Truyện kể dân gian là những tác phẩm ngôn từ truyền miệng được tập thể nhân dân sáng tạo nên. “Do tính truyền miệng, mà các quá trình sáng tác, lưu truyền, diễn xướng, thưởng thức văn học dân gian gắn chặt với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau một cách trực tiếp” [10, 54].
Để tìm hiểu truyền thuyết dân gian về Đinh Tiên Hoàng lưu truyền trong nhân dân hiện nay, chúng tôi đã thực hiện điền dã ở các vùng lân cận và địa phương quê ông. Thực hiện điền dã ở các vùng lân cận, hầu hết người dân chúng tôi gặp, phỏng vấn đều có sự hiểu biết rất rõ về Đinh Tiên Hoàng. Tiếp cận gần hơn với đối tượng nghiên cứu, chúng tôi đã tập trung gặp gỡ, phỏng vấn người dân tại xã Trường Yên- nơi đặt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều trẻ em và thanh, thiếu niên của làng. Kết quả thật đáng tự hào khi mà hầu hết họ đều biết về truyện kể dân gian liên quan đến vị vua này mặc dù ở mức độ nông sâu khác nhau. Có thể thấy, hiếm có một nhân vật truyền thuyết nào lại tràn trề sức sống cùng với thời gian như Đinh Tiên Hoàng. Đặc biệt nhân dân ở đây còn tích cực và tự hào tham dự vào các kì lễ hội với đầy đủ mọi lứa tuổi từ các em học sinh hào hứng tham gia diễn xuất cờ lau tập trận đến các thanh niên, người trung tuổi, các cụ già với các trò chơi, diễn xướng, các nghi lễ, khiêng kiệu...Tất cả đều tham gia với mong muốn Thần thánh sẽ phù hộ và may mắn sẽ đến với bản thân cũng như gia đình dòng họ.
Tham dự lễ hội Trường Yên, diễn ra từ ngày mồng 9, mồng10 và11 tháng 3 âm lịch năm Đinh Dậu (tức ngày 5,6,7 tháng 04 năm 2017), chúng tôi đã phỏng vấn các
bạn trẻ tham gia trực tiếp vào các hoạt động của lễ hội như: cầm cờ, khiêng kiệu, phục vụ múc nước, đánh trống, diễn cờ lau tập trận, múa rồng, múa lân, thi bơi chải…; kết quả thanh thiếu niên trong làng đều có sự hiểu biết về truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng với một niềm tự hào và hân hoan khi được tham gia phục vụ lễ hội, vì đây là lễ hội rất lớn thu hút không chỉ nhân dân trong làng, trong tỉnh mà còn thu hút rất nhiều khách ở các nơi về tham dự lễ hội. Chúng tôi cũng phỏng vấn một số khách thập phương về dự lễ hội, kết quả cho thấy ít nhiều các vị khách đều có sự hiểu biết về hai vị vua này đặc biệt là vua Đinh Tiên Hoàng qua cả truyền thuyết và sử sách.
Chúng tôi cũng đã điền dã một số trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những huyện cách xa Trường Yên-Hoa Lư khoảng 45km, hầu hết các em đều biết về truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng bởi hiện nay, trong trương trình giáo dục địa phương môn ngữ văn 6 đã đưa truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng vào chương trình học.
Tại Trường Yên, nơi đặt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi tìm gặp, trò chuyện, trao đổi với các cụ cao tuổi hiện đang trông coi đền cũng như sinh sống ở quanh đền. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là ông từ giữ đền hiện nay khoảng 70 tuổi đã từ chối tiếp chúng tôi mặc dù chúng tôi đã tìm gặp ông nhiều lần. Lí do chủ yếu khiến ông từ chối trả lời các câu hỏi của chúng tôi là vì đền bây giờ do Sở Văn hóa quản lí nên có việc gì cứ hỏi những người ở Sở Văn hóa. Qua tìm hiểu, người biết ít, người biết nhiều, nhưng qua các câu chuyện kể đã cung cấp thêm tư liệu cho chúng tôi hiểu thực tế vị vua Đinh Tiên Hoàng đang tồn tại trong tâm thức hiện nay ra sao. Qua các lời kể của các cụ, các ông, các bà, chúng tôi đã ghi chép lưu giữ được 13 bản kể. Cụ thể xin xem bảng 2, phụ lục 1
Qua các truyện kể truyền miệng thu thập được, chúng tôi nhận thấy nhân dân ở đây vô cùng kính trọng, biết ơn, tôn thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Họ tự hào về một vương triều, một thời đại gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đời sống nhân dân hiện nay, Đinh Tiên Hoàng hiện lên là một vị vua có tài bơi lặn, dùng binh giỏi và có công dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế.
Qua quá trình nghiên cứu các tài liệu và ghi nhận, tổng hợp trong quá trình điền dã, chúng tôi nhận thấy nhìn chung các bản kể có nội dung gần như tương đồng với nhau. Cụ thể là:
Về tiểu sử, Đinh Tiên Hoàng là con của bà Đàm Thị với Rái Cá. Trên đường trở về quê, khi về gần tới nhà, hai vợ chồng ông Đinh Công Trứ ngồi nghỉ dưới bóng cây cổ thụ, bà Đàm Thị thấy dưới ruộng nhiều cua, nhiều cá nên đã xuống mò. Càng bắt, càng nhiều chẳng mấy chốc đã cách xa chỗ chồng. Bỗng một trận mưa rào ập đến, bà bèn lánh vào một cái hang trước mặt, bà hấng những giọt nước long lanh ngủ sắc uống, bà thấy buồn ngủ nên nằm trên tảng đá lớn ngủ. Khi tỉnh dậy bà thấy một con rái cá hình nhân nằm vắt ngang bụng mình. Về nhà, bà thụ thai ít lâu sau sinh ra Đinh Bộ Lĩnh.
Thời niên thiếu, vì Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá nên có biệt tài bơi lặn. Sông sâu, nước chảy xiết, Bộ Lĩnh bơi ra giữa dòng, lặn xuống sâu bắt rất nhiều cá. Chính nhờ biệt tài này mà Bộ Lĩnh đã đánh tráo hài cốt của vị khách người Tàu để mả kết hàm rồng. Không những vậy, Đinh Bộ Lĩnh còn rất giỏi về khả năng dùng binh ngay từ nhỏ, ông thường cùng trẻ chăn trâu trong làng đi đánh các trẻ trâu làng khác để tranh bãi cỏ. Đến đâu, bọn trẻ cũng đều nể phục, tôn lên làm trưởng. Đinh Bộ Lĩnh thường được lũ trẻ công kênh làm kiệu rước rất long trọng.
Khi trưởng thành, nước ta có 12 sứ quân nổi lên, mỗi người chiếm giữ một phương. Đinh Tiên Hoàng nhân dịp ấy, theo về nương nhờ với Trần Minh Công, Trần Minh Công thấy ngài là dòng dõi tướng võ, và có tài cán nên tin dùng cho cai quản binh lính. Khi Trần Minh Công mất, ngài thay lĩnh hết cả quân quyền, dần dần đem quân đi dẹp các nơi, đi đến đâu dẹp tan đến đấy, tự xưng là Vạn Thắng Vương.
Đinh Tiên Hoàng thống nhất được hết mọi nơi mới lên ngôi Thiên tử, đóng đô ở Hoa Lư, sửa sang thành quách, cung điện, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
Sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng bị tên khách Tàu năm xưa trả thù đã yểm gươm vào đầu ngựa nên dẫn tới vận nước ngắn ngủi, chỉ ở ngôi 11 năm bị Đỗ Thích sát hại, hại cả con trai trưởng Đinh Liễn. Hai cha con chết cùng một ngày.
Tư liệu điền dã mà chúng tôi thu thập được cũng cung cấp một số tình tiết mà các văn bản thành văn chưa thấy đề cập đến. Tương truyền đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trước đây rất thiêng, xây nhiều phủ để thờ cúng. Mỗi lần người dân đi qua phải bỏ nón xuống nếu không về nhà sẽ bị ốm nặng phải đến đền để xin. Có một cháu bé ngồi lên bệ lễ tiến vua chơi, khi về thì bị ốm, người nhà phải đến xin mới khỏi.
Qua cuộc gặp gỡ với bác Trương Đình Tưởng – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, bác cũng cho biết, khi Lí Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, ông cho đào sông Sào Khê (hiện nay gọi là Sông Già), đã tìm được một số cọc đóng cắt ngang lòng sông làm đứt long mạch. Đây có thể là nguyên nhân để hai vương triều Đinh-Lê không thể lập lại. Lí Công Uẩn cũng đã yểm vào đầu rùa trên núi Đầu Rùa để triệt nhà Đinh, nhà Lê.
Trên đây là kết quả điền dã mà chúng tôi đã thu thập được, cho thấy nhân vật Đinh Tiên Hoàng có sức sống mạnh mẽ trong đời sống nhân dân khi mà có những bác nông dân vừa đi cấy vừa kể chuyện Đinh Tiên Hoàng cả ngày mà không thấy mệt, thấy chán.