7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Vị trí của tiểu thuyết Thời xa vắng
Lê Lựu là một trong số những nhà văn trưởng thành trong cách mạng và cũng là một trong số những nhà văn quan tâm đến bước chuyển mình của đời sống nhân dân, đặc biệt là đời sống người nông dân.
Sự trình làng của tiểu thuyết Thời xa vắng vào năm 1986 đã làm khuấy động bầu không khí văn học nước nhà. Tác phẩm này thực sự trở thành một hiện tượng văn học, làm tốn không ít giấy mực của giới phê bình và nghiên
cứu văn học. Đây là tác phẩm có ý nghĩa bước ngoặt trong văn nghiệp của Lê Lựu, tác phẩm giúp nhà văn xác định vị thế chắc chắn của mình trong hàng ngũ những nhà văn tiêu biểu của thời kỳ Đổi mới, đồng thời là tác phẩm có ý nghĩa như một dấu mốc quan trọng trong tiến trình vận động và phát triển của văn xuôi nước nhà từ sau 1975.
Khi Thời xa vắng xuất hiện trên văn đàn lập tức tác phẩm đã được đánh giá như một cọc tiêu tiền trạm của công tác đổi mới văn học. Theo Giáo sư Phong Lê “Thời điểm 1984 khi cuốn sách được viết ra quá muộn so với sự chuyển giai đoạn cách mạng diễn ra từ 1975, nhưng vẫn cứ là đóng góp, là sự đón nhận trước cái yêu cầu “nhìn thẳng vào sự thật” và nhận thức lại lịch sử được đề ra với Đại hội VI, cuối năm 1986. Cuốn sách có giá trị một đóng góp tiền trạm là thế” [38].
Vấn đề đặt ra ở tác phẩm có một ý nghĩa sâu sắc: nhu cầu nhận thức lại thực tại. Về vấn đề này, Nguyễn Văn Lưu cho rằng: "Tiểu thuyết Thời xa vắng
của Lê Lựu phản ánh sinh động và chân thực quá trình chuyển biến trong nhìn nhận, đánh giá thực tại" [41]. Ông cũng đánh giá cao về sức lao động của tác giả bởi những trang viết xúc động, chân thực về tình cảnh làm thuê của người dân làng Hạ Vị và của Sài. Nhà văn phản ánh một cách sắc bén, hàm súc, những hoàn cảnh, những thói quen, những tập quán, di sản của xã hội cũ. Những trang tả tuổi thơ của Sài và cuộc sống làm thuê của gia đình anh, của cả dân làng Hạ Vị là những trang chân thực và hết sức sinh động, Ông cũng khẳng định tài năng của Lê Lựu: "Phải là người dân nghèo khổ mới viết được những câu văn ứa lệ như vậy, đó là những trang văn hay của văn xuôi Việt Nam" [41].
Nói đến nhà văn Lê Lựu mọi người thường nghĩ ngay đến Thời xa vắng, tác phẩm đã đưa ông trở thành “sỹ quan” trong làng văn. Không phải là khó hiểu khi mọi người lại giành cho Thời xa vắng quá nhiều lời khen chê, lẽ giản đơn bởi tác phẩm này đã khơi dậy sứ mênh thiêng liêng mà mọi nền văn học chân chính xưa nay muốn đảm nhiệm. Theo nghĩa này, Vương Trí Nhàn đã khẳng định: "Thời xa vắng nên được xem là cuốn sách biết làm đúng nhiệm vụ một tác phẩm văn học cần làm” [53].
Thời xa vắng trở thành sự kiện nổi bật trong đời sống văn học lúc bấy giờ. Nó đã tạo đà, khởi hứng và phát triển mạnh mẽ cho một khuynh hướng nhận thức lại lịch sử nông thôn với cảm hứng phê phán. Cuốn gia phả để lại,
Những thiên đường mù, Ly thân, Pháp trường trắng, Lời nguyền hai trăm năm, và Ác mộng… đều ánh chiếu vào quá khứ của một thời đau thương nhằm lật xới những mảng tối, những mặt trái, mặt tiêu cực đã bị lờ đi, hoặc gác lại. Nếu như trước đây văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn chỉ đi vào phản ánh những mặt tốt đẹp của đời sống xã hội nông thôn và nông dân, thì nay, những mặt trái của quá khứ nông thôn như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp đã được nhìn nhận, đánh giá lại. Vấn đề dòng họ, bè phái, phe giáp trong nội bộ, sự ấu trĩ trong việc ngăn cấm làm giàu cá nhân cũng được phanh phui, mổ xẻ...
Trong so sánh với văn xuôi Việt Nam trước và sau 1975, Thời xa vắng
của Lê Lựu vừa như rất cũ, rất gần gũi với văn xuôi thời kỳ chiến tranh, vừa như rất mới với những yếu tố cách tân trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Điều đó xác định tính chất quá độ của tác phẩm trên hành trình đổi mới của văn xuôi Việt Nam sau 1975. Tuy không phải là sự cách tân toàn diện như các tác phẩm của một số tác giả khác trong giai đoạn sau, nhưng Thời xa vắng của Lê Lựu vẫn là tác phẩm có ý nghĩa mở đường, tác phẩm đã đặt dấu mốc quan trọng trong tiến trình vận động và phát triển của văn xuôi nước nhà, tác phẩm đã đưa nhà văn Lê Lựu lên vị trí danh dự của những nhà văn xuất sắc thời kỳ Đổi mới. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá sau đây của một nhà nghiên cứu văn học: “Nếu trong tổng số sáu trăm hội viên Hội nhà văn Việt Nam (thời điểm 1986), cứ mười người chọn lấy một người tiêu biểu, thì Lê Lựu là một trong số 60 nhà văn ấy. Nếu về văn xuối hiện đại Việt Nam, chọn lấy 50 tác phẩm, thì có mặt Thời xa vắng. Nói thế để thấy, trong văn học Việt Nam hiện đại, Lê Lựu đã có một vị trí đáng kể” [76].
Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, luận văn đã khái quát đặc điểm tiểu thuyết Việt Nam trước thời kỳ Đổi mới và tiểu thuyết nông thôn trong bức tranh chung của tiểu thuyết thời kỳ Đổi mới để từ đó thấy được sự vận động và phát triển của thể loại tiểu thuyết qua các thời kỳ. Cũng trong chương này, chúng tôi đi sâu, tìm hiểu về Lê Lựu qua cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và những đóng góp của tác giả đối với thể loại tiểu thuyết và đối với nền Văn học đương đại. Với những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, cộng với những thay đổi trong quan niệm về hiện thực và con người, Lê Lựu đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc đổi mới tư duy tiểu thuyết, đặc biệt là trong tiểu thuyết Thời xa vắng. Tác phẩm đã đưa ông lên vị trí của những nhà văn xuất sắc thời kỳ Đổi mới.
Chương 2
NÔNG THÔN TRONG THỜI XA VẮNG - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG