứa đựng trong nó tín ngưỡng vật linh thời cổ, không loại trừ ảnh hưởng của tô tem giáo và cả những tôn giáo xuất hiện muộn sau này. Nhưng rộng hơn, nó còn cho thấy một cái nhìn nghệ thuật của tác giả dân gian. Trong quan niệm của họ, người anh hùng có xác thân lịch sử kia phải mang bản chất tự nhiên với sức mạnh bí ẩn không giới hạn đủ để nâng tầm nhân vật xứng đáng với những chiến công kỳ vĩ đồng thời trường tồn vĩnh cửu cùng với thời gian.