Vùng quê chuyển mình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 40 - 44)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1. Bức tranh hiện thực cuộc sống nông thôn

2.1.3. Vùng quê chuyển mình

Xã hội nông thôn Việt Nam đang chuyển mình để bước sang một giai đoạn mới với những định hướng hết sức tốt đẹp. Song trong quá trình vận động ấy, sự song song tồn tại của hai luồng tư tưởng cũ và mới đã dẫn đến những rối ren, phức tạp. Các nhà văn thời kì đổi mới đã hoàn thành sứ mệnh của thế hệ

mình khi họ dũng cảm viết về nông thôn trong những biến cố đã qua của lịch sử: cải cách ruộng đất, công cuộc sửa sai, thời kì bao cấp, đưa nông dân vào hợp tác xã, khoán 10 trong sản xuất... Đó là những vấn đề bức thiết, trung tâm trong tiểu thuyết thời kì đổi mới về nông thôn.

Nông thôn trong thời khắc bừng tỉnh, ở Thời xa vắng chính là lúc làng Hạ Vị từ giã cung cách làm ăn cũ: “Cuộc họp toàn xã tối nay đã công bố những quyết định gắt gao của Ủy ban hành chính xã”. Từ cuộc họp này làng Hạ Vị sẽ thay da đổi thịt từ chính đồng đất và con người nơi đây. Làng quê ấy cần phải có thời khắc lịch sử này, từ khi ông Hà tuyên bố tất cả những việc phải làm từ ngày mai. Sau bao năm dài sống dưới ách thực dân phong kiến, sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nông thôn Việt Nam tất yếu có những chuyển biến lớn lao sâu sắc. Sự thay đổi đó lay động đến cả gốc rễ sâu xa của những quan niệm nề nếp xưa cũ.

Sau cái thời khủng hoảng đầy đen tối ấy của lịch sử nước nhà, nhà nước ta tiến hành cải cách ruộng đất, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hình thức hợp tác xã. Mỗi gia đình được phân chia một chút đất phần trăm để trồng màu, còn ruộng đất là của hợp tác xã. Mục tiêu của việc xây dựng hợp tác xã là muốn xoá bỏ hình thức kinh tế cá thể và tư hữu trong lao động sản xuất. Ở các làng, các xã, người ta đi làm theo tiếng kẻng của hợp tác xã, làm chung, cuối mùa thu hoạch chung và chia sản phẩm theo công điểm. Bởi thế, hàng ngày người ta đi làm đông vui như đi hội, và cũng đủng đỉnh như đi hội. Chẳng thế mà cánh đồng làng Hạ Vị quanh năm ròn rã tiếng cười, tiếng nói. Mỗi ngày người ta ra đồng làm việc theo qui củ giờ giấc của hợp tác xã. Và vì thế, sau mỗi bữa sáng và trưa, trong mỗi gia đình, ta sẽ thấy hai thái độ lao động hoàn toàn khác nhau: “Ai làm đất “phần trăm” thì tự ý mà ra ruộng ngay. Ai theo công điểm với đội ra ngồi ở bờ tre đầu nhà ông đồ Khang tập trung. Cũng như mọi ngày, mọi buổi, phải chờ đợi tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ những người đến trước thả sức tán chuyện trên giời và dưới đất,

chuyện thanh cao và chuyện trần tục đến lúc van vãn mới tập trung đầy đủ theo người trong ban chỉ huy đội đi làm công việc gì đó. Cả khi đi và về làm công việc gì được nhiều hay ít còn phải làm nữa hay không, đã có “ông đội”. Đúng là “cha chung không ai khóc”. Đất riêng thì làm tất bật, chăm chỉ, không đợi ai phải nhắc, phải thúc, không kể giờ giấc sớm muộn. Còn khi làm ruộng công thì đủng đỉnh, làm cho có để lấy công điểm. Thế nên, cái làng ven đê phù sa màu mỡ mà lúc nào cũng quẩn quanh với khoai, dong luộc, bánh đúc ngô... Thế nên, cái xã này, huyện toàn phải ra tay vực nó dậy, giúp đẩy nó “đi lên” và trong báo cáo của xã cũng không năm nào chịu “đi xuống”. Sự quan liêu và bệnh “thành tích”, “lạc quan tếu” trong quản lí và đánh giá tình hình địa phương đã khiến cho làng xã không thể tiến bộ lên được ở tất cả mọi mặt, đặc biệt là mặt kinh tế. Đấy là một thực trạng không chỉ tồn tại trong một thời kỳ mà tồn tại lâu dài, thậm chí, cho đến tận ngày nay.

Không khí ngột ngạt, bức bối, rối loạn thời kì cải cách ruộng đất ở mảnh đất làng quê xưa cũng được tái hiện trong Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Dòng sông mía (Đào Thắng). Nhịp điệu gấp gáp của tiếng trống, của những lời đấu tố đưa người đọc trở về với nông thôn Việt Nam trước năm 1945 nhưng được các nhà tiểu thuyết thời kì đổi mới nhìn nhận, lý giải từ góc độ khác, với một tình thế khác, ở giai đoạn lịch sử khác.

Bên cạnh việc mô tả những bước chuyển mình của làng quê, Thời xa vắng cũng khắc họa chân dung một loạt những con người say sưa tiến bước theo lý tưởng cách mạng, từ người cầm quân, quản lý chính trị cấp trung đoàn cho đến anh nông dân cù lần mới nhập ngũ. Họ cống hiến hết mình để phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mĩ. Người đang là thanh niên ở nông thôn, ở nhà máy, ở trường học thì viết đơn xin nhập ngũ. Hầu như đã là thanh niên thời bấy giờ, ít ra ai cũng một lần tình nguyện cầm súng sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc, cho thắng lợi của miền Nam. Có những lá đơn viết bằng mực. Có những

lá đơn viết bằng bút chì. Thậm chí, có những lá đơn được viết bằng máu... Trong những lá đơn ấy, có hai lá đơn được viết bằng máu chích ra từ cánh tay của một chiến sĩ trung đoàn bộ phòng thủ bờ biển: Giang Minh Sài. Khi tình nguyện tham gia chiến trận, người ta thường hay xét đến động cơ. Nếu nói đến động cơ, Giang Minh Sài đi bộ đội, tình nguyện đi B hoàn toàn không phải thuần tuý là động cơ yêu nước, căm thù giặc Mỹ. Sài đi bộ đội là để trốn tránh cuộc sống hiện tại, cuộc sống làm chồng, trốn tránh tai tiếng của mối tình vụng trộm với Hương. Vì cái động cơ ấy, Sài sẵn sàng lao vào học tập, lao động không biết mệt mỏi, thậm chí sẵn sàng xung phong đến chỗ nguy hiểm, đến cái chết. Dẫu là vậy, nhưng khi vào đến chiến trường, trực tiếp đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, nhất là chứng kiến cái chết của Thêm, người đồng đội vì thương anh thèm rau, đi tìm miếng rau cho anh ăn khỏi xót ruột mà bỏ mạng thì Sài đã thực sự trở thành chiến sĩ. Sài đã chiến đấu hết mình, chiến đấu một cách ngoan cường và thông minh. Dưới tài chỉ huy của trung đội trưởng Giang Minh Sài, những khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ lái xe khi đến dốc “bung trôi”, ngầm “mất tích” được giải quyết nhanh gọn. Cũng nhờ tài phán đoán của Sài mà một trung đội thiếu ta đã đánh tan một trung đoàn đủ của đối phương. Và chính Sài đã trực tiếp bắn rớt máy bay của giặc, bắt sống giặc lái. Chiến tranh đã làm cho một con người sống không có niềm vui, không có lý tưởng như Sài trở nên sống có ích, trở thành anh hùng. Chiến tranh đã biến anh thành con người bất chấp gian khổ, bất chấp hi sinh. Hay nói cách khác, đối với anh trong cuộc chiến đấu một mất một còn, từng giây từng phút này không hề có gian khổ, hi sinh, bởi vì không bao giờ anh nghĩ tới nó, cũng không bao giờ, ở đâu những hi sinh, gian khổ lại có thể cản được nhiệt tình cách mạng, ý chí kiên cường của anh.

Xung quanh Sài còn nhiều người khác như: chính uỷ Đỗ Mạnh, anh Hiểu, anh Hiền, những người đồng đội, cấp trên của Sài. Những con người này cũng một lòng một dạ phục vụ cho cách mạng, cố gắng đào tạo ra những con

người cách mạng đúng chuẩn mực phục vụ cho công cuộc kháng chiến của dân tộc. Ngay cả việc góp phần gây ra bi kịch của đời Sài cũng xuất phát một phần vì tình thương đối với Sài, một phần vì cố gắng thực hiện cho trọn vẹn nhiệm vụ trước Đảng. Cũng vì những cái gọi là lý tưởng, đôi khi nó gây ra những chuyện buồn cười. Hiểu chỉ vì có một bộ đồ dân sự rất “kẻng”: “một sơ mi đuôi tôm trắng tinh, một quần kaki Pháp màu be, một săng đan quai vàng. Tất cả đều sát sỉnh, hợp với cái dáng cao thon và màu da trắng trẻo của anh” [53, tr. 134] để mặc trong những ngày nghỉ mà mang tiếng “biến chất”, “cắm đuôi tiểu tư sản”, “có vấn đề”... Bao nhiêu tội thuộc về tư tưởng được gán cho Hiểu, và mặc dầu được chính uỷ Đỗ Mạnh bênh vực, Hiểu vẫn phải tự trở nên “giản dị”, “hoà mình với quần chúng”, “lập trường vững vàng”, “đạo đức trong sạch”, “tiến bộ”...bằng một sự cọc cạch phản bội lại cái đẹp.

Không phải ngẫu nhiên mà Lê Lựu được mệnh danh là “nhà văn của làng quê”. Sinh ra và trưởng thành ở một làng quê nghèo ở Khoái Châu, Hưng Yên, Lê Lựu đã trải qua những năm tháng “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Ông nếm trải và thấu hiểu nỗi thống khổ của cuộc sống đói nghèo và khi có đủ điều kiện, đủ độ lùi để nhìn lại những năm tháng đã qua, ông phần nào đó đưa cuộc sống ấy vào Thời xa vắng như một minh chứng của một thời đã xa, đồng thời đem đến cho người đọc cách nhìn và lí giải về thân phận con người mới mẻ của tác giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)