Những kết quả đã đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 74 - 77)

5. Kết cấu Luận văn

3.4.1. Những kết quả đã đạt được

Một là, hệ thống văn bản pháp quy và các văn bản chỉ đạo điều hành quản quỹ NSNN của Bộ Tài chính, KBNN về kiểm soát chi thường xuyên NSNN đã đánh dấu một bước tiến mới trong công tác quản lý ngân sách nhà nước nói chung và công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN của KBNN nói riêng. Cơ chế kiểm soát chi NSNN qua KBNN của Kho bạc Nhà nước theo Luật NSNN(sửa đổi) cũng được hoàn thiện và đáp ứng kịp thời cơ chế quản lý NSNN trong giai đoạn mới.

Hai là, đối với lĩnh vực chi NSNN, một trong những văn bản quan trọng để KBNN huyện Bình Liêu, Quảng Ninh thực hiện kiểm soát chi NSNN qua KBNN là thông tư 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính(có hiệu lực từ 15/11/2012) về quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, thông tư này ra đời đã cơ bản giải quyết được những điểm chưa phù hợp như:

+ Đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan Tài chính đối với trường hợp chi trả theo hình thức lệnh chi tiền; trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN đối với các khoản mua sắm nhỏ lẻ dưới 20 triệu đồng, các khoản chi thường xuyên dưới 20 triệu đồng đơn vị chỉ lập bảng kê chứng từ thanh toán, không phải gửi hợp đồng, hoá đơn, các chứng từ liên quan đến KBNN;

+ Đã loại bỏ dự toán quý, nhu cầu chi quý; khắc phục tình trạng số dư tạm ứng của các đơn vị sử dụng NSNN tại KBNN cao tồn tại qua các năm; cho phép tạm ứng theo hợp đồng hoặc không quá 30% dự toán đã bố trí cho khoản chi mua sắm sửa chữa đó.

+ Bỏ việc đóng dấu đã thanh toán lên chứng từ gốc của đơn vị; cho phép thanh toán không dùng tiền mặt theo hình thức thẻ “ tín dụng mua hàng” cho các khoản mua sắm bằng “thẻ”,….

Ba là, KBNN Bình Liêu đã kiểm soát tương đối chặt chẽ các khoản chi tiêu của các đơn vị sử dụng NSNN bằng việc yêu cầu các đơn vị phải chấp hành đầy đủ các điều kiện chi NSNN theo Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn hiện hành, cụ thể:

+ Thông qua kiểm soát chi đã giúp các đơn vị sử dụng NSNN làm tốt công tác phê duyệt và quyết toán các nguồn vốn NSNN; Công tác lập, duyệt và phân bổ dự toán đã dần đi vào nề nếp, thời hạn nhập dự toán, gửi dự toán chi đến KBNN ngày một đúng hơn, chất lượng dự toán đã được nâng cao đáp ứng tương đối chính xác các nhiệm vụ chi của các đơn vị sử dụng NSNN.

+ Thông qua kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hình thức rút dự toán đã tạo điều kiện cho các đơn vị dự toán chấp hành việc sử dụng NSNN theo đúng dự toán được duyệt, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do Nhà nước quy định. Cơ quan Kho bạc có cơ sở để kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, sửa chữa của đơn vị, giúp đơn vị triển khai việc thực hiện ngày một tốt hơn.

+ Nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị trong việc quản lý chi NSNN cũng được quy định rõ ràng hơn. Cụ thể, đối với cơ quan tài chính đã tăng cường được tính chủ động trong việc tham mưu với các cấp chính quyền địa phương trong điều hành NSNN. Đối với đơn vị dự toán, việc tổ chức chi và kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo dự toán cũng giúp tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị trong quá trình chuẩn chi.

+ KBNN Bình Liêu đã luôn thực hiện đầy đủ các nội dung kiểm soát chi, chấp hành nghiêm quy trình kiểm soát chi, thực hiện công khai quy trình kiểm soát chi tại trụ sở làm việc và thông báo trên các phương tiện thông tin của tỉnh; đến các cơ quan, đơn vị giao dịch trên địa bàn hiểu rõ và tuân thủ thực hiện. Qua kiểm soát chi, các khoản chi tiêu NSNN của các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN đã dần dần đúng mục đích, tiết kiệm và phát huy hiệu quả ngày càng cao, nhiều khoản chi sai nguyên tắc, chế độ tài chính, chưa đủ thủ tục thanh toán đã bị KBNN kiên quyết từ chối, nâng cao ý thức sử dụng kinh phí NSNN đối với các đơn vị sử dụng NSNN, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Bốn là, việc quản lý tài chính nội bộ của các đơn vị tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP đã giúp các đơn vị nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy mọi tiềm năng của các đơn vị. Theo đó công tác kiểm soát chi đã có sự chuyển biến về chất mới, một mặt các nguyên tắc kiểm soát chi vẫn được đảm bảo, mặt khác các căn cứ

pháp lý cho việc kiểm soát chi đối với các đơn vị sử dụng NSNN dần được hoàn thiện, đó là chế độ chi tiêu nội bộ của đơn vị, chế độ, chính sách của tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý chuyên ngành được rõ rệt. Đồng thời cơ chế mới áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp với mục tiêu trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm là, trong quá trình thực hiện cơ chế cấp phát, thanh toán và kiểm soát chi NSNN qua KBNN đối với các đơn vị thực hiện khoán biên chế và kinh phí hoạt động đã giúp cho các đơn vị quan tâm đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy sao cho gọn nhẹ hiệu quả hơn, xoá bỏ tâm lý khi giao thêm công việc lại xin thêm biên chế; mặt khác tránh được độ ì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi được hưởng của mỗi cán bộ trong đơn vị được nâng cao.

Sáu là, tạo tính chủ động cũng như tăng cường ý thức tiết kiệm của cả tập thể đơn vị trong quá trình sử dụng kinh phí. Việc sử dụng kinh phí khoán sẽ được minh bạch hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tế, đúng mục đích và hiệu quả. Tăng cường được sự giám sát giữa người sử dụng lao động với lao động và giữa những người lao động với nhau trong cùng một đơn vị,

Trong giai đoạn 2014-2016, công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Bình Liêu đã từ chối thanh toán nhiều khoản chi với số tiền hàng chục tỷ đồng. Được thể hiện qua bảng số liệu sau:

Bảng 3.6. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Bình Liêu giai đoạn 2014 - 2016

Năm 2014 2015 2016

Số chi qua kiểm soát

(Triệu đồng) 4.953.775 6.386.294 7.941.598 Số món chưa đủ thủ tục

(món) 444 285 180

Số tiền từ chối thanh toán

(Triệu đồng) 10.245 5.894 3.990

Những món chi bị KBNN Bình Liêu từ chối thanh toán chủ yếu là do: các khoản chi đơn vị đề nghị thanh toán không có trong dự toán được duyệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị có phát sinh, thay đổi song đơn vị sử dụng ngân sách chưa đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung hoặc điều chỉnh dự toán; các khoản chi không đúng chế độ định mức do Nhà nước quy định, chứng từ chưa hợp phát hợp lệ; hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ để làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát thanh toán...

Qua bảng số liệu trên cho thấy từ năm 2014-2016 số món chưa đủ thủ tục, số tiền KBNN Bình Liêu từ chối thanh toán có xu hướng giảm mạnh. Điều đó chứng tỏ công tác quản lý, sử dụng kinh phí NSNN của các đơn vị đã dần đi vào lề nếp. Các đơn vị đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mình trong việc quản lý sử dụng NSNN, có ý thức chấp hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức Nhà nước quy định và dự toán được duyệt, nâng cao tính chủ động của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách cấp, hạn chế và giảm dần những sai sót, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN đúng mục đích, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, góp phần ổn định chính trị tại địa phương. Qua đó công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Bình Liêu cũng được thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 74 - 77)