Tế cửu khúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 70 - 73)

Tương truyền khi sinh thời, ngay cả khi lên ngôi Hoàng đế, vua Đinh cũng rất thích nghe ca hát. Việc nhà vua cho đón bà Phạm Thị Trân, từ đất Hồng Châu (Hưng Yên) vào cung đình phục vụ ca hát, phong đến chức Ưu Bà, đã chứng tỏ lời truyền ngôn đó là có căn cứ. Khi vua Đinh mất, để tưởng nhớ huân nghiệp lớn lao, cũng là chứng tỏ lòng thành kính đối với nhà vua làm cho anh linh vua được “an vui” nơi tiên giới, nhân dân đã cho làm 9 khúc ca để tế lễ trong những ngày mở hội cờ lau.

Lễ tế Đinh Bộ Lĩnh được cử hành tại đền thờ vua Đinh. Trước kia lễ đó được cử hành vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Đó là một đám tế có nhiều điểm tương tự như mọi nơi chỉ khác là thời gian tế vào ban đêm trong ánh lửa sáng rực của hai cây đình liệu (tức là hai bó đuốc to như cột nhà, dài mấy chục mét) và trong khi đang tế có hai người của phường nhà trò hát ca ngợi công tích của vua Đinh. Điều đáng nói là trong ban tế có 9 người đọc cửu khúc (9 khúc ca về Đinh Tiên Hoàng) vừa mang tính lễ vừa mang tính nghệ thuật nên cuộc tế tuy có kéo dài nhưng người xem vẫn say sưa theo dõi đến cùng. Ca cửu khúc vốn bằng chữ Hán. Sau khi chống Pháp không thành, năm 1974, cụ Phạm Văn Nghị vào động Liên Hoa (Trường Yên) đã diễn nôm và giải nghĩa ca cửu khúc nhưng do lưu truyền trong dân gian nên có nhiều dị bản. Cách ca như đọc văn tế nên còn gọi là tế cửu khúc nhưng dài hơn, có điểm “mèng” khi dứt câu. Khi ông thông xướng hô “tấu khúc”, ban nhạc rung chuông trống tế, rồi có ba tiếng trống báo hiệu im tiếng nhạc để ca. Để việc tế vua được kính cẩn uy nghiêm thì các nữ quan trong đoàn tế phải được chọn lựa kĩ càng và tiêu chuẩn cũng như thế. Một đặc điểm đặc biệt lưu ý là không được lấy gái goá chồng hay có tang vào đoàn tế. Đoàn tế nữ quan thường có từ 16 – 18 người (đông gấp hai lần đoàn tế nam quan). Trong chiếu tế, đứng trước chính giữa là bà chánh tế mặc áo gấm màu vàng, đội mũ xếp cũng màu

vàng, đi hài mũi cong. Bà chánh tế thì kính lễ dâng vua, còn các bồi tế và phân hiến thì kính lễ lên các hoàng tử và các quan. Ngoài chiếu đứng bên phải là bà thông xướng cầm nhịp chỉ huy đội tế và bên trái là bà hoạ xướng để hơng bái cho tế lễ đúng nhịp. Thường thì hai bà thông xướng và hoạ xướng là những người cao tuổi nhất đoàn, thường mặc áo màu vàng hoặc màu đỏ. Đứng trước hai bà thông xướng là bốn cô thiếu nữ thanh tân xinh xắn trẻ nhất đoàn. Các cô mặc áo màu hồng khoác áo ngoài bằng sen trắng, xếp thành hai hàng có nhiệm vụ đón lễ từ bà chánh tế để dâng vua. Trong cung còn bốn bà nữa, đều là những người đứng tuổi đứng đỡ lễ từ các cô chúc nước dâng vào cung: hai bà đứng ở cung ngoài, hai bà đứng ở cung trong. Ngoài ra còn có một bà chuyển chúc và một bà tấu nhạc, cùng bốn bà phục vụ chuyển các đồ tế tự ra vào. Phần đội hình được xếp đặt rất chặt chẽ như vậy nhưng phần tế còn chặt chẽ quy củ hơn. Trong phần tế vua này, các nghi thức gồm có 71 nhịp. Mở đầu bằng tiếng hô “khởi chinh cổ” – trống đánh lên báo hiệu buổi tế bắt đầu. Khi tiếng trống đã dứt, bà thông lại hô “nhạc sanh tựu vị” tức thì thanh la, chiêng cổ vang lên dồn dập. Sau tiếng chiêng tiếng trống, các vị chấp sự trong đoàn tế tẩy trần rửa tay chiếc khăn bông trắng nhúng vào trong chậu nước thơm cho thanh tịnh. Tiếp đó hai cô chúc nước cầm hai ngọn nến màu đỏ ra soi đường cho bà chánh tế vào “củ soát” (kiểm tra) xem các lễ dâng vua có đặt ngay ngắn hay không, có tối hảo hay không. Khi bà chánh tế kiểm tra xong phần lễ thì đến phần tế. Phần tế bắt đầu là lễ dâng hương, dâng hoa, lễ tiến nước (nước trắng súc miệng) rồi đến tiến tửu (rượu). Khi tế đến ba tuần rượu thì đến phần tấu nhạc và đọc chúc (trong chúc ghi rõ địa chỉ thôn, làng, ngày, tháng, năm, dân quân chính đảng cùng đoàn tế) tấu lên vua cầu xin mọi sự tốt lành. Xong phần tấu chúc là đến phần tiến trà dâng vua. Các phần tiến nghi lễ đều như nhau nhưng riêng tiến vua cha (đức Vua) thì gồm năm tuần (một tuần nước, ba tuần rượu, một tuần trà) còn tiến con (tiến các hoàng thái tử và các quan) thì chỉ có ba tuần (một tuần nước, một tuần rượu, một tuần trà). Khi đã tế xong bao giờ mọi người cũng phải đứng thành hàng để lễ tạ với

mong muốn khi dâng lễ cũng như khi tế có gì sơ xuất, sai sót chếch lệch thì đức vua cũng như các quan cho chữ “đại xá”.

Ngoài tế nữ quan ở hai đền vua Đinh và vua Lê ra, để tưởng nhớ tới công đức của bà thái hậu Dương Vân Nga, nhân dân đã tế bà theo nghi thức tế Mẫu tại phủ Mẫu trong chùa Nhất Trụ. Còn phải kể đến một loại hình tế nữa là tế tiệc ở phủ bà Chúa (thờ công chúa Phất Kim). Hình thức này có đông người tham gia hơn. Từ 20 – 25 người, trong đó có 10 em thiếu nữ từ 12 – 13 tuổi đứng xếp thành hai hàng phía trước, tay cầm sênh phách, đầu búi tó, kết nơ hai bên, quần áo xanh đỏ hồng rực rỡ. Các em thiếu nữ này múa hát cho bà Chúa vui.

3.1.6. Phần hội

Hội là những hoạt động đời thường phóng khoáng, sôi nổi diễn ra ở đình, đền, gò, bãi… Tất cả mọi người đều có quyền tham dự trước sự cổ vũ của dân, của làng. Phần hội thường kéo dài hơn phần lễ. Nó là yếu tố “ động” được phép bổ sung gia giảm để phù hợp với sở thích của đám đông.

Hội Trường Yên có rất nhiều trò chơi và diễn xướng dân gian như: cờ lau tập trận, kéo chữ Thái Bình, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước… Các cuộc thi luôn là tâm điểm thu hút sự theo dõi và sự tham gia của mọi người như thi đấu vật, kéo co, múa kiếm, võ tay không, thi nấu cơm, thi cờ tướng, cờ người, thi hát chèo hay…

Trò Cờ lau tập trận được chuẩn bị khá công phu và biểu diễn có tính nghệ thuật. Hội cờ lau Trường Yên hàng năm tổ chức theo sự tích cờ lau tập trận. Tham gia cuộc rước trong hội cờ lau gồm toàn những em trai từ 14 – 16 tuổi, mạnh khỏe, trong đó chọn một em đóng làm Đinh Bộ Lĩnh. Tất cả ăn mặc như mục đồng: đầu chít khăn đỏ, ngang lưng thắt lụa xanh, chân quấn cạp nâu, tay cầm cờ lau. Thoạt đầu tất cả tập trận tại Trường Yên, rước Đinh Bộ Lĩnh bằng kiệu tay qua sông Hoàng Long đến làng Uy Viễn. Hội tại làng Uy Viễn khá nhộn nhịp. theo nhịp trống và điệu cờ, đoàn quân cờ lau múa quanh kiệu của Đinh Bộ Lĩnh, những động tác dân quân tập trận, khi tiến khi

lùi, khi sang ngang khi dừng lại. Tương truyền đây đều là những động tác mà Đinh Bộ Lĩnh đã chỉ huy đạo quân cờ lau thuở ấy. Sau một buổi sáng ở làng Uy Viễn, cuộc rước đưa Đinh Bộ Lĩnh trở về Trường Yên. Tại đây trình diễn những trò chơi truyền thống của lễ hội. Cuộc diễn cờ lau tập trận trong hội Trường Yên, những năm gần đây được cấu trúc lại khác hơn. Chừng 100 em trai chia làm hai phe. Đinh Bộ Lĩnh mặc áo hoàng bào, có ba con trâu đan bằng tre, dán giấy màu, to bằng trâu thật trình diễn lại nhiều chi tiết trong truyền thuyết. Cùng với Cờ lau tập trận hội có kéo chữ “Thái bình” thể hiện mong muốn thái bình muôn thuở của nhân dân và tưởng nhớ niên hiệu “Thái Bình” của vua Đinh. Hội còn tổ chức rất nhiều các trò chơi, các cuộc thi, trong đó không thể không kể đến thi vật. Ở Phủ Vật, nơi thờ “ông tuyển quân”, tổ chức thi vật, để tưởng nhớ vua Đinh “kén quân bộ”. Ở sông Hang Luồn tổ chức thi bơi chải để tưởng nhớ vua Đinh “kén quân thủy”. Cuộc thi có năm thuyền của năm thôn: Yên Thượng, Yên Trung, Yên Hạ, Yên Thành, Yên Trạch. Mỗi thuyền có tám tay chèo và một lái. Thuyền nào về đích trước sẽ giành cờ “Thái bình” tung bay trên sông nước. Ở trên bờ cuộc thi nấu cơm cũng lôi cuốn không kém. Người thi là những cô gái làng, được phát gạo, nước, nồi niêu và cây lau làm củi. Các cô đã trổ tài khéo léo của mình bằng cách tiện lau ra ăn rồi dùng bã thổi cơm. Cô nào thổi cơm nhanh chín, thơm ngon thì đoạt giải. Như vậy cây lau gắn với một thuở Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận thời niên thiếu, đến bây giờ vẫn hiện hữu trong các nghi lễ trang nghiêm và cả trong các sinh hoạt văn hoá vui vẻ của nhân dân.

Phần hội ngày nay cũng đa dạng và phong phú hơn được đã mở rộng thêm rất nhiều những trò chơi mới như: thi bắn cung, thi mâm ngủ quả tiến vua, thi ẩm thực, thi chọi gà, chọi dê, kéo co… được nhân dân ủng hộ và tham gia nhiệt tình với mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội đinh tiên hoàng ở ninh bình (Trang 70 - 73)