Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 74 - 79)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3. Giọng điệu trần thuật

Giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên nét đặc trưng riêng cho mỗi loại hình lời văn nghệ thuật. Giọng điệu bao giờ cũng thể hiện “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện thực được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm...” [23]. Giọng điệu không những là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học mà nó còn góp phần khu biệt những nét đặc trưng phong cách của mỗi nhà văn, mỗi khuynh hướng sáng tác. Nó không những chỉ rõ bản sắc, tài năng của nghệ sĩ mà còn ghi nhận sự kiên trì của nhà

văn trên chất liệu. Cơ sở để tạo nên giọng điệu là cách diễn đạt, hình tượng, cú pháp, âm thanh, nhịp điệu; ... và được biểu đạt trên ba cấp độ: nhân vật, người kể chuyện và hình tượng tác giả.

“Mỗi một thời đại, nhìn chung có một giọng điệu riêng, thể hiện cách thức chiếm lĩnh hiện thực và lí giải hiện thực riêng. Gắn với điều này là quan niệm hiện thực của thời đại ấy” [70]. Đến với văn học giai đoạn 1930 - 1945, chúng ta gặp chất giọng mang tính phê phán với nhiều cung bậc và sắc thái khác nhau. Ở văn học giai đoạn 1945 - 1975, âm hưởng chủ đạo là ngợi ca, sảng khoái. Giọng khẳng định, ngợi ca bao trùm hầu hết các sáng tác trong giai đoạn này. Thời kì đổi mới văn học, kinh nghiệm cá nhân được coi trọng cùng với sự đòi hỏi khẳng định ý thức cá nhân tạo cho văn học sự đa dạng về giọng điệu. Khảo sát tiểu thuyết Thời xa vắng, chúng tôi nhận thấy sự đa sắc thái giọng điệu thể hiện. Có giọng xót, xa thương cảm; có giọng điệu triết lý, trải nghiệm, giọng điệu hài hước, giễu nhại...

3.3.1. Giọng giễu nhại, mỉa mai

Có thể nói giọng điệu giễu nhại, mỉa mai là một trong những chất giọng được Lê Lựu thể hiện đậm nét trong tác phẩm của mình. Mỉa mai là lối “giễu cợt bằng cách nói cạnh khóe hoặc nói ngược lại điều ai cũng thấy rõ”. Chính chất giọng đó đã giúp nhà văn đưa những yếu tố của văn học trào tiếu dân gian vào tác phẩm khiến tác phẩm của ông gần gũi hơn với bạn đọc.

Bằng cách miêu tả bữa ăn, sau khi đời sống nông thôn làng Hạ Vị được đổi mới, nhà văn đã lột tả được tính sĩ diện, chạy theo thành tích “Ai cũng vội vàng, hối hả, chạy lên chạy xuống, hò hét con cái, tưởng là phải mổ trâu, mổ bò, hóa ra bữa cơm nhà nào cũng chỉ có nồi bánh đúc bằng bột ngô xay với khoai lang cạo vỏ, sắt từng khúc như miếng dồi (…). Chỉ có thế nhưng nhà nào cũng sôi nổi đầy khí thế” [42, tr. 112]. Trào lộng trong cách ăn bánh đúc bột ngô của người dân. Họ ăn theo kiểu “quành một vòng trên miệng bát thuần thục nhanh nhẹn như nhà họa sĩ, nhà toán học vẽ các vòng tròn” [42, tr. 112]. Sự đi

lên của làng Hạ Vị thật mỉa mai “Giữa cái khí thế năm nào cũng đi lên của toàn xã, thực ra cũng có năm thất bát huyện phải “dựng nó” nhưng trong báo cáo của xã không năm nào chịu “đi xuống”,” [42, tr. 113].

Không chỉ phê phán bằng mỉa mai, Lê Lựu còn giễu nhại mặt trái của cuộc sống. Đó là cách biến thành trò cười tất cả những gì có cái vỏ bề ngoài nghiêm túc bằng cách tô đậm tính lố bịch, vô nghĩa, lỗi thời của nó.

Miêu tả cảnh đám tang ông đồ, nhà văn giễu nhại thứ quan hệ giả dối của lũ người xu nịnh, cơ hội: "Nhưng cũng còn cơ man nào là người không biết từ huyện xã nào ngơ ngác và thậm thụt, cung kính và cười cợt, nghênh ngang và khúm núm, họ là vô số người chưa biết cụ đồ là ai, cũng không phải vì lòng ngưỡng mộ một gia đình cách mạng, một cuộc sống mẫu mực hoặc vì sự yêu mến thân thiết người em, người con cụ (…). Họ phải liếc mắt xem thắp hương và khấn vào lúc nào, đứng ở đâu để ông Hà hoặc anh Tính chứng kiến nỗi lòng đau khổ, cung kính của họ: "Con là Trần Văn Đật phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi thôn Thượng, xã Hồng Thuỷ kính viếng linh hồn cụ đồ sống khôn chết thiêng chút lòng thành nhỏ mọn của con...". Với "Tút Tam Thanh và chục bó hương dâng lên trước mặt, anh khấn rồi quỳ sụp xuống lễ ba lễ: đứng dậy, hai mắt đỏ hoe anh lẩy bẩy đặt lên bàn thờ chỗ đã chồng chất hương hoa... vẫn cúi đầu vẻ đau đớn nhưng trong bụng đã có thể chắc chắn về cái đơn xin hai nghìn ngói đang nằm chỗ Tính ... và nếu cần, anh sẽ " khấn" lại tên tuổi của anh để Tính khỏi quên” [42, tr. 198 - 199]. Giọng giễu nhại của nhà văn Lê Lựu nhiều khi cay đắng và nghiệt ngã. Nó cho thấy thái độ căm ghét sự giả dối, sáo rỗng, cái lỗi thời… đẩy con người vào bi kịch đau đớn.

Lê Lựu giễu nhại những quan điểm giáo điều, xơ cứng. Ông đã phanh phui ra những cái đáng cười của cơ chế kiểm tra, khen thưởng: “Ai lại ở một cơ quan chính trị mà chỉ xem anh nào tốt anh nào xấu, cuối năm có được biểu dương khen thưởng hay không là ở chỗ có tích cực tăng gia hay không. Có khi sự tích cực ấy không đem lại kết quả gì vẫn còn hơn anh thức suốt

đêm anh thức cả tháng để viết một vở chèo. Cũng có lúc chẳng cần biết anh có tăng gia hay tăng gia được cái gì chỉ cần thấy anh tỉ mẩn buộc từng bó tre ngâm mang theo đi diễn tập, cái bật lửa dùi lắp luồn dây dù qua rồi gài gài kim băng vào túi quần và không bao giờ hỏi ai xin tăm mà anh lại không sẵn cái ống đựng Appêrin bằng nhôm trắng đầy tăm, chiếc nào cũng tròn, nhẵn đều tăm tắp. Người như thế có thể kết luận là chịu khó tăng gia, tăng gia nhất định giỏi” [42, tr. 105 - 106].

Có thể nói, qua giọng điệu giễu nhại, mỉa mai trong Thời xa vắng, Lê Lựu đã thể hiện một cái nhìn phi thành kính, thậm chí nhiều khi cay đắng, tàn nhẫn trước những cái xấu, cái lỗi thời. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy chân dung của một nhà văn rất cá tính và giàu tâm huyết với cuộc đời.

3.3.2. Giọng chiêm nghiệm, suy ngẫm

Ngoài giọng giễu nhại, mỉa mai tạo nên những trang viết "sắc ngọt", "lém lỉnh", Lê Lựu còn trần thuật với chất giọng chiêm nghiệm, suy ngẫm.. Chất giọng này thường là trần thuật những suy nghĩ của nhân vật. Nó cho thấy thái độ tự tin của tác giả khi đưa ra những triết lý, những kinh nghiệm của người trong cuộc, tự ý thức được điều mình sẽ nói. Và chính giọng điệu mang tính suy ngẫm, chiêm nghiệm góp phần làm cho sức khái quát của tác phẩm sâu sắc hơn.

Nhân vật trong Thời xa vắng nhìn cuộc đời thông qua kinh nghiệm của cá nhân nên thường có sự chiêm nghiệm cuộc sống theo sự phát hiện của bản thân về qui luật của đời sống. Trải nghiệm đau đớn của hai mươi năm theo đuổi một mối tình tuyệt vọng với Sài đã mang lại cho Hương nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống. Điều đó thể hiện ở thái độ dứt khoát trong tình cảm với Sài: “Tuổi chúng mình không thể liều lĩnh được nữa đâu (…) Không! em biết. Ngày xưa thì được (…) Còn bây giờ làm gì còn thì giờ để hẹn hò chờ đợi nhau nữa” [42, tr. 343 - 344]. Để đi đến những trải nghiệm về cuộc sống, Sài phải trả giá bằng chính cuộc đời mình: “Anh không thể tiếp tục sống cuộc sống không phải là mình, không còn là mình” [42, tr. 282].

Giọng điệu triết lý còn hướng về khám phá các vấn đề thế sự và qui luật nhân sinh. Viết về tình người, nhà văn có giọng triết lí thấm thía: “Giữa sống chết, người lính không có gì ngoài tình yêu thương đùm bọc của người xung quanh mình mà người ta vẫn quen gọi là đồng đội, đồng chí. Nó không giống như lúc còn ở hậu phương, lúc người ta nổi khùng định choảng nhau mới gọi nhau là đồng chí. Ở đây, hai tiếng ấy thực sự thiêng liêng, thực sự là sống chết, mất còn không thể cách biệt thù oán…” [42, tr. 157]. Cũng có khi giọng triết lý đi liền với một thái độ khoan hòa, điềm tĩnh, rất thấm thía tình người: “Không ai dại dột đi nuối tiếc cái cũ khi đang tràn trề với hạnh phúc mới. Cũng chẳng việc gì cứ phải gào lên phô trương tất cả sự đầy đủ tốt đẹp nếu quả thực nó có như thế. Bởi vì nó giống như kẻ có miếng ăn ngon không bao giờ khoe khoang, chiêng bày ra trước mặt những người đang đói” [42, tr. 211].

Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý có khi được đúc kết ngắn gọn mà thấm thía: “Kẻ sôi sục mù quáng chỉ cái que cũng coi là vũ khí, vẫn có thể đâm mù mắt người khác” [42, tr. 210]. Giữa con người với nhau không tránh khỏi sự toan tính cá nhân: “Ai cũng biết tính toán chi li, tất cả đều khôn ngoan, lấy đâu ra kẻ dại dột thắc mắc hộ mình” [42, tr. 31]. Hoặc là những suy nghĩ của nhân vật: "Hừ, đời hay thật. Kẻ hèn nhát không dám đánh mất cái gì thì được tất cả. Người sẵn sàng đánh đổi tất cả cho một cái gì thì chỉ còn thân tàn ma dại" [42, tr. 116].

Trải nghiệm, suy ngẫm về tình yêu và hôn nhân là quan niệm đầy tỉnh táo, cảnh giác của một người vừa bị lừa dối và thua thiệt trong tình yêu. “Với tình yêu, kẻ biết dối trá thuần thục bao giờ cũng lôi cuốn người con gái hơn rất nhiều những người chỉ biết biểu lộ lòng thành thật” [42, tr. 323]. Hay thái độ hưởng lạc khác nhau của vợ hoặc chồng trong quan niệm về hạnh phúc gia đình. “Không ai hầu hạ mình bằng mụ vợ đã có hai con lớn và “mất thế” cả về tuổi tác lẫn sự hấp dẫn. Ra khỏi nhà lại không có gì đốt cháy lòng khao khát bằng tình yêu vụng trộm” [42, tr. 323]. Hoặc người phụ nữ không

có tình cảm với chồng, xem chồng như người ở vì: “Không có một kẻ đầy tớ nào hầu hạ lí tưởng bằng chồng, khi anh ta còn sức lực và tự nguyện hết lòng hết sức, hết hơi vì vợ con” [42, tr. 258].

Giọng điệu trải nghiệm mang đến cho tác phẩm chiều sâu suy ngẫm về nhân gian thế sự. Đó cũng là thái độ cần thiết để mỗi con người nhận thức sâu sắc hơn về những vấn đề quan thiết trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)