5. Bố cục của luận văn
4.2.2. Phân loại nợ thuế
Trên thực tế, nợ thuế đã được phân loại theo nhiều tiêu chí nhằm có những đánh giá đầy đủ nhất về tình hình nợ thuế, cũng như giúp cơ quan Thuế xác định được loại nợ thuế cần được tập trung nguồn lực và thứ tự ưu tiên khi xử lý các khoản nợ. Theo đó, nợ đã được phân loại theo các tiêu thức: tính chất nợ, sắc thuế, ngành nghề kinh doanh, khả năng thu hồi nợ, nội dung nợ.
Tuy nhiên có hai vấn đề đáng chú ý.
Việc theo dõi nợ thuế chi tiết và theo nhiều khía cạnh có ưu điểm là giúp đánh giá cụ thể từng khoản nợ, tìm ra được cặn kẽ nguyên nhân nợ để có biện pháp xử lý phù hợp nhất, nhưng đồng thời cũng có nhược điểm là nếu không có hệ thống theo dõi khoa học sẽ khiến cho việc quản lý, tổng hợp, phân tích trở nên phức tạp, tốn thời gian và chi phí. Như vậy nợ thuế cần phải được phân loại, tổng hợp trên hệ thống phần mềm với cách sắp xếp, tính toán khoa học để dễ đưa ra nhận xét, dễ đánh giá, dễ theo dõi. Cách phân loại nào không mang lại nhiều lợi ích thì nên loại bỏ bớt.
Thứ hai, ý nghĩa của việc phân loại nợ thuế là giúp cán bộ thuế tìm ra được, trước hết là loại nợ thuế nào đang chiếm tỷ lệ cao, rủi ro đến đâu, sau đó là nguyên nhân gây ra khoản nợ, và là cơ sở để cán bộ thuế ra quyết định về thứ tự ưu tiên khi xử lý các khoản nợ. Nếu không đạt được ý nghĩa này, việc phân loại nợ thuế là vô ích. Như vậy, sau khi phân loại được nợ thuế, cán bộ thuế phải có những đánh giá chính xác dựa trên kết quả đó, làm cơ sở cho các quyết định tiếp theo, trong đó đặc biệt chú ý đến việc tìm ra nguyên nhân phát sinh khoản nợ, là bởi lý do khách quan hay chủ quan từ phía người nộp thuế, để từ đó áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay, hay có những hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, cuối cùng thực hiện được mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế vào NSNN.
Trong quá trình phân loại nợ thuế, cần giảm thiểu số nợ cũng như thời gian nợ thuế thuộc loại nợ chờ xử lý: Gồm số nợ được gia hạn, chờ xoá nợ, miễn giảm, nộp dần tiền thuế nợ. Đây là khoản nợ chưa có, hoặc còn thiếu căn cứ để được phân loại vào các khoản nợ thông thường, chỉ sau khi được phân loại vào các khoản nợ cụ thể, các khoản nợ này mới có hướng giải quyết. Như vậy, càng để nợ thuế trong tình trạng chờ xử lý lâu, cơ quan thuế càng mất nhiều thời gian, chi phí theo dõi, rủi ro càng cao. Đối với khoản nợ thuế này, cần nhanh chóng thu thập thông tin, tiến hành đi sâu phân tích chuyển sang khoản nợ khó thu hoặc nợ có khả năng thu để áp dụng biện pháp xử lý tiếp theo cho phù hợp.