Bi kịch của con người được sống là mình nhưng lại đánh mất chính mình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 51 - 54)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Người nông dân với những bị kịch và khát vọng cá nhân

2.2.2. Bi kịch của con người được sống là mình nhưng lại đánh mất chính mình

Bối cảnh là khi hòa bình lập lại, một cuộc sống mới mở ra. Sài cũng được giải phóng khỏi Tuyết để đủ quyền lựa chọn người yêu mới theo ý mình: “Chính anh đã yêu đương đàng hoàng, không cần bất cứ một sự tác động nào, không cần nhờ cậy uy tín của ai”. Nhưng một bi kịch khác của cuộc đời anh lại bắt đầu. Anh chọn Châu - một cô gái Hà Nội xinh đẹp, lõi đời, gia đình quyền thế. Một đám cưới rình rang được tổ chức. Khi bước vào cuộc hôn nhân thứ hai với Châu, tuy là người tự do lựa chọn và sống theo ý mình, nhưng cách sống của Sài vẫn là hệ quả của những tháng ngày “sống hộ ý định người khác” thuở trước... Sài được sống là chính mình, được ly hôn cùng Tuyết, được rời xa con người mà mình không thích, con người “không thể đội trời chung”. Sài được lấy người mà mình lựa chọn là Châu. Nhưng đây lại là căn nguyên của sai lầm thứ hai dẫn đến bi kịch cho Sài. Sài lấy Châu - một người không thuộc về mình mà chỉ mượn mình để cứu vớt danh dự gia đình.

Và chính từ giây phút ấy, không ai còn nhận ra một anh Sài tài năng nữa. Từ bỏ ước mơ học tập của mình, anh phải quay cuồng trong cuộc sống thường ngày. Khi đứa con đầu lòng ra đời, anh trở thành tay đầu bếp lành nghề, tay sai vặt cho vợ; chịu đựng mọi sự giận hờn, thậm chí khinh miệt của vợ, của gia đình vợ. “Vợ ăn gà hầm, chim hầm thì anh cứ ăn rau muống luộc. Trời nóng, vợ không thích ngủ chung thì anh vác chõng vào bếp”. Dần dần, anh bị vợ lấn lướt và coi thường. Chính Sài cũng nhận ra vẻ nheo nhếch, không đàng hoàng của mình vì cứ phải chạy theo mong muốn của người khác, hong hóng chờ làm theo sự sai khiến. Nhưng phải trải qua nhiều mất mát và trả giá Sài mới nhận ra “anh không thể tiếp tục sống không phải là mình, không còn là mình, cái mình có thì thừa ra, cái không có thì phải ứng xử hàng ngày”.

Anh quên bẵng những người từng cưu mang, giúp đỡ anh, hay đúng hơn là anh không đủ thời gian để nhớ đến họ. Khi người anh ruột nhắc nhở: “Phải chú ý. Anh thấy cứ lao vào những công việc lặt vặt rồi chả làm được việc gì đâu”, Sài lại cho anh mình không thức thời. Anh mất dần anh em, bạn bè vì làm việc gì cũng phải chú ý thái độ của vợ, xử lý mọi việc theo ý vợ. Kết quả là “hơn ba trăm ngày kể từ khi lấy vợ và 196 ngày kể từ khi sinh con thì anh chàng Sài đã mất đi mười một cân bốn lạng, già đi đến hơn chục tuổi, nhom nhem và bê tha như anh đạp xich lô trực đêm trước cửa ga (…). Bạn bè vô cùng ái ngại không ai còn đủ can đảm đến và ngồi chơi với anh giữa những đống tả lót và chai lọ”. Vậy nên, “trước kia người ta yêu anh vì anh chịu khó, thật thà, chất phác (…). Người ta thương anh vì anh ngờ nghệch, dại dột, trước người vợ từng trải khôn ngoan. Đến bây giờ, ngay lúc bình tĩnh nhất, mọi người vẫn có thêm một ấn tượng nữa về anh. Đó là cái sự ngu. Đã là thằng ngu ai cũng có quyền khinh bỉ, coi thường” [42, tr. 330]. Anh càng đau đớn hơn khi sau mọi cố gắng, anh lại nhận ra sự thật, đứa con đầu lòng không phải là con anh. Cuối cùng, để chấm dứt mọi chuyện, vợ chồng Sài ra tòa li dị. Trải nghiệm cay đắng giúp Sài nghiệm ra bi kịch đau đớn của

đời mình, ý thức cá nhân trỗi dậy khiến anh không thể chấp nhận cuộc sống hiện tại nhưng muốn thay đổi nghĩa là anh phải phá tan tất cả những gì đã bỏ công vun đắp khi đã đi qua nửa cuộc đời. Tấn bi kịch đó là của con người mất đi cá tính từ đó thất bại trên con đường đến với hạnh phúc.

Sài yêu vợ thương con nhưng lại nín nhịn quá mức đến nhu nhược, yếu hèn để rồi Châu càng lấn lướt dẫn đến bi kịch đỗ vỡ gia đình. Sự nhẫn nhịn của Sài phần là vì muốn bảo vệ gia đình, không muốn có sự đỗ vỡ tội cho những đứa con của mình nhưng mọi sự nín nhịn của anh nhằm để cho gia đình yên ấm nhưng nó phản tác dụng, nó lại đẩy anh quá xa mong ước của Châu. Phần vì bản thân Sài đã quen sống theo ý muốn người khác nên khi được là mình anh lại đánh mất mình. Thói quen này đã ăn vào đầu óc Sài nhất thời không thể thay đổi được. Thật ra khi được sống là chính mình Sài luôn cố gắng để giữ lấy hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà bốn mươi tuổi đầu Sài mới có được. Bởi vì trước đây chưa lúc nào anh được sống là mình, được có những lựa chọn riêng mình. Song chính vì vậy mà Sài đã đánh mất cả chính mình. Hôn nhân đổ vỡ là kết quả của một thời “yêu cái mình không có” của Sài.

Anh lại trở về quê hương với hai bàn tay trắng và những vết thương lòng đang dần kéo da non. Cuối tác phẩm, nhà văn xây dựng một kết thúc có hậu nhằm an ủi cho cuộc đời Sài: anh dốc hết tài sức của mình để xây dựng quê hương. Kết thúc ấy cũng gieo cho người đọc một niềm tin vào một cuộc sống mới đang mở ra khi con người biết đứng dậy sau những vấp ngã.

Có thể nói tính cách của Giang Minh Sài là sản phẩm của một hoàn cảnh đáng buồn, đầy bất công phi lý thời quá khứ: cái xấu bao quanh cái tốt, cái ác nằm ngay trong cái thiện, con người bị biến thành nô lệ cho những định kiến hẹp hòi, những nguyên tắc chủ quan cứng nhắc, giáo điều. Hoàn cảnh đó khiến Sài phải tự bào mòn, gọt đẽo mọi cá tính cho vừa với khuôn mẫu chung của cộng đồng xã hội, biến Sài thành kẻ nhu nhược, hèn nhát. Và vì thế, cuộc đời của Sài là cuộc đời bất hạnh, đầy rẫy những bi kịch. Tính

cách nhu nhược, hèn nhát của Sài do đâu mà thành? Lê Lựu lý giải: Một phần do sự áp đặt của hệ tư tưởng gia trưởng, mặt khác nó xuất phát từ căn nguyên sâu xa là tâm lý cố hữu của người nông dân làm thuê “sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm, chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán, định đoạt một việc gì”. Cuộc đời của Sài không hề phẳng lặng, bình yên. Sài luôn phải sống trong tình trạng “vênh lệch” giữa một bên là khát vọng tình yêu và hạnh phúc cá nhân với một bên là nguyên tắc chủ quan ấu trĩ, là hiện thực bi đát, đau khổ; giữa một bên là “điều mình mong muốn” với bên kia là “điều người khác muốn”. Đây chính là xung đột dữ dội nhất trong con người Sài, đẩy Sài vào bi kịch.

Nhà văn Lê Lựu đã mượn lời Chính ủy Đỗ Mạnh: “Chính bản thân anh chất đầy cách sống của một anh làm thuê. Sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán định đoạt một việc gì. Lúc bé đã đành, khi học hành đỗ đạt anh đủ tư cách làm một công dân, một người chiến sĩ tại sao anh không dám chịu trách nói thẳng rằng: hoàn cảnh của tôi bị ép buộc như thế, nếu các anh bắt ức tôi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả dù phải trở về làm anh cày thuê, tôi cũng sẵn sàng để được sống tự do. Kẻ bị trói buộc không dám cựa mình giẫy giụa, chỉ hong hóng chờ đợi, thấp thỏm cầu may, chả nhẽ một chính uỷ trung đoàn như tôi lại xui anh bỏ vợ !”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 51 - 54)