Tín ngưỡng phồn thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 77 - 78)

Theo quan niệm của cư dân các nước nông nghiệp, để duy trì sự sống cần mùa màng tốt tươi, để phát triển sự sống, con người cần sinh sống. Chính từ đó đã nảy sinh tín ngưỡng phồn thực với những biểu hiện đa dạng như: thờ cúng, các trò chơi như cướp cầu, ném còn, bắt chạch trong chum…Bắt chạch trong chum ở Trường Yên là một tục thi vui, mang tính phồn thực giữa trai gái trong hội làng. Để tham gia, một cặp nam nữ đứng bên cạnh chum đựng nước, thò một tay vào trong để bắt, tay còn lại choàng vai, ôm lưng người cùng chơi đến khi bắt được chạch mới buông nhau ra.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Vũ Ngọc Khánh, trò bắt chạch trong chum nhằm thể hiện sự nhanh nhẹn, thông minh, tài trí của người lao động nông nghiệp. Đặc biệt cuộc thi dành cho những đôi trai gái đã có sẵn tình ý nhưng cũng có khi đóng vai trò “tác hợp”cho những người chưa quen biết. Đây là một trò hội dân gian về tình yêu đôi lứa, tạo dựng hạnh phúc gia đình, sinh con đẻ cái.

Cũng như nhiều trò chơi dân gian khác, bắt chạch trong chum thường có trong các hội làng vào mùa xuân, mùa sinh sôi của vạn vật. Người Việt quan niệm “vạn vật hữu linh” tức là mọi vật đều có linh hồn trong đó con người là chủ đạo, có sự giao hòa với thiên nhiên vạn vật. Trò chơi này là một hình thức cầu đinh, một lễ tục mang khát vọng con đàn cháu đống, cho thấy ý nghĩa cộng đồng sâu sắc. Muốn vậy phải có âm dương, nam nữ phối hợp. Đồng thời nhờ đó mà truyền sự sống đến cây trồng, vật nuôi giúp sinh sôi phát triển. Để tạo nên tính thiêng, linh ứng, trò bắt chạch trong chum luôn diễn ra trước sân đình, trai gái tham gia phải chưa vợ chưa chồng, thuộc gia đình nề nếp, có đạo đức, cha mẹ vẹn toàn. Khi trò chơi được thực hiện, cửa đình, cửa đền phải được mở, để bài vị, ban thờ nhìn ra sân với hàm ý để thần thánh chứng việc sinh sôi nảy nở, tình yêu nhờ đó mới thiêng liêng. Trò chơi bắt chạch trong chum thuộc kiểu trò chơi dân gian, thế nên không chỉ có ở lễ hội Trường Yên mà còn có ở nhiều cuộc vui dân gian khác. Đó không chỉ là cuộc vui thể hiện sự cố kết cộng đồng mà còn chứa đựng cả ý nghĩa phồn thực, mong muốn sinh sôi nảy nở của người dân lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 77 - 78)