Con đường sáng tạo của Lê Lựu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 26 - 28)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Con đường sáng tạo của Lê Lựu

Lê Lựu sinh vào ngày 12/12/1942 tại một làng ngoài đê sông Hồng, thôn Mẫn Hoà, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nông dân bình thường như bao gia đình nông dân đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Làng quê mà ông sinh ra và lớn lên là một vùng quê nghèo đói, một vùng chiêm trũng ngập lụt. Ông lớn lên giữa lúc miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Người nông dân bước vào công cuộc xây dựng xã hội mới, người cày có ruộng.

Lê Lựu rời ghế nhà trường từ đầu những năm 1960, lúc đó phong trào “ba nhất” trong quân đội đang hừng hực khí thế. Lúc đầu, ông làm báo ở Quân khu III. Tiếp đến là phóng viên báo, công tác tại Mặt trận đường dây 559 Trường Sơn thời kỳ chiến tranh, với tư cách một người lính văn hóa.

Đến những năm 1970, ông chuyển về tạp chí Văn nghệ quân đội, từng là biên tập viên văn xuôi, phụ trách thư kí tòa soạn. Ở đấy, ông không chỉ làm công việc của một biên tập viên mà còn sáng tác. Trong đời thường Lê Lựu chân thật, hồn nhiên, đôi lúc có phần “lôi thôi lếch thếch”, “luộm thuộm” nhưng bên cạnh đó, ông sống rất gần gũi, chân thật, cởi mở… đó chính là nguồn lực khiến ông không khô khan trong sáng tác văn chương.

Khởi đầu sự nghiệp viết văn từ những năm 1960 của thế kỷ XX, Lê Lựu thuộc số ít những nhà văn thế hệ chống Mỹ tiếp tục có những thành tựu nổi bật trong lao động nghệ thuật từ sau 1975, nhất là từ công cuộc đổi mới văn học từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tới nay. Gần 40 năm cầm bút với hơn 20 tập sách, số lượng tác phẩm của Lê Lựu thuộc loại trung bình. Lê Lựu vốn khởi nghiệp từ nghề báo nhưng lại thành công trong lĩnh vực văn chương. Truyện ngắn đầu tay của ông là Tết làng Mục (1964), tiếp đến là Người cầm súng (1967), rồi sau đó là tiểu thuyết Mở rừng (1977),

Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1993), Sóng ở đáy sông (1994), Hai nhà (2000),… Ngoài hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết ra, Lê Lựu còn có hai tác phẩm kí gây tiếng vang một thời: Một thời lầm lỗi (1988) và Trở lại nước Mỹ (1989).

So với các nhà văn khác như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu… thì sự nghiệp sáng tác của Lê Lựu chưa lớn, số lượng tác phẩm không nhiều nhưng Lê Lựu lại được độc giả chú ý không chỉ một hoặc hai tác phẩm. Đây chính là điểm thành công ở ông, một nhà văn có được một tác phẩm được đông đảo bạn đọc và giới phê bình văn học quan tâm thì đã được xem là thành công và Lê Lựu đã không chỉ có một mà còn nhiều hơn một, ông viết không khỏe nhưng những tác phẩm đều nặng về giá trị.

Trong quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc, Lê Lựu đã khẳng định mình ở nhiều thể loại như: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, ký, tạp văn,… và thành quả nghệ thuật của ông được khẳng định trong một loạt giải thưởng như: Giải nhì hội thi Truyện ngắn báo Văn nghệ 1967 - 1968 (không có giải nhất) với truyện ngắn Người cầm súng. Giải A cuộc thi viết về thương binh của Hội Nhà văn, Bộ Thương binh với truyện Người về từ đồng cói. Đặc biệt với giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho Thời xa vắng, đã có hàng loạt bài phát biểu về tiểu thuyết của ông. Có thể nói Lê Lựu đã trở thành một cây bút của văn chương đương đại được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Thành công hơn cả đối với Lê Lựu chính là thể loại tiểu thuyết. Chính thể loại này đã làm nên tên tuổi Lê Lựu với một loạt tác phẩm như Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Hai nhà…Tác phẩm của ông khai thác những vấn đề thuộc chiều sâu của xã hội, ông không ngại nói lên những sai lầm của cải cách ruộng đất, không ngại khi nói về những vấn đề của cuộc sống hôn nhân, không ngại nói về lối sống của người thành thị… Tất cả được ông đưa ra và thêm một lần nữa khẳng định những vấn đề được xem là những vấn đề nóng của xã hội đương đại.

Có thể nói, Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông không những cho bạn đọc biết đến một nhà tiểu thuyết Lê Lựu mà còn khẳng định phong cách nghệ thuật cũng như in dấu đậm nét tên tuổi nhà văn trong quá trình vận động của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 26 - 28)