Nghĩa của lễ hội Trường Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 79 - 84)

Lễ hội là loại hình sinh hoạt cộng đồng được tổ chức theo phương pháp cảnh diễn hoá (sân khấu hoá) với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm vừa tôn vinh những giá trị thiêng liêng, vừa thoả mãn các nhu cầu văn hoá tinh thần của con người và góp phần thắt chặt các quan hệ xã hội. Là một hình thức sinh hoạt văn hoá tổng hợp, bao gồm hai yếu tố cấu thành là “lễ” và “hội” tương ứng với tôn giáo – tín ngưỡng linh thiêng và văn hóa – nghệ thuật đời thường. Cả hai

yếu tố này gắn bó, hòa quyện với nhau không thể bỏ đi yếu tố nào mà không làm mất bản thân nó. Lễ và hội giúp con người gắn bó lại với nhaãu, lôi cuốn các tầng lớp xã hội, trở thành một nhu cầu, một khát vọng của nhân dân đã xuyên suốt nhiều thế kỉ.

Thứ nhất, lễ hội truyền thống thực hiện chức năng liên kết cộng đồng. Dù dưới hình thức nào lễ hội truyền thống vẫn là một kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân, là “cuộc vui chơi đông người”, được tổ chức sau thời gian lao động sản xuất hay nhân dịp kỉ niệm một sự kiện xã hội quan trọng liên quan đến sự tồn tại của cộng đồng hoặc để quần chúng tìm đến một cái gì đó. Điều này đã giúp cho người đi hội không thấy mình là người ngoài cuộc. Vì vậy, lễ hội đem lại niềm an ủi , sự xúc động thật sự và là nguồn động viên sâu sắc cho những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến xưa.

Thứ hai, lễ hội truyền thống có chức năng phản ánh, bảo lưu và truyền bá các giá trị văn hoá truyền thống, thể hiện ở sự ngưỡng mộ tổ tiên, ôn lại truyền thống đã qua.

Thứ ba, lễ hội truyền thống còn thể hiện chức năng giúp cho con người giải quyết những khát khao, những ước mơ của cộng đồng các dân tộc. Thông qua lễ hội, con người như được tiếp thêm niềm tin, sự lạc quan yêu đời, yêu chân lí, trọng cái thiện, tâm hồn, nhân cách thấm đẫm tính nhân văn nhân bản.

Cuối cùng, lễ hội là dịp để hưởng thụ và giải trí. Tại đây, con người được hoà nhập, “hoá thân” đóng một vai trong hội hay “nhập thân” vào một trò chơi. Tất cả mọi người còn được hưởng những lễ vật dâng cúng. Hiện nay do phát huy tốt vai trò, chức năng nêu trên, các lễ hội truyền thống đã tiếp tục thu hút được hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn quần chúng tham gia, tạo nên không khí náo nhiệt, hào hứng. Chiều sâu của tinh thần lễ hội truyền thống là bảo lưu cội nguồn, là thứ vũ khí tư tưởng sắc bén cho mọi thời đại của mỗi dân tộc. Do đó thực hiện tốt các chức năng của lễ hội truyền thống là góp phần giáo dục truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, làm lành mạnh, phong phú đời sống tinh thần của xã hội và cũng để góp phần “xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Bảo tồn và phát huy giá trị lễ

hội dân gian là góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Đến với lễ hội Trường Yên – Hoa Lư, con người như quên hết sự nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh để lòng mình thảnh thơi vui vẻ hoà theo tiếng chiêng, tiếng trống, theo âm vang thúc giục rộn rã của ngày hội. Đó là những giây phút thăng hoa hiếm có mà con người lao động cật lực suốt cả năm mới có được. Lễ hội là nhịp cầu nối cố kết cộng đồng trong tình đoàn kết thân ái. Dự lễ hội Trường Yên chính là hành hương thăm cố đô xưa của một vương triều nơi ghi dấu thời kì mở nước huy hoàng đưa dân tộc bước vào kỉ nguyên độc lập sau gần hàng ngàn năm Bắc thuộc. Đến đây du khách có dịp tận mắt chứng kiến ác chứng tích hào hùng oanh liệt của cha ông. Lễ hội Trường Yên là một lễ hội lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, luôn tồn tại trong sự ngưỡng mộ thành kính của nhân dân.

Các chuyên gia tổ chức du lịch thế giới đã đánh giá Việt Nam là nước có tiềm năng du lịch, trong đó lễ hội dân gian được xem như một bộ phận của tiềm năng ấy. Có thể nói: “Lễ hội dân gian là bảo tàng văn hoá, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian, nơi phản ánh tâm thức của người Việt Nam, dù là tộc người nào một cách trung thực nhất”. [5, 918]. Lễ hội dân gian có tác dụng hữu hiệu với ngành du lịch không chỉ hôm nay mà cả ngày mai. Với khách nước ngoài, sự trỗi dậy của lễ hội dân gian trong những năm gần đây tạo nên sức thu hút, độ hấp dẫn đặc biệt. Nhu cầu du lịch của nguời dân là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu tham gia lễ hội. Bởi đó là dịp để họ trải nghiệm và thực thi những tín ngưỡng dân dã, cầu mong sự bình an cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Mùa xuân trẩy hội Trường Yên vẫn luôn là tiếng gọi da diết, một lời mời gọi không thể chối từ. Nếu biết khai thác thế mạnh này, chắc chắn ngành du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ thêm cơ hội phát triển. Ngành du lịch ở Ninh Bình nói chung và mảnh đất Hoa Lư nói riêng đang ngày càng phát triển trên cơ sở khai thác tổng thể những danh lam thắng cảnh, những khu di tích lịch sử như Tam Cốc Bích Động, Địch Lộng, Đầm Long, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu du lịch sinh

thái Tràng An… Sự kết hợp hài hoà giữa công trình nhân tạo với hình sông thế núi tuyệt vời nơi đây sẽ tạo nên cơ hội phát triển lớn của ngành du lịch ở Ninh Bình.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Trong cuộc sống của người Việt, lễ hội truyền thống là một yếu tố văn hóa quan trọng không thể thiếu, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh vừa là dịp để nhân dân tưởng nhớ, ghi ơn những anh hùng, dũng sĩ, những người có công với địa phương, dân tộc. Lễ hội truyền thống góp phần làm phong phú bản sắc dân tộc, tạo ra sự gắn kết cộng đồng trong nhân dân.

Hằng năm, vào ngày mùng 8 đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, Sở văn hóa tỉnh Ninh Bình, chính quyền và nhân dân tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư lại long trọng tổ chức Lễ hội Trường Yên tại đền thờ vua Đinh vua Lê để tưởng nhớ công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế, người anh hùng sống mãi trong lòng dân tộc.

Việc tổ chức lễ hội Trường Yên giúp cho nhân dân nơi đây đoàn kết, gắn bó, biết chia sẻ và sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Tham gia lễ hội cũng là cơ hội để nhân dân trở về với cội nguồn, có những phút giây thanh thản, nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả. Đến với lễ hội giúp con người hình thành được niềm tin tâm linh, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn đồng thời giúp con người tĩnh tâm nhìn lại mình để một lòng hướng thiện.

Lễ hội giúp cho nhân vật Đinh Tiên Hoàng trong truyền thuyết dân gian có sức sống mãnh liệt, sinh động hơn. Đinh Tiên Hoàng trong tiềm thức nhân dân luôn có quyền uy siêu việt vẫn ngày ngày trợ giúp cho dân làng yên bình, hưng thịnh. Lễ hội Trường Yên giúp cho các giá trị văn hóa truyền thống và những tín ngưỡng dân gian được lưu giữ, bảo tồn và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không hề bị mai một

KẾT LUẬN

1. Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có nền văn hóa, văn hiến lâu đời. Toàn tỉnh còn lưu giữ rất nhiều di tích lich sử - văn hóa có giá trị. Các loại hình văn hóa dân gian, văn học dân gian nơi đây khá đặc sắc, phong phú và đa dạng. Hàng năm, tại đây cũng diễn ra rất nhiều lễ hội cổ truyền thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh.

Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư là nơi Đinh Tiên Hoàng đặt làm kinh đô khi ông lên ngôi hoàng đế. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng cũng được nhân dân đặt tại nơi này, trên nền cung điện cũ. Điều đáng nói, tại làng Đại Hữu (nay là xã Gia Phương), huyện Gia Viễn, nơi Đinh Tiên Hoàng sinh ra cũng có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Nơi đây được coi là thủy tổ của dòng họ Đinh, hàng năm con cháu ở các nơi Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình về dâng hương rất đông. Đinh Tiên Hoàng vừa là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đồng thời trong truyền thuyết dân gian cũng là nhân vật tiểu biểu cần được tìm hiểu, phân tích.

2. Đinh Tiên Hoàng đã dựng nên một triều đại vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Công lao “khai sơn phá thạch” của vị vua này thật đáng ghi nhận. Từ những công lao to lớn trong lịch sử, Đinh Bộ Lĩnh đã đi vào truyền thuyết dân gian với niềm sùng kính, ngưỡng vọng linh thiêng. Tôi đã từng được nghe những cụ già ở đây kể về truyền thuyết vua Đinh Tiên Hoàng cả ngày mà không mệt, các cụ kể với niềm say mê, thành kính khiến chúng tôi cũng cuốn hút theo.

Chính vì biết ơn và tưởng nhớ công lao của ông mà nhân dân đã lập đền thờ để tưởng niệm. Ta nhận ra được một hợp thể hết sức độc đáo bao gồm truyền thuyết lịch sử về nhân vật và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian bao gồm các nghi lễ, hội hè, các tập tục lâu đời…, trong đó truyền thuyết đóng vai trò quan trọng là lời minh giải cho các hình thức sinh hoạt văn hoá. Ngược lại, các hình thức sinh hoạt văn hoá lại chứng minh cho tính thực tại của truyền thuyết dân gian.

Trong truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng ta thấy vừa xuất hiện một số motif quen thuộc của thể loại truyền thuyết nhưng lồng vào đó là những điểm mới, điểm thú vị

mà trong quá trình tìm hiểu chúng tôi đã phát hiện ra. Những điểm mới trên nền motif quen thuộc đã góp phần làm cho truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng đế thêm phần hấp dẫn, sâu sắc hơn.

3. Lễ hội Trường Yên là dịp để nhân dân Ninh Bình và cả nước hướng về vị vua có công dẹp loạn 12 sứ quân. Đây là lễ hội lớn nhất của tỉnh được tổ chức trang trọng, linh đình với sự tham dự của các cấp chính quyền trong tỉnh. Việc gìn giữ và phát huy lễ hội Trường Yên không chỉ để tưởng nhớ về vua Đinh Tiên Hoàng mà còn là cơ hội để nhân dân trong tỉnh nói riêng và nhân dân khắp cả nước nói chung có thêm hiểu biết truyền thuyết dân gian về vua Đinh cũng như một thời hào hùng của triều đại nhà Đinh và nhà Lê. Hiện nay, lễ hội đã có sự thay đổi nhiều so với trước đây để phù hợp với hoàn cảnh nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét bản sắc riêng của nó. Cái hồn cốt của truyền thuyết dân gian về Đinh Tiên Hoàng vẫn được bảo tồn. Lễ hội Trường Yên cùng với tổng thể khu di tích đền thờ vua Đinh không chỉ có giá trị tinh thần đối với đời sống tâm linh của người dân mà nó còn có giá trị du lịch rất lớn.. Điều này đòi hỏi các cấp lãnh đạo tỉnh Ninh Bình phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị danh lam cũng như di tích lịch sử.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 79 - 84)