Thần đồng và tài năng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 39 - 42)

Truyền thuyết dân gian về Đinh Bộ Lĩnh được lấy từ nguyên mẫu có thật trong lịch sử đó là vua Đinh Tiên Hoàng. Từ nguyên mẫu ấy, bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, dân gian đã xây dựng lên hình tượng thần đồng và tài năng về Đinh Tiên Hoàng. Trong bất kì thời đại nào, những nhân vật được cho là thần đồng thường

được mọi người đánh giá rất cao và cho đó là tài năng đặc biệt. Đinh Bộ Lĩnh vốn là con của Rái cá nên ngay từ nhỏ đã có biệt tài bơi lặn dưới nước. Tương truyền, dòng sông chảy qua làng rất lớn, sâu và chảy xiết. Chỉ có Bộ Lĩnh mới bơi được ra giữa dòng, lặn xuống sâu, bắt đầy cá mới chịu lên bờ. Sông này có rất nhiều ba ba to. Ai muốn mua ba ba to chừng nào, chỉ cần lấy tay vẽ lên cát, đứng chờ một lát, Bộ Lĩnh sẽ bắt lên đúng như hình vẽ. Trên sông Đại Hoàng có một vực xoáy rất lớn và nơi ấy chỉ có duy nhất Bộ Lĩnh lặn xuống được. Ông được coi là thần đồng về bơi lặn bởi một đứa trẻ bình thường mới 6 tuổi không thể nào có thể bơi lặn giỏi được như vậy. Điều này, cũng hứa hẹn về một tương lai rộng mở cho cậu bé mới 6 tuổi này.

Công dư tiệp ký Vũ Phương Đề đã ghi chép khá lý thú về thủa hàn vi của Đinh Tiên Hoàng trong đó ông có nhắc tới biệt tài bơi lặn dưới nước. Ông thầy điạ lí người Tàu sang ta xem mạch đất, dõi theo long mạch mà đến tận Hoa Lư. Buổi tối, thầy địa thấy có một tia sáng màu hồng, trông tựa như dải lụa, từ dưới đáy đầm ngời ngời tỏa ra rồi chiếu thẳng lên sao Thiên Mã. Sáng sớm hôm sau, thầy địa lí tìm đường vào đầm xem xét thật lâu, sau mới đoán là ở dưới đầm ấy hẳn phải có linh vật, muốn thuê người tài bơi lặn, lặn xuống dưới đó xem sao. Trước đó, người ta đã đồn rằng, dưới đầm có chỗ rất thiêng, xưa nay chưa ai dám xuống, cho nên, thầy địa lí Trung Quốc mới treo giải thật cao cho ai dám liều mình lặn xuống. Đinh Bộ Lĩnh nghe tin ấy, liền nhận lời ngay. Ông lặn xuống, lấy tay sờ quanh, thấy có vật gì hình giống như con ngựa đứng dưới đáy đầm, bèn trở lên báo cho thầy địa biết. Thầy địa bảo ông lặn xuống lần nữa, và lần này thì mang theo một nắm cỏ để nhử ngựa xem sao. Ông mang cỏ xuống, lấy cỏ để nhử thì thấy nó há miệng ngậm lấy. Đinh Bộ Lĩnh tuổi tuy còn nhỏ nhưng có trí thông minh khác thường. Nghe thầy địa nói, ông hiểu ngay là huyệt quý ở ngay trong miệng con ngựa. Ông về nhà lấy ngay nắm xương trên gác bếp, bọc cỏ non ở bên ngoài, vào đầm lặn xuống chỗ con ngựa đặt hài cốt của rái cá vào trong miệng con ngựa. Từ đó, Bộ Lĩnh lớn nhanh như thổi, tính tình táo tợn, thông minh, lanh lợi hơn người.

Cũng chính ở giai đoạn thiếu thời này, khía cạnh cơ trí của nhân vật đã được bộc lộ rất rõ nét. Đinh Bộ Lĩnh hiện lên như một cậu bé thông minh lanh lợi, túc trí đa

mưu, dí dỏm vui nhộn, đậm sắc thái trào lộng, đồng thời kiêm hữu cả hai đặc trưng tính cách Thiện và Ác. Không chỉ mưu mẹo chiếm đoạt, cư xử thiếu sòng phẳng và phần nào là “bất Thiện” với ông thầy địa lý, Đinh Bộ Lĩnh còn nghịch ngợm và phá phách đối với chính người chú ruột của mình. Nhiều dị bản truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng đã kể rằng: lúc nhỏ Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cho chú, nhân đó giết trâu đãi các bạn ăn, cắm đuôi xuống đất rồi lừa chú rằng trâu chui xuống đất. Chú kéo đuôi trâu bị bật ngã bèn giận giữ đuổi đánh cháu. Rồng hiện lên khiến người chú sợ hãi... Nhân vật Đinh Bộ Lĩnh ở đây chưa đến mức lừa đảo, bịp bợm nhưng không thể nói là không mưu mẹo, láu cá và thủ đoạn, ranh mãnh. Dễ hiểu vì sao sau này, Đinh Bộ Lĩnh lại có cách ứng xử cứng rắn và mưu lược trước tình huống hiểm nghèo của Đinh Liễn để đi đến thắng lợi trong cuộc đối đầu với hai vị Ngô vương. Chúng ta thấy ở tình tiết này bóng dáng của một anh Cuội, anh Thơ Mênh Chây láu cá, đã giết trộm trâu (lợn) của thím, còn lừa thím rằng nó đã chui xuống âm phủ, phải đào xung quanh mà bắt kẻo nó đứt đuôi chạy mất... Chúng ta cũng thấy ở đây bóng dáng của tướng Nguyễn Chích, của chúa Trịnh Kiểm trong những truyền thuyết lưu truyền ở Thanh Hóa, thậm chí của vua Minh Thái Tổ (Trung Quốc) và một số nhân vật cơ trí Đông - Tây khác. Tất cả chỉ để nhằm tô đậm cái “khác người” của một anh hùng cái thế, một nhân vật kiệt xuất trong tương lai.

Đinh Bộ Lĩnh còn là thần đồng trong quân sự về khả năng dùng binh ngay từ thời chăn trâu, cắt cỏ. Ngay từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã rất ham mê trận mạc, thường rủ bạn bè chăn trâu cùng làng ra bãi để tập trận giả. Đám trẻ thường chia thành hai phe để tập trận. Lấy trâu giả làm voi, ngựa…lấy bông lau làm cờ xí, lấy tre đẽo gỗ thành gươm giáo. Đinh Bộ Lĩnh lúc nào cũng được bọn trẻ nhất tề cử làm tướng chỉ huy. Vì chú bé có sức khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát, lại hay nghĩ ra nhiều trò chơi hay. Nếu chia làm hai phe, bao giờ phe Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy cũng thắng trận. Sau mỗi lần thắng trận, Đinh Bộ Lĩnh thường được lũ trẻ công kênh làm kiệu rất long trọng. Hằng ngày, trên những cánh đồng, Bộ Lĩnh đã tụ tập trẻ chăn trâu làng mình lại, kéo đi đánh các động khác trong vùng để tranh bãi cỏ. Các động khác đều chịu thua, phục tài Bộ Lĩnh, bèn bàn nhau góp gạo, kiếm củi, thổi cơm phục dịch. Thấy vậy, phụ lão các động , các sách nói với nhau “Đứa trẻ này khí lượng như thế ắt làm lên sự nghiệp,

bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn” [21,58]. Thế là mọi người nô nức đưa con em đến theo ngày một đông, rồi lập Bộ Lĩnh làm trưởng ở động Hoa Lư. Khi trưởng thành, nước Nam lúc bấy giờ có mười hai sứ quân nổi lên, mỗi người chiếm giữ một phương, Tiên Hoàng nhân dịp ấy theo về nương nhờ Trần Minh Công. Trần Minh Công thấy ông là dòng dõi tướng võ và có tài nên tin dùng cho cai quản binh lính. Không bao lâu, Trần Minh Công mất, ông lĩnh hết cả quân quyền, đem quân đi dẹp các nơi, thống nhất đất nước, lên ngôi Thiên tử, đóng đô ở Hoa Lư, sửa sang thành quách, cung điện, quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Nhận xét về tài năng của Đinh Tiên Hoàng, sử gia Lê Văn Hưu nói: “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế , đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?” [21,59].

Như vậy có thể thấy, theo quan niệm dân gian, những người có tài thường xuất thân đặc biệt, Tiên Hoàng không phải con của người bình thường mà là con của Rái cá, nhờ vậy mà bơi lặn rất giỏi, trí thông minh cũng hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa. Chỉ mới 6 tuổi mà ông đã biết những điều ẩn sau mưu đồ của vị khách người Tàu kia đồng thời tỏ rõ tài cầm quân trong những cuộc tập trận cờ lau. Đó chính là tiền đề để đến lúc trưởng thành, ông sẽ có sự nhìn nhận, đánh giá chính xác khi đi theo Trần Minh Công, dùng tài năng quân sự của mình để dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất nước nhà.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)