Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 60 - 63)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Không gian nghệ thuật

Với nhu cầu “nhận thức lại” thực tại xã hội, tiểu thuyết Lê Lựu đã tái hiện đầy đủ các dạng thức không gian khác nhau, thể hiện một hiện thực chân thực nhất, gần gũi nhất với đời sống. Đó là không gian bối cảnh xã hội, nơi sinh hoạt cộng đồng như đình làng Hạ Vị (Thời xa vắng), bờ đầm, miếu Cuội (Chuyện làng Cuội) hay cánh đồng, dòng sông hoặc không gian sinh tồn của mỗi người: ngôi nhà, con thuyền trên sông nước mênh mông. Những bối cảnh không gian ấy chính là sân khấu để các nhân vật diễn vai, nhân vật hành động, suy ngẫm và bộc lộ tâm tư tình cảm của mình.

Khảo sát tiểu thuyết Thời xa vắng, chúng tôi nhận thấy nhà văn đã khai thác sinh động bối cảnh không gian chung, rộng lớn. Đó chính là không gian nông thôn- làng quê. Bối cảnh của câu chuyện là làng Hạ Vị - một làng quê nghèo khó. “Làng bập bềnh như trôi trong đêm sương muối. Những cây cau thẳng đuột cao vóng như chỉ chực lao thẳng đến tận trời chìm ngập giữa âm thanh giá lạnh. Đã năm đêm sương làm táp đen những luống khoai lang và những cây đòn tay bằng tre ngâm nổ toang toác” [42; tr. 5]. Những người nông dân ở đây chỉ quen với lối sống bảo thủ, quen với cuộc sống đi làm thuê, trông chờ vào bát cơm làm thuê kiếm được từ thiên hạ. Họ không yêu tha thiết đồng ruộng nhưng cũng không đủ bản lĩnh để rời bỏ chúng. Có thể nói hình ảnh làng Hạ Vị là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam một giai đoạn trước thời kì đổi mới. Lúc được nhà nước giao đất, người nông dân được tự mình thâm canh, tự mình làm chủ thì họ lại trở nên bối rối. “Họ có thể bỏ ruộng chứ không bỏ nghề làm thuê. Họ chỉ quen với việc làm tôi tớ, ăn xin, ăn nhặt, ngửa tay xin việc kiếm miếng ăn. Còn lúc tự mình làm chủ lấy việc, làm chủ lấy ruộng, làm chủ lấy đời mình thì lại phá ngang” [42; tr. 34]. Nhà văn Lê Lựu đã chỉ rõ tâm lý bạc nhược, sẵn sàng chấp nhận kiếp nô lệ, làm thuê và từ chối tự do mà dân tộc Việt Nam đã phải hi sinh đánh đổi bằng máu và nước mắt mới giành lấy được.

Dựng cảnh đám tang ông Đồ Khang, một lần nữa nhà văn mô tả lại khung cảnh của thôn quê. “Chao ôi, cơ man nào là người. Quả là đám tang của cụ Đồ Khang là hiện tượng có một không hai của vùng này. Ngày xưa đám tang bố tổng Lơi mổ hàng trăm con lợn, trâu bò, giã giò, ăn uống rậm rịch cả hàng mười ngày giời cũng không đông được như đám này” [42, tr. 198]. Không những thế nhà văn còn cho thấy: “Họ đi đám chỉ vì không đi sẽ không tiện thành ra không phải họ đi đưa đám cụ Đồ mà là đưa đám ông Hà đã về làm bí thư huyện ủy được nửa năm nay và đưa đám anh Tính ủy viên trực phụ trách nội chính của Ủy ban hành chính huyện” [42, tr. 198]. Tác giả phê phán gay gắt

lối sống trục lợi, lợi dụng đám tang để cầu cạnh cá nhân. Họ không đến đám tang vì tình nghĩa mà họ đến chỉ vì họ đang có việc cần nhờ vả, con người sống quá thực dụng đang dần đánh mất đi cái tình ở cuộc sống.

Bên cạnh những không gian bối cảnh xã hội ấy, nhà văn còn chú trọng tới không gian thiên nhiên. Đọc Thời xa vắng, có thể thấy bên cạnh những trang viết về nông thôn đầy biến động mang tính chất đối kháng quyết liệt là những trang viết về thiên nhiên sinh động, tươi mới. Nếu như không gian xã hội là bối cảnh chính cho nhân vật sống, hoạt động, bộc lộ tính cách và số phận của mình thì không gian thiên nhiên đóng vai trò là nền cảnh. Không gian thiên nhiên với đất trời cao rộng là nơi bao bọc, che chở, bênh vực cho những mầm sống tình yêu. Tình yêu của Sài Hương- một tình yêu cháy bỏng cũng được nhen lên cùng trời nước mênh mông đó. Không gian thiên nhiên ấy đối lập hoàn toàn với không gian xã hội, đối lập ở sự chật hẹp với cái rộng lớn, đối lập ở sự ngột ngạt với cái mênh mang, thoáng đãng và bình yên.

Không chỉ đi sâu, khắc hoạ không gian nông thôn, Thời xa vắng còn tái hiện bức tranh không gian đô thị tù túng, ngột ngạt với nhiều mâu thuẫn và xung đột. Xây dựng không gian đô thị, nhà văn khắc sâu ranh giới giữa những người xuất thân ở nông thôn rồi lên thành thị lập nghiệp với những người có gốc gác và sống lâu năm ở thành thị: đó là bối cảnh gia đình Sài - Châu. Nếu Sài sinh ra vốn con người nông thôn chính gốc, sau này khi bước vào cuộc sống đô thị anh cũng không bỏ được thói quen của con người nhà quê, điều đó đã làm Châu vợ anh khó chịu, cũng chỉ từ những cái vụn vặt đó mà vết nứt giữa hai vợ chồng ngày càng lớn không thể hàn gắn nổi và việc họ chia tay là điều tất yếu. Châu là một cô gái Hà Thành quá sành sỏi và lọc lõi. Cô luôn cáu gắt, ngoa ngoắt, cay nghiệt khi nói chuyện với chồng, luôn chê anh là “thằng nhà quê thô kệch dốt đủ mọi thứ”. Trong không gian gia đình luôn căng thẳng, bức bối, ngột ngạt. Sài dần đánh mất mình, anh như chơi vơi trong cái thứ mà anh tưởng là hạnh phúc thực sự của cuộc đời mình, như lời anh đã ghi trong đơn li

hôn gửi ông chánh án: “Tôi bơi trong cái hạnh phúc giống như bơi trong cánh đồng nước lụt của làng tôi, nó mênh mông không biết đâu là bờ, không biết đến đâu là kiệt sức và mình sẽ chết đuối vào lúc nào” [42, tr. 312].

Lê Lựu còn chú trọng tổ chức không gian theo nguyên tắc tương phản. Nếu như không gian của những tư tưởng phong kiến cổ hủ đầy nguyên tắc cứng nhắc, chật chội trong những ngôi nhà cổ của ông đồ Khang; thì không gian tình yêu của Sài và Hương lại là không gian của trời đất, sông nước bao la rộng lớn luôn tràn đầy sức sống, niềm tươi vui hạnh phúc.

Với quy mô và khả năng phản ánh hiện thực rộng lớn, không gian trong tiểu thuyết Lê Lựu được tổ chức theo sự luân chuyển hết sức linh hoạt, kết nối nhiều mảng không gian khác nhau. Không gian ấy thay đổi theo sự dịch chuyển của nhân vật, sự biến chuyển của những sự kiện trong cuộc đời và số phận nhân vật trong những khoảng thời gian khác nhau. Cuộc đời Giang Minh Sài thuở nhỏ gắn liền với không gian quê hương làng xóm, không gian sinh hoạt cộng đồng những ngày lụt lội và không gian sống là chiến trường với hầm, rừng núi, rồi lại chuyển lên Hà Nội và cuối cùng sau bao bất trắc và áp lực của đời sống, Sài lại trở về với quê hương với mong muốn dựng xây kinh tế cho làng xã và trút bỏ những mệt mỏi, bi kịch của đời mình. Lê Lựu đã để cho nhân vật ra đi, mở rộng không gian sống và hoạt động, song cuối cũng lại trở về gần gũi với nơi bắt đầu. Sự chuyển đổi từ mở rộng đến thu hẹp không gian cho thấy một cuộc đời cùng quẫn, bế tắc, không lối thoát của nhân vật.

Thông qua những mảnh không gian cùng cách tổ chức không gian, nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới, vừa bộc lộ tài năng phân tích xã hội và miêu tả tâm lý nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 60 - 63)