Con người với khát vọng trong tình yêu, hôn nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 54 - 60)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Người nông dân với những bị kịch và khát vọng cá nhân

2.2.3. Con người với khát vọng trong tình yêu, hôn nhân

Văn học chân chính luôn hướng tới con người theo nghĩa nhân bản nhất về nó. Trong con người có phần “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” và cả phần con người tự nhiên, bản năng. Cuộc sống của con người, nói như nhà văn Nguyễn Khải “đã gọi là một kiếp người thì không chỉ có vui mà còn có buồn, thường là buồn nhiều hơn. Không chỉ có thắng mà còn có bại, thường là bại nhiều hơn. Không chỉ có đúng mà còn có lầm lẫn, thường là lầm lẫn nhiều hơn. Có những kiếp người một đời đau buồn, một đời thất bại, một đời lầm lẫn”. Trên hết, con người vẫn luôn khao khát hạnh phúc theo nghĩa cốt lõi, nhân bản nhất của từ này.

Cả cuộc đời Sài là một chuỗi bi kịch, Sài tự đánh mất mình “nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa đời còn lại đi yêu cái mình không có”. Là một người lính với vẻ ngoài thô mộc, khô khan nhưng thực chất bên trong con người Sài lại là một người đang vùng vẫy với niềm khao khát được yêu, được sống với cảm xúc thực sự của chính mình. Sài bị ép buộc trong hôn nhân nhưng vẫn khao khát được sống với tình cảm của mình. Tuy nhiên khát vọng của cá nhân của Sài không gắn với hành động quyết liệt để khẳng định cá tính mà chỉ là trốn chạy hoàn cảnh. Ngoài đời thực không rũ bỏ được hoàn cảnh, anh thể hiện mơ ước ấy trong sự tưởng tượng của những trang nhật kí. Trong nhật kí, anh cho mình được tự do yêu đương, tự do thể hiện những khát khao tình ái với Hương. Và cũng ở đây, anh dám thể hiện khát khao được ly hôn: “Từ nay các em được hoàn toàn tự do rồi. Chú và anh đã đề nghị với toà án. Người ta đã điều tra kĩ và nhất trí cho Sài được li hôn để khỏi giết chết ba con người cùng một lúc” [42, tr. 76]; thậm chí, tàn nhẫn hơn, còn dám mong vợ chết: “Tôi đi thi đại học và về nhà, cô Tuyết đã chết vì bệnh ung thư ở cổ. Tuyết chết, tôi lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho cô ta. Giá cô ta đừng làm khổ tôi mấy năm đằng đẵng có phải tôi cũng quý mến cô ta như tất cả mọi người khác không? Tôi bảo bố mẹ tôi bán cả nhà cửa làm ma cho cô ta thật to và năm nào đế ngày giỗ, tôi cũng làm mấy mâm cơm mời cả bố mẹ, anh chị cô ta đến như những người thân khác” [42, tr. 79]. Những đêm không ngủ, Sài nghĩ ra bao nhiêu chuyện thật và giả, ao ước ông giời nào đấy giúp Sài thoát khỏi cuộc hôn nhân ép uổng, để cho Tuyết đi lấy chồng, Hương và Sài gặp nhau trên chiến trường… Đấy là trong suy nghĩ, trong tưởng tượng.

Hạnh phúc đối với Sài mong manh, khó nắm bắt. Ngoài bốn mươi tuổi đầu, trải qua hai cuộc hôn nhân nhưng Sài vẫn không tìm được nó. Cuộc hôn nhân thứ nhất do bị ép duyên, anh phải yêu cái người khác yêu. Khi có tình yêu đích thực thì phải chối bỏ. “Thời trai trẻ không được yêu, đến lúc được yêu lại bỡ ngỡ như đứa trẻ. Anh cần có một tình yêu có thể “bù đắp những ngày

tháng khao khát đốt cháy cả cuộc đời ép buộc anh” [42, tr. 148]. Sài gửi khao khát ấy vào cuộc hôn nhân với Châu. Anh đã đánh đổi nhiều thứ sự tận tụy, hi sinh, cung phụng để vun vén cho hạnh phúc gia đình nhưng cuối cùng chỉ nhận được sự nhục nhã ê chề. Châu coi anh là người để hợp pháp hóa đứa con của cô với người đàn ông khác. Không khí gia đình ngày càng trở nên nặng nề với cả hai người. Đến lúc Châu lấy dao cắt quai chiếc ba lô kỷ niệm một thời chiến trường của Sài quăng xuống giường thì anh mới thật sự thấm thía sự khác biệt, cọc cạch của cuộc hôn nhân này là không thể hàn gắn. Sài quyết định “Anh không thể tiếp tục một cuộc sống không phải là mình, không còn là mình, cái mình có thì thừa ra, cái không có thì phải ứng xử hàng ngày, cố mãi từng ngày vẫn thiếu hụt, vẫn thấy không phải, vẫn bị chê trách” [42, tr. 282] “Anh không có ý định xé đôi hạnh phúc của mình một lần nữa “Nhưng quả thực, anh không thích hợp với nó, không thể tiếp tục ngửa mặt lên để “vun đắp” một tình yêu” [42, tr. 282]. Sài thấy thèm cuộc sống của những người xung quanh, vợ chồng đầm ấm, cùng nhau chia sẻ công việc. Chồng bế con cho vợ nấu nướng. Vợ âu yếm con, dịu dàng với chồng. Dù là đó là cuộc sống đơn sơ, đạm bạc của người lao động nhưng họ vẫn hạnh phúc. Những người vợ là công nhân, thợ may ít học nhưng họ âu yếm, chiều chuộng chồng con không giống với thái độ khinh khỉnh, coi thường của Châu. Cuộc hôn nhân tan vỡ là do quan điểm khác nhau về hạnh phúc. Sài nhận ra sai lầm lớn nhất của mình là vội vã tìm thứ không thích hợp, không dành cho mình nên khó tránh khỏi kết cục tan vỡ. Những nhận thức của Sài đầy cay đắng vì nó rút ra từ chính trải nghiệm đau đớn của con người “một đời lầm lỡ, một đời thất bại”.

Sài trở lại quê hương và nhìn thấy quê hương mình sau mấy chục năm vẫn nghèo nàn và lạc hậu, tâm huyết với cảnh sống ở làng quê, anh đã đóng góp sức lực của mình và làng Hạ Vị đã bắt đầu thay da đổi thịt, Sài được mọi người ngưỡng mộ, đặc biệt là tình cảm của Hương dành cho Sài vẫn như ngày nào sau bao nhiêu hiểu lầm và đau khổ. Họ vẫn không đến được với nhau vì

đây là một kết thúc quá muộn màng, khi người ta đã có vợ, có chồng khi người ta đã luống tuổi và đau khổ vì tan vỡ.

Lời tự thú của Sài sau bao năm đi tìm hạnh phúc của mình với anh Tính: “Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào sống như thế, không sợ một ai, không chiều theo ý ai, sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người, chứ không phải cho hạnh phúc của mình. Nếu em cứ kiên nhẫn và quyết liệt như thế, chắc bố mẹ, anh em, đơn vị cũng không đem giết em. Về sau này nếu em có kinh nghiệm, em có hiểu biết và không hoa mắt choáng ngợp trước sự hấp dẫn của thành thị, bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, xem tạng người mình thì hợp với ai, có lẽ em không phải lao đao, lúc nào cũng cảm thấy hụt hơi trong suốt mấy năm qua. Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có !”.

Bên cạnh những con người cam chịu, khuất phục trước những định kiến của gia đình, của xã hội thì ta vẫn thấy trong Thời xa vắng xuất hiện những con người dũng cảm, dám bày tỏ, dám đấu tranh cho tình yêu, cho hạnh phúc của cá nhân. Hương là một cô gái xinh đẹp, học giỏi, bạn bè yêu quí và nhiều người theo đuổi cô nhưng Hương chỉ chú ý đến Sài- người con trai vùng ngoại bối thông minh, học giỏi nhưng đã có vợ và chẳng bao giờ tìm cách bắt chuyện với cô. Hương tin vào tình cảm của mình và Sài. Vì thế, Hương đã đi tìm Sài khi anh chưa bày tỏ tình cảm của mình “cô lo sợ tìm kiếm Sài như một người đã yêu nhau tha thiết, một người vợ lo sợ hoạn nạn của chồng”. Cô cho Sài cơ hội để bộc lộ tình cảm giấu kín trong lòng. Hai người có giây phút bên nhau hạnh phúc “cái giây phút có thể đánh đổi cả trời đất, đánh đổi cả cuộc đời, có thể từ bỏ cha mẹ và con cái, từ bỏ cả kỉ niệm và ao ước để lấy một phút giây”. Tình yêu của Hương trong sáng, mãnh liệt, bất chấp việc Sài đã có vợ vì Hương biết đó không phải là cuộc hôn nhân vì tình yêu. Vì tình yêu với Sài, cô đã dám tranh luận cùng chú Hà để xin chú giải phóng cho Sài, cũng là để bảo vệ tình yêu của cô. Cô cũng dám bước qua mọi sự e ngại, tự ái để có thể tìm đến với

anh Sài cù lần, nhút nhát. Nhưng rồi sự đầu hàng của Sài đã khiến Hương đau đớn, tuyệt vọng, vì nghĩ rằng Sài đã phản bội mình, và khiến cô chán nản, buông trôi cuộc đời mình theo một hướng tiêu cực. Không đến được với tình yêu đích thực của mình, Hương đã “bất chấp hết thảy để giữ gìn một mối tình, hiện tại thì câm lặng mà tương lai thì mịt mùng… chỉ biết trượt theo cái đà của những kỉ niệm, những ấn tượng về một tấm lòng chân thật đầy nỗi đắng cay” để kết hôn và chung sống với người chồng mà Hương đã chán ngay từ lúc chưa cưới. Hương vẫn lặng lẽ giữ lời thề với người yêu “em vẫn ở bên anh, một người đàn bà đã có chồng và sắp có hai mặt con, không thể nào bỏ chồng, bỏ con để trở về với anh, nhưng em vẫn là tình yêu suốt đời của anh cũng như anh mãi mãi là tình yêu duy nhất của em. Đừng khóc khi thấy em trở về âu yếm, vỗ về chồng con mà câm lặng lảng tránh em” [42, tr. 177]. Hương vẫn kín đáo chăm sóc, lo lắng cho Sài nhưng khi Sài muốn hai người quay lại với nhau, Hương đã thẳng thắn từ chối: “Lại xé đôi sự ổn định, dù nó là chắp vá của cuộc đời em thì làm sao có thể bù đắp được cho anh, xóa bỏ sự cọc cạch này để chắp vá với sự cọc cạch khác là đánh lừa nhau, được cái gì” [42, tr. 344]. Hương dám sống với tình yêu của mình và sẵn sàng giữ gìn tình yêu ấy. Đó là sự thể hiện cá tính, bản lĩnh của cô. Cho dù, không hạnh phúc thật sự nhưng Hương không hề phải hối tiếc vì những gì đã làm trong quá khứ.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của Sài không chỉ gây đau khổ cho một mình anh, Tuyết cũng là nạn nhân của sự ép duyên. Vốn tính hiền lành,cam chịu, cô chấp nhận cảnh làm “vợ hờ” của Sài. Dù có lúc Tuyết cũng “khao khát đến cháy khô đôi môi đỏ mọng trước cái nhìn đăm đăm của người con trai, đã thấy phập phồng mỗi đêm nghe tiếng bước chân chồng chạy về nhà”. Thậm chí có lúc thấy “thèm cả câu quát mắng, thèm một quả đấm, một cái tát, những cái ấy là thô lỗ, tục tằn nhưng vẫn được tiếng là có chồng”. Thật ra Tuyết chẳng đến nỗi nào “thả ra, nếu được lựa chọn, được tìm người ưng ý, cô có thể lấy khối người” [42, tr. 40]. Nhưng cô chỉ biết cam chịu, không

phản ứng, đòi hỏi, cũng không nhận ra chính mình để mất đi cơ hội sống hạnh phúc. Bởi vậy, Tuyết rơi vào bi kịch “cả một thời con gái được chồng nhòm ngó đến một lần rồi nuôi con một mình, cả hàng chục năm trời cứ nằm mong tưởng được chồng hỏi đến”.

Tiểu kết chương 2

Tóm lại, cùng với những tác phẩm viết nông thôn và cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng, Thời xa vắng của Lê Lựu cũng có sự kế thừa những sáng tác viết ở thời kì trước đó trong cách tiếp cận hiện thực. Qua bức tranh hiện thực Thời xa vắng, chúng ta có thể hình dung ra một nông thôn ngột ngạt bức bối không chỉ vì khó khăn, nghèo đói mà còn vì những hủ tục lạc hậu, định kiến cứng nhắc, hẹp hòi. Ở Thời xa vắng, Lê Lựu đã tái hiện lại chuỗi bi kịch cá nhân do những quan niệm bảo thủ, ích kỷ của thời đại mang đến. Bi kịch của những con người không dám sống là chính mình, bi kịch của người được là mình nhưng lại đánh mất mình. Ẩn sau đó là một tấm lòng yêu thương trân trọng con người, chỉ ra cái hạn chế, cái xấu kìm hãm sự tự do, hạnh phúc của con người, mong muốn đặt con người vào đúng vị trí, năng lực của nó. Đồng thời, tác phẩm cũng nói lên những vấn đề lớn lao trong cuộc đời của mỗi con người, đó là khát vọng cá nhân, bản lĩnh sống, cuộc đấu tranh, cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của mỗi con người để có hạnh phúc đích thực.

Chương 3

NÔNG THÔN TRONG THỜI XA VẮNG - NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 54 - 60)