Yếu tố thuộc về đối tượng sử dụng NSNN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 71 - 72)

5. Kết cấu Luận văn

3.3.2. Yếu tố thuộc về đối tượng sử dụng NSNN

Một là, việc chấp hành Luật NSNN của các đơn vị thụ hưởng NSNN

Việc chấp hành Luật NSNN của các đơn vị thụ hưởng NSNN đóng vai trò quan trọng nhất. Các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn; các tổ chức, cá nhân phải hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ về NSNN nói chung và chi NSNN nói riêng theo quy định của Luật NSNN. Các đơn vị cần thấy rõ kiểm soát chi là trách nhiệm của mình chứ không phải là trách nhiệm là công việc của riêng ngành Tài chính, của cơ quan KBNN. Các ngành, các cấp cần xác định rõ vai trò của mình trong quá trình quản lý chi NSNN, từ khâu lập dự toán, phân bổ dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán các khoản chi NSNN.

Hai là, trình độ quản lý tài chính của các đơn vị thụ hưởng NSNN

Trình độ quản lý tài chính của thủ trưởng các đơn vị thụ hưởng NSNN vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong thực tế thủ trưởng các đơn vị thường tập trung vào công tác chuyên môn theo lĩnh vực, ít đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu các chế độ văn bản về công tác quản lý tài chính. Mặt khác trình độ cán bộ làm công tác kế toán tại các đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế bởi chất lượng đầu vào, cán bộ cập nhật kiến thức tài chính mới chưa thường xuyên, kịp thời. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ kế toán của các xã, phường, thị trấn; kế toán các trường học vẫn còn có những cán bộ không được đào tạo qua trường lớp mà là kiêm nhiệm… Từ đó việc hạch toán kế toán còn lúng túng, công tác tham mưu cho lãnh đạo còn hạn chế dẫn đến việc quản lý, sử dụng ngân sách còn chưa đúng mục đích, kém hiệu quả. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm chế độ làm mất cán bộ và thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Ba là, chất lượng dự toán chi NSNN của các đơn vị sử dụng NSNN.

Dự toán chi NSNN là nhân tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến kiểm soát chi ngân sách, bởi vì dự toán chi NSNN là căn cứ pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất để KBNN thực hiện kiểm soát chi ngân sách. Để phục vụ tốt cho kiểm soát chi ngân sách, dự toán chi NSNN phải đảm bảo các yếu tố sau:

Tính kịp thời: Dự toán chi NSNN phải được giao cho đơn vị sử dụng ngân sách kịp thời. Theo quy định của Luật NSNN, dự toán chi NSNN phải được giao cho đơn vị sử dụng NSNN muộn nhất là ngày 31/12 năm trước.

Tính chính xác: nội dung chi, mức chi phải phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị và phải phù hợp với chính sách điều hành chung của Nhà nước trong lĩnh vực chi NSNN.

Tính đầy đủ: dự toán chi NSNN phải bao quát hết nhu cầu chi tiêu trong năm của đơn vị sử dụng ngân sách.

Tính chi tiết: dự toán chi NSNN phải chi tiết đến nội dung chi, lĩnh vực chi, tiến độ chi, phù hợp với cơ chế quản lý chi tiêu NSNN từng thời kỳ. Dự toán chi NSNN càng chi tiết thì việc kiểm soát chi ngân sách của KBNN càng thuận lợi và chặt chẽ.

Bốn là, nhận thức và ý thức chấp hành của các đơn vị sử dụng NSNN.

Nhận thức và ý thức chấp hành của các đơn vị sử dụng NSNN ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát chi ngân sách qua KBNN bởi vì tất cả các khoản chi tiêu kinh phí của NSNN đều diễn ra tại đây, KBNN chỉ thực hiện kiểm soát hồ sơ, chứng từ do họ lập nên. Do vậy, một mặt cần nâng cao nhận thức của đơn vị sử dụng NSNN về chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực chi tiêu NSNN, cũng như thấy rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của KBNN trong việc kiểm soát các khoản chi tiêu của họ. Mặt khác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc chi tiêu công quỹ của các đơn vị sử dụng NSNN, làm cho họ thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc sử dụng NSNN đúng chế độ, chính sách, pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 71 - 72)