Bi kịch của con người không được sống là chính mình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 45 - 51)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Bi kịch của con người không được sống là chính mình

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu hiện lên khá phong phú và đa dạng. Nhìn chung những nhân vật của ông, nhân vật nào cũng mang trên mình những “bi kịch tình yêu, bi kịch gia đình”. Thế giới nhân vật đó được thể hiện qua Giang Minh Sài, Tuyết, Hương, Núi, Tâm… Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, xoay quanh những số phận nhân vật, Lê Lựu đã đưa ra một loạt vấn đề về tình yêu, hôn nhân gia đình để mọi người cùng suy xét và đánh giá, đồng thời cũng từ đó nhìn lại bản thân mình. Đôi khi những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống là do hoàn cảnh tạo ra, nhưng trong đó có một phần do chính chúng ta, nên những bi kịch cuộc sống chúng ta phải gánh chịu, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh. Với nhân thức đó, nhà văn Lê Lựu muốn chuyển tải đến chúng ta qua một loạt tác phẩm như Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông, Hai nhà… Vấn đề tình yêu, hôn nhân gia đình, vấn đề hủ tục, định kiến xã hội luôn là vấn đề nóng được dư luận và xã hội quan tâm.

Người Việt Nam, dù nông thôn hay thành thị, ai cũng có tâm lý sống vì gia đình, ngại gây ra những điều tiếng ở đời. Trong bối cảnh hết sức nhạy cảm của xã hội Việt Nam những năm đầu thời kỳ Đổi mới, khi những vấn đề đặt ra cho xã hội lúc bấy giờ là đạo đức, tư tưởng, lý tưởng, quan điểm, lập trường..., thì con người ta càng phải chú ý hơn đến lời ăn tiếng nói, chú ý hơn đến hành động, chú ý hơn đến lối sống. Chính điều ấy đã tạo nên những bi kịch cho con người trong cuộc sống. Họ vùng vẫy, quẫy đạp một cách tuyệt

vọng trong những định chế thành văn hay không thành văn. Nhưng tuyệt nhiên không dám chống đối, hất bỏ.

Tấn bi kịch mà Giang Minh Sài - nhân vật chính của truyện - phải gánh lấy, một phần là do những hủ tục, định kiến của gia đình và xã hội mang lại. Gia đình ông đồ Khang là một gia đình gia giáo, nề nếp nho phong bậc nhất làng Hạ Vị. Lấy vợ cho thằng con út khi nó mới mười hai tuổi - cái tuổi nhi đồng "ăn chưa no, lo chưa tới" nhưng ông bà không ép Sài yêu vợ nó được. Sài chính là nạn nhân của nạn "tảo hôn" - một tệ nạn làm tan nát biết bao trái tim, phá hỏng bao cuộc đời. Bao nhiêu lần con trai khóc mếu đòi bỏ vợ, ông bà đều đe nẹt không cho, vì phải giữ gìn “nề nếp gia phong”. Sài dù mới chỉ là một cậu bé, nhưng xuất thân từ một gia đình gia giáo theo truyền thống Nho học, nên dẫu chưa hiểu lắm về những điều người lớn nói, cũng lờ mờ nhận thức được ý nghĩa của vấn đề, không dám cãi lời cha mẹ, dù Sài không thích như vậy. Sài quyết tâm tháo cũi sổ lồng, quyết tâm tự giải phóng.

Thế nhưng Sài đã vấp phải một "thế lực" khác cũng không kém phần nặng nề đó chính là "truyền thống cách mạng" của gia đình. Chú Hà và anh Tính khôn khéo nghĩ ra mọi cách buộc chặt Sài vào cái cạm bẫy hạnh phúc sắp sẵn ấy. Họ ráo riết dẹp yên mọi "dư luận không hay, không tốt, không thuận lợi" cho công việc, địa vị của họ trong xã hội. Họ sợ chuyện hôn nhân của Sài làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín. Vì vậy, bằng mọi cách, họ đã hành động mà không bận tâm đến việc Sài có hạnh phúc hay không. Sau đêm trốn nhà đi vì uất ức cho hoàn cảnh trớ trêu của mình, giờ đây, Sài hiểu ra rằng mình không thể làm gì khác, không thể thay đổi được điều gì. Anh Tính và chú Hà đã thể hiện rõ quan điểm, họ không đứng về phía Sài. Một mình mình, Sài đứng riêng một "trận tuyến". Do vậy, mọi phản ứng của Sài mỗi lúc một yếu dần.

Bắt Sài hiểu những điều gia giáo thì có thể, còn bắt Sài yêu vợ thì không ai có thể bắt được. Khi còn nhỏ, không bỏ được vợ thì Sài tìm mọi cách trút toàn bộ sự căm ghét, oán hận lên vợ. Nhưng đến năm Sài mười bốn tuổi, được

bầu làm liên đội trưởng thì cái sự chê vợ của cậu lại mang một sắc thái khác. Lúc này, Sài đã ý thức được vai trò xã hội của mình: "nó lo đến vai trò gương mẫu của một liên đội trưởng, nhất là khi được trở thành đội viên "tháng Tám" đầu tiên của xã" [42, tr. 43]. Bề ngoài thì cậu không dám chê vợ nữa. Cậu ta rất sợ tiếng xì xào bàn tán ở bất cứ chỗ nào. Thành ra Sài chỉ yêu vợ ở chỗ đông và bằng sự im lặng, nó có ý thức giữ gìn cẩn thận sao cho người ta không thể nhận thấy giữa nó và vợ có sự “mất đoàn kết”.

Giờ đây, hoàn cảnh mới buộc Sài phải sống thành hai con người: thật và giả, con người ban ngày và ban đêm, con người trước mặt mọi người và khi chỉ còn lại một mình “Sống với hai cuộc đời: thật và giả. Ban ngày, chỗ công chúng là con người giả, sống cho vừa lòng mọi người: yêu vợ. Ban đêm khi có một mình là con người thật: không thể nào chung sống với một con người mình ghét bỏ từ đầu đến chân” [42, tr. 42]. Hai con người ấy trong Sài luôn đấu tranh giằng xé nhau và cuối cùng con người bản ngã cũng đành khuất phục. Sài "cứ phải cố dồn sức lực, cố gồng mình lên để cái phần sống ở chỗ đông người, chỗ ban ngày được khen ngợi trầm trồ, còn ban đêm với riêng mình, nó tự giết đi xao xuyến thèm khát một hạnh phúc thực sự" [42, tr. 48]. Đây là cái khoảng tự do cuối cùng của quyền làm người của Sài. Tất cả mọi chuyện diễn ra như vậy là vì anh sợ. Anh không dám đương đầu với những dư luận, tập tục cổ hủ đã xâm phạm hết sức thô bạo, dã man đến quyền làm người của anh. Trong con người anh luôn tồn tại hai thế lực: chống đối và khuất phục. Hai thế lực ấy ngày càng phát triển, càng mâu thuẫn, và đẩy bi kịch trong con người Sài lên một mức độ ngày càng cao hơn.

Anh lên đường một cách im lặng, thực chất là chạy trốn, để khỏi phải đội trời chung với cô vợ bắt buộc ấy. Nhập ngũ lúc bấy giờ không chỉ là việc làm có ích cho đất nước mà đặc biệt là có lợi cho Sài. Tuy nhiên, tấn bi kịch chưa thể buông tha cho anh. Ở đơn vị, dù đã cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không đụng chạm đến bất cứ ai, việc mình mình làm, không

bận tâm đến chuyện của người khác. Vậy mà chính trị viên đại đội cùng với một số người trong tổ "tam tam" đưa anh ra diễn đàn tư tưởng rồi quy kết cho anh những tội lỗi nặng nề.

Bi kịch tiếp nối bi kịch. Ở nhà, trong vòng tay của cha mẹ, Sài không được làm mọi điều mình thích cũng như không được từ bỏ những gì mình ghét. Sài không thể làm vì như thế là "trái với gia phong". Lớn lên một chút, Sài lại phải sống mang hai bộ mặt. Sài là chính mình khi chỉ còn lại một mình. Sài là "một con người khác" đầy hạnh phúc, vui vẻ khi đứng trước đám đông. Sài hiểu rằng giờ đây không như thế sẽ làm ảnh hưởng đến "truyền thống cách mạng của gia đình". Khi đã trưởng thành, Sài là một người lính thực thụ, anh nghĩ mình có thể sống trong mơ mộng, trong tâm tưởng cũng được thì nỗi bất hạnh mới lại ập đến. Anh bị buộc tội có "tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng phản động" trong suy xét của ông chính trị viên và mấy đồng đội trong tổ tam tam nọ, rằng: "Đã xuất hiện tư tưởng nằm ỳ thoái thác nhiệm vụ trong chiến sỹ mới. Chiến sỹ Giang Minh Sài đã có vợ nhưng vẫn quan hệ bất chính với một phụ nữ, có ý định đào ngũ. Đã ghi nhật ký bậy bạ, khoác loác, có đoạn mang tư tưởng phản động.... Hầu hết đoàn viên phát biểu ý kiến phân tích sâu sắc, đả phá mạnh mẽ tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng phong kiến bóc lột muốn "ngồi mát ăn bát vàng" [42, tr. 87].

Định kiến xã hội tiếp tục đẩy Sài những bi kịch tiếp theo. Nếu những con người cổ hủ như ông đồ Khang đẩy Sài vào bi kịch đã đành, những người với chủ nghĩa ích kỷ thiển cận như Tính, Hà... những người với quan điểm hẹp hòi "vội vàng, thô thiển kết luận nhân cách của người khác để đạt mục đích cá nhân mình" như chính trị viên đã đành, nhưng ngay cả người quan tâm lo lắng cho mình còn hơn người thân cũng đưa đến cho Sài bi kịch. Đó chính là Hiểu- người bạn- đồng đội của mình. Hiểu là người hết sức chân thật, suốt đời sống tốt đẹp với mọi người nhất là với Sài, đấy là người mà theo nhận xét của chính uỷ Đỗ Mạnh: "có trình độ làm việc, làm được nhiều việc một cách thông minh

và tỉ mỉ, nhanh nhạy và chính xác, một người sống nhường nhịn và chăm lo cho đồng đội cấp dưới hơn cả chính mình, một người sống trung thực không có kẻ ghen tỵ đố kỵ" [42, tr. 127]. Với Sài, anh thương yêu như em ruột. Anh chăm lo cho Sài vô điều kiện. Thế nhưng đứng trước mối tình tay ba giữa Sài - Tuyết - Hương, Hiểu lại rất ngại. Vì sự nghiệp của Sài, anh cố gắng ngăn ngừa, cấm cản tình yêu giữa Hương và Sài. Đồng thời cố nối lại tình cảm của Sài với vợ "để giữ lấy yên ổn", "giữ lấy uy tín chính trị". Như vậy là lại thêm một tầng nữa, một thế lực nữa đẩy Sài rơi sâu hơn vào vòng bi kịch.

Như vậy, có thể thấy bi kịch lúc đầu của Sài chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình. Sau đó mở rộng ra phạm vi làng xã. Đến khi nhập ngũ, bất hạnh của anh lại càng lớn hơn. Anh không chỉ trở thành nạn nhân của những định kiến hẹp hòi thiển cận từ cấp chỉ huy trực tiếp mà đau đớn hơn, sỉ nhục hơn là anh phải chung đụng với người "mình ghét cay ghét đắng".

Sau khi Sài được ly hôn với "nỗi ám ảnh của một thời trai trẻ", và rồi tìm đến với Châu, anh lại rơi vào một bi kịch mới cũng không kém phần chua chát đắng cay. Hơn thế nữa, bi kịch lần này có phần nhục nhã, đau đớn hơn. Sài hớn hở, hăng say đón nhận cuộc sống mới. Bằng nhiệt huyết của một con người khao khát hạnh phúc, anh đã sống hết mình cho tình yêu. Thế nhưng trái tim của anh một lần nữa bị bầm dập rách nát hơn. Anh cho người tình yêu thương, anh trao tất cả những gì có thể cho người mình yêu nhưng bù lại - vợ của anh và những người xung quanh với lối sống mới của xã hội mới - lại đẩy anh đến tận cùng của nỗi đau, nỗi nhục. Châu - vợ anh đòi hỏi những điều anh không có. Anh sống chân thật bằng trái tim mình thì lẽ ra anh phải được nhận lấy tình yêu thương như mong ước. Vậy mà thật bi kịch, bởi anh càng yêu chiều vợ thì trong mắt vợ, anh lại trở thành một thằng hèn. Đứa con mà anh yêu thương chăm bẵm, nâng giấc, đứa con mà vì nó, anh đã thức trắng suốt ngày đêm trong bệnh viện hoá ra không phải là con anh. Anh không có chỗ dung thân trong mái nhà do mình tạo dựng. Anh không có chỗ

đứng trong trái tim vợ mình. Anh hoàn toàn thất bại trong việc mưu cầu hạnh phúc ở thời đại mới bởi vì những điều anh khao khát, mong muốn lại không thể có ở một người phụ nữ như vợ anh.

Cuộc đời bất hạnh của Sài là một bài học sâu sắc về cách sống, về trách nhiệm của mỗi con người đối với cuộc đời mình. Tuy nhiên, ta vẫn thấy Sài vừa đáng trách vừa đáng thương, bởi có những khó khăn khách quan mà Sài khó lòng vượt qua. Đó là môi trường, là hoàn cảnh cụ thể xung quanh anh ta. Sài sống trong sự chăm chút, thương yêu của bố mẹ, chú Hà (cán bộ tỉnh), anh Tính (cán bộ huyện), chính uỷ Đỗ Mạnh, anh Hiểu, anh Hiền (cán bộ phụ trách ở đơn vị). Từ bé, Sài đã được cả gia đình yêu thương, chiều chuộng. Hầu như mọi người ai cũng lo cho hạnh phúc của Sài, kể cả việc cưới vợ hay tìm mọi cách cản ngăn không cho anh thò ra cái ý định bỏ vợ. Người ta không quan tâm đến việc Sài có hạnh phúc hay không, mà chỉ lo nếu có trục trặc gì trong chuyện vợ con thì anh sẽ mất hết, bởi vì dư luận sẽ lên án. Còn cái sự lên án đó đúng hay không, người ta cũng không cần lưu ý tới. Chính ông Hà đã thú nhận với Hương: “Thực ra chú không phải là người độc ác nhưng chú cũng như đa số bây giờ, người ta dựa theo dư luận mà sống chứ ai dám giẫm lên dư luận mà đi theo ý mình” [42, tr. 68], Và “ở đời này người ta chỉ sẵn sàng chết đói, chết rét, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho con mình tai qua nạn khỏi, con mình được sung sướng, được vinh hoa chứ không ai chịu tai tiếng, chịu xỉ nhục để con mình được tự do theo ý nó” [42, tr. 67]. Và chính ủy Đỗ Mạnh, sau này khi gặp lại Sài, ông cũng thú nhận là ông rất thương Sài, muốn giải phóng cho Sài nhưng ông sợ, mặc dù không rõ là sợ ai, sợ cái gì. Con người có tư tưởng đúng đắn nhất ấy cũng không vượt ra khỏi cái hàng rào mơ hồ mà kiên cố là cái dư luận xã hội tai ác kia. Và điều nguy hiểm, đau đớn nhất là chính việc làm thụ động và khuôn theo một nếp nghĩ nào đó của họ đã “giết chết một tâm hồn trong sáng, một niềm tin, một tình yêu của con người với cách mạng, với quân đội, với xã hội tươi đẹp của chúng ta” [42, tr. 132] . Và vì thế,

nó gây ra những mối bi kịch lớn của những người thanh niên “luôn luôn sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người chứ không phải cho hạnh phúc của mình” [42, tr. 331] như Giang Minh Sài.

Như vậy, đạo đức phong kiến với hủ tục, định kiến và tư tưởng tiểu nông tồn tại trong nông thôn nước ta suốt từ xưa tới nay, đặc biệt ở giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cực kỳ nhạy cảm, đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra biết bao nỗi đau, bao bi kịch cho con người. Dường như thời kỳ này, con người cá nhân bị lãng quên. Người ta chủ yếu sống vì những lý tưởng, vì những chuẩn mực của gia đình và xã hội. Mỗi cá nhân phải đội trên đầu biết bao trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm với gia đình, với dòng tộc là một trong những trách nhiệm nặng nề nhất, khó gỡ bỏ nhất và là cội nguồn đau khổ cho con người nhiều nhất. Nhà văn Lê Lựu, bằng sự nhạy cảm của mình đã truyền tải khá sinh động những thông điệp đó trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 45 - 51)