Dương Vân Nga cũng là nhân vật có thật trong sử với cái tên Hoàng hậu họ Dương. Trong lịch sử, bà được nhắc đến khá nhiều với nhiều luồng ý kiến khác nhau, khen có chê có. Suốt những năm dài trong lịch sử và cho tận hôm nay những nhận xét về Dương Vân Nga vẫn còn nhiều tranh luận. Còn trong truyền thuyết, những truyện kể về bà không nhiều, nhưng lại tạo nên những giá trị rất lớn để các nhà nghiên cứu muốn đi sâu tìm tòi, phân tích.
Nếu xét trong mối quan hệ nhân duyên giữa Dương Vân Nga với Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn, thì có lẽ mối nhân duyên giữa bà và Lê Hoàn được mọi người quan tâm hơn. Nhận xét về mối quan hệ này, từ các nhà nho đến các nhà sử học và ngay cả dân gian cũng khó lòng chấp nhân được. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới mối nhân duyên giữa bà với Đinh Tiên Hoàng từ thủa chăn trâu cắt cỏ cho đến lúc bà cởi áo long bào của Đinh Toàn khoác cho Lê Hoàn, chính thức kết thúc vương triều nhà Đinh.
Sử cũ chép là Dương Hậu (Hoàng hậu họ Dương). Dương Hậu tên thật là gì? Bà là ai? Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến đến nay chưa ngã ngũ. Địa phương Ninh Bình có nhiều truyền thuyết về bà. Trong quá trình điền dã, chúng tôi được biết, thân phụ bà là Dương Thế Hiển, quê ở thôn Nga My, xã Gia Thủy (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), quê mẹ ở thôn Vân Lung, xã Gia Vân (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Sinh thời, cha mẹ chỉ gọi bà là Dương Nương (cô gái họ Dương), sau khi vào cung đình Hoa Lư được gọi ghép tên làng cha với tên làng mẹ thành Vân-Nga. Nhân dân địa phương gọi là Dương Vân Nga.
Truyền thuyết về Dương Vân Nga kể rằng, ngay từ nhỏ bà đã có những điềm báo cho cuộc đời làm Hoàng hậu của mình. Khi mới sinh, Dương Vân Nga cứ khóc ròng rã như xé vải suốt ngày đêm, đã ba tháng liền, vẫn chưa lặng. Mãi đến khi có ông lão đến xin ăn viết lên tờ giấy hai câu:
“Nín nín đi thôi
Một thân gánh vác cả đôi sơn hà”
Và đưa cho mẹ Vân Nga bảo đốt thành than rồi cho nàng uống. Quả nhiên, sau khi uống Vân Nga lặng ngay, không khóc một tiếng nào nữa, càng lớn càng xinh đẹp và trở thành một thiếu nữ nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng.
Ngay từ thủa thiếu thời, Đinh Bộ Lĩnh và Dương Vân Nga đã có duyên gặp nhau trong các trận đánh tranh giành bãi cỏ cho trâu ăn. Hai người cùng là thủ lĩnh đứng đầu hai phe với câu chuyện “Thuyền nan đè thuyền thúng” [37, 32]. Truyền thuyết kể về thời niên thiếu, cha mẹ thường chỉ gọi bà là Dương Nương (cô gái họ Dương),
Dương Nương cầm đầu lũ trẻ gái, trai vùng Nga My, trong đó số đông là nữ, chiếm giữ một vùng rộng lớn động núi để cắt cỏ, thả trâu. Trẻ các làng xung quanh theo về rất đông, tôn Dương Nương làm nữ tướng. Đinh Bộ Lĩnh tiến đánh quân của Dương Nương để tranh bãi cỏ. Hai bên đánh nhau rất nhiều trận, kéo dài mấy năm trời. Nhưng đội quân thuyền thúng của Dương Nương không mấy khi ngăn chặn được đội quân thuyền tre dũng mãnh của Đinh Bộ Lĩnh. Bẵng đi một thời gian, người ta không thấy hai bên đánh nhau nữa. Mọi người đồn nhau, Đinh Bộ Lĩnh bây giờ là chủ soái của nghĩa quân Hoa Lư, đang phất cờ Thái Bình cứu nước, còn nữ tướng của đội quân thuyền thúng Dương Vân Nga nay đã trở thành phu nhân của ông tướng đội quân thuyền tre Đinh Bộ Lĩnh. Dương Vân Nga trở thành Thắng Minh Hoàng Hậu, nhưng dân gian vẫn gọi bà bằng cái tên cũ là Dương Vân Nga, để nhắc nhở về thủa thiếu thời, bà làm tướng trẻ Vân-Nga chống nhau với trẻ Hoa Lư.
Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Một hôm, Đại Thắng Minh Hoàng đế cưỡi ngựa rong ruổi về thăm Thung Lau, căn cứ của nghĩa quân Hoa Lư thủa ban đầu. Đến vùng Nga My, non xanh nước biếc hữu tình, chợt ngài nhìn bên sông Hoàng Long thấy một cô thôn nữ xinh đẹp, tay cầm liềm cắt cỏ, miệng hát ví von:
“Anh đi tán tía tàn vàng Để em cắt cỏ bên đàng xênh xang
Tay cầm bán nguyệt sao đang Trăm ngàn ngọn cỏ lai hàng tay ta”
Nhà vua xuống ngựa, cho người đến gọi cô gái lại nhưng chưa kịp đến nơi thì cô gái đã lẩn vào rừng cây biến mất. Không tìm được cô gái, biết bố mình xưa kia có người bạn cùng làm quan trong dinh Dương Đình Nghệ là tướng quân Dương Thế Hiển nhà ở gần đó, nhà vua ghé vào thăm ông. Dương Thế Hiển tiếp đón nhà vua rất cung kính và ân cần, sau lại sai con gái ra chào đức vua. Đại Thắng Minh Hoàng đế
nhận ra chính cô gái cắt cỏ và đã hát bên sông vừa rồi. Nhà vua xin được đón Dương Vân Nga về cung, sau lập bà là Cồ Quốc Hoàng Hậu (Hoàng hậu nước lớn). Kiểu gặp gỡ này và câu hát quen thuộc kia trong kho tàng truyện kể dân gian không phải là hiếm gặp, chúng ta đã từng nghe đến mối nhân duyên giữa nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông; bà chúa Mía Nguyễn Thị Dong và chúa Trịnh Tráng; bà Trương Thị Ngọc Chử và chúa Trịnh Bính…vv. Đó là mối duyên kì ngộ giữa người con gái tài sắc xuất thân bần hàn với bậc đế vương mà cái kết có hậu là một cuộc hôn nhân thay đổi số phận. Từ đây, chúng ta có thể thấy rõ sự lỏng lẻo – “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của motif nhân duyên khi gá lắp vào chuỗi truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng, song đó chính là tâm lí sáng tạo của dân gian - không ngừng bổ sung, bồi đắp và tô điểm cho nhân vật truyền thuyết của mình. Trong trường hợp này, đó là một sự tô điểm theo khuynh hướng thế tục hóa bằng cách sáng tạo một “chuyện tình” đẹp như cổ tích - thậm chí có thể nói đến một bước chuyển hóa thể loại nhằm mở rộng giá trị thẩm mỹ của chuỗi truyền thuyết này.
Văn bản truyền thuyết về bà khá ít, tuy nhiên trong thực tế điền dã và trong tín ngưỡng có nhiều điểm thú vị kèm với đó là những câu chuyện khá hấp dẫn mà người dân địa phương đã lưu truyền. Ví dụ, liên quan đến việc đặt tượng thờ bà, nhân dân kể lại rằng: Khi mới lập đền thờ vua Đinh và vua Lê, nhân dân đặt tượng Đinh Tiên Hoàng và Dương Vân Nga cùng thờ. Đến thế kỉ XVII, An Phủ sứ Lê Thúc Hiển nói : “Xuất giá tòng phu” (Lấy chồng theo chồng), rồi cho buộc dải lụa trắng vào cổ tay Dương Thái hậu “giong” bà về bên đền Lê. Khi về đến kinh đô Thăng Long , Lê Thúc Hiển bỗng nhiên đứt ruột mà chết. Đến nay, tượng thờ Dương Vân Nga được đặt trang trọng ở đền Lê Đại Hành (Trường Yên, Hoa Lư), mặt quay vào vua Lê Đại Hành nhưng mắt vẫn hướng về đền thờ vua Đinh. Nhân dân ở đây cho biết, trước đây, sau khi chuyển tượng bà về bên đền vua Lê thì cứ đến ngày giỗ vua Đinh nhân dânlàm lễ rước tượng bà từ đền thờ Lê Hoàn sang đền thờ Đinh Bộ Lĩnh rồi cúng xong lại “trả” bà về. Tuy nhiên, trước khi rước vào kiệu, họ phải lật đít tượng lên để đánh mười roi. Tục lệ này thực hiện trong một thời gian dài, mãi sau này, một vị lãnh đạo nhà nước về thăm tỉnh Ninh Bình khuyên nên bỏ tục lệ này, nhân dân thấy hợp lí nên đã bỏ việc rước kiệu bà về đền vua Đinh cúng đồng thời bỏ tục lệ lật đít tượng bà
để đánh. Bên cạnh đó, tượng thờ Dương Vân Nga có một điểm khá đặc biệt khác hẳn với nghệ thuật tạc tượng chân dung các bà hoàng phi công chúa là mặt tượng bà Dương Vân Nga rất đỏ. Những pho tượng tạc các bà hoàng phi, cung phi khác da mặt đều phủ một lớp bột xương trắng ngà. Theo lí giải của dân gian do bà vụng trộm với Lê Hoàn, trong lòng thấy xấu hổ nên đỏ mặt. Cũng theo cách lí giải của dân gian, tượng bà sở dĩ có mặt đỏ và quay về đền vua Đinh là vì Dương Thái hậu đến chết vẫn không hết hổ thẹn khi nhìn về đền thờ chồng cũ. Ngắm nhìn ba pho tượng ở đền Đinh ta có cảm giác như đức Vua cùng các con đang bàn thế sự, tính kế quốc thái dân an. Ta cũng cảm nhận được cả sự trống vắng thiếu hụt của một cái gì đó trong không khí tề tựu gia đình. Thái hậu Dương Vân Nga không có mặt trong không khí tề tựu gia đình đó.
Đền thờ vua Đinh và sau này đền thờ vua Lê ở Trường Yên (Hoa Lư) cùng một số đền thờ ở địa phương khác trong nước thờ vua Đinh, vua Lê đều tô tượng Dương Thái hậu phối thờ. Cả hai vị vua Đinh-vua Lê đều lập năm hoàng hậu nhưng những hoàng hậu đó chỉ là những cái tên trong sử sách không hơn, còn trong truyền thuyết thì hoàn toàn vắng bóng, các tượng thờ cũng không hề có. Ngược lại, thái hậu Dương Vân Nga lại có sức sống trong cả chính sử và truyền thuyết. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta đánh giá rất cao công lao của bà mới tô tượng phối thờ với hai đức vua Đinh và vua Lê. Pho tượng Dương Thái hậu thờ ở đền vua Lê (xã Trường Yên, Hoa Lư) và ở Bách Cốc (Vụ Bản, Nam Định) dung nhan bà được nghệ nhân dân gian tô tạc hết sức đẹp đẽ, dáng vẻ quý phái, quyền uy, thông thái và vô cùng đôn hậu, thoảng nét đăm chiêu. Chúng ta tin tưởng nhân dân bao giờ cũng công bằng, sáng suốt trong đánh giá và xem xét lịch sử.
Như vậy, Đinh Tiên Hoàng và Dương Vân Nga dường có một mối nhân duyên đặc biệt cả trong truyền thuyết và chính sử. Mặc dù đến nay còn rất nhiều ý kiến khác nhau về mối nhân duyên này cũng như những ẩn tích về hai người nhưng tựu chung lại chúng ta có thể thấy cả hai người đều có công với dân với nước và được nhân dân tôn thờ. Đặc biệt, nhân vật Dương Vân Nga sẽ là một điểm sinh trưởng mới để chuỗi
truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng lưu truyền mãi từ thế hệ này qua thế hệ khác với nhiều tình tiết mới mang đậm màu sắc thế tục ly kỳ và hấp dẫn.