Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 63 - 66)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Thời gian nghệ thuật

Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới được xây dựng trên một nền không gian khá rộng lớn và quen thuộc, đồng thời nó cũng gắn với một kiểu thời gian nghệ thuật mang nét riêng của thời đại. Thời xa vắng đặt trong bối cảnh những năm

sau Cách mạng cho đến trước thời kì đổi mới. Có ba dạng thức biểu hiện của thời gian được nhà văn đặc biệt chú trọng là thời gian lịch sử sự kiện, thời gian đêm tối và thời gian tâm trạng.

Ngay chính nhan đề Thời xa vắng cũng đã gợi lên yếu tố thời gian nghệ thuật, là cái thời mà con người còn quá giản đơn trong nhận thức, đánh giá và cả trong sự quan tâm lẫn nhau. Sài đã đi qua chiến tranh với tinh thần chiến đấu anh dũng, với những chiến công đạt được. Sài dường như chỉ biết lao động và cống hiến, quên đi khát vọng yêu thương chân chính. Sài đã coi chiến tranh là mảnh đất lý tưởng để chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh, chạy trốn khỏi cuộc sống gia đình luôn làm anh cảm thấy ngột ngạt, để quên đi bi kịch cá nhân của mình, như một hướng giải thoát. Tái hiện sự kiện lịch sử xã hội đặc biệt: chiến tranh, Lê Lựu đã khiến cho người đọc hiểu được những diễn biến tâm lý của con người, số phận con người trong thời điểm khốc liệt ấy.

Thời gian đêm tối cũng được Lê Lựu lựa chọn để triển khai biến cố và sự kiện có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời của nhân vật. Thực ra không phải đến Lê Lựu mới làm được điều này mà trước đó, các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… hay sau đó các tiểu thuyết gia thời kỳ đổi mới như Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường... cũng sử dụng bối cảnh đêm tối nhằm biểu đạt nhiều nội dung và y nghĩa khác nhau. Việc Lê Lựu chọn thời gian đêm tối là để diễn tả đậm nét hơn những bước ngoặt tâm lí đặc biệt gắn với những biến cố quan trọng trong số phận nhân vật. Với Sài, đêm tối đã che chở để anh thoát khỏi cơn thịnh nộ của ông đồ Nghiên khi nó dám chửi đánh và đuổi vợ đi. Đêm tối đã làm lớn dậy sự nồng nàn của tình yêu giữa Sài và Hương, lãng quên đi cảm giác ngột ngạt ấm ức khi sống bên vợ - Tuyết… Rõ ràng, đêm tối thực sự là khoảng thời gian mà anh yêu thích để được sống là chính mình.

Sự đối lập giữa các bình diện thời gian ngày và đêm, quá khứ và hiện tại cũng xuất hiện như để làm nổi bật những trạng thái tâm lí, tâm hồn trái

ngược của con người. Đó là lí do vì sao Sài luôn sống với hai tâm trạng trái ngược nhau, ngày là con người giả - con người bổn phận, chiều lòng mọi người, gìn giữ gia phong, chôn vùi cảm xúc yêu đương, thỏa hiệp với số phận, sống theo dư luận, nhưng đêm đến là con người thực, sống với chính mình, được là mình, được nổi loạn và phản kháng, dẫu chỉ là âm thầm, dẫu chỉ là kín đáo. Dù không yêu vợ nhưng cũng không dám công khai thể hiện. Sài phải sống hai cuộc đời, “Ban ngày ở chỗ công chúng là con người giả sống cho vừa lòng mọi người: yêu vợ. Ban đêm khi có một mình là con người thật. Không thể nào chung sống với một con người mà mình ghét từ đầu đến chân” [42, tr. 41]. Đêm tối cũng là người bạn tri âm, tri giao trong suốt những ngày lăn lộn trong chiến trường, đó là khoảng thời gian Sài sống thật với lòng mình nhất, những cảm xúc, những tình cảm yêu thương đối với Hương - mối tình đầu trong sáng và cũng đầy đẹp đẽ trong Sài.

Xây dựng diễn biến thời gian trong tác phẩm văn học không tuân theo quy luật từ quá khứ đến hiện tại, tương lai mà trong đó có những lúc có những khoảnh khắc đặc biệt của tâm trạng hay một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời nhân vật. Sài đang sống cuộc sống giữa hiện tại thời bình, tưởng đã lãng quên cái thời tuổi trẻ với những chiến công oanh liệt, với cả những hi sinh mất mát của đồng đội, trước sự việc chiếc ba lô bị cắt đứt quai thì kí ức bỗng ùa về, sống dậy tươi ròng “bỗng anh cảm thấy như hụt hơi, như lạc bước vào trận bom (…). Mới đêm qua thôi ư?” [42, tr. 331]. Nỗi đau và sự thức tỉnh đã giày vò Sài, nó không chỉ khơi gợi kỉ niệm mà còn như cứa sâu thêm nỗi đau của Sài, giúp anh bừng tỉnh, “không thể tiếp tục cuộc sống không phải là mình, không còn là mình” và “phải tìm cách sống khác thôi”.

Thời gian nghệ thuật dù ở dù ở bình diện nào cũng đều có nghĩa phản ánh hiện thực đời sống bộn bề cũng như khơi sâu thế giới tâm hồn phức tạp của con người, đồng thời cũng góp phần bộc lộ tài năng của người nghệ sĩ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua tiểu thuyết thời xa vắng của lê lựu (Trang 63 - 66)