Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 66 - 71)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và hành động

Để khắc hoạ chân dung nhân vật của mình trong lòng bạn đọc, nhà văn dùng nghệ thuật cá thể hoá các chi tiết ngoại hình và hành động. Thực ra, khắc hoạ chân dung nhân vật qua việc cá thể hoá các chi tiết ngoại hình và hành động không phải là biện pháp mới mẻ trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của văn xuôi hiện đại. Dù vậy, mỗi nhà văn lại có “sở trường” riêng khi lựa chọn các chi tiết ngoại hình và hành động để cá thể hoá.

Việc miêu tả ngoại hình những nhân vật nam chính không phải là mục đích của tác giả. So với những nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết thì nhân vật nam ít được nhà văn miêu tả chi tiết về ngoại hình. Đọc Thời xa vắng, có lẽ bất cứ độc giả nào cũng đều có ấn tượng với nhân vật Giang Minh Sài, một con người gặp nhiều bi kịch trong cuộc sống, với hơn 300 trang văn kể một cách tỉ mỉ về hai chặng đường đời của Giang Minh Sài, ta thấy nhà văn không có một chi tiết nào dừng lại để miêu tả trực tiếp nhân vật của mình. Sài chỉ được hình dung qua những trang văn kể về việc đi làm thuê của cả làng Hạ Vị là một cậu bé “nhỏ bé, nhanh nhẹn”. Khi trưởng thành thì độc giả cũng chỉ biết đó là một người “đẹp trai” theo kiểu con nhà binh, hay đỏ mặt khi tiếp xúc với nữ giới.

Chỉ có một lần duy nhất Lê Lựu dừng lại miêu tả về Sài, khi Hương hình dung về Sài qua bức ảnh trên báo: “Đôi mắt buồn buồn xa xăm, đôi môi dày mím lại lặng lẽ mà vẫn như gợi mọi người phải nhìn vào nó” [42, tr. 213]. Nhà văn đã cố tình không miêu tả chi tiết ngoại hình nhân vật nhằm làm nổi bật tính cách của nhân vật, chính vậy mà ấn tượng còn lại trong tâm trí người đọc là một anh Sài đẹp trai theo kiểu cù lần, giản dị, chân chất.

Ngược lại với nhân vật nam, có lẽ việc miêu tả những nhân vật nữ là “sở trường” của Lê Lựu. Bằng những dòng văn đầy kinh nghiệm và từng trải, nhà văn với thái độ khi thì độ lượng, lúc mỉa mai, khi cường điệu, đã tạo nên sự đa dạng của những nhân vật nữ trong tiểu thuyết.

Cuộc đời Giăng Minh Sài đặc biệt liên quan đến ba người phụ nữ, tuy nhiên không người nào giống người nào. Tuyết một cô gái quê mùa có phần hơi thô kệch, nhưng là một người phụ nữ cam chịu số phận. Ngược lại với Tuyết là Hương, một cô gái dám yêu và dám bày tỏ tình cảm của mình mặc dù biết Sài đã có vợ, với Hương dường như những gì mà tác giả xem là tuyệt vời nhất của phái nữ thì đều có ở cô. Hương được miêu tả thật đẹp trong cái nhìn của mọi người “cái gáy trắng nõn nà, tóc gọn gàng đen mướt trùm xuống hai bờ vai”, “đôi mắt to rất đẹp và thông minh”, “đôi má ửng đỏ”, “bộ ngực căng phồng lên… đẹp như tượng phật” [42, tr. 78], cô còn đẹp ở “hàm răng rất trắng và đều đặn… đôi môi mòng mọng”, “khi cười làm người khác không bao giờ quên, dù chỉ thấy một lần”. Đủ thấy nhà văn thật yêu mến nhân vật nữ này, tất cả những nét đẹp của phụ nữ tác giả đều ban phát cho cô một cách hào phóng. Nhân vật không chỉ đẹp qua những trang văn miêu tả ngoại hình, mà còn thể hiện qua chi tiết anh chồng của Hương khi được cô nhận lời yêu và lấy anh đã “run rẩy quỳ sụp xuống, chắp hai tay lạy” [42, tr. 154].

So với Hương thì Tuyết quả thật đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Dưới cái nhìn của Sài thì Tuyết có cái mặt: “chảy ra, phèn phẹt như mẹt bánh đúc”, người thì “có khác gì cái chỉnh đựng đỗ giống… mỗi khi chạy trông cứ như

lăn” [42, tr. 40]. Lúc đến thăm chồng: “Một cái áo sơ mi nõn chuối, một cái áo lót “đông xuân” màu hồng mặc phía trong nhưng vẫn thể hiện được cái màu hồng hoe hoe ấy lộ ra ở cổ và cả một đoạn thừa ra chừng nửa đốt ngón tay thò dưới áo ngoài. Đầu chải bê - xăng - tin nhếnh nhoáng lật ngược và được đè ập xuống bởi vòng khăn vấn bằng vải voan nhuộm màu nâu non còn mới trông nó chặt chằng như một cái đai. Chiếc quần láng súng sính dài quét gót, nhưng lại xắn vận vào kéo ống lên ngang cổ chân để lộ đôi bàn chân to bè bè, chi chít từng vệt đen như gai cào. Nó căng lệch, nứt nở bởi những quai dép cao su chằng cả phía trước và phía sau…” [42, tr. 90]. Ăn mặc như vậy lại còn nói to những chuyện không đầu không cuối một cách hồn nhiên thì bất kì một người đàn ông nào cũng chán chứ không riêng gì Giang Minh Sài. Chuyển ngòi bút sang miêu tả về Châu, Lê Lựu đã có sự thay đổi. Châu đẹp nhưng không trong sáng như Hương. Hàm răng trắng bóng, cái cười tủm tỉm, cô làm mềm lòng tất thảy đàn ông cô gặp. Lê Lựu không dành sự khổ công của ngòi bút để ngợi ca vẻ đẹp mà chỉ tả nó như thứ vũ khí để Châu tấn công Sài. Với bút pháp nghệ thuật đầy sáng tạo, nhà văn không những làm hé lộ tính cách, đời sống nội tâm cũng như số phận của nhân vật mà còn “đóng đinh” nhân vật vào trí nhớ của bạn đọc.

Bên cạnh việc miêu tả ngoại hình phải kể đến hành động nhân vật. Khi miêu tả hành động của nhân vật, nhà văn luôn luôn phải tôn trọng sự phát triển thống nhất, tạo nên những bước đột phá có tính chất then chốt trong sự phát triển của cốt truyện. Xây dựng được những nhân vật sống động với một chuỗi các hành động thống nhất, biểu hiện trên cơ sở một thế giới nội tâm phong phú, thì nhà văn đã bước được một nửa chặng đường đi tới đích của mình. Lê Lựu đã làm được điều đó, điều này có thể thấy rõ qua hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết của ông.

Giang Minh Sài từ lúc nhỏ mặc dù không muốn một chút nào nhưng anh cũng không thể phản đối việc lấy vợ. Lớn hơn chút gặp Hương yêu

Hương nhưng cũng không dám thổ lộ, mà chỉ âm thầm trong lòng; ngay cả khi Hương đi tìm anh trong ngày mưa lụt, Sài cũng không dám làm gì để thể hiện tình cảm với cô. Tất cả những cái đó đã phần nào cho ta thấy nét tính cách yếu đuối, nhu nhược của Sài. Ngay cả giây phút ôm Hương, Sài cũng không phải là người chủ động, ngay cả khi Hương là người chủ động dâng hiến cho anh thì anh cũng không dám tiến xa hơn. Bằng việc xây dựng hành động nhân vật Sài như vậy, nhà văn Lê Lựu đã mở ra cho người đọc thấy được sự yếu đuối, mơ mộng thiên về đời sống nội tâm, không dám khẳng định mình của nhân vật. Trước áp lực của gia đình đoàn thể, Sài đã quyết định lên đường nhập ngũ, “lên đường nhập ngũ với sự lặng thinh lầm lũi. Anh đi như chui luồn, chạy trốn với cả hôm qua, hôm nay và ngày mai” [53, tr. 69]. Những ngày tháng trong quân ngũ, ngày tập luyện, đêm viết nhật ký, những dòng nhật kí đầy ắp tình yêu mộng tưởng dành cho Hương. Và khi nhật kí bị phát hiện, phải kiểm điểm anh cũng chẳng dám có hành động kiên quyết nào để tự bảo vệ mình. Sau những gì phải trải qua Sài chỉ còn biết có việc học, làm việc, tăng gia sản xuất mà thôi. Trong cuộc đời Sài, hành động kiên quyết nhất đó chính là từ chối Tuyết, song cũng chỉ là những hành động âm thầm mà thôi. Hành động đột phá nhất trong cuộc đời Sài đó là quyết định cưới Châu, mặc cho sự ngăn cản của mọi người: “Tôi lấy vợ cho tôi, chứ tôi có yêu cầu lấy vợ cho các vị đâu” [42, tr. 220]. Cuối cùng đó lại là hành động sai lầm khó có thể tha thứ, trở thành bi kịch đau đớn nhất trong cuộc đời.

Dưới ngòi bút của Lê Lựu, nhân vật Sài hiện lên là một con người với đầy đủ từ bản tính đến hành động đều thể hiện một con người nhu nhược, yếu đuối không kiên quyết ngay cả đối với hạnh phúc của mình, khi có thể có hành động kiên quyết thì hành động đó lại là sai lầm mang lại đau khổ cho anh. Trong cuộc sống đời thường với Châu, Sài là một anh chàng nhà quê, quen sự luộm thuộm, không thích hợp với một Châu tinh tế, nhạy cảm. “Những khi có khách, ngồi kéo quần lên trên đùi và thượng cả hai bàn chân đi xa về chưa rửa

lên ghế. Ăn uống thì húp háp xì xoạp, mồ hôi mồ kê đầm đìa nhễ nhại. Ăn xong ngồi xỉa răng nhanh nhách, đôi khi há mồm vẹo cả mặt để thò ngón tay vào cậy các thứ mắc kẹt trong kẽ răng” [42, tr. 242]. Đi sâu khai thác những hành động nhỏ, đặt nó trong mối tương quan với tính cách, hành động của nhân vật là một điểm phát triển quan trọng của cốt truyện, cũng có thể nói đây là một trong những thủ pháp nghệ thuật của Lê Lựu.

Cuối cùng tất cả những hành động thể hiện bản chất con người Sài dẫn đến tất yếu là sự chia tay với Châu. Suốt cuộc đời mình, Sài đã cố gắng đi tìm cho mình một bến bờ hạnh phúc, và kết cục anh nhận được chỉ là sự đau khổ mà thôi. Trải qua bao sóng gió thăng trầm, Sài quay trở về làng Hạ Vị làm chủ nhiệm hợp tác xã, việc đó có phần khiên cưỡng, nhưng xét đi xét lại nó cũng phù hợp với tính cách của Sài. Nhà văn Lê Lựu cuối cùng đã đặt Sài về đúng vị trí của anh.

Ở Hương, ta thấy hoàn toàn khác xa so với Sài. Nếu Sài luôn là người bị động, yếu đuối, chỉ biết âm thầm chịu đựng hoặc chạy trốn thì Hương lại hoàn toàn chủ động, dám bộc lộ thế giới tình cảm của mình một cách quyết liệt, sẵn sàng bảo vệ tình yêu của mình trước dư luận xã hội. Hương đã chủ động đi tìm gặp Sài trong ngày mưa lũ và cũng chính cô đã chủ động bày tỏ tình cảm của mình với Sài, mặc dù biết Sài đã có vợ. Lê Lưu đã xây dựng một loạt những hành động hoàn toàn phù hợp với tính cách của cô. Cô gặp anh Tính, gặp chú Hà để bày tỏ nỗi lòng của mình. Nghỉ hè cô xin được nghỉ gần nơi đóng quân của Sài với mục đích để được gặp anh cho thỏa niềm thương nhớ. Cô đã quyết tâm đến với Sài bất chấp tất cả, nhưng sự quyết tâm từ một phía đã không mang lại kết quả. Thất vọng trong tình yêu với Sài, Hương đã lấy chồng, mặc dù không yêu chồng nhưng cô đã hết lòng vì chồng, vì con. Khi Sài trở về Hà Nội, cô đã thể hiện rõ tình cảm của một người tình cũ. Cô chăm sóc, lo lắng cho Sài từ cái áo rét đến thức ăn, chuyện vợ con … Những hành động của Hương khiến người đọc rất yêu mến và cảm phục cô. Có vẻ như nhà văn Lê Lựu đã dành hết

Như vậy, cùng với việc xây dựng ngoại hình, tính cách nhân vật thì việc xây dựng chuỗi hành động của nhân vật đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy cốt truyện phát triển. Bằng việc miêu tả hành động nhân vật, nhà văn Lê Lựu đã biến nhân vật của mình trở thành những con người thực sự đang sống, đang cảm xúc và đang suy nghĩ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 66 - 71)