Lễ rước nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 66 - 68)

Lễ rước nước là một trong nghi lễ quan trọng nhất và thu hút sự tham gia của nhiều người nhất.Trong lễ này người ta vừa thấy cả yếu tố linh thiêng trang nghiêm thành kính của phần lễ và cả cái đông vui náo nhiệt của phần hội.

Buổi sáng ngày khai hội, vào giờ thìn lễ rước nước được bắt đầu. Từ mấy hôm trước người ta trồng ở sông Hoàng Long (gần cửa Đại Hoàng xưa, nay gần núi Cắm Gươm) một cây tre lớn, cành lá xanh tốt. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng có ghi lời chú. Nội dung lời chú đại loại là: thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị hoàng

đế nước Đại Cồ Việt, sau dựng nên cơ nghiệp nhà Đinh, dẹp yên loạn 12 sứ quân cát cứ, thu phục non sông về một mối, cầu mong thần sông giữ dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho trăm họ bình an, tránh được mọi điều tai ương… Đi đầu đám rước có sư tử mở đường, sau đó là những người cầm cờ quạt, lộng tán, bát biểu. Tiếp theo rừng cờ biển là phường bát âm. Sau phường bát âm là kiệu thần: đó là chin chiếc kiệu sơn son thiếp vàng và một chiếc võng là nơi vua ngự giá. Sau cùng là đến các bô lão, chức sắc, dân làng và khách thập phương dự hội. Dòng người như bị cuốn theo trong không khí giòn giã thúc giục của phường nhạc bát âm, của chiêng trống, của kèn sáo…Đoàn rước đi ra đến bến sông Hoàng Long thì hương án có đặt bình sứ được đưa xuống thuyền trước, tiếp theo là rồng vàng, sư tử… rồi đến phường bát âm, đội trống. Thuỷ triều sông Hoàng Long lên, vị chủ tế đọc sớ, tấu trình nội dung tương tự lời chú trên phướn. Bốn trinh nữ xinh đẹp vận áo tân thời, đầu vấn khăn xếp, nhẹ nhàng khoả dòng nước trong vắt, múc nước sông thiêng đổ vào bình sứ để rước về đền vua Đinh làm lễ dâng hương. Sau khi các trinh nữ múc nước đổ vào bình sứ xong, vị chủ tế đốt tờ sớ văn thả xuống dòng sông. Tiếng trống chiêng âm vang giòn giã, nhạc tấu rộn ràng, đoàn rước lên bờ chở về đền thờ vua Đinh theo thứ tự lúc khởi hành. Khi đoàn rước nước về tới đền vua Đinh, nước thần được đưa vào trong nội cung. Bình nước thần được đặt trang trọng trên án trước tượng vua để bao sái tượng thờ (tắm gội tượng) và lau thần vị. Số nước còn lại dâng lên ban thờ vua , sau ngày hội, nước được vảy tưới cho các cây cối trước sân đền thờ vua, và để dành một ít cho đến cuối năm.

Tục rước nước trong lễ hội Trường Yên đã có hơn một ngàn năm nay. Đây là một lễ tục mang đậm dấu ấn truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng. Tương truyền, sau khi chiêu tập được rất đông bạn bè trang lứa tụ dưới cờ lau tập trận, Đinh Bộ Lĩnh đã bắt một con trâu đầu đàn của chú mình là Đinh Dự mổ thịt làm lễ tế trời đất và khao quân. Để che mắt chú, Đinh Bộ Lĩnh cho cắm đuôi trâu vào kẽ núi, nói với người chú trâu chui vào núi mất rồi. Người chú tưởng thật, hai tay cầm đuôi trâu, dè chân chèo để lôi ra. Người chú bị ngã chỏng gọng. Biết cháu đã thịt mất trâu của mình, lại còn đánh lừa mình, chú tức giận vớ thanh gươm đuổi Bộ Lĩnh để chém. Đinh Bộ Lĩnh sợ

hãi, chạy mãi đến bờ một con sông thì hết đường, Bộ Lĩnh nhớ trong số bạn chăn trâu có người tên là Long, nhà gần đó có nghề chở đò. Bộ Lĩnh lớn tiếng gọi: “Long ơi Long, cứu tao với!”. Vừa dứt lời, trên sông liền hiện lên một con Rồng vàng hụp đầu ba lạy rồi ghé sát bờ cho Bộ Lĩnh qua sông. Người chú vác gươm đến đó thấy thế, vô cùng sợ hãi, biết cháu mình không phải người thường, liền cắm gươm xuống bờ sông lạy cháu lia lịa. Vì vậy, quả núi mà ông chú cắm thanh gươm gọi là núi Cắm Gươm còn con sông có Rồng vàng nổi lên đưa Bộ Lĩnh qua sông gọi là sông Hoàng Long. Xuất phát từ truyền thuyết này, sau này khi vua Đinh băng hà, tục lệ rước nước được nhân dân duy trì về tế ở linh từ hoàng đế.

Trong quá trình điền dã về tham dự lễ hội, chúng tôi cũng được nghe nhân dân ở đây kể rằng, trước đây có phần lễ thả rồng trên hồ bên đền vua Đinh Tiên Hoàng, nhân dân đan hai con rồng rất to, đẹp buộc lên cao ở trên hồ, sau lễ rước nước là cắt dây thả rồng, rồng bay đi một lúc rồi lại quay lại như cúi chào nhà vua rồi mới bay đi. Hiện nay, phần lễ này đã cắt trong trương trình lễ hội.

Tục rước nước ở lễ hội Trường Yên là một dấu ấn rõ nét của tập quán cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là một biểu tượng của “uống nước nhớ nguồn”. Nét đặc sắc kì diệu của lễ tục này được diễn ra trong không gian đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trên đất cố đô và bến sông Hoàng Long (Hoàng Long độ) nơi lưu truyền huyền tích rồng vàng cứu vua thoát khỏi lưỡi gươm giận dữ của ông chú ruột thuở sinh thời.Theo các cụ cao tuổi, xưa kia đoàn rước ra đến bến sông Hoàng Long, vượt qua sông không cần thuyền mà kiệu chỉ lướt trên cót cũng qua được sông! Sau đó đoàn rước theo đường Tiến Yết, qua làng Điềm, vào đền Đại Hữu, rồi đến Thung Lau (nay là xã Gia Hưng) nơi Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau thuở chăn trâu, diễn lại tích cờ lau tập trận xong mới quay trở về đền vua Đinh ở Trường Yên.

Đây là lễ tục mang đậm dấu ấn dân gian nhất thể hiện giá trị của truyền thuyết có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 66 - 68)