Tín ngưỡng sùng nước và nghi lễ cầu mưa trong lễ hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 75 - 77)

Từ xa xưa “nước” đã trở thành một tài sản vô cùng quý giá và linh thiêng đồng thời cũng là vật đáng sợ nhất trong tâm thức nhà nông. Nghi lễ và tín ngưỡng cầu nước được nảy sinh từ đó làm cầu nối giữa con người và thần thánh lúc cần thiết. Chúng ta thường gặp lễ dìm cây bạch dương hay lễ phục sinh cầu nước của người Nga, lễ trói bồ tát cầu mưa thể hiện tính chất cương quyết, mạnh mẽ của người Trung Quốc khi muốn dành quyền chủ động điều tiết nguồn nước. Với người Việt Nam thì lại lựa chọn một lối ứng xử khác, thân thiện và nhẹ nhàng hơn. Vì thế hầu như mọi lễ hội, kể cả tết cổ truyền với tư cách là lễ hội lớn nhất của một dân tộc, người ta luôn bắt gặp những nghi thức thờ nước hoặc những tục những trò liên quan đến tục thờ nước.

Trong lễ hội Đinh Tiên Hoàng, tín ngưỡng sùng nước và nghi lễ cầu nước thể hiện đầu tiên ở nghi lễ rước nước. Nó bắt nguồn từ việc sau khi đăng quang Hoàng đế, nhớ ân nghĩa Rồng Vàng, vua Đinh hàng năm, xuân thu nhị kỳ, cho lập đàn tràng tế Thần Long và xin nước của dòng sông linh thiêng về tế ở Thái miếu, cầu Thần Long phù hộ độ trì quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, no ấm. Sau khi vua Đinh băng hà, tục lệ rước nước được duy trì về tế ở linh từ Hoàng đế. Từ khi có lễ hội Trường Yên đã có tục rước nước. Đây là lễ tục thiêng liêng, mang đậm dấu ấn tâm linh hàng ngàn đời của nhân dân ta nên được tổ chức rất thành kính, trang trọng. Lễ rước nước Thần Long và lễ Mộc dục cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu.

Nước là thành tố vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội loài người và được xếp vào thứ nhất “nhất nước” trong “tứ cần” của nhà nông, là một trong ngũ hành tạo ra vạn vật , là hai thành phần được khái quát cao độ để chỉ Tổ quốc là Đất nước. Bởi thế rước nước là tôn vinh và đề cao sức mạnh siêu nhiên và biểu trưng thiêng liêng, cao khiết của thiên nhiên. Dân gian cho rằng, ai về dự lễ hội Trường Yên, tham gia lễ rước nước, sẽ được Thần Long phù hộ, luôn được mạnh khỏe, may mắn quanh năm. Bởi thế đã thu hút hàng ngàn người về dự. Những người được chọn khênh kiệu , rước nước thần, múc nước thần được cho là vô cùng vinh dự, vận may hiếm có.

Đây là dấu ấn rõ nét của tập quán cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là biểu tượng tình cảm thiêng liêng “Uống nước nhớ nguồn”. Nét đặc sắc kì diệu của lễ tục này được diễn ra trong không gian đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trên đất cố đô và bến đò Hoàng Long – nơi lưu truyền huyền tích Rồng Vàng.

Rồng trong các truyền thuyết thường là ở tình trạng bất động, là biểu tượng của vương quyền (rồng trong truyền thuyết Thăng Long). Nhưng ở truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng rồng lại là một biểu tượng động. Hành động che chở cho vua từ thuở còn chưa lên ngôi đã ít nhiều thể hiện tính cách của rồng, song thực ra nó cũng chỉ là hành động phụ trong câu chuyện, mang tính dấu hiệu hơn là tính bộc lộ. Hình ảnh ấy chính là điềm báo về sự ra đời của một vương triều mới dưới sự trị vì của một ông vua mới.

Cùng với lễ rước nước, lễ đua thuyền cũng thể hiện tín ngưỡng sùng nước và cầu mưa của người dân đất Việt. Ở lễ hội Trường Yên, trong khi đua thuyền, các tay chèo đã ra sức bổ mạnh xuống nước tạo vận tốc tối đa cho thuyền đua để cố gắng dành chiến thắng về cho đội mình, đó cũng chính là thể hiện ý nghĩa của sự chấn hưng lớn khiến sông nước phẳng lặng bình yên, bỗng nhiên nổi sóng. Trên bờ những tiếng trống, tiếng chiêng vang lên làm khuấy động một vùng trời như tiếng sấm sét thôi thúc các thần linh cũng phải thức giấc. Những lá cờ phất dọc, phất ngang như tạo ra những trận gió lớn. Tiếng mái chèo làm khuấy động một vùng sông nước, tiếng trống khua hòa hợp với tiếng nước bắn lên, tung tóe như sấm sét trong cơn mưa. Từ đó tạo ra khung cảnh cơn mưa xuất hiện. Như vậy trong tâm thức của nhân

dân trong vùng, hội bơi trải không chỉ tạo ra không khí hồ hởi, hào hứng xóa đi những lo toan hiện thực, con người thực sự thăng hoa để chỉ còn cảm giác được say sưa cùng mây trời sông nước mà hội bơi trải còn là mong muốn của người dân cố sức tác động đến thần linh, khuấy động long cung, đánh thức thuỷ thần dậy, để nghe lời cầu khẩn của cư dân nơi đây. Tất cả những hành động thể hiện ước mơ được thủy thần phù trợ điều hòa lượng nước hàng năm để bà con nhân dân có một mùa màng thuận lợi, sinh sôi nảy nở.

Nguồn nước giống như một phúc thần mang lại nhiều phúc lộc cho nhân dân trong một năm. Liên quan đến lễ đua thuyền, ở Trường Yên ngoài lễ hội đua thuyền trên sông nước ở sông hang Luồn còn có một hình thức “đua thuyền” khác nhưng là bằng cách diễn lại tích đua thuyền bằng hoạt cảnh sân khấu do 10 người đóng thuỷ quân, với lối diễn xướng hát hò chèo thuyền, rất sôi động, hấp dẫn. Nơi diễn ra hoạt cảnh sân khấu nghệ thuật đó chính là Phủ Thong (nay thuộc xóm Thong Bái, xã Trường Yên). Ở đó có một ngôi đền thờ, xưa kia là dinh Thuỷ sư Đại Vương, nơi chỉ huy thuỷ quân thời nhà Đinh đóng quân (gọi là Phủ vừa có ý nghĩa như phủ vừa có ý nghĩa là nơi thờ tự, lại vừa có ý nghĩa như Phủ Vật, Phủ Tùng Sẻo, Phủ Quần Ngựa…). Năm nào ở Phủ Thong cũng mở hội tế, rước vào ngày mồng 2 tháng Chạp, là ngày kị của đức Thủy sư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 75 - 77)