Vùng quê nghèo khó

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 33 - 36)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Vùng quê nghèo khó

Sinh ra ở một làng quê nghèo khó, ở Lê Lựu có “ngấm chất bùn đất của thôn quê”, ông viết về đề tài nông thôn như món nợ canh cánh với mảnh đất quê hương quanh năm lụt lội, đói nghèo: “Nông thôn và người nông dân là cội nguồn, là quê hương văn học của anh” [56, tr.656]. Thời xa vắng dựng lên bức tranh sống động về đất nước trước và trong thời kỳ Đổi mới. Nhà văn gây ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc ngay ở trang đầu tiên viết về cuộc sống làng quê: “Làng bập bềnh như trôi trong đêm sương muối. Những cây cau thẳng đuột cao vóng như chỉ chực lao thẳng đến tận trời chìm ngập giữa âm thầm giá lạnh” [42, tr.5]. Không gian lặng lẽ, âm thầm trong đói nghèo. Dù đã được giải phóng, được làm chủ những “tầng tầng phù sa trông ngon như những tảng thịt nạc” nhưng “nạn đói đang có nguy cơ loang bùng khắp xã” [42, tr.21]. Làng Hạ Vị năm nào cũng phải chạy lụt, nước sông ăn lên “lem lém nuốt chửng cả bãi xanh non mênh mông lúa lốc và vừng”. “Những ngày mưa ngâu ào đến, ào đi như một trò đùa dai dẳng…”. Cảnh chạy lụt hối hả “Tiếng trống thúc ngũ liên, tiếng loa hối hả suốt ngày đêm gọi người lớn đi hộ quai đê, giục trẻ con, người già, trâu bò, lợn gà chạy vào đê chính”, “Làng quay cuồng mù mịt trong nỗi hoảng loạn”. Thiên tai đẩy cuộc sống của người dân Hạ Vị vào cảnh khốn đốn, màn trời chiếu đất khi đê vỡ “nước đã tràn về ào ạt như gió, trong chốc lát cánh đồng lởm chởm mấp mô đã trắng băng”. Năm nào cũng gồng mình trước lụt lội, thiên tai, người dân xem cái nghèo như vốn dĩ cuộc sống phải thế: “gia đình phong lưu nhất mới giữ được ngày hai bữa: bữa sáng rong riềng non tèo tẽo và bữa chiều cháo nấu lẫn với su hào, bắp cải và khoai lang” [42, tr. 305].

Nam Cao từng miêu tả cảnh khốn đốn vì miếng ăn của người nông dân trong các truyện ngắn của mình. Kim Lân viết về bữa ăn ngày đói với cháo loãng, rau chuối, cháo cám. Cùng viết về đề tài nông thôn, nhà văn Nguyễn Khắc Trường miêu tả cảnh đói giáp hạt ở xóm Chùa. Cái đói làm nhiều người đứt bữa: “Nồi niêu lúc nào cũng há cái miệng rỗng, nhẵn như đầu bụt! Những mặt người hao gầy, nhớn nhác hớt hải cứ tưởng vội vã đi đâu, nhưng kì thực chẳng có việc gì hết, cứ ra vào quanh quẩn với cái bụng sôi èo èo…”. Cái đói đã trở thành vấn nạn đe dọa cuộc sống người nông dân và là vấn đề đặt ra bức thiết.

Nhà văn Lê Lựu thấu hiểu những cơ cực của người nông dân, đau xót trước thực trạng nghèo đói ở nông thôn, nhưng ông cũng mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân không chỉ ở thiên tai, mất mùa… mà còn nằm ở chính thói chây ì, dựa dẫm vào việc đi làm thuê của dân làng Hạ Vị. Sự nghèo khó hằn vào nếp nghĩ khiến hình thành những cung cách làm ăn không giống ở đâu: “Không hiểu từ đời nào làng chỉ quen đi làm thuê. Miếng cơm thiên hạ bao giờ cũng ngon... Những người khỏe mạnh có nghề trong tay, dường như mục đích cao cả và sự sung sướng hồi hộp của họ cũng chỉ là kiếm được miếng ăn giữa tháng ba ngày tám, sau đấy vợ chồng con cái lại dắt díu nhau về cày bừa vội vã để lại bồng bế ra đi... Đến mùa thu hoạch lại về. Hết mùa lại đi. Cứ thế. Khi về lại nhớ cơm thiên hạ. Khi đi lại cồn cào thương nhớ từ gốc cau, bụi chuối. Họ không yêu thiết tha đồng ruộng nhưng không đủ sức dứt bỏ những gì quen thuộc từ thuở cha sinh mẹ đẻ ở cái nơi mà ai cũng gọi là quê hương” [42, tr. 22]. Người ta tranh giành nhau để có được công việc. Cu Sài đã biết đi làm thuê từ bé, biết len đến, luồn lách, kiễng lên án ngữ trước mặt chủ để xin việc, đắc ý được người ta thuê làm, nhưng miếng cơm của thiên hạ không dễ kiếm: “Cái phút ấy thằng Sài muốn ứa nước mắt vì bị khinh rẻ, nó hiểu thế nào là thân phận của kẻ đi làm cốt chỉ để kiếm lấy một bữa cơm” [42, tr. 29]. Suốt một thời gian dài, các mô hình làm ăn đã thay đổi từ “tổ đổi công lên hợp tác thấp, hợp tác cao”, từ “khoán trắng, khoán

đen đến năm ba khâu quản” [42, tr. 30] nhưng rút cuộc người nông dân vẫn khổ sở, đói khát, cuộc sống cơ cực không khác trước kia là mấy.

Bởi thế, khi có chủ trương thay đổi cung cách làm ăn, buộc người dân không được đi làm thuê mà phải canh tác trên chính mảnh đất quê hương mình thì họ lại “ấm ức”, họ sợ “gia đình chết đói thì ai chịu trách nhiệm”. Cuộc sống đã thay đổi, đã độc lập tự do nhưng người dân làng Hạ Vị dường như chưa thấy đó là cơ hội cho sự đổi đời. Căn nguyên của tất cả những lo sợ ấy là để duy trì miếng cơm manh áo cho mỗi người trong gia đình, bởi thế thay đổi họ cũng thật đơn giản: “Thành ra đầu cuộc họp là nỗi khổ, ấm ức, cuối cuộc họp đã là sự sung sướng thỏa mãn... Nếu được một lẻ gạo người nông dân có thể cho một thúng lời khen, huống hồ ngày mai mỗi nhân khẩu ít nhất cũng được mười cân thóc thì có thức suốt đêm nay mà khen ông chủ tịch có thấm gì” [42, tr. 35]. Người nông dân với những tính toán rất chân thật như thế thật đáng thương, đáng trọng.

Làng Hạ Vị của Lê Lựu cũng như bao làng quê khác trên mảnh đất Việt Nam nhiều nhọc nhằn này còn thật nhiều gian khó, vất vả chưa dám nghĩ đến chuyện “ăn no mặc đẹp”. Nghèo đói cũng là một trong những nguyên nhân khiến con người trở nên hèn hạ hơn, bần tiện hơn. Người nông dân làng Hạ Vị - những người vốn tắt lửa tối đèn có nhau vậy mà vì tranh nhau kiếm việc mà xúc phạm cả đến tình làng nghĩa xóm. Và đôi khi “bớt xén ăn xin, ăn nài nắm xôi, quả chuối, vốc lạc, nắm cháy, củ khoai lang mang về cho bố hoặc mẹ, vợ hoặc chồng và con cái ở nhà là tất cả tươi vui bừng sáng...” [42, tr. 23]. Đó là những mặt trái của công cuộc đổi mới mà nhà văn Lê Lựu muốn nhìn nhận lại một cách trung thực.

Trước 1945, Nam Cao viết Lão Hạc cũng để thể hiện một niềm tin sâu sắc vào phẩm giá con người. Truyện ngắn Lão Hạc không miêu tả không gian thiên nhiên, làng xóm mà tập trung tái hiện tâm trạng, day dứt của Lão Hạc khi mỗi ngày đi qua. Và con người ấy đã lựa chọn cái chết để giữ gìn

phẩm giá, giữ gìn trọn vẹn tình yêu với đứa con trai khốn khổ của mình. Ngô Tất Tố viết Tắt đèn giúp người đọc hiểu được nỗi bi kịch khốn khổ của con người. Vì nghèo mà người mẹ hết lòng yêu thương con phải “bán con, bán chó" để cứu sự sống của cả gia đình trong cơn hoạn nạn. Song chị Dậu không vì đói khổ mà đánh mất nhân cách cao đẹp của mình. Với tấm lòng nhân đạo sâu sắc, các nhà hiện thực trước 1945 đã thể hiện niềm tin vững chắc vào nhân cách con người trong cơn lốc của hoàn cảnh.

Cùng với những tác phẩm viết nông thôn và cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng, Thời xa vắng của Lê Lựu cũng có sự kế thừa những sáng tác viết ở thời kì trước đó trong cách tiếp cận hiện thực. Tác phẩm chưa phải đã tái hiện hết cái phức tạp bề bộn của hiện thực nông thôn. Nhưng làng quê Việt Nam với những vẻ đẹp, cùng cả những tồn tại vốn thuộc về bản chất nhất cũng được nhà văn tái hiện cả bề rộng cùng chiều sâu trong những trang văn đầy ám ảnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 33 - 36)