Lễ tiến phẩm còn gọi là lễ hiến phẩm, nhân dân dâng lên đức vua với lòng thành kính để mong được đức vua phù hộ cho trăm dân được bình an, mạnh khỏe.
Trước đây, những lễ vật được dùng làm lễ tiến phẩm dâng lên vua phải được tuyển chọn rất kĩ càng. Lợn là lễ vật rất quan trọng gia đình được nuôi “ông lợn” phải là gia đình song toàn, hạnh phúc và chỉ được cho lợn ăn những thức ăn tinh khiết, thường xuyên làng vào kiểm tra. Nếu gia đình đó gặp vấn đề thì gia đình khác nuôi chứ không dùng con lợn ấy nữa. Hoa dâng lên vua Đinh cũng vậy cũng là hoa trồng trong đền không được tưới ối khí, đền không đủ thì chia theo thôn xuống tận từng gia đình trồng đảm bảo phải là hoa sạch, tinh khiết. Lúa được trồng để cúng vua Đinh cũng không được bón phân, khi thu hoạch về phải bảo quản kỹ không để chuột ăn. Hiện nay, cách tuyển chọn này không còn nữa do có lẽ nó không phù hợp với cuộc sống hiện tại mặc dù những thực phẩm này vẫn được dùng để dâng lên vua.
Hiện nay, lễ phẩm dâng tiến vua được thực hiện cả ở hai đền vua Đinh và vua Lê, trước đây chỉ thực hiện ở đền vua Đinh Tiên Hoàng. Mỗi đền gồm hai lễ (lễ tiến vua và lễ công đồng). Riêng lễ tiến vua có lễ phẩm “tam sinh” (trâu, dê, lợn). Lễ tiến phẩm bao gồm: 01 con lợn luộc (cả con), 01 mâm bồng khổ thịt dê hấp, 01 mâm bồng khổ thịt trâu hấp, 01 mâm xôi, 01 mâm oản, 02 mâm ngũ quả, 02 mâm trầu cau (cau cả buồng), 10 chai rượu trắng, 04 bó hoa huệ (hoặc lay ơn), 06 bó hương thơm, 18 cây nến. Lễ tiến phẩm hiện nay có thêm trâu và dê trước đây chỉ có lợn.
Điều đặc biệt, lợn dùng trong lễ tiến vua phải bỏ lòng vì tương truyền trước đây, Đinh Tiên Hoàng rất thích ăn lòng lợn, Đỗ Thích là kẻ trông coi việc bếp núc của vua. Một hôm, hắn nằm mơ thấy sao rơi vào miệng nghĩ là mình sắp làm vương nên âm mưu sát hại vua. Đỗ Thích biết vua thích ăn lòng lợn nên đã bỏ độc vào lòng để hại vua rồi giết cả Đinh Liễn con trai cả vua Đinh. Xuất phát từ điều đó nên nhân dân ta trong lễ tiến phẩm dâng lên vua không bao giờ có lòng lợn mặc dù sinh thời ngài rất thích ăn.
Lễ tiến phẩm diễn ra trong ngày đầu tiên của lễ hội với sự tham dự của các cấp lãnh đạo và đại diện các bô lão xã Trường Yên. Lễ có tầm quan trọng đặc biệt cả về
tâm linh và về nghi lễ thể hiện sự thành kính của nhân dân tới vua Đinh Tiên Hoàng đồng thời cho ta thấy được tầm ảnh hưởng của truyền thuyết trong lễ hội.