5. Kết cấu của luận văn
1.2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.2.4.1. Cơ cấu tổ chức bộ máy và và trình độ đội ngũ cán bộ quản lý thuế
Cơ cấu tổ chức bộ máy và trình độ đội ngũ cán bộ thuế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý thuế. Nhân tố này tác động vào tất cả các nội dung của công tác quản lý thuế, từ ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách tới thanh tra thuế, tổ chức bộ máy quản lý thuế.
- Cán bộ thuế là người đại diện cho Nhà nước, thực hiện các quy định pháp luật thuế nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế của người nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước. Đồng thời phải biết lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân về chính sách thuế để góp ý với Nhà nước, đặt chính sách pháp luật thuế cho đúng phù hợp với thực tiễn.
- Cán bộ thuế có vị trí vai trò rất quan trọng trong bộ máy cơ quan thuế. Để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong sự nghiệp đổi mới đòi hỏi cán bộ không những thành thạo chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ mà còn phải có phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh, liêm, chính. Điều đó đặt ra yêu cầu cán bộ thuế phải thường xuyên rèn luyện đạo đức và lối sống, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để “có tâm trong sáng, có nghề tinh thông”.
Năng lực, trình độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Chi cục Thuế phải đáp ứng được yêu cầu quản lý, phù hợp với nền kinh tế xã hội. Thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:
- Tuyên truyền, hướng dẫn chính sách thuế.
- Cán bộ thuế phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của tình hình về chính sách thuế, nghiệp vụ quản lý các khoản thu, sắc thuế, hiện đại hóa quản lý thu bằng ứng dụng tin học.
- Thái độ và phong cách ứng xử của cán bộ thuế tận tụy, công tâm, khách quan giữa quyền lợi của Nhà nước với quyền lợi của người nộp thuế. Cán bộ thuế phải là người bạn đồng hành đáng tin cậy của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các luật thuế.
- Phẩm chất cán bộ thuế tốt và phải được rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên để không bắt tay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vi phạm luật thuế.
Tôn trọng người nộp thuế, văn minh, lịch sự khi giao tiếp ứng xử. - Giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời và chuẩn xác.
- Lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
- Phải coi người nộp thuế là khách hàng quan trọng nhất của cơ quan thuế, cán bộ thuế phải có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ.
1.2.4.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho quản lý thuế
Nhân tố này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới công tác quản lý thuế thu. Những quy định trong chính sách về diện thu thuế (rộng hay hẹp), phương thức kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế… phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đáp ứng của ngành thuế. Khả năng này lại phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất của ngành thuế. Cũng như vậy, một hệ thống thu thuế được kết nối bằng mạng nội bộ sẽ là một nhân tố rất hữu ích cho cơ quan thuế trong việc quản lý thu thuế hiệu quả, chính xác, kịp thời và tiết kiệm chi phí. Hệ thống thông tin trong quản lý đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả trong giao dịch.
Trong công tác quản lý thu thuế, nếu sử dụng công nghệ thông tin thì sẽ đạt được hiệu quả cao. Khoa học công nghệ phải hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực cho quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Hệ thống thông tin trong nội bộ ngành và các ngành kinh tế có liên quan cũng như với các doanh nghiệp phải có sự kết nối để cung cấp thông tin hỗ trợ lẫn nhau. Như hệ thống Kế toán thu ngân sách giữa cơ quan thuế và Kho bạc, ngân hàng; chương trình Kê khai thuế qua mạng…
- Cập nhật và nâng cấp hệ thống thông tin về doanh nghiệp một cách đầy đủ và chính xác. Hệ thống quản lý được nối mạng toàn quốc và có sự đối chiếu thông tin một cách tự động.
- Xây dựng các phần mềm phân tích phục vụ cho công tác kê khai, thanh tra, kiểm tra như: phân loại rủi ro đối tượng thanh tra, kiểm tra; phân tích kê khai, phân tích báo cáo tài chính, đối chiếu hóa đơn...
- Xây dựng các phần mềm phục vụ cho công tác quản lý ấn chỉ, quản lý các khoản thu về đất như: Phần mềm quản lý ấn chỉ, Phần mềm phi nông nghiệp online...
1.2.4.3. Môi trường quản lý thuế
Hiện tại, hệ thống thuế gồm nhiều loại thuế hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, để thực hiện nhiều mục tiêu, một sắc thuế có thể được ban hành theo một trong hai hình thức pháp lý là Luật và Pháp lệnh. Trên thực tế, hệ thống thuế bao gồm nhiều sắc thuế và được xây dựng theo nguyên tắc cơ bản, đó là: Tính minh bạch, tính hiệu quả, tính linh hoạt và nguyên tắc công bằng.
Chính vì vậy, để thực hiện quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt thì môi trường quản lý thuế, hệ thống thuế bao gồm hệ thống chính sách thuế và hệ thống quản lý thuế phải được ban hành và thực hiện một cách đồng bộ.
* Thứ nhất, hệ thống chính sách thuế
Hệ thống chính sách thuế được ban hành dưới các hình thức Luật, Pháp lệnh. Mỗi sắc thuế có vai trò điều tiết riêng trong nền kinh tế, song chúng có mỗi quan hệ rất mật thiết và tác động lẫn nhau trong quá trình phát huy tác dụng điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống chính sách thuế dù được xây dựng một cách ưu việt, hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể phát huy tác dụng nếu không được vận hành trong thực tiễn. Quá trình áp dụng luật thuế vào nền kinh tế - xã hội đòi hỏi sự chấp hành của các đối tượng nộp thuế, qua đó số thuế được huy động từ các thể nhân và pháp nhân vào ngân sách nhà nước theo đúng luật định. Quá trình này thường không gắn liền với sự tự nguyện mà cần có một hệ thống quản lý để tổ chức, giám sát.
Hệ thống chính sách thuế còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, phù hợp và sát với thực tế gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Đối với các quốc gia trên thế giới, khi xây dựng một sắc thuế, họ đều chú trọng đến yếu tố ổn định. Bởi điều đó sẽ tạo điều kiện cho người nộp thuế có kế hoạch và chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, ở nước ta, chính sách về thuế nhìn chung còn thiếu tính ổn định và đồng bộ. Ví dụ như Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 01/7/2007, nhưng các văn bản hướng dẫn lại được xây dựng rải rác từ cuối năm 2007 đến năm 2008 và trong 6 tháng đầu năm 2009 mới tạm coi là đủ. Tương tự, Luật Doanh nghiệp mặc dù có hiệu lực từ năm 2005, nhưng mãi tới năm 2008 mới có nghị định hướng dẫn thực hiện. Chính sự không đồng bộ này đã dẫn đến hiện tượng chồng chéo trong chỉ đạo và tổ chức thu thuế, do vừa phải theo cái mới, vừa theo cái cũ, làm giảm hiệu quả của hoạt động quản lý thu thuế.
Bên cạnh đó, hệ thống các chính sách thuế cũng chưa đạt mục tiêu “đơn giản, rõ ràng, thống nhất” được đặt ra trong quá trình cải cách. Cụ thể như Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định đối tượng nộp thuế bao gồm cả các cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì cá nhân kinh doanh không phải là doanh nghiệp.
Không chỉ thế hệ thống chính sách thuế chưa bao quát và điều tiết hết các nguồn thu trong nền kinh tế và chưa thật sự đảm bảo bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ nộp thuế và phù hợp với thông lệ quốc. Điều đó đã dẫn đến những bất cập, gây khó khăn cho người nộp thuế và người thu thuế, cụ thể là:
- Trong khi các nước trên thế giới khi tính thuế giá trị gia tăng chỉ sử dụng một phương pháp tính thuế (phương pháp khấu trừ), thì ở nước ta hiện nay vẫn sử dụng hai phương pháp (khấu trừ và trực tiếp). Việc áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp đã gây ra nhiều bất hợp lý, không thể hiện tính ưu việt và thống nhất của thuế giá trị gia tăng, đồng thời gây khó khăn, giảm hiệu quả cho công tác quản lý thu thuế.
- Thuế giá trị gia tăng vẫn bao gồm nhiều mức thuế suất (0%, 5%, 10%) tạo điều kiện cho người nộp thuế lợi dụng để gian lận và trốn lậu thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước, thậm chí “chạy chọt”, hối lộ để được cán bộ ngành thuế “nương tay”.
* Thứ hai, chưa chú trọng ứng dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ trong công tác thuế.
Mặc dù các quy trình hoạt động thu thuế, quản lý thuế đều được sử dụng các ứng dụng tin học, nhưng do chưa được triển khai một cách đồng bộ nên hiệu quả
chưa cao. Những vướng mắc, bất cập giữa các quy trình, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong sử dụng ứng dụng tin học chưa được giải quyết một cách triệt để do môi trường làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ cán bộ quản lý còn chưa đáp ứng yêu cầu.
1.2.4.4. Tình hình kinh tế và mức sống của người dân
Hiệu quả của công tác quản lý thu thuế phụ thuộc không nhỏ vào mức độ phát triển kinh tế và đời sống của dân cư. Cùng một đơn vị thu thuế trên một khu vực, số đối tượng nộp thuế nhiều sẽ giảm bớt chi phí trên một đồng thuế thu được, ngược lại có ít đối tượng nộp thuế và số thuế thu được ít thì chi phí cho một đồng thuế thu được sẽ cao. Sự phát triển kinh tế sẽ đồng hành với sự phát triển của cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác quản lý nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, khi cơ sở hạ tầng tốt thì khả năng quản lý thuế cũng sẽ được đơn giản và hiệu quả hơn.
1.2.4.5. Ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế
Hầu hết người nộp thuế không thấy được những đóng góp của họ đối với sự phát triển chung của xã hội, của cộng đồng, của địa phương. Do đó, nhiều trường hợp chây ỳ hoặc cố tình vi phạm các quy định hiện hành; chưa có sự chuyển biến rõ rệt về tính tuân thủ, tự nguyện, nâng cao trách nhiệm pháp luật về thuế và nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.
Ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng tỉ lệ thuận với ý thức và trách nhiệm nộp thuế. Khi người dân có ý thức chấp hành luật thuế tốt, họ sẽ tự giác trong kê khai, nộp thuế. Hành vi trốn thuế sẽ ít xảy ra. Chính vì vậy, công tác quản lý thu thuế và thanh tra thuế sẽ gặp nhiều thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn. Tóm lại ý thức chấp hành pháp luật thuế của đối tượng nộp thuế cũng ảnh hưởng một phần tới công tác quản lý thuế.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế thì trước hết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải hiểu sâu sắc về nghĩa vụ thuế và quyền lợi của mình từ khoản tiền thuế mà mình đóng góp; nhận thức đúng trách nhiệm pháp luật về nghĩa vụ phải kê khai nộp thuế của mình.
Tuy vậy, hầu hết người nộp thuế không thấy được những đóng góp của họ đối với sự phát triển chung của xã hội, của cộng đồng, của địa phương. Do đó, nhiều trường hợp chây ỳ hoặc cố tình vi phạm các quy định hiện hành, tìm mọi thủ đoạn, dưới mọi hình thức gian lận các khoản tiền thuế phải nộp. Các doanh nghiệp này không những không nộp thuế mà còn tìm cách chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước thông qua việc kê khai khống giá mua hàng, nhất là hàng xuất khẩu để được
hoàn thuế; chưa có sự chuyển biến rõ rệt về tính tuân thủ, tự nguyện, nâng cao trách nhiệm pháp luật về thuế và nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Tình trạng trốn, lậu thuế, nợ đọng thuế còn khá phổ biến ở nhiều khoản thu và diễn ra ở các địa bàn khác nhau, vừa làm thất thu cho NSNN, vừa không bảo đảm công bằng xã hội và đưa quản lý thu thuế vào nề nếp.
1.2.4.6. Sự phối kết hợp của các tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế
Trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức, cá nhân với việc quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được qui định đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản pháp luật hóa sẽ dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân này không thực hiện việc cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong điều tra xác định mức thuế, thực hiện cưỡng chế về thuế...
Sự phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Công an, Kiểm sát, Quản lý thị trường trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống làm hàng giả, chống trốn lậu thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế... sẽ có tác dụng tốt trong việc phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật thuế.