7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Vùng quê “Đất lề quê thói”
Nền văn hoá truyền thống Việt Nam được hình thành trên cơ sở của nền văn hoá nông nghiệp. Cuộc sống của mỗi người Việt Nam đều gắn bó mật thiết với xóm làng, quê hương. Chính bởi vậy, nói đến văn hoá làng quê là đề cập đến một bức tranh nhiều màu sắc của sự đa dạng phong phú những phong tục tập quán. Trong văn hoá Việt Nam, phong tục có thứ trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân rất bền chặt, có sức mạnh hơn cả những đạo luật. Làng không chỉ là những truyền thuyết, cuộc sống thực của các làng quê với sự đa dạng, phong phú về các quan niệm, về đời sống tín ngưỡng, về những mối quan hệ giữa con người với làng, giữa người với người trong đời sống thường nhật... cũng là một cái mỏ vô tận cho ta khai thác, thưởng thức.
Lê Lựu viết Thời xa vắng đã làm sống lại một thời xa xưa của làng quê Việt Nam. Chuyện ngày hôm qua chưa xa nhưng những lề thói ở đó khiến quê hương của Giang Minh Sài như thuộc về một “thời xa vắng” thực. Tục tảo hôn
ở nông thôn khiến bao đứa trẻ vừa lớn dậy đã phải gánh những trọng trách thiêng liêng và quan trọng quá khả năng của chúng. Sài không thể ý thức được là nó đã có vợ nên khi vợ vô tình giã trẹo vào tay thì ông chồng con đã “thụi vào mặt vợ nó” rồi giở giọng đầy hống hách của một đứa trẻ “Bố mày đến đây cũng đếch sợ, ông huých chó nó cắn lồi mắt bố mày ra”. Người chồng trẻ con ấy đã đối xử với “vợ” với tất cả những bực dọc, ấm ức biến thành lời nói, hành động rất trẻ con mà đầy thô bạo. Sài chỉ biết rằng nó không thích, nó ghét, nó khó chịu. Người ấy là người mà bố mẹ ép phải “cưới”, nhưng nó không hề thấy nảy sinh trong lòng một tia tình cảm nào kể cả là lòng thương. Đó là một cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu mà là sự giao ước của hai gia đình; và sau bao năm chung sống người vợ vẫn là người con gái trong trắng. Đáng sợ nhất là vì danh dự gia đình, dòng họ mà Sài phải tỏ ra “yêu thương vợ” trước mặt mọi người. Gia đình ông đồ Khang xưa nay vẫn được người dân người làng kính nể. “Dăm bẩy tháng nay hòa bình được lập lại có ai khinh rẻ những người cổ hủ phong kiến thì vẫn phải nể ông”. Sài là con trai trong gia đình, và chàng trai ấy từ nhỏ đến lớn phải giữ gìn sự đẹp đẽ cao cả cho gia phong của gia đình tổ tiên. Lúc nhỏ thì giữ gìn trong đoàn thể ở xã, huyện; lớn lên đi công tác nó buộc phải “yêu vợ mới được vào Đảng”.
Cuộc hôn nhân như một trò đùa của con trẻ - mặc dù được sự tác hợp đầy nghiêm túc của hai gia đình, đã bám riết lấy số phận hai con người, hủy diệt hạnh phúc và tương lai của họ. Lê Lựu bằng bi kịch của cuộc đời Sài đã chỉ ra một “lề thói” ở làng quê xưa: Hôn nhân của con cái phụ thuộc vào sự sắp đặt của cha mẹ. Họ không tính đến nhu cầu về tình cảm và mong muốn thực sự của các con. “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” là câu tục ngữ đúc kết hủ tục ấy. Không phải ông bà đồ Khang không thương con, chú Hiền, anh Hà cũng vậy- luôn rất mực lo cho sự thành bại về sự nghiệp danh dự của Sài nhưng do sự cứng nhắc lạc hậu trong nhận thức, do sự chi phối của tư tưởng gia trưởng phong kiến mà vô tình họ đã làm khổ Sài suốt cuộc đời.
Tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam thời kì đổi mới được sáng tác trong xu hướng “nhận thức lại thực tại”, tái hiện hiện thực nơi những làng quê còn nặng nề định kiến- những định kiến vô hình nhưng là gông cùm mà mỗi người nông dân lại tự nguyện chịu sự trói buộc. Đó là quan niệm về đạo đức con người gắn với gia thế dòng tộc, con người ta chỉ được coi là tốt khi biết chấp nhận và sống theo qui tắc của dòng họ. Vì sự ép mình đó mà không ít người đã phải sống cuộc đời đầy bi kịch, đầy những ấm ức, khổ đau. Nhân vật Giang Minh Sài của nhà văn Lê Lựu đã luôn vì danh dự dòng họ gia đình mà chấp nhận cuộc hôn nhân cười ra nước mắt, bởi gia đình nề nếp ấy không bao giờ chấp nhận việc Sài ruồng rẫy vợ. Anh mất đi tuổi thơ bởi những lo âu và hậm hực. Anh đánh rơi tình yêu, hạnh phúc với Hương, đi nhập ngũ như một sự trốn chạy vì tai tiếng “trăng hoa” với người khác khi đã có vợ.
Cùng viết về chủ đề này, ta cũng thấy số phận của Vạn trong Bến không chồng (Dương Hướng), những kiếp người như cô Bé, bà Mến, cô Bê lớn trong
Dòng sông mía (Đào Thắng) hay cô Luyến trong Thủy hỏa đạo tặc (Hoàng Minh Tường). Họ đều là những người nông dân, quân nhân, họ sống thuần phác và khao khát hạnh phúc như bất cứ ai, nhưng định kiến về dòng họ đã đày ải họ đến những bi kịch của cuộc đời.
Cũng như một số nước phương Đông khác, phần đông người dân Việt theo tín ngưỡng Phật giáo, có tập tục thờ cúng người chết vì họ tin rằng con người có phần hồn, phần xác, có kiếp trước, kiếp sau. Cái quan niệm ấy có thể khiến người ta sống tốt hơn, lương thiện hơn để tu nhân tích đức cho hậu thế, tránh quả báo ở đời. Thế nhưng, cái suy nghĩ ấy cũng làm hình thành trong nhân dân biết bao điều mê tín, bao hành động ngây thơ, mù quáng đến là tức cười.
Bà đồ Khang thấy con trai bị cảm lạnh, mê man bất tỉnh, không đi kiếm thầy thuốc mà vội vàng ra sân để “gọi hồn, gọi vía” con về. Quan niệm dân gian cho rằng con người ta, con trai có “ba hồn bảy vía”, con gái có “ba hồn chín vía”. Hồn, vía có thể thoát khỏi xác khi giật mình, khi sợ hãi quá, khi ngủ
hoặc là khi ngất xỉu... Thằng Sài sợ đòn, trốn cha ngoài cánh đồng trong một đêm sương giá nên bị cảm đến mức hôn mê. Với niềm tin như thế, bà đồ Khang và mọi người hốt hoảng cầu gọi: “Ba hồn bẩy vía thằng Sài đâu thì về, bẩy vía ba hồn Sài ơi về với mẹ đi con”, “Bẩy vía ba hồn thằng Sài ở đâu tthì về với bố, với mẹ Sài ơi”... Cũng may, ngoài gọi hồn, gọi vía, người ta còn kết hợp với những cách giải cảm dân gian khác nên thằng Sài mới thoát chết.
Những định chế của làng cùng lối sống thuần nông khiến cho cuộc sống của người nông thôn vừa đa dạng vừa vô cùng phức tạp. Mối quan hệ giữa những con người trong làng trong xã cũng vì thế mà mang nhiều sắc thái, vừa cả nể vừa du di, vừa dễ dãi vừa khe khắt, vừa tình cảm, khắng khít vừa tọc mạch, ti tiện, vừa tự ti vừa tự tôn...
Một trong những “lề thói” của người nông thôn là rất thích phô trương cuộc sống sung túc của mình cho làng xóm thấy. Bởi vì, trong tâm thức của họ luôn quan niệm rằng: “Con công hơn con quạ cũng là ở bộ lông, chứ vặt trụi đi thì ông quyền cao cũng như anh nhọ đít” [31, tr.75]. Chính vì thế, người ta thích mua sắm, tích cóp được chút tiền nào là lo sắm sửa đồ đạc. Thậm chí, đói cũng bóp bụng sắm.
Nhà anh Tính ở trong cái làng Hạ Vị lụt lội và cũng chẳng giàu có gì, nhưng trong căn nhà của anh vẫn bầy biện và có cung cách ăn ở như bất cứ một nhà khá giả lịch sự nào trên tỉnh. Khi có khách quý đến nhà anh, họ sẽ được đón tiếp một cách khá long trọng, bài bản, đến nỗi, khách dù ăn cơm hay chỉ uống một cốc nước bột sắn cũng không có cảm giác làng Hạ Vị úi xùi. Sở dĩ như vậy là vì, trong khi cả làng Hạ Vị người ta không thể chấm thịt gà bằng thứ nước chấm gì khác ngoài món tiết luộc thì nhà Tính, dưới sự cố vấn của thằng cháu đã được đi tập huấn, tham quan cửa hàng ăn trên huyện, đã có đầy đủ những nguyên liệu bếp núc cần thiết như: hành, tỏi, hồ tiêu, ca ri, ớt khô, chanh, dấm, dâu ngâm, sắn dây, rượu thuốc... Khách đến sẽ được hưởng những mâm cỗ thịnh soạn, thức nào ra thức ấy, chứa chan tình cảm và kiến
thức ẩm thực của chủ nhà...; Khách sẽ không thể biết được cái cảnh vợ con Tính sau đấy, đằng sau cánh cửa bếp, xì xụp bên những bát đĩa thừa thãi đã được dồn lại, cùng với bát bánh đúc ngô, một món ăn quen thuộc hàng ngày.
Thích phô trương, xét nét, tính câu nệ, cả nể..., những đặc điểm chung về tính cách của người nông thôn khiến cho họ đối xử với nhau trong cuộc sống thường nhật rất tình cảm nhưng cũng rất khách sáo theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Vợ chồng anh Tính đã xúc động đến run người khi Châu - vợ Sài về ra mắt đã sắm sửa một mâm cỗ nhỏ để cúng bàn thờ tổ gia đình chồng, mua mấy gói kẹo đưa chị dâu chia cho các cháu... Anh chị thích sự quan tâm chu đáo của Châu. Sự chu đáo ấy khiến cho anh chị yên tâm là cô em dâu người Hà Nội không hề xem thường gia đình chồng quê mùa lam lũ. Và với niềm xúc động chân thành đó, bao khó khăn, vất vả vì phải chạy đôn chạy đáo lo đồ cưới cho thằng em đều tiêu tan. Anh chị còn cố gắng hết sức, kể cả việc cắt phần ăn của các con để lo cho được một đám cưới “không hề có sự cách biệt giữa quê và tỉnh”. Những bữa ăn như vậy vừa là để chứng tỏ uy thế, sự sung túc của chủ nhà; vừa là để anh em trong gia đình thêm tình cảm; vừa là sự trả ơn tế nhị của chủ nhà.
Qua bức tranh hiện thực Thời xa vắng, chúng ta có thể hình dung ra một nông thôn ngột ngạt bức bối không chỉ vì khó khăn, nghèo đói mà còn vì những hủ tục lạc hậu, định kiến cứng nhắc, hẹp hòi. Tìm hiểu những bức tranh văn hoá này, ta sẽ phần nào hình dung được các quan niệm, lối sống, tính cách của con người ở vùng quê này. Chính điều ấy sẽ là chiếc chìa khoá mở cánh cửa khám phá những vấn đề nông thôn mà tác phẩm trên đã thể hiện.