Giọng chiêm nghiệm, suy ngẫm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 77 - 79)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Giọng chiêm nghiệm, suy ngẫm

Ngoài giọng giễu nhại, mỉa mai tạo nên những trang viết "sắc ngọt", "lém lỉnh", Lê Lựu còn trần thuật với chất giọng chiêm nghiệm, suy ngẫm.. Chất giọng này thường là trần thuật những suy nghĩ của nhân vật. Nó cho thấy thái độ tự tin của tác giả khi đưa ra những triết lý, những kinh nghiệm của người trong cuộc, tự ý thức được điều mình sẽ nói. Và chính giọng điệu mang tính suy ngẫm, chiêm nghiệm góp phần làm cho sức khái quát của tác phẩm sâu sắc hơn.

Nhân vật trong Thời xa vắng nhìn cuộc đời thông qua kinh nghiệm của cá nhân nên thường có sự chiêm nghiệm cuộc sống theo sự phát hiện của bản thân về qui luật của đời sống. Trải nghiệm đau đớn của hai mươi năm theo đuổi một mối tình tuyệt vọng với Sài đã mang lại cho Hương nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống. Điều đó thể hiện ở thái độ dứt khoát trong tình cảm với Sài: “Tuổi chúng mình không thể liều lĩnh được nữa đâu (…) Không! em biết. Ngày xưa thì được (…) Còn bây giờ làm gì còn thì giờ để hẹn hò chờ đợi nhau nữa” [42, tr. 343 - 344]. Để đi đến những trải nghiệm về cuộc sống, Sài phải trả giá bằng chính cuộc đời mình: “Anh không thể tiếp tục sống cuộc sống không phải là mình, không còn là mình” [42, tr. 282].

Giọng điệu triết lý còn hướng về khám phá các vấn đề thế sự và qui luật nhân sinh. Viết về tình người, nhà văn có giọng triết lí thấm thía: “Giữa sống chết, người lính không có gì ngoài tình yêu thương đùm bọc của người xung quanh mình mà người ta vẫn quen gọi là đồng đội, đồng chí. Nó không giống như lúc còn ở hậu phương, lúc người ta nổi khùng định choảng nhau mới gọi nhau là đồng chí. Ở đây, hai tiếng ấy thực sự thiêng liêng, thực sự là sống chết, mất còn không thể cách biệt thù oán…” [42, tr. 157]. Cũng có khi giọng triết lý đi liền với một thái độ khoan hòa, điềm tĩnh, rất thấm thía tình người: “Không ai dại dột đi nuối tiếc cái cũ khi đang tràn trề với hạnh phúc mới. Cũng chẳng việc gì cứ phải gào lên phô trương tất cả sự đầy đủ tốt đẹp nếu quả thực nó có như thế. Bởi vì nó giống như kẻ có miếng ăn ngon không bao giờ khoe khoang, chiêng bày ra trước mặt những người đang đói” [42, tr. 211].

Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý có khi được đúc kết ngắn gọn mà thấm thía: “Kẻ sôi sục mù quáng chỉ cái que cũng coi là vũ khí, vẫn có thể đâm mù mắt người khác” [42, tr. 210]. Giữa con người với nhau không tránh khỏi sự toan tính cá nhân: “Ai cũng biết tính toán chi li, tất cả đều khôn ngoan, lấy đâu ra kẻ dại dột thắc mắc hộ mình” [42, tr. 31]. Hoặc là những suy nghĩ của nhân vật: "Hừ, đời hay thật. Kẻ hèn nhát không dám đánh mất cái gì thì được tất cả. Người sẵn sàng đánh đổi tất cả cho một cái gì thì chỉ còn thân tàn ma dại" [42, tr. 116].

Trải nghiệm, suy ngẫm về tình yêu và hôn nhân là quan niệm đầy tỉnh táo, cảnh giác của một người vừa bị lừa dối và thua thiệt trong tình yêu. “Với tình yêu, kẻ biết dối trá thuần thục bao giờ cũng lôi cuốn người con gái hơn rất nhiều những người chỉ biết biểu lộ lòng thành thật” [42, tr. 323]. Hay thái độ hưởng lạc khác nhau của vợ hoặc chồng trong quan niệm về hạnh phúc gia đình. “Không ai hầu hạ mình bằng mụ vợ đã có hai con lớn và “mất thế” cả về tuổi tác lẫn sự hấp dẫn. Ra khỏi nhà lại không có gì đốt cháy lòng khao khát bằng tình yêu vụng trộm” [42, tr. 323]. Hoặc người phụ nữ không

có tình cảm với chồng, xem chồng như người ở vì: “Không có một kẻ đầy tớ nào hầu hạ lí tưởng bằng chồng, khi anh ta còn sức lực và tự nguyện hết lòng hết sức, hết hơi vì vợ con” [42, tr. 258].

Giọng điệu trải nghiệm mang đến cho tác phẩm chiều sâu suy ngẫm về nhân gian thế sự. Đó cũng là thái độ cần thiết để mỗi con người nhận thức sâu sắc hơn về những vấn đề quan thiết trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 77 - 79)